Tôi tạt vào một chỗ sửa giày, dép trên đường Nguyễn Trãi (TP. Long Xuyên) để nhờ may đôi giày. Buổi trưa oi nồng, người đàn ông sửa giày cởi trần, chăm chú vào từng động tác may. Chốc chốc, anh lại ngừng tay, với lấy ca nước lạnh sau lưng uống ừng ực. Bên cạnh, một bé gái nằm chơi trên miếng ny-lon nhỏ. May xong, anh bảo tiền công 15.000 đồng. Tôi đưa anh tờ 50.000 đồng, anh móc chiếc ví lép kẹp ra, rồi ngập ngừng trả tiền lại, bảo: “Em có đi đâu thì đi, khi nào có tiền lẻ thì quay lại trả anh cũng được, anh không có tiền thối”.
 
 
Chắc vì vậy mà nghề sửa giày, dép có thể mang lại sinh kế lâu dài cho người thợ. Ông Nguyễn Văn Tuấn (45 tuổi, ngụ phường Mỹ Long) chia sẻ: “Mỗi ngày, tôi xách ghế và bộ đồ nghề ra ngồi trước cửa nhà, vừa thong thả uống cà phê, vừa chờ khách. Có ngày chờ mãi chẳng có ai, có ngày chưa sửa xong đôi này đã có khách khác đến hối. Tính ra, tôi lấy công làm lời, ngày nào sửa được chừng 5-7 đôi là đủ tiền chợ. Nghề này chẳng mang lại giàu có gì, nhưng tạm ổn. Nhờ vậy, tôi mới theo đến giờ, mấy chục năm rồi chứ ít gì!”. 
 
Nói đoạn, ông buông dở ly cà phê, đón lấy đôi giày của 1 phụ nữ vừa chạy xe đến đưa. Đôi giày bị sút đệm gót, mỗi lần đi nghe “cốp cốp”, nên chủ nhân nhờ chỉnh lại dùm. Ít phút lục lọi trong giỏ đồ, ông nhanh tay gắn thêm miếng đệm, cộng với vài công đoạn ngắn khác, vậy là xong. Khách quen, nên ông khoát tay, không lấy tiền. Đôi giày theo chủ về nhà, còn ông vẫn ngồi đó, cầm ly cà phê lên, nhấm nháp giây phút thư thái của buổi chiều.
 
Khu vực đường Lương Văn Cù - Huỳnh Văn Hây tập trung rất nhiều tiệm sửa và mua bán giày, dép cũ, mang tên dân dã “khu chợ trời”, chứng tỏ sức phát triển bền bỉ của nghề này. Những đôi giày tốt, được tân trang như mới, nằm ngay ngắn trên kệ cao, thu hút ánh mắt của người qua lại. Đôi nào cũ hơn một chút thì nằm dưới thấp, mang chút ủ rũ của bụi bặm phong trần. Đôi nào thuộc hàng “chà lết” thì nằm lăn lóc, chất đống trên đất. 
 
Ở góc bên này, bà Nguyễn Thị Đẹp (58 tuổi) bần thần: “Người ta có vốn liếng nên bỏ tiền ra mua giày, dép cũ loại tốt về. Kinh doanh tốt thì ngày càng có lời. Còn tôi, mấy chục năm nay ngồi dưới đất, mua đi bán lại giày, dép cũ bình dân. Loại mắc nhất tôi bán cũng chỉ hơn trăm ngàn, còn đa phần là 5.000, 10.000 đồng, giá nào cũng có. Khách hàng chỉ toàn dân nghèo như chúng tôi, bỏ vài chục ngàn ra mua đôi giày, đôi dép mang mấy tháng trời. Hàng cao cấp bền theo dạng cao cấp, hàng bình dân cũng bền theo dạng bình dân, tiền nào của nấy. Tôi chọn nghề này cũng chỉ vì ít vốn, vài trăm ngàn để mua ít hàng cũ, kim chỉ, vật dụng sửa chữa giày, dép... Rồi nghề dạy nghề, giúp tôi biết cách sửa cái đế, chỉnh cái quai sao cho tươm tất nhất”. 
 
Một phụ nữ đang chọn mua dép, chỉ vào đôi dép lào dưới chân mình, minh họa thêm: “Đôi này tôi mua có 10.000 đồng, mà mang được cả năm trời rồi. Đi chợ, xẹt tới xẹt lui, đâu nhất thiết phải mua đồ tốt, đồ mắc tiền chi cho uổng”.
 
Tôi nhớ dáng ngồi khum người khắc khổ của những người thợ sửa giày, nhớ ly cà phê tan chậm trong buổi chiều sắp mưa của ông Tuấn, nhớ đôi mắt chất đầy tâm sự của bà Đẹp khi nói về ước mơ có vốn để mở tiệm kinh doanh giày, dép mới… 
 
Họ dường như trở thành một phần quen thuộc của thành phố này, của mỗi người dân địa phương. Tuy nhiên, đằng sau hình ảnh quen thuộc ấy là những trăn trở chưa bao giờ nguôi: Ở góc độ quản lý, một số trường hợp đang sử dụng lòng đường, vỉa hè, ảnh hưởng đến trật tự đô thị, trật tự giao thông. Ở góc độ cá nhân, họ biết bản thân đang vi phạm, nhưng nếu không bám víu vào công việc, vào vị trí này, họ không biết phải đi đâu, làm gì… 
 
Tôi chỉ biết kết thúc bài viết bằng niềm hy vọng: Mọi chuyện sẽ phát triển tốt thôi. Bên cạnh nhịp sống hiện đại, văn minh, vẫn dung hòa được những góc nhỏ cũ kỹ mà đầy ký ức, như những người thợ sửa giày, dép ấy vậy.
 
Theo Khánh Hưng (Báo An Giang)
.