Hàng trăm người dân sinh sống dọc theo tuyến sông Krông Nô - đoạn chảy qua xã Ea Rbin, huyện Lắk (Đắk Lắk) đang hết sức lo lắng và hoang mang trước tình trạng sạt lở đất.
 
Nhiều diện tích hoa màu của họ đã bị nhấn chìm, nguy hại hơn, hàng chục ngôi nhà đang chực chờ có thể bị đổ sụp xuống lòng sông bất cứ lúc nào…
 
Đứng thẫn thờ trước mảnh đất canh tác bấy lâu nay của gia đình, ông Nguyễn Khương Phú Huynh (45 tuổi, trú tại tổ tự quản 3, buôn Plao Siêng, xã Ea Rbin, huyện Lắk) buồn bã cho biết, trước đây, gia đình ông có hơn 3,6ha đất canh tác hoa màu dọc bờ sông, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng nhưng giờ chỉ còn vỏn vẹn chưa đầy 1ha.
 
Nhiều ngôi nhà của người dân đang chực chờ rơi xống lòng sông vì sạt lở.
Nhiều ngôi nhà của người dân đang chực chờ rơi xống lòng sông vì sạt lở.
 
“Từ năm 2013 đến nay, gia đình tôi đã 3 lần bị mất đất vì sạt lở bờ sông. Từ hơn 3,6ha đất canh tác ban đầu, nay chỉ còn vỏn vẹn chưa đầy 1ha. Với đà này, trong vài năm tới gia đình tôi chẳng còn đất để mà sản xuất”, ông Huynh nói.
 
Cũng lâm vào tình cảnh tương tự, gia đình ông Hoàng Văn Hiệu (52 tuổi, trú cùng buôn) từ năm 2014 đến nay đã hơn 3 lần phải di dời và làm lại nhà ở chỗ khác.
 
“Cứ mỗi lần nước sông dâng cao thì tình trạng sạt lở lại diễn ra. Có nhiều hôm, chỉ qua một đêm, cả khu vườn rộng lớn của gia đình đã đổ sập xuống lòng sông. Sợ nhất là những ngày mưa to, gió lớn, nước sông dâng cao cả gia đình không ai dám ngủ vì lo sông lở nuốt mất nhà, ảnh hưởng đến tính mạng của gia đình”, ông Hiệu lo lắng.
 
Không riêng gì gia đình ông Hiệu, ông Huynh, mà chỉ tính riêng tại tổ tự quản số 3, buôn Plao Siêng đã có hàng chục hộ dân đang phải gồng mình chống chọi với nạn sạt lở bờ sông. 
 
“Sống trên miệng… “Hà bá” nên mỗi lần nước sông dâng cao, chảy cuồn cuộn thì người dân lại phải di tản đi nơi khác. Nhiều người sau khi trở về, ruộng vườn, nhà cửa đã bị nhấn chìm xuống lòng sông”, ông Trương Văn Tỏ, Tổ trưởng tổ tự quản số 3 cho biết.
 
Cũng theo ông Tỏ, trước đây lòng sông này khá hẹp và cạn, hơn 40 hộ dân sống trong tổ có thể lội qua để làm nương rẫy một cách dễ dàng. Thế nhưng, vài năm trở lại đây, tình trạng sạt lở bờ sông tại khu vực này xảy ra liên tục với tốc độ “chóng mặt”, khiến lòng sông đã được mở rộng thêm hàng chục mét mỗi bên, lấy đi nhiều diện tích đất ở và sản xuất của bà con sống ven sông. 
 
“Trước tình trạng trên, chính quyền địa phương đã tiến hành di dời một số hộ dân nằm trong diện cảnh báo cực kỳ nguy hiểm, hiện vẫn còn hàng chục hộ dân nằm trong vùng sạt lở nguy hiểm nhưng chưa thể di dời vì thiếu kinh phí”, ông Tỏ thông tin thêm.
 
Theo tìm hiểu của PV Báo CAND, không chỉ các hộ dân sinh sống tại tổ tự quản số 3, mà hàng trăm hộ dân sinh sống dọc theo bờ sông Krông Nô chảy qua địa bàn xã Ea Rbin cũng đang phải “gồng mình” chống chọi với tình trạng sạt lở. 
 
Theo thống kê của xã Ea Rbin, chỉ tính riêng trên một đoạn sông ngắn hơn 1km chảy qua trung tâm xã đã có đến 20 hộ dân, với khoảng 30.000m² đất nằm trong tình trạng có nguy cơ bị sạt lở nghiêm trọng. Trong đó có đến 9 hộ có nhà nằm cách mép sông chỉ từ 3 đến 5 mét cần phải di dời khẩn cấp vì nhà có thể bị đổ ập xuống lòng sông bất cứ lúc nào.
 
Ông Nguyễn Xuân Hoãn, Phó Chủ tịch UBND huyện Lắk cho biết, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sạt lở bờ sông trong những năm gần đây là do việc xả nước của Nhà máy thủy điện Buôn Tua Sah ở đầu nguồn. 
 
“Với đặc thù địa hình vùng đất pha cát nên mỗi khi nhà máy thủy điện xả nước, mực nước trên sông dâng cao, dẫn đến làm lệch dòng chảy khiến đất hai bên bờ bị sạt lở. Ngoài nguyên nhân trên, một nguyên nhân khác khiến sông bị sạt lở là do tình trạng khai thác cát ồ ạt nơi đây vẫn diễn ra”, ông Hoãn cho hay.
 
Cũng theo ông Hoãn, trước tình trạng sạt lở, đe dọa trực tiếp đến tài sản và tính mạng của các hộ dân nơi đây, chính quyền địa phương đã phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành khảo sát, đánh giá tình hình và di dời những hộ dân có nguy cơ bị sạt lở cao vào khu vực an toàn để đảm bảo về người và tài sản, đồng thời nhanh chóng ổn định đời sống của nhân dân. 
 
“Tính đến nay, chúng tôi đã phối hợp cùng Nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah thực hiện 5 đợt bồi thường, hỗ trợ cho người dân với tổng số tiền hơn 6,5 tỷ đồng. Hiện số hộ bị thiệt hại còn lại đang được đo đạc, kiểm kê để lập phương án hỗ trợ, bồi thường trong thời gian tới”, ông Hoãn thông tin thêm.
 
Ông Đặng Tấn Phúc, Phó phòng Kỹ thuật, Công ty thủy điện Buôn Kuốp (đơn vị chủ quản Nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah) thừa nhận cho rằng, việc vận hành Nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah đã ít nhiều gây ảnh hưởng khiến cho bờ sông Krông Nô bị sạt lở. 
 
“Trước phản ánh của người dân, đơn vị đã tiến hành khảo sát, đo đạc, kiểm kê những diện tích hoa màu bị thiệt hại và đã có phương án đền bù. Riêng những gia đình có nhà nằm trong khu vực có nguy cơ bị sạt lở cao, đơn vị cũng đã có phương án di dời khẩn cấp đến nơi an toàn nhằm đảm bảo tính mạng, tài sản cho người dân. Ngoài các biện pháp trên, để giảm thiểu tối đa tình trạng sạt lở bờ sông Krông Nô, đơn vị sẽ tiến hành điều chỉnh lại việc vận hành Nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah”, ông Phúc cho biết thêm.
 
Người dân cho rằng, những giải pháp xử lý, khắc phục sạt lở bờ sông Krông Nô của địa phương trong thời gian qua vẫn chỉ là những giải pháp trước mắt, mang tính tạm thời. Về lâu dài, người dân nơi đây đang rất cần chính quyền địa phương có những biện pháp phù hợp hơn, căn cơ hơn nhằm khắc phục triệt để ổn định cuộc sống cũng như sản xuất cho người dân.
 
Theo Văn Thành/Công an nhân dân
.