(BVPL) - Những câu chuyện li kì nửa hư, nửa thực đã không ngăn được bước chân chúng tôi tìm vào khu rừng thiêng. Từ TP. Kon Tum, phải mất 5 giờ đồng hồ vượt đèo, leo dốc chúng tôi mới đến Đắk Blô, đây là xã nghèo nhất, xa nhất của tỉnh Kon Tum. Để đến được bản Bun Tôn, chúng tôi phải vượt qua những con dốc khúc khuỷu, uốn lượn như dải dây thừng ngoằn ngoèo xuôi theo những núi đá dựng đứng, chênh vênh… Sau nửa ngày trời vật lộn với con đường “đau khổ”, chúng tôi cũng đến được bản Bun Tôn khi cơn mưa rừng vừa dứt.  

 


Để mục sở thị khu rừng và những quan tài treo bí ẩn chúng tôi nhằm thẳng hướng khu rừng rậm rạp nhất và thuê người dẫn đường.

Tìm được những thanh niên bản vạm vỡ, nhanh nhẹn, nhưng dù chúng tôi hứa sẽ trả cho họ một khoản tiền khá lớn nhưng ai nấy cũng lắc đầu nguầy nguậy bảo: “Không vào được đâu, vào đó là chỉ có nước chết thôi”.

Không còn cách nào khác, tôi và anh bạn đồng nghiệp đành phải băng rừng xuyên theo lối mòn qua cây cầu treo để vào khu rừng ma. Một lần nữa, cơn mưa rừng bất chợp ào ào trút nước như thử thách lòng kiên nhẫn của chúng tôi. Rất may, khi đang tìm chỗ trú mưa thì chúng tôi gặp lều bạt của một hộ gia đình người Giẻ - Triêng đang tuốt lúa. Khi chúng tôi hỏi đường vào khu rừng ma thì A Niu (người chồng) chép miệng: “Dân bản chưa có ai vào đó cả. Qua cầu treo, những quan tài ma sẽ hiện ra. Cầu được xây dựng năm 2007, những quan tài ma bằng gỗ đã bị đám công nhân đem chôn rồi. Các anh muốn vào phải đi sâu hơn nữa may ra mới tìm thấy”. A Niu còn  bảo, thần rừng sẽ đổ mưa để cản chân những ai vào khu rừng. Trời tạnh mưa sau hơn một tiếng trút nước. Hai chúng tôi phải đi gấp để kịp về trước khi trời tối. Khu rừng già dần hiện ra, âm u, hoang vắng đến lạnh người. Cảm giác rờn rợn vẫn đeo đẳng tâm trí nhưng không ngăn được sự hồi hộp muốn chinh phục và khám phá những quan tài ma của chúng tôi.

Đi được một đoạn khá xa, những thảm lá mục mềm nhũn, xâm xấp nước như chực hút chúng tôi xuống vũng sình lầy. Cảm giác ngứa ngáy lan nhanh toàn cơ thể. Chúng tôi giật mình nhìn thấy vô số vắt rừng bu trên áo quần của chúng tôi. Con nhỏ thì bằng que tăm, con to thì bằng đầu đũa. Càng vào sâu, áo quần đầy vắt, chúng bâu đầy tay, chân, tóc tai chúng cũng không tha... Anh bạn sợ quá, lao nhanh về phía cầu treo. Rời khu rừng khi chưa chứng kiến được quan tài ma khiến chúng tôi hụt hẫng và tiếc nuối.

Những câu chuyện, những tập tục, sự tích huyền bí ở khu rừng già Đắk Blô vẫn còn đó sự bí ẩn thu hút những ai muốn khám phá, chinh phục.
 

Phúc Nguyên

.