(BVPL) - Là mùa đầu tiên trong vòng quay tứ quý, xuân được coi là khởi nguồn của sự sống. Và trong âm nhạc, màu sắc chủ đạo của nhạc xuân là những cung bậc trạng thái từ tươi sáng, hân hoan, rộn ràng hoặc êm đềm, man mác trầm mặc, suy tư... Đó là một góc nhìn của Nhà nghiên cứu và phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu trong cuộc trò chuyện đầu xuân với phóng viên báo Bảo vệ pháp luật.
Phóng viên: Được biết, chị là một trong những nhà phê bình âm nhạc lâu năm với rất nhiều tác phẩm nghiên cứu âm nhạc công phu, có giá trị lý luận và thực tiễn cao về nhiều lĩnh vực âm nhạc khác nhau. Vậy chị có thể cho biết âm nhạc và đề tài mùa xuân trong con mắt của các nhà phê bình âm nhạc?
Nhà nghiên cứu và phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu: Bạn cho rằng đề tài mùa xuân trong âm nhạc qua mắt nhà phê bình âm nhạc nhất thiết phải khác biệt với mọi người sao?
Nếu có chút gì khác thường thì có lẽ là do tôi cũng như những đứa trẻ lớn lên cùng âm nhạc đã có một tuổi thơ hơi… bất thường!
|
Nhà nghiên cứu và phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu. Ảnh: Vũ Phương |
Tuổi thơ của tôi gắn liền với các từ: chiến tranh, sơ tán, thiếu thốn, bất an… Song, không gian mà tôi hít thở mỗi ngày luôn là âm nhạc. In đậm từ thời con nít, rồi đi theo suốt cuộc đời là những giai điệu bất hủ, ở đó có hình tượng mùa xuân qua concerto Mùa xuân trong tổ khúc Bốn mùa cho violon và dàn dây của Vivaldi, Khát vọng mùa xuân cho giọng soprano và piano của Mozart, sonate Mùa xuân cho violon và piano của Beethoven, Mùa xuân thần thánh cho dàn nhạc giao hưởng của Stravinsky... Có bài tôi nghe đến “nát” đĩa (đĩa than hồi đó quý hiếm lắm!), có bài hàng ngày nghe người khác tập hoặc chính mình phải học trên piano như Spring song trong tập Bài ca không lời của Mendelssohn, Au printemps của Grieg. Với tôi, những di sản âm thanh vô giá ấy chính là mùa xuân vĩnh cửu của nhân loại.
Riêng di sản âm nhạc dân tộc, rất tiếc do hoàn cảnh lịch sử nên thế hệ chúng tôi không còn được sống trong không gian diễn xướng của nhiều loại hình âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Sau này lớn lên tôi mới được biết đến những giai điệu mùa xuân trong hát xoan, hát văn, hát then, bài chòi, quan họ, trống quân, ví giặm... Kho tàng nhạc cổ từng có không ít bài bản được tấu trong nghi lễ đón xuân và những làn điệu dân gian được hát trong lễ hội mùa xuân. Chưa rõ tên gọi “hơi xuân” trong nhạc cổ truyền có dính dáng gì tới mùa xuân không, vì từng có người cho rằng hơi xuân trong nhạc cổ liên quan đến cảm xúc thư thái cầu an của con người trước mùa xuân.
Còn trong nhạc mới thì sao? Có thể nói xuân được “gọi tên” nhiều nhất trong bốn mùa. Các nhạc sĩ nhiều thế hệ khác nhau, từ thuở bình minh tân nhạc đến nay dường như không ai có thể làm ngơ trước nàng xuân. Nhiều nhạc sĩ ngợi ca nàng xuân không chỉ có một bài. Chẳng hạn ở nhạc sĩ Văn Cao, từ Bến xuân của thời trai trẻ mơ màng “hồn mùa ngây ngất về đâu” cho đến Mùa xuân đầu tiên của ngày sum họp Bắc Nam “người biết quê người, người biết thương người, người biết yêu người” là cả một quãng đời sóng gió đầy chiêm nghiệm với thời cuộc. Ở nhạc sĩ Xuân Hồng, từ Xuân chiến khu đến Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh, rồi Mùa xuân bên cửa sổ cũng là chặng đường dài được gắn vào những cột mốc lịch sử chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Xuân hiện hữu trong những giai điệu đằm thắm niềm tin và tràn đầy sức sống của thời kỳ đấu tranh vì sự vẹn toàn của đất nước và dựng xây nước nhà: Bài ca hy vọng - Văn Ký, Tình ca - Hoàng Việt, Chào anh giải phóng quân, chào mùa xuân đại thắng - Hoàng Vân, Đường bốn mùa xuân - Đỗ Nhuận, Cung đàn mùa xuân - Cao Việt Bách, Đường tàu mùa xuân và Mùa xuân từ những giếng dầu - Phạm Minh Tuấn, Một mùa xuân nho nhỏ - Trần Hoàn, Mùa xuân đến rồi đó - Trần Chung, Mùa xuân làng lúa làng hoa - Ngọc Khuê, Mùa xuân gọi - Trần Tiến, Hạt mưa mùa xuân - Trương Ngọc Ninh, Nét ca trù ngày xuân - Nguyễn Cường…
Xuân rất dịu dàng, duyên dáng, đắm say trong nhiều tình khúc mang tên xuân: Góp lá mùa xuân, Ru em từng ngón xuân nồng và Hoa xuân ca - Trịnh Công Sơn, Lời tỏ tình của mùa xuân - Thanh Tùng, Lắng nghe mùa xuân về và Hơi thở mùa xuân - Dương Thụ, Mùa xuân chim én bay - Hoàng Hiệp, Chiều xuân và Thì thầm mùa xuân - Ngọc Châu, Hoa cỏ mùa xuân - Bảo Chấn, Điệp khúc mùa xuân - Quốc Dũng, Mưa xuân - Đức Trịnh…
Mỗi năm cứ Tết đến là khắp nơi, từ các tụ điểm ca nhạc đến các nhà đài lại rộn rã: “Tết Tết Tết Tết đến rồi” (Ngày tết quê em - Từ Huy) và “Xuân xuân ơi xuân đã về” (Mùa xuân ơi - Nguyễn Ngọc Thiện). Chương trình đón xuân trên sóng phát thanh truyền hình mấy năm gần đây lại có thêm những câu hát mênh mang tình người trước giao thừa : “Ta đi bên nhau đón xuân đang về tới” (Khúc giao mùa - Huy Tuấn) và “Mùa xuân để ta hát lên trao tặng nhau” (Phút giao thừa lặng lẽ - Anh Quân).
Những khúc ca xuân kể trên mới chỉ là một phần nhỏ trong số những bài hát thuộc đề tài mùa xuân. Không ít ca khúc xuân đã trở thành bài hát sống mãi với thời gian.
Phóng viên: Có thể thấy gì về ngôn ngữ âm nhạc trong những tác phẩm về mùa xuân?
Nhà nghiên cứu và phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu: Đôi khi tác phẩm khí nhạc hoặc thanh nhạc không hề có một từ “xuân” nào nhưng vẫn mang hơi thở mùa xuân; ngược lại, không ít bài hát nếu lược bỏ những từ “xuân” đi thì có thể gán vào mùa nào khác cũng được. Mỗi tác giả cảm nhận mùa xuân và vẽ lại mùa xuân bằng âm thanh theo cách riêng. Vì thế vài lời ngắn gọn ở đây không thể đi sâu vào ngôn ngữ âm nhạc, mà chỉ có thể phác ra cái tinh thần chung của đề tài mùa xuân trong âm nhạc thôi.
|
Khi những điệu kèn, điệu múa, những nốt nhạc xuân vang lên là báo hiệu một mùa xuân mới đang về |
Là mùa đầu tiên trong vòng quay tứ quý, xuân được coi là khởi nguồn sự sống. Cỏ cây đâm chồi nảy lộc, vạn vật hồi sinh khiến con người ta dễ mở lòng trước thiên nhiên đất trời và dễ hòa mình với cộng đồng hơn. Chẳng thế mà xuân được coi là mùa lễ hội, mùa yêu đương, mùa gặp gỡ hẹn hò, giao tiếp đãi đằng. Chẳng phải vô cớ mà cảm xúc mùa xuân trong âm nhạc thường gắn với tuổi trẻ và tình yêu, với khát vọng và niềm tin.
Tươi sáng, trong lành, hân hoan, phơi phới, rộn ràng; hoặc êm đềm, bâng khuâng, man mác, trầm mặc, suy tư… - dù ở trạng thái nào đi nữa thì màu sắc chủ đạo của nhạc xuân vẫn thường nghiêng về tính lạc quan, yêu đời, ngợi ca cuộc sống.
Người Việt lạc quan. Người Việt thích ngợi ca. Người Việt luôn đón xuân trong niềm hy vọng năm mới tốt lành hơn năm cũ. Có thể vì thế mà xuân là mùa được các nhạc sĩ Việt Nam ưu ái hơn cả?
Phóng viên: Mùa xuân luôn được coi là cảm hứng vô tận của các nhạc sĩ, các nhà soạn nhạc. Thế nhưng, những tác phẩm âm nhạc bất hủ về mùa xuân, neo đậu sâu trong lòng người nghe dường như chỉ được ra đời từ những thế hệ nhạc sĩ xưa. Phải chăng, thời cuộc hiện nay không tạo được cảm hứng sâu lắng để có những sáng tác âm nhạc hay như xưa? Theo chị, bức tranh âm nhạc hiện nay như thế nào?
Nhà nghiên cứu và phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu: Những bài hát vừa kể trên có phải toàn là của các “nhạc sĩ xưa” đâu, có cả tác giả trẻ đấy chứ. Số lượng “bài ca đi cùng năm tháng” của tác giả trẻ chưa nhiều cũng là đương nhiên thôi, vì còn phải chờ tác phẩm đi vào đời sống xã hội và chịu sự sàng lọc của thời gian nữa.
Ta thử nhìn nhận với tinh thần lạc quan của mùa xuân nhé: so với lịch sử hàng trăm năm của âm nhạc hàn lâm thế giới thì nền nhạc mới chuyên nghiệp ở Việt Nam với tuổi đời chưa đầy tám thập kỷ vẫn còn quá trẻ, vẫn là tuổi xuân, có thể chưa hết non nớt và ấu trĩ, nhưng tất cả còn đang ở phía trước. Trong thời đại hòa nhập thế giới, thế hệ @ có lợi thế nhiều hơn lớp cha chú, chỉ cần các nhạc sĩ trẻ biết trang bị cho mình cái gốc, cái tôi vững vàng để có được tiếng nói riêng độc đáo trên nhạc trường quốc tế.
Nếu nói bức tranh âm nhạc hiện nay thiếu tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao, thì cũng không hẳn vì thời nay ít cảm hứng sáng tác hơn thời xưa. Chưa bao giờ đề tài và ngôn ngữ sáng tác phong phú và đa dạng như hiện nay. Cũng chưa bao giờ đội ngũ sáng tác đông đảo như bây giờ, điều kiện học hỏi trong thời đại toàn cầu hóa rộng mở hơn, việc quảng bá tác phẩm nhờ công nghệ thông tin trở nên dễ dàng hơn. Vậy thì vấn đề là do đâu?
Theo tôi, điều mấu chốt vẫn là vai trò quản lý. Người quản văn hóa lý nghệ thuật phải khích lệ sự sáng tạo, nhất là với giới trẻ, sao cho những cái “hơn” đó được phát huy đúng hướng; phải gây dựng môi trường âm nhạc sao cho nhạc chính thống có tiếng nói trong đời sống xã hội; phải tạo điều kiện sống thế nào để nhạc sĩ có thể toàn tâm, toàn ý sáng tạo nhiều tác phẩm cho đời, còn tác phẩm có “để đời” được hay không, thời gian sẽ trả lời.
Phóng viên: Nhiều người cho rằng, hiện nay, ca nhạc không phải để nghe mà để nhìn. Chị có cái nhìn như thế nào trước thực trạng buồn này?
Nhà nghiên cứu và phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu: Môi trường âm nhạc rất quan trọng trong việc hình thành thị hiếu đại chúng. Các chương trình âm nhạc trên sóng phát thanh truyền hình, cũng như bình luận âm nhạc trên báo chí cũng có tác động ghê gớm. Nhạc thị trường lũng loạn sinh hoạt đời sống ca nhạc trong nhiều năm đã dẫn đến nhiều lệch lạc trong mọi lĩnh vực: sáng tác, biểu diễn và thưởng thức âm nhạc. Sự thiếu hụt về chất lượng ca khúc và sự non nớt của giọng hát luôn được bồi đắp bằng những yếu tố “ngoài âm nhạc” chỉ để mãn nhãn khán giả (chứ không phải thính giả!), như đầu tóc, trang phục, bài trí, múa minh họa, tương tác màn hình, hiệu ứng phun khói, hiệu ứng ánh sáng laser…, từ đó dẫn đến những hiện tượng phản cảm, thậm chí thảm họa trong sinh hoạt ca nhạc. Thêm nữa, lối đưa tin câu khách của nhiều tờ báo mang tính lá cải, nhất là báo mạng luôn thổi phồng và quảng bá cho những tình tiết phi âm nhạc, phi thẩm mĩ, phi văn hóa.
Đáng buồn thật đấy, song đó đâu phải đại diện duy nhất của nền âm nhạc Việt Nam hiện nay. Dù thế nào đi nữa, với cái tâm của người làm âm nhạc chuyên nghiệp, nhiều nhạc sĩ vẫn bền bỉ trong công việc sáng tạo của mình, còn làm sao đưa tác phẩm có giá trị nghệ thuật đích thực đến được với công chúng lại là câu chuyện khác.
Phóng viên: Trong thực trạng này, chị nghĩ gì về giáo dục âm nhạc cho lớp trẻ để tránh những trào lưu hời hợt theo thị hiếu?
Nhà nghiên cứu và phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu: Nhân nói đến chủ đề xuân, chỉ điểm sơ sơ ở trên cũng thấy là ở ta không thiếu bài hát mùa xuân. Ấy vậy mà mấy mùa xuân gần đây đi đâu cũng nghe ra rả: “Con bướm xinh, con bướm xinh, con bướm đa tình” trên giai điệu một bài hát cách đây ba thập kỷ Trung Quốc cha cha cha. Ca khúc ngoại lai được đặt lời Việt mới với tiêu đề mới: Con bướm xuân và hát đi hát lại với tần suất lớn quả thực rất khó chịu, thậm chí quá tra tấn đối với “tai nhạc chuyên nghiệp”, nhưng nó vẫn nổi đình nổi đám như một hiện tượng âm nhạc gây sốt trong giới trẻ. Tại sao vậy?
Và tại sao phần lớn công chúng, đặc biệt các bạn trẻ, vẫn thích thứ nhạc để nhìn chứ không phải để nghe?
Không thể cấm đoán và áp đặt sở thích của lớp già cho tuổi trẻ. Cũng không thể đổ hết lỗi cho giới trẻ về những trào lưu hời hợt trong thị hiếu. Lỗi ở chính lớp già chúng ta, những người nuôi dưỡng con cháu chúng ta, những người chịu trách nhiệm về môi trường thưởng thức âm nhạc đại chúng, về hệ thống giáo dục phổ thông nói chung và nghệ thuật âm nhạc nói riêng.
Một không gian âm nhạc bát nháo, loạn chuẩn, nhiều rác rưởi luôn tiềm ẩn những biểu hiện thẩm mỹ rẻ tiền, lệch lạc. Một bầu không khí âm nhạc trong sạch, tốt lành là điều kiện nuôi dưỡng những đứa trẻ hướng thiện, có thẩm âm tốt, biết phân biệt và chọn lọc giá trị thật - giả để tự bảo vệ mình trước mọi nhiễu loạn trong thế giới thông tin toàn cầu đa kênh, đa chiều.
Đến đây câu chuyện lại quay về điểm mấu chốt là nhà quản lý: Để gây dựng được môi trường nhạc sạch, trước hết nhà quản lý cần khích lệ người sáng tạo một cách xứng đáng và đầu tư hợp lý cho việc quảng bá tác phẩm âm nhạc có chất lượng nghệ thuật cao, đủ sức thuyết phục tuổi trẻ.
Phóng viên: Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện ý nghĩa. Nhân dịp năm mới, chúc chị và gia đình luôn tràn đầy sức khỏe, hạnh phúc và luôn cất lên những giai điệu mùa xuân đẹp!
Nhà nghiên cứu và phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu: Cám ơn bạn. Xin chúc bạn và những người yêu nhạc có những ngày xuân an lành để tận hưởng vẻ đẹp của mùa xuân và những giai điệu xuân.
Hà An (Thực hiện)
Nhà nghiên cứu và phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu sinh ngày 14 tháng 5 năm 1957. Bà được đào tạo chính quy chuyên ngành Piano tại Trường Âm nhạc Việt Nam - nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam (1965-1978), chuyên ngành Lý luận âm nhạc tại Viện Hàn lâm Âm nhạc Gnesin, Moskva - Liên Xô (1979-1986). Bà làm việc tại Viện Âm nhạc - Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cho đến năm 2012 và là Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa VIII (2010-2015), hiện là Phó Chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam khóa XIX (2015-2020), Chủ biên website Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Phó Ban biên tập Tạp chí Nghiên cứu Âm nhạc của Viện Âm nhạc Việt Nam.
Một số sách nghiên cứu phê bình đã xuất bản: Ngôn ngữ âm nhạc trong ca khúc Sài Gòn 1954-1975 qua những bài được sử dụng hiện nay (1995), Phần Nhạc mới - quyển 5A & 5B trong bộ sách Hợp tuyển các tài liệu nghiên cứu, lý luận, phê bình âm nhạc thế kỷ XX (Viện Âm nhạc 2003-2004), Cuốn 3 -Chân dung 12 nhạc sĩ trong bộ sách Âm nhạc Việt Nam - Tác giả - tác phẩm (2007), Giao hưởng một đời người (2007), Nhà phê bình âm nhạc - anh là ai? Tập 1 (2008), Đây Thăng Long - đây Đông Đô - đây Hà Nội… (2009), Phần Ca khúc Hà Nội sau ngày thống nhất đất nước đến nay (1975-2008) trong cuốn sách Ca khúc Hà Nội thế kỷ XX và những năm đầu thế kỷ XXI (2010), Quyển 4 Nhạc mới trong bộ sách nhiều tập 1.000 năm âm nhạc Thăng Long - Hà Nội (2010)…
Những ca khúc đã phát sóng và xuất bản: À ơi, Nỗi nhớ, Chiều ấy, Tự khúc, Ai trồng cây, Họa sĩ tí hon...
Giải thưởng: 14 giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam về nghiên cứu phê bình từ năm 1997 đến 2014; Giải A của Hội đồng Lý luận phê bình VHNT TƯ năm 2012.
|