(BVPL) – Trong nhiều năm qua, tại khu vực sông Hồng chảy qua địa phận các thôn Văn Thái, Dũng Nhuệ và Trường Xuân của xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình xảy ra tình trạng “cát tặc” lộng hành bất kể ngày đêm. Tình trạng này gây nên hiện tượng bờ kè đá bị hư hại, nhiều đoạn bãi bồi sát mép bờ sông Hồng bị sạt lở lớn và đang có xu hướng tiếp tục sạt lở nghiêm trọng, đe dọa đến tình hình sản xuất nông nghiệp và cuộc sống của người dân ở nơi đây. Đáng nói, tuy tình trạng trên đã diễn ra trong nhiều năm nhưng tại địa phương, công tác quản lý cũng như xử lý các sai phạm vẫn còn lỏng lẻo như “bắt cóc bỏ đĩa”. Thậm chí, dư luận cũng đang đặt nghi ngờ về việc có hay không sự bảo kê và làm ngơ mặc cho “cát tặc” lộng hành tại đây?
 
Nhiều thuyền lớn “ùn ùn” kéo nhau ra cắm vòi hút cát giữa sông Hồng bất kể ngày đêm
Nhiều thuyền lớn “ùn ùn” kéo nhau ra cắm vòi hút cát giữa sông Hồng bất kể ngày đêm
 
“Cát tặc” lộng hành ngày đêm
 
Theo tìm hiểu của PV, tại khu vực sông Hồng chảy qua huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình có 3 mỏ cát được cấp phép để khai thác, riêng khu vực mỏ cát thuộc địa bàn xã Duy Nhất được tỉnh cấp phép cho các doanh nghiệp hoạt động từ năm 2014. Theo thông tin từ Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Vũ Thư cho biết, khi các doanh nghiệp thực hiện khai thác, huyện Vũ Thư cũng đã bàn giao bản đồ, mốc tọa độ, yêu cầu doanh nghiệp thả phao lộ giới khoanh vùng phạm vi khai thác. Phòng TN&MT huyện Vũ Thư cũng đã nhắc nhở đại diện các doanh nghiệp triển khai hoạt động khai thác cát đúng quy định. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các doanh nghiệp đã không quản lý, thực hiện nghiêm quy định nên các tàu, thuyền đã không tuân thủ nghiêm các quy định của Luật Khoáng sản, đặc biệt khai thác cát không đúng phạm vi mỏ được phép khai thác, thậm chí tranh thủ thời gian đêm tối, lén lút hút cát sát gần bờ dẫn đến tình trạng sạt lở bãi của người dân.
 
Đoạn sông Hồng chảy qua địa phận các thôn Văn Thái và Trường Xuân của xã Duy Nhất có chiều dài khoảng hơn 1km. Theo phản ánh của người dân thì hàng ngày có hàng chục tàu có tải trọng, công suất khác nhau tập kết về hút cát, cao điểm có từ 25 đến 30 tàu hút cát, vào ban đêm có khi có hơn 40 tàu về đây. Thực trạng trên khiến người dân tại đây mất ăn mất ngủ vì tiếng máy hút chạy suốt ngày đêm làm đảo lộn cuộc sống của họ.
 
Sau nhiều ngày đêm có mặt tại hiện trường, ngày 27/9, theo sự chỉ dẫn của người dân, nhóm phóng viên đã có mặt tại bãi bồi trồng màu của người dân các thôn Văn Thái, Dũng Nhuệ, Trường Xuân của xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư. Theo nhiều người dân cho hay, tình trạng khai thác cát trên sông Hồng xảy ra trên diện rộng, nhưng khúc sông Hồng qua địa phận các thôn này thì “nở rộ” và ngang nhiên nhất trong mọi thời điểm bất kể ngày hay đêm. Khảo sát hàng trăm mét dọc tuyến sông, đập vào mắt phóng viên là những hình ảnh minh chứng, tố cáo tình trạng khai thác cát tại khu vực này đang ở mức “báo động”. 
 
Trước mắt phóng viên là bờ bãi ruộng màu của bà con nông dân trồng ngô, rau… bị sạt lở từng vùng lớn, những đoạn bờ kè đá bị hư hại, sạt lở bên mép sông đang có xu hướng tiếp tục sạt lở, đe dọa diện tích trồng màu của nông dân. Quan sát bằng mắt thường cũng thấy được hàng nghìn mét vuông đất bãi phù sa màu mỡ dọc bờ sông Hồng của người dân đang canh tác đã bị sạt lở do hậu quả của “cát tặc” gây nên, nhiều đoạn đã sạt lở sâu vào bãi hơn 10m.
 
Chiều ngày 27/9, nhóm PV chúng tôi tiếp cận một tàu công suất, tải trọng lớn chở đầy cát đang tiếp cận bờ ruộng thuộc địa phận thôn Dũng Nhuệ (xã Duy Nhất). Theo nhiều người dân địa phương cho hay thì chủ tàu này tên Thanh (người ở Nam Định). Theo ông Thanh cho biết: “Nguyên nhân tàu về đây hút cát nhiều là do bên kia sông Hồng (phía Nam Định) có một công trình nên gần đây có khoảng 50 con “dua túa” về để hút cát. Tôi ở đây, làm trên thuyền cát này 16 năm rồi, thuyền to thuyền bé nào ở đâu về đây tôi biết hết. Công việc hút cát của chúng tôi thực ra cũng phải có “đèn xanh, đèn đỏ” thì mới làm được”.
 
Cùng lúc đó, theo quan sát của PV khi nhìn về phía bên kia sông Hồng, những chiếc tàu to đang lầm lì từ trong cửa sông Ninh Cơ (chia gianh giới giữa hai huyện Nam Trực, Xuân Trường của Nam Định) rẽ sóng ra lòng sông Hồng. Chưa đầy 20 phút sau, gần 10 chiếc tàu có công suất, tải trọng lớn đã nhan nhản khắp lòng sông trên khu vực có độ dài khoảng 400m để tìm địa điểm thả “vòi rồng” hút cát. Tuy nhiên, khi các tàu này định đồng loạt “khởi sự” thì một chiếc ca-nô chở hai người người từ một điểm tập kết vật liệu ngay cạnh bờ sông Hồng (phía Thái Bình) đã nhanh chóng xuất hiện, lao nhanh ra giữa lòng sông, tiếp cận các tàu hút cát rồi ra tín hiệu ngầm, bắt các tàu hút cát ngừng hoạt động rồi nhanh chóng quay đầu, trở về neo đậu, ẩn mình “cố thủ” trong sông Ninh Cơ. Cùng với đó, nhiều tàu khác đang di chuyển hướng ra sông Hồng cũng dừng lại hoặc quay đầu về lại lòng sông Ninh Cơ.
 
Theo người dân có mặt lúc đó cho biết, sự xuất hiện của phóng viên báo chí đã bị đánh động nên bọn chúng thông báo cho nhau, không thực hiệc việc hút cát nữa. Cho đến sáng sớm ngày 28/9, người dân ở đây cho biết: “Khoảng 3h sáng ngày 28/9, có hơn 40 cái tàu nó ra hút cát trên sông Hồng đoạn chảy qua địa phận xã Duy Nhất. Bọn nó đã thay đổi “chiến thuật”, “đánh bất ưng” để bà con nhân dân không để ý”.
 
Phá hoa màu, “bỏ độc” xuống ao cá của người dân
 
Trao đổi với PV báo BVPL, chị N.T.H, thôn Dũng Nhuệ, xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình bức xúc cho biết: “Hai năm trước thì có 5 đến 7 thuyền hay về đây hút cát, nhưng năm nay thì tình trạng này xảy ra nhiều hơn. Có hôm số lượng tàu về hút cát xếp thành vệt dài, nhiều nhất phải đến 25 đến 30 chiếc tàu toàn loại lớn. Chúng tôi nhiều khi xót ruột quá đành phải hét lên, xua đuổi bọn tàu nhưng cúng nó không chịu ra xa hút cát. Bãi bồi của tôi xã chia cắt, cho thuê trong thời gian 20 năm, đã bị sạt lở vào khoảng 5m đến 7m rồi”.
 
Người dân cho biết trước đây bờ sông ở tận bên ngoài nhưng do tình trạng hút cát tràn lan nên bờ kè sông Hồng đang bị sạt lở nghiêm trọng.
Người dân cho biết trước đây bờ sông ở tận bên ngoài nhưng do tình trạng hút cát tràn lan nên bờ kè sông Hồng đang bị sạt lở nghiêm trọng.
 
Chung nỗi bức xúc với chị H, bác T.V.P, thôn Dũng Nhuệ, xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình cũng cho biết thêm: “Chúng nó (tàu hút cát) về đây ồ ạt nửa tháng nay rồi, toàn những tàu to, hút khoảng 5 đến 6 tiếng đồng hồ mới đầy tàu. Dân cư chúng tôi khiếp lắm, bờ kề bị sạt lở, ruộng của dân bị sạt lở còn nguy hiểm đến cả con đê trong kia, tiêu tốn tiền của của nhà nước. Tuyến đê này bị sạt lở có chỗ nhiều chỗ ít, có chỗ sạt lở sâu vào hơn chục mét”.
 
Cũng theo phản ánh của người dân nơi đây, tình trạng khai thác cát trên sông Hồng gây ảnh hưởng tới đồng ruộng, hoa màu, làm sạt lở ruộng, kè đá. Họ đã nhiều lần làm đơn kiến nghị các cấp chính quyền cần có giải pháp xử lý các chủ tàu thuyền vi phạm, tuy nhiên hoạt động khai thác cát tràn lan tại đây vẫn tái diễn.
 
Thậm chí sau khi người dân có ý kiến lên chính quyền các cấp thì đã có trường hợp vườn của một số lãnh đạo trong thôn đang trồng hoa màu bị “ai đó” phá nát, ao nuôi của người dân bị “đánh thuốc” , khiến nhiều tạ cá trong ao bị chết nổi, gây tổn thất kinh tế đối với người dân. Sự việc này khiến người dân tại đây hết sức lo lắng, hoang mang về cuộc sống, thậm chí là tính mạng của mình khi phản ánh tình trạng trên.
 
Bất lực trong quản lý hay “làm ngơ” cho cát tặc lộng hành?
 
Theo ông Nguyễn Đức Thiện - Trưởng phòng TN&MT huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình cho biết : ‘‘Bây giờ diễn biến tình trạng khai thác cát vẫn còn tái diễn. Để xử lý tình trạng này thì huyện Vũ Thư cũng gặp khó vì lực lượng để vây bắt các tàu hút cát là không có, chúng tôi không có phương tiện, máy móc mà chủ yếu phải kết hợp với lực lượng Công an giao thông đường thủy (CSGT Đường thủy - Công an tỉnh Thái Bình). Nếu không có lực lượng Công an Đường thủy thì rất khó, không thể thực hiện được.”.
 
Đêm ngày 28/09/2016, khi cùng có mặt tại hiện trường. Trao đổi với PV báo BVPL về tình trạng nhiều thuyền khai thác cát trái phép trên sông Hồng điạ phận qua xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, Đại tá Nguyễn Văn Hưng – Trưởng phòng CSGT Đường thủy (Công an tỉnh Thái Bình) cũng cho biết : “Tớ thì chỉ đạo chung thôi, chứ cụ thể tọa độ (tọa độ của các mỏ khai thác cát) bao nhiêu tớ phải mời Tài nguyên môi trường (phòng TN&MT huyện Vũ Thư) đi cùng chứ tớ không làm được, tớ chỉ biết khu vực này có mỏ thôi. Hôm trước tớ vừa cho bắt 3 tàu khai thác cát trái phép trên kia kìa”. Cũng theo ông Hưng, những tàu khai thác cát chủ yếu là từ phía cửa sông Ninh Cơ, tỉnh Nam Định đi sang.
 
Trước việc dư luận xã hội cho rằng có hay không sự “móc ngoặc” để khai thác cát trái phép, ông Nguyễn Văn Thiện  cũng chia sẻ thêm: “Thật ra mà nói cái đấy mình không dám khẳng định, nhưng tôi nghĩ là sẽ có. Tôi nghĩ nếu không có sự “móc ngoặc” thì chúng nó (các tàu hút cát trái phép) cũng không dám làm đâu… Theo mình dự báo việc khai thác cát đó chắc chắn lực lượng công an cũng phải biết chứ còn không có chúng nó cũng chẳng dám làm. Ông Thiện cũng nói thêm, “Lực lượng Công an giao thông đường thủy cũng có “bốt” ở gần đó, suốt ngày ở đó mà không biết vì sao họ làm ngơ vậy”.
 
Thừa nhận tình trạng khai thác cát đang “nở rộ” trên sông Hồng, đoạn chảy qua địa bàn xã Duy Nhất, ông Trần Huy Hải, Chủ tịch UBND huyện Vũ Thư , tỉnh Thái Bình cho biết: “Về tình trạng khai thác cát trên sông Hồng, địa phương Vũ Thư cái bí là nếu không có lực lượng Công an giao thông đường thủy (CSGT Đường thủy -  Công an tỉnh Thái Bình) thì chính quyền huyện chịu, không xử lý được, bọn anh gặp rất nhiều khó khăn. Sắp tới anh sẽ trao đổi nhiều hơn với công an đường thủy để có hướng xử lý tốt hơn”.
 
Tình trạng khai thác cát tràn lan trên sông Hồng, đoạn qua địa phận xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư đang gây bức xúc lớn tại địa phương này. Thiết nghĩ, các cấp chính quyền huyện Vũ Thư, phòng CSGT Đường thủy (Công an tỉnh Thái Bình) cùng ngành chức năng của tỉnh Thái Bình cần có biện pháp ngăn chặn, xử lý triệt để tình trạng trên. Đồng thời làm rõ những đơn vị, doanh nghiệp có các tàu khai thác cát trái phép và xử lý theo quy định của pháp luật.
 
PV báo BVPL sẽ tiếp tục thông tin ./. 
 
Tiến Phòng – Quỳnh My
 
.