Cứ vào mùa các loại trái cây chín rộ, các tiểu thương lại bắt đầu gom hàng bán lại cho các nhà xe. Mỗi chiếc xe có thể chở  gần chục tấn trái cây, nên những kiện hàng, thùng chứa chôm chôm, sầu riêng… nhanh chóng theo xe khách “Bắc tiến”. Ngoài vận chuyển khách, các nhà xe kiêm luôn nhiệm vụ “chợ đầu mối” các loại trái cây đặc sản của miền Nam.

Chỉ mấy phút sau, thúng chôm chôm của chị Bình được khách trên xe mua hết veo. Có lẽ, nhờ bán được hàng nên người phụ nữ này phấn khởi lên tiếng: “Mỗi ngày theo xe có thể kiếm được cả trăm ngàn đồng, những hôm nhiều khách thì kiếm được khá hơn. Nói chung, nghề này khá vất vả, suốt ngày đứng ngoài đường, nắng gió không còn là nỗi lo, mà chỉ sợ chủ xe không cho lên bán thôi. Đứng ở dưới xe, tôi bán ít lắm, với lại xe chất lượng cao, giường nằm bây giờ toàn cửa kính liền, biết bán làm sao?”.

Sau nhiều năm bán buôn kiểu này, chị Bình đúc kết, muốn bám xe phải có sức khỏe, nhanh nhẹn, dẻo dai, linh hoạt và đặc biệt “lì” mặt trước những lời xua đuổi của nhà xe. “Gặp lái xe dễ tính mình còn kiếm ăn được, chứ người khó là xua đuổi, nhảy vào giật hàng của mình quăng xuống đất. Thậm chí, họ còn rồ ga bỏ chạy, “giam lỏng” mình trên xe, phải đi một đoạn dài mới cho xuống. Như vậy vừa tốn tiền đi vào, vừa thấy ngại với khách” - bà Lê Thị Dân (41 tuổi, cùng làm nghề với chị Bình) thở hổn hển khi vừa nhảy từ xe khách xuống đất cho biết.

Ở vùng trái cây Long Khánh, cứ vào mùa trái chín rộ, hai bên đường luôn có “đội ngũ” bán rong túc trực. Hết xe này đi, xe kia tới là họ lại ào đến, tay xách nách mang vươn người ra mời chào. Ở các trạm xăng, quán cơm… cũng không thiếu bóng dáng họ. Nhiều người chẳng đợi xe dừng hẳn, mà chạy nhanh về các ô cửa xe, tay giơ đủ loại trái cây ra mời chào bất chấp lời can ngăn của cánh tài xế. Tuy nhiên, vì kiểu làm ăn chụp giật, thiếu thiện cảm này, họ nhận được không ít cái lắc đầu, xua tay từ chối.

“Buôn theo bạn, bán theo phường”, nhiều người làm rồi quen, lâu dần thành phong trào, nét riêng của người bán. “Ngày trước, có vài người bán ổi trộn trái đẹp với xấu khiến khách chửi te tua, khiến nhà xe cạch mặt bọn tôi. Nhưng bây giờ khác rồi, phải làm ăn thật thà, không cân thiếu bán đểu, dân buôn mới có thể sống được” - chị Dân tâm sự.

 

Theo Báo Đồng Nai

.