(BVPL) - Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 16/4/2012 về việc xóa bỏ các lò gạch thủ công và đến năm 2015 phải chấm dứt hoạt động của lò gạch liên tục kiểu đứng trên cả nước. Tuy nhiên, ở tỉnh Khánh Hòa, việc xóa bỏ và chuyển đổi các lò gạch thủ công đang rơi vào bế tắc. Cả chính quyền và người dân đều chưa thể đưa ra một biện pháp nào khả thi để tìm hướng chuyển đổi sản xuất.
 


Trước đây, chủ trương của UBND tỉnh Khánh Hòa, cũng như UBND thị xã là di dời các lò gạch trên địa bàn Ninh Hòa tập trung vào Cụm công nghiệp Ninh Xuân. Tuy nhiên, việc di dời đó cũng chỉ áp dụng cho những cơ sở đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất gạch theo quy định của Nhà nước. Những lò gạch khác, nếu không chuyển đổi được để đáp ứng yêu cầu về công nghệ thì buộc phải chấm dứt sản xuất. Cho đến nay, bài toán di dời các lò gạch trên địa bàn thị xã Ninh Hòa dường như đã đi vào bế tắc, bởi UBND tỉnh Khánh Hòa đã chính thức có thông báo ngừng xây dựng Cụm công nghiệp Ninh Xuân. Phương án cuối cùng mà các lò gạch thủ công này lựa chọn nếu muốn tiếp tục hoạt động là buộc phải chuyển đổi sang sản xuất gạch theo công nghệ tuy-nen.

Cũng theo ông Trần Lân, trên địa bàn thị xã hiện có 3 nhà máy sản xuất gạch ngói theo công nghệ tuy-nen, còn lại gần 100 cơ sở khác đều sản xuất thủ công. Đến nay, có 10 cơ sở trên địa bàn đã chuyển từ lò đứng sang công nghệ hoffman để giảm thiểu ô nhiễm. Chiếu theo quy định của Bộ Công thương thì hơn 80 cơ sở sản xuất gạch ngói thủ công trên địa bàn phải chấm dứt hoạt động.

Với điều kiện hiện nay, chỉ có khoảng 1-2% các cơ sở có điều kiện và năng lực để chuyển sang sản xuất gạch bằng công nghệ tuy-nen. Đứng trước tình thế đó, thị xã đã có báo cáo và đề xuất với UBND tỉnh Khánh Hòa cho tồn tại loại lò sản xuất theo công nghệ hoffman nhưng UBND tỉnh không đồng ý.

Ông Lân cho rằng, bài toán chấm dứt hoạt động của các lò gạch thủ công còn rất nhiều gian nan. Nhà nước buộc các cơ sở sản xuất này phải đầu tư dây chuyền mới để sản xuất gạch tuy- nen trong khi người dân quen sản xuất nhỏ nên không đủ năng lực chuyển đổi. Nếu xóa bỏ các lò gạch thủ công thì rất nhiều lao động sẽ mất việc làm và không có gì để đảm bảo họ sẽ không “sản xuất chui” bằng mọi cách. Nhà nước nên có những tiêu chuẩn nhất định để quản lý về chất lượng cũng như bảo vệ môi trường cho việc sản xuất gạch ngói thay vì quy định buộc phải sản xuất theo công nghệ tuy-nen như hiện nay.
 

Xuân Nha

.