Chỉ cần có giấy chứng nhận rau an toàn (RAT), nhà cung ứng dễ dàng nhập rau vào các siêu thị, nhà hàng. Trong khi đó, việc mua bán loại giấy chứng nhận này không khó.
 

 

Đang mải nhổ rau cải ngọt tại ruộng, chị Nga (thôn Vân Trì, Vân Nội) nói: “Cách đây vài năm, xã triển khai trồng RAT rầm rộ lắm, mời nông dân lên hướng dẫn kỹ thuật trồng rau, phát thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, kỹ thuật đó trồng không năng suất, thuốc đem phun thì cây chết.

 

Điều quan trọng là chúng tôi cần đảm bảo khâu tiêu thụ thì chương trình không làm được. Nông dân vẫn tự đem rau đi bán, RAT bán thấp hơn cả rau thường nên hầu hết nông dân giờ không làm nữa”.
 
Đang nói chuyện với chị Nga, anh Nguyễn Văn Tuấn ở ruộng rau bên cạnh nói với sang: “Không hiểu thuốc gì mà gần hết hạn mới đem phát cho nông dân. Lấy về vứt bừa bãi ở nhà vì sợ phun xong hỏng cả ruộng rau đang chuẩn bị thu hoạch”.

Anh Tuấn chỉ vào những tấm ni-lông che trên những luống rau nói: “Vật tư nông dân đều tự bỏ ra. Cả năm không có một lãnh đạo nào xuống ruộng kiểm tra xem nông dân trồng ra sao, lấy đâu ra RAT. RAT chỉ là tên gọi thôi”.

Cũng theo anh Tuấn, hiện trong làng rất ít nông dân trồng rau theo tiêu chí RAT. “Chỉ có HTX RAT mới có RAT. Tuy nhiên, ngay cạnh ruộng nhà tôi là ruộng RAT của HTX rau Ba Chữ, nhưng về phương pháp trồng không khác gì rau bình thường”, anh Tuấn nói.

Chủ nhiệm HTX sản xuất tiêu thụ và chế biến sản phẩm nông nghiệp an toàn xã Vân Nội, ông Trần Văn Mây cũng xác nhận: “Khó phân định RAT với rau không an toàn”.

Theo chỉ dẫn của anh Tuấn, chúng tôi tìm đến chợ Vân Trì, nơi bán RAT nổi tiếng tại vùng rau Vân Nội. Chợ bắt đầu họp từ 12 giờ trưa. Hàng xe thồ su hào, bắp cải, cà chua… chen nhau trong chợ. Chị K, (xin giấu tên), bán hàng tại chợ cho biết, trước đây, người bán RAT vào chợ ở khu ngoài, còn rau tỉnh khác ở sâu bên trong.

Tuy nhiên, người buôn chỉ nhìn vào mặt hàng đẹp, giá rẻ chứ không cần mác (RAT) nên nhiều hộ bán RAT khó bán. Hiện, RAT vào chợ lẫn lộn, không phân biệt được.

(Còn nữa)
 

Theo Tiền phong