Phía sau hành trình mất thận khổ cực của những nông dân nghèo này là một đường dây “cò” thận xuyên quốc gia. Phóng viên đã phát hiện một số nhân vật trực tiếp “mối lái”, giới thiệu, rủ rê, trao nhận tiền…

 


Ông Nghĩa và Phú Anh còn căn dặn Danh Lan cố gắng tìm, giới thiệu thêm người mới, sẽ được trả công hậu hĩnh. Nhưng anh này chưa giới thiệu ai và đã tiêu hết số tiền bán thận. Cuộc sống lại thiếu thốn, vay mượn, chỉ khác sức khỏe không còn như trước, thường hay mắc bệnh viêm nhiễm, đau lưng âm ỉ...


“Giờ ai vận động bán thận là báo công an bắt liền”


Trong khi đó, tại xã Thạnh Phú, ngày càng xuất hiện thêm nhiều người nghèo bán thận. Ông Hồ Văn Tranh (45 tuổi, ấp 6) hơn ba tháng trước cũng “hiến” thận cho một người ở TP.HCM. Ông Tranh khá dè dặt về manh mối cũng như có hay không đối tượng vận động mình đi “hiến” thận.


Tuy nhiên, trước tình trạng sức khỏe suy giảm của mình, ông kể: Khi mổ xong đang nằm điều trị ở bệnh viện có một người lạ đến thăm và mua cho bọc trái cây, đề nghị ông về quê vận động thêm người đi bán thận, nếu có sẽ được cho tiền bồi dưỡng. “Giờ tôi mà thấy ai đến vận động là tôi báo công an bắt liền, tiền ăn rồi cũng hết, giờ không có sức khỏe chẳng làm được gì. Giờ mà cho tôi được chọn lại, bạc tỉ tôi cũng không bán thận”, ông Tranh nói.


Theo tìm hiểu, người đầu tiên ở ấp 6 bán thận là ông Nguyễn Văn Bình (39 tuổi), em rể, nhà kế bên ông Tranh. Năm 2013 ông Bình đi “hiến” thận cho một người ở TP.HCM được trả 100 triệu đồng, một thời gian sau thì bỏ đi đâu không rõ. Ngoài ra, còn có anh Lê Văn Giòn (36 tuổi) cũng đi bán thận hồi trước Tết, làm đơn hiến thận cho người nhà nhưng không rõ ràng nên chính quyền ấp 6 không chấp nhận. Người thân của anh Giòn phản ánh: “Sau Tết đến giờ Giòn đi đâu không biết và cũng hiếm khi liên lạc về gia đình. Trong nhà không có ai bệnh tật gì liên quan đến thận mà sao nó hiến cho ai không biết...”?


Đặc biệt, theo nguồn tin từ Công an huyện Cờ Đỏ, gia đình ông Ngô Văn Y (ấp 5) có 5 người “hiến” thận, trong đó có Ngô Phú Anh (39 tuổi) là người đã “giúp” Danh Lan nói trên. Sau nhiều ngày chờ đợi, chúng tôi vẫn không gặp được những người con của ông Y do họ đều làm thuê xa, đi từ rất sớm và về lúc đêm muộn. Còn ông Y thì ngạc nhiên trước thông tin trên.


Ông nói: “Vì con đông, đất ít nên làm hoài chỉ đủ ăn. Nhưng các con tôi không đứa nào cờ bạc, quậy phá, nghiện ngập. Chuyện bán thận, có hay không vợ chồng tôi hoàn toàn không hay biết gì; cũng không nghe đứa nào nói gì đến chuyện này. Nói thật, nếu có, tôi biết là tôi cản liền”.


Theo xác minh của Công an huyện Cờ Đỏ, các trường hợp nêu trên đều làm hồ sơ, thủ tục tự nguyện hiến, tặng thận rồi đến Bệnh viện 115 (TP.HCM) tiến hành các thủ tục cắt, ghép. Sau khi hoàn tất, những người hiến được những người nhận thận trả 120 triệu đồng… Do có đủ hồ sơ nên họ không vi phạm pháp luật. Hiện chưa phát hiện trường hợp vận động bán thận để hưởng hoa hồng hoặc liên quan đến tổ chức nước ngoài. Tuy nhiên, việc người dân mất đi quả thận, sức khỏe yếu kém, không còn khả năng lao động suốt đời đang là thực tế tại vùng nông thôn nghèo này.


Theo PLVN