3 tháng qua, khi bà Phan Thị Cúc (1961), chủ đại lý thu mua nông sản hồ tiêu, cà phê ở ấp 1B, xã Lộc Tấn (Lộc Ninh) bất ngờ tuyên bố “vỡ nợ”, 52 bạn hàng là các tiểu thương thu mua tiêu, chủ hàng ký gửi trong kho và người cho bà Cúc vay tiền mặt đã lâm vào cảnh điêu đứng.
Ông Nhiễu Đình Hòa, 56 tuổi, ở khu phố Ninh Hòa, thị trấn Lộc Ninh, bức xúc: Vợ chồng tôi thu mua tiêu nhà vườn rồi bán cho các đại lý hàng chục năm qua, nhưng đây là lần đầu tiên tôi bán tiêu cho bà Cúc. Chỉ trong 18 ngày, bà Cúc đã nợ tôi tổng số tiền 751,032 triệu đồng. 3 tháng nay, vợ chồng tôi ăn ngủ không yên vì bị nhà vườn đòi nợ. Bây giờ vợ chồng tôi không đi mua tiêu được nữa vì hết vốn và không ai còn dám bán thiếu cho mình. Ngân hàng cũng sắp phong tỏa nhà để xiết nợ rồi.
Chị Phạm Thị Hằng ở thị trấn Lộc Ninh vừa kể vừa khóc: Quan hệ thân thiết mua bán tiêu nhiều năm, nên tôi đã ký gửi 2,5 tấn tiêu ở kho của bà Cúc để bán khi được giá. Tôi còn vay của mẹ 100 triệu đồng cho bà Cúc vay. Trước khi đưa tiền cho bà Cúc, tôi đã nói rõ đây là tiền phòng thân và dưỡng già của mẹ tôi - đã 83 tuổi - nên khi bà cần phải hoàn trả ngay, nhưng qua 3 tháng rồi, tiêu của tôi không còn mà số tiền 100 triệu đồng, bà Cúc cũng không trả đồng nào.
Chị Bùi Thị Yến Lan (bà Cúc còn thiếu nợ 726,141 triệu đồng tiền bán tiêu), ở ấp 5B, xã Lộc Tấn, bức xúc: Chúng tôi bỏ tiền trước và lặn lội ngang cùng ngõ hẻm “cõng” từng bao tiêu về bán cho bà Cúc. Nay chỉ một câu tuyên bố “vỡ nợ”, bà Cúc sống yên lành có người ở phục vụ... Chúng tôi mong các cơ quan chức năng điều tra làm rõ số tiền bà Cúc đã bán tiêu, vay mượn, hàng ký gửi của tiểu thương nay ở đâu để trả lại cho chúng tôi.
Không hẹn mà gặp ở... công an huyện
Theo tường trình của các tiểu thương ở Lộc Tấn và thị trấn Lộc Ninh, chiều 7-6-2013, như thường lệ họ về nhà bà Cúc để lấy tiền bán tiêu gối đầu. Bà Cúc hẹn đợi đi gom tiền về trả nhưng đến 21 giờ không thấy về, sau đó tắt điện thoại. Quá hoang mang vì trong khoảng thời gian 1 tháng bà Cúc gối nợ và vay tiền quá nhiều nên họ dọa sẽ tố cáo với cơ quan công an.
Ngày 10-6, bà Cúc về đối chiếu công nợ sau đó lại bặt tăm. Ngày 13-6, đã có 10 tiểu thương làm đơn tố cáo bà Cúc có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản lên Công an huyện Lộc Ninh. Ngày 18-6, bà Cúc và chồng con đã có thỏa thuận giải quyết công nợ với các bạn hàng, trong đó có Trưởng ấp 1B, xã Lộc Tấn Nguyễn Đức Nguyên làm chứng. Theo thỏa thuận, trong thời gian 2 tháng (đến ngày 19-8) bà Cúc sẽ thanh toán 50% tổng nợ. Các chủ nợ cam kết sẽ xóa 50% số nợ còn lại. Trong thời gian này, chủ nợ cam kết không khiếu nại, tố cáo lên cơ quan chức năng và nếu bà Cúc không trả hết 50% trong 2 tháng thì phải trả đủ 100% theo danh sách đính kèm.
Đến hẹn ngày 18-8, lời hứa của bà Cúc “theo gió bay đi”, với lý do chưa bán được tài sản để trả nợ. 3 ngày sau, do bị mọi người vây ép nên bà Cúc đã trả được 7-10%/tổng nợ của mỗi người và cũng không hứa hẹn gì.
Chiều 27-8, tất cả con nợ đã “không hẹn mà gặp” đổ xô viết đơn tố cáo bà Cúc “quỵt tiền mua tiêu” lên Công an huyện Lộc Ninh.
Theo đối chiếu thống kê giữa bà Cúc với các chủ nợ, đến ngày 6-7, bà Cúc còn nợ 52 người, tổng số tiền 18,425 tỷ đồng; trong đó 9 tỷ 673 triệu 971 ngàn đồng tiền bán tiêu, 994 triệu 189 ngàn đồng tiêu ký gửi kho, 7,422 tỷ đồng tiền vay, 335 triệu đồng tiền lãi và 2.158kg cà phê ký gửi.
Hậu quả của niềm tin gửi nhầm chỗ
Bà Cúc đã có thâm niên thu mua hồ tiêu 16-17 năm qua. Nhiều người chọn đại lý của bà Cúc vì uy tín, phương thức mua bán rõ ràng, chắc chắn, bảo đảm lợi ích lâu dài cả hai bên. Vì thế bà Cúc không thể lấy lý do “vỡ nợ” là vì tin tưởng bạn hàng, ít khi trực tiếp cân tiêu nên nhiều người lợi dụng trộn tiêu xấu, tiêu ướt cân xong đổ chung vào đống và bán lỗ lớn (theo trình bày của bà Cúc với Công an Lộc Ninh).
Chị Lan cho biết: Khi chúng tôi chở tiêu đến, bước đầu tiên bà Cúc cân và ghi vào sổ, sau đó đổ ra trộn đều rồi dùng máy đo nặng, nhẹ và độ khô ẩm để tính tiền. Nếu tiêu quá 2 độ ẩm (15 độ theo quy định) bà Cúc không mua. Như vậy, chỉ có tiểu thương mua tiêu nhà vườn bằng cảm tính sẽ bị lỗ nếu mua lầm tiêu ướt, tiêu bị trộn tạp chất. Còn bà Cúc có máy móc hỗ trợ và kiểm tra hàng kỹ lưỡng nên không thể nào đánh giá nhầm sản phẩm được.
Ông Hòa cũng cho biết, không ngờ chỉ trong vòng 1 tháng bà Cúc “mua danh ba vạn - bán danh ba đồng” đẩy vợ chồng ông rơi vào ngõ cụt nợ nần. Ông Hòa cho rằng hành vi của bà Cúc là có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Chị Bùi Thị Loan, ấp 5B ký gửi 2.158kg cà phê, đến ngày 22-6 vẫn còn nhưng với lý do đang rối ren công nợ không mở kho để lấy hàng trả được, ngay sau đó kho đã bán mà cà phê ký gửi cũng không còn. Theo phản ánh của tiểu thương, trước ngày 6-7 - ngày tuyên bố “vỡ nợ”, bà Cúc xuất kho bán hàng ồ ạt, đồng thời vẫn đi vay cả tỷ đồng.
Thời gian qua, không chỉ ở Lộc Ninh mà một số huyện, thị trên địa bàn tỉnh có nhiều vụ vỡ nợ với nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, có một điểm chung trong tất cả những vụ việc này là thói quen buôn bán trao tay (mỗi lần giao dịch cả trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng) chỉ với một chữ ký nhận trong cuốn sổ ghi chép. Bảo đảm cho giao dịch chỉ là... uy tín. Thế nên, khi bạn làm ăn bất ngờ tuyên bố “vỡ nợ” và cũng bất ngờ không còn tài sản, hoặc tài sản chỉ còn một phần nhỏ (do làm ăn thua lỗ, hoặc do đã tẩu tán), nạn nhân mới nháo nhào đi tìm... công an để tố cáo. Đến lúc này, dường như đã quá muộn cho hy vọng đòi được số tiền mà các “đại gia” đã làm ăn thua lỗ hoặc muốn “quỵt” theo kế hoạch từ trước. Bài học ấy “xưa như trái đất”, nhưng thói quen làm ăn theo “cách ở chợ” vẫn tồn tại, thì những vụ việc như ở Lộc Ninh chắc chắn sẽ vẫn còn.
Chưa khởi tố vì chưa thấy dấu hiệu phạm tội
Làm việc với chúng tôi về đơn thư tố cáo bà Cúc, thượng tá Võ Hùng Minh, Trưởng công an huyện Lộc Ninh cho biết:
Do sự việc xảy ra phức tạp liên quan đến nhiều người, nên Công an huyện điều tra mất nhiều thời gian và vẫn đang trong quá trình điều tra. Công an chưa phát hiện có dấu hiệu phạm tội (đến ngày 27-8) nên chưa khởi tố vụ án. Bà Cúc khai báo do làm ăn thua lỗ nên vỡ nợ chứ không lừa đảo. Về thông tin bà Cúc có đầu tư vốn vào làm ăn ở nơi khác hay không, chưa xác nhận được. Con trai bà Cúc (là một cán bộ ở huyện Lộc Ninh) cũng cam kết sẽ hỗ trợ trả nợ giúp mẹ một phần. Khi có kết luận điều tra, chúng tôi sẽ thông tin cụ thể để các tiểu thương và dư luận biết rõ.
Về thông tin một số vụ vỡ nợ khác trên địa bàn huyện Lộc Ninh, trong đó có vụ khoảng 50 tỷ đồng, và dư luận các “con nợ tiền tỷ” hoặc thương lái muốn “hốt hụi chót” đã “noi gương” nhau tuyên bố phá sản, vỡ nợ để quỵt tiền của những người làm ăn nhỏ, thượng tá Võ Hùng Minh khẳng định: Dư luận bàn tán thì có, nhưng thông tin chính thức thì không và cũng chưa có đơn thư phản ánh hay tố cáo của nhân dân gửi đến cơ quan công an.
Theo Báo Bình Phước