(BVPL) - Đi dọc đường Lê Đức Thọ, đoạn ven sân vận động Mỹ Đình, chúng ta thấy hàng chục tiểu thương đã căng dây, “biến” vỉa hè và cả lòng đường thành bãi giữ xe và ngang nhiên “hành nghề” với giá cắt cổ, thậm chí họ còn tràn ra giữa đường để “bắt” khách. Các điểm trông xe đầu đường (hướng đi từ Hồ Tùng Mậu rẽ vào) thường có mức giá từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng/lượt giữ xe máy, còn các điểm gần sát sân vận động Mỹ Đình phí giữ xe lên tới 40.000 - 50.000 đồng/lượt, đối với xe ô tô, con số này lên đến 150.000 đồng/lượt. Thậm chí đã có lúc, phí gửi ô tô lên đến 300 nghìn đồng/xe…
 


Bên cạnh dịch vụ giữ xe, xung quanh sân vận động còn xuất hiện rất nhiều điểm bán cờ Tổ quốc, nón lá, áo cờ đỏ sao vàng, băng rôn, khẩu hiệu cổ vũ với giá từ 30.000 – 60.000 đồng/lá cờ hoặc băng rôn cỡ lớn; các loại băng rôn quấn quanh đầu, khẩu hiệu cầm tay, cờ tổ quốc cỡ nhỏ (dán lên mặt) có giá 10.000 – 20.000 đồng. Con số này được nhiều người khẳng định là cao hơn từ 2 – 3 lần so với giá bình thường.

Chưa dừng lại ở đó, dịch vụ bán vé “chợ đen” cũng nhân cơ hội này để “kiếm chác”. Vào những ngày mà đội bóng đá U19 Việt Nam thi đấu, hàng nghìn người hâm mộ đã xếp hàng trước điểm bán vé tại trụ sở VFF từ 2-3 giờ sáng để chờ mua vé với hy vọng mua được vé với giá gốc (vé giá gốc có 3 mệnh giá là 40.000; 70.000 và 100.000), thay vì phải chịu mức giá cao gấp nhiều lần nếu sát giờ thi đấu tìm mua tại “chợ đen”. Ngay cạnh khu xếp hàng mua vé của Ban Tổ chức (BTC), dân phe vé đã hoạt động tấp nập. Họ tìm mọi cách để luồn lách, chui qua hàng rào an ninh lấy tích kê, nhiều “con buôn” đã bị lực lượng an ninh yêu cầu ra khỏi khu vực cổng bán vé, tuy nhiên tình trạng này vẫn không có dấu hiệu dừng lại bởi sự manh động và “trơ mặt” của đám phe vé. Hết rao bán, rồi họ lại thuê người đứng xếp hàng mua vé. Cứ thế, người xếp hàng mua được vé, lại tuồn ra ngoài “chợ đen” đẩy giá lên bán kiếm lời. Thậm chí, nhiều người hâm mộ phải chấp nhận mua 1 cặp vé ở khán đài B với giá 1,5 triệu đồng từ “chợ đen”. Như vậy có thể thấy, việc kiếm hàng chục triệu trong vài tiếng đồng hồ trước giờ thi đấu là một chuyện không khó đối với những người kinh doanh “mặt hàng” này.

Không chỉ vậy, sự “hút” khách của giải đấu còn tạo điều kiện cho các quầy bán thức ăn di động như: xôi, bánh mì, bánh bao, bò bía… được dịp “ăn nên làm ra”. Những quán nước vỉa hè mọc lên như nấm sau cơn mưa. Và tất nhiên là cũng ra sức “hét” giá với khách hàng. Ở một quán nước đối diện sân vận động Mỹ Đình, giá một chai nước ngọt được ấn định 25.000 đồng, cao gấp khoảng 4 lần so với giá bình thường. Hay đơn giản, chỉ cần vỏn vẹn một thùng xốp bày hàng, vài chiếc ghế nhựa và thức uống duy nhất là trà đá cũng được bán với giá 5.000/cốc, và trong khoảng 2 tiếng đồng hồ, chủ quán đã có thể có trong tay vài trăm nghìn đồng tiền lãi.

Xét cho cùng, việc “ăn theo” của các dịch vụ này cũng một phần xuất phát từ chính những người hâm mộ. Trên thực tế, dù phải sử dụng những dịch vụ đắt đỏ như vậy nhưng hiếm khi nghe thấy những lời phàn nàn từ các “fan” bóng đá nước nhà. Phần lớn họ đều chấp nhận và cho rằng chỉ cần được chứng kiến, theo dõi những giây phút thi đấu tuyệt vời trên sân cỏ của U19 Việt Nam thì những bất cập trên đều có thể dễ dàng bỏ qua. Chính tình cảm mà người hâm mộ dành cho đội bóng nước nhà đôi khi lại chính là nguyên nhân khiến cho các dịch vụ này ngày càng trở nên “lộng hành” và phổ biến.
 

Quỳnh Anh

.