Đánh cược tính mạng trên chiếc bè tre

Chúng tôi đến với xã Bình Thuận, huyện Văn Chấn, Yên Bái vào một ngày mưa giữa tháng 10. Trên con đường dân sinh nhỏ hẹp, chông chênh sỏi đá, phải vất vả lắm chúng tôi mới theo kịp các anh cán bộ xã tới bờ suối, nơi chia cắt thôn với trung tâm xã.

Bờ suối bên này là địa phận thôn Quăn 4, người dân phải dùng bè tre mới sang được bờ bên kia. Nhìn chiếc bè tre chông chênh mỏng manh nhưng lại chở rất nhiều người, trong đó có cả những em bé ngây thơ ngoan ngoãn nằm trong chiếc địu trên lưng của những người mẹ, chúng tôi không khỏi xót xa.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
  Cầu treo qua suối Nậm khi chưa bị lũ cuốn trôi.

Trên con suối Nậm cuồn cuộn chảy, một cây cầu tạm đã từng được dựng lên để bà con đi lại từ những năm 60 của thế kỷ trước. Cây cầu chỉ dài khoảng hơn 20 mét, bề ngang 1 mét nhưng có thể rút ngắn khoảng cách được hơn 4 cây số so với đi đường vòng để qua suối Nậm, người dân trong thôn đã tự đóng góp xây dựng và tu sửa lại rất nhiều lần. Chi phí ước tính mỗi lần làm lại cầu khoảng 7 triệu đồng với hàng trăm cây tre, cây gỗ và ngày công đều do người dân tự nguyện đóng góp.

Thế nhưng, dù chỉ mới bước vào mùa mưa lũ nhưng cây cầu tạm nay đã bị cuốn trôi mất, người dân chỉ còn cách di chuyển bằng chiếc bè tre mỏng manh, tạm bợ. Chiếc bè được làm đơn giản từ những cây tre nối lại với nhau bằng dây rừng, nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao nhưng hàng ngày họ vẫn phải đánh cược tính mạng của mình để có thể di chuyển qua bên kia bờ suối, bởi với nhiều hộ dân, đây là nhánh đường dễ nhất để di chuyển ra bên ngoài. Con đường đi vòng duy nhất nối ra đường đã bị sạt lở nghiêm trọng khiến cho việc đi lại hết sức khó khăn.

leftcenterrightdel
  Người dân dùng mảng qua sông sau khi lũ cuốn trôi cầu treo tạm.

Theo phản ánh của các hộ dân tại đây, bình quân mỗi ngày có trên 300 lượt người qua nhưng do nước chảy xiết, những chiếc bè tre tự chế cũng chỉ chở được vài người mỗi lượt nên việc lại rất khó khăn. Đáng ngại nhất là vào mùa mưa nước chảy xiết và ngập toàn bộ khu vực, việc đi lại dường như còn nguy hiểm hơn.

Mong ước về một cây cầu kiên cố

Ông Nguyễn Cao Cường, Chủ tịch UBND xã Bình Thuận cho biết: “Bình Thuận là xã đặc biệt khó khăn của huyện vùng cao Văn Chấn, địa bàn chủ yếu là đồi núi xen kẽ với hệ thống suối. Mưa lũ khiến cây cầu tạm ở thôn Quăn 4 thường xuyên gặp sự cố, bị nước lũ cuốn trôi, thôn lại phải huy động bà con dựng lại để việc đi lại và học hành của các cháu học sinh được thuận lợi. Người dân luôn mong mỏi có một cây cầu kiên cố để việc đi lại được an toàn”.

Cũng theo ông Cường, chính quyền xã đã nhiều lần đề xuất và kiến nghị nhiều lần với các cấp, ngành tiếp tục quan tâm đầu tư thêm một số cây cầu cứng để nhân dân đi lại thuận lợi, an toàn hơn nhưng vẫn chưa được quan tâm đầu tư xây dựng.

leftcenterrightdel
 Mỗi lần qua sông là một lần đánh đu với số phận.

Địa bàn xã Bình Thuận hiện có 8 cây cầu, trong đó có 3 cây cầu đã và đang được cứng hóa còn lại 3 cây cầu treo mặt sắt và 2 cây cầu tạm với cây cầu tại thôn Khe Rẹ đã có kế hoạch đầu tư xây dựng, chỉ còn duy nhất cây cầu tạm thôn Quăn 4 chưa có kế hoạch xây dựng. Với điều kiện kinh tế của người dân còn khó khăn, việc đầu tư xây dựng những cây cầu kiên cố nếu huy động sức dân là rất khó thực hiện được.

Miền Bắc đang bước vào mùa mưa bão, từng ngày người dân xã Bình Thuận, huyện Văn Chấn phải đối diện với những hiểm nguy thường trực khi ngồi trên chiếc mảng tre đi qua con suối chảy xiết; lo lắng nhất là rất dễ xảy ra tai nạn dẫn đến thương vong. Vậy nên, rất cần có một cây cầu kiên cố hoặc cầu treo cho bà con đi lại thuận tiện, từ đó phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của bà con ở địa phương còn nhiều khó khăn nơi đây.
Lan Phương