Vỡ đê ngăn mùa nước... cạn
Trưa ngày 24/1/2018, đê bao ngăn nước của thủy điện Sông Lô 2 bất ngờ bị vỡ ở bờ đê cánh trái, đoạn vỡ dài lên tới 8m, nước từ dòng sông Lô tuôn tràn vào cánh đồng ngô, cuốn phăng đầm nuôi cá, nước dâng lên những lò gạch ven đê.
Vẫn còn bàng hoàng khi chứng kiến cảnh đê vỡ, ông Bùi Xuân Tế, chủ lò gạch cho biết: Khi nhận được tin người dân báo là vỡ đê, tôi vẫn không tin, bởi hàng năm, mùa này là mùa nước cạn của sông Lô, từ ngày nhà máy thủy điện sông Lô 2 đi vào hoạt động, nước sông lúc nào cũng dâng cao.
Do nước sông lên cao nên các hố gạch nhà tôi nước tràn vào thường xuyên, không lấy được đất làm gạch, gia đình tôi có tận dụng để thả cả. Nay vỡ đê, cá theo nước lũ ra sông hết, hơn 3 vạn gạch mộc chuẩn bị vào lò bị ngấm nước lại thành ... bùn đất.
Trước đó, do việc thủy điện trữ nước đã khiến các hố gạch của chúng tôi bị nước tràn vào, không lấy được đất làm gạch, gây thiệt hại cho kinh tế gia đình, khi chúng tôi báo cáo nên chính quyền thì nhận được câu trả lời, do lò gạch của chúng tôi nằm trong đê nên không thuộc diện được đền bù giải phóng mặt bằng của nhà máy thủy điện Sông Lô 2, có thể chúng tôi chỉ được hộ trợ khi có sự cố nhưng giờ thì không biết có được hỗ trợ gì không.
|
|
Đê bao vỡ nước tràn vào ruộng, nhà của người dân |
Ông Phùng Tiến Nam, một chủ lò gạch nằm gần đoạn đê vỡ cho biết: Lò gạch của tôi đã phải dừng sản xuất gạch từ 6 tháng nay, bắt đầu từ khi nhà máy thủy điện Sông Lô 2 đi vào hoạt động. Bởi khi thủy điện trữ nước mực nước hồ chứa dâng cao, nước thấm vào lò gạch, làm ướt hết các hệ thống lò đốt, ướt gạch mộc, chúng tôi không thể sản xuất được. Tiền nợ ngân hàng, tiền thuế, tiền nhân công, chúng tôi phải trả nhưng chưa nhận được bất cứ một khoản bồi thường nào từ chủ đầu tư nhà máy thủy điện Sông Lô 2.
|
|
Nước ngập lên cửa lò đốt từ khi thủy điện hoạt động |
Co ro trong cái lạnh chiều cuối năm, vợ ông Phùng Tiến Nam đang cặm cụi nổ bắp rang bơ, làm lạp sườn, hun thịt khô... để kiếm kế sinh nhai cho cả gia đình.
Đưa cho phóng viên một tập hồ sơ, giấy tờ, chị nghẹn ngào: "Các đơn vị chức năng, đã xuống khảo sát, tính toán thiệt hại của lò gạch nhà chúng tôi, cũng có đơn vị về kiểm tra cả giấy phép hoạt động lò gạch của chúng tôi từ lâu rồi. Chủ đầu tư nhà máy thủy điện cũng đã xuống để khảo sát và bắc máy bơm để khắc phục sự cố lò gạch của chúng tôi rồi nhưng không khắc phục được. Hôm vừa rồi vỡ đê bao, nước tràn vào ngập nửa thân lò".
|
|
Nước biến gạch mộc thành bùn, đất |
Trước đó, tháng 3/2018, ngay sau khi hồ chứa thủy điện Sông Lô 2 dâng nước thử nghiệm đã xảy ra hiện tượng sạt trượt bờ đê bao phải. Nước thấm từ hồ chứa qua đáy nền đê bao, chảy vào kênh thoát nước dọc tuyến đê bao bờ phải đã gây ra hiện tượng sạt trượt hàng chục vị trí với chiều dài khoảng 1,2km khiến nhiều người lo lắng.
Trong các văn bản của Công ty TNHH Thanh Bình (chủ đầu tư Thủy điện Sông Lô 2) do ông Phạm Cao Hòa, Giám đốc Công ty ký gửi các cơ quan chức năng của huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, nội dung các văn bản đều thể hiện: Việc dâng nước hồ chứa đã ảnh hưởng đến hoạt động của các lò gạch, dẫn đến phải dừng sản xuất. Tuy nhiên, các lò gạch trên nằm ngoài ranh giới thu hồi đất của Dự án Thủy điện sông Lô 2, nên không thể tính toán mức bồi thường mà chỉ hỗ trợ thiệt hại. Cũng trong nội dung các văn bản trên, ông Hòa cho rằng, các chủ lò gạch trên cần xem xét và tìm phương án chuyển đổi mô hình sản xuất khác.
Nước dâng 30 phút rồi rút, dân có thiệt hại gì đâu?
Phóng viên báo BVPL có mặt tại điểm vỡ đê sông Lô qua địa phận xã Đạo Đức sau 5 ngày đê vỡ. Những ngấn nước vàng ố còn in trên tường nhà, in trên chân các nhà máy gạch, những luống ngô đang vào vụ cũng héo táp.
Đoạn đê bị vỡ đã được Công ty Thanh Bình sửa chữa lại, các vệt nước sói mòn vào đất vẫn còn sâu hoắm, loang lổ. Cũng tại thời điểm phóng viên có mặt, chúng tôi có gặp đoàn kiểm tra của cơ quan chức năng huyện Vị Xuyên, xã Đạo Đức và đại diện của Công ty Thanh Bình đi khảo sát và kiểm tra khu vực đê vỡ, và những đoạn đê yếu tại khu vực trên.
Trước đó, trong công văn trả lời về nguyên nhân vỡ đê, Công ty Thanh Bình cho rằng, do diễn biến bất thường của thời tiết (?).
|
|
Những căn nhà bên kia sông không được xem xét bồi thường |
Trao đổi với phóng viên báo BVPL, ông Đỗ Đức Mai, Phó Giám đốc Cty TNHH Thanh Bình Hà Giang cho biết: Đoàn công tác hôm nay đi khảo sát đoạn đê bị vỡ, công tác đắp, kè lại đê đã được công ty TNHH Thanh Bình khắc phục hậu quả. Đây là lần đầu tiên đê bị vỡ, tuy nhiên nước ngập chỉ vài, sau đó thủy điện xả nước, nên nước rút. Nước vào chỉ khoảng 30 phút rồi rút nên bà con không có thiệt hại gì nhiều (?!).
Chia sẻ với phóng viên, ông Mai cho biết thêm, theo thiết kế ban đầu thì nhà máy thủy điện sông Lô 2 có công suất 21 MW, tuy nhiên sau đó, Công ty nhận thấy, để tránh lãng phí tài nguyên nước, đã xin điều chỉnh công suất của nhà máy từ 21 MW lên 28 MW. Việc điều chỉnh công suất lên như vậy về thủ tục giấy tờ, phóng viên có thể liên hệ với Sở Công thưởng tỉnh Hà Giang để tìm hiểu.
|
|
Nhà máy thủy điện Sông Lô 2 nâng công suất khi chưa hoàn thành đánh giá tác động môi trường |
Theo lí giải của ông Mai, việc nâng mức công suất thiết kế lên 28 MW không ảnh hưởng đến việc nước dâng lên, bởi nếu nói ảnh hưởng thì kể cả thiết kế của nhà máy thủy điện 10 MW thì cũng vẫn ảnh hưởng. Nhưng ông Mai lại thừa nhận, chính vì nâng công suất nhà máy thủy điện lên 28 MW nên phải thiết kế nâng đê lên.
Ông Mai cũng cho biết, những nhà nào thuộc diện được bồi thường liên quan giải phóng mặt bằng, chúng tôi đều đã bồi thường, còn những nhà nào xây sau thì không được bồi thường.
Chỉ tay về dãy nhà bên kia sông, mấp mé mức nước ngập, ông Mai khẳng định những nhà đó sẽ không được bồi thường dù nhà máy thủy điện có nâng công suất lên cao hơn so với thiết kế ban đầu.
Dân khóc ròng bên dòng thủy điện
Theo hướng chỉ tay của ông Mai, chúng tôi nhìn sang phía bên kia sông, nơi đây sát mép sông, là đất canh tác và nhà của người dân thuộc thôn Bình Vàng, xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên.
Quang cảnh tiêu điều của những căn nhà sàn được dựng ven đường, loang lổ vết nước ngập. Phải vất vả lắm chúng tôi mới tiếp cận được khu nhà sàn của người dân ở đây, bởi nước ngập liên tục, khi nước rút để lại đoạn đường đi đầy bùn, sình nhão nhoét.
Những căn nhà nằm mấp mé bên bờ nước, nước xói mòn, để lộ ra những hố nước nham nhở, sâu hoắm. Ông Trần Văn Hoàn (chủ nhân của căn nhà sàn), chỉ về phía lòng sông cho biết: Trước đó Công ty Thanh Bình Hà Giang có đi khảo sát và cắm mốc mức nước hồ chứa thủy điện sông Lô sẽ nhấn chìm để bồi thường thiệt hại cho người dân, người dân đều được đền bù từ năm 2016.
Sau đó, cơ quan chức năng giải thích, nước chỉ lên đến mốc đã cắm, phần đất còn lại, bà con vẫn tiếp tục sử dụng được. Tuy nhiên, sau đó, chúng tôi lại thấy người của Công ty thay đổi lại điểm cắm mốc, dịch thêm mốc lên trên cao.
Hiện tại, khi nhà máy đi vào hoạt động thì nước tràn hết lên phần diện tích nhà tôi, ngập không ở được, nhưng công ty không thấy xuống khảo sát bồi thường.
|
|
Người dân thôn Bình Vàng mong các cấp chính quyền đừng "bỏ rơi" dân |
Thôn Bình Vàng có phần đông là người dân tộc Mán Tày, Nùng, Hán… sinh sống, trước kia, khi chưa có nhà máy thủy điện Sông Lô 2, người dân ở đây làm nhà và sinh hoạt, trồng cây ở những vạt đất ven bờ sông.
Khi nhà máy thủy điện được xây dựng, họ nhận tiền đền bù phần diện tích đất trong ranh phần mốc giới của thủy điện để lên trên cao hơn. Người dân thôn đây cho biết, khi nhận tiền bồi thường, chúng tôi đều được người trong công ty giải thích, phần diện tích không bị thu hồi sẽ không bị ảnh hưởng của nước từ hồ chứa nước thủy điện, bà còn vẫn được sử dụng và canh tác.
|
|
Nước tràn vào căn nhà sàn của gia đình ông Trần Văn Hoàn |
Tuy nhiên, thực tế, sau khi nhà máy thủy điện Sông Lô 2 đi vào hoạt động, phần diện tích này thường xuyên bị nhận chìm trong nước, không canh tác được. Thời gian trước có hộ gia đình bị nước dâng lên, tràn vào nhà, vào hệ thống chuồng trại chăn nuôi.
Dẫn phóng viên ra trực tiếp khu ruộng và các công trình xây dựng, thời điểm này, hồ chứa đang cạn nước, nhưng vẫn dễ dàng nhận thấy những phần diện tích ruộng mấp mé mép nước, những vệt nước vẫn còn đọng lại khắp nơi. Người dân ở đây cho biết, từ ngày nhà máy thủy điện Sông Lô 2 đi vào hoạt động, việc canh tác tại các phần diện tích trên không thực hiện được vì bị nước xâm lấn.
Khảo sát dọc tuyến đường liên quan đến hồ chứa nước thủy điện Sông Lô 2, phóng viên được người dân cho biết, với những hộ nằm trong đê bao, nước thấm từ hồ chứa qua đáy nền đê bao, chảy vào các kênh thoát nước dọc tuyến đê, làm sạt lở nhiều công trình xây dựng kiên cố, ảnh hưởng đến diện tích canh tác của người dân.
Câu hỏi được đặt ra, liệu trong phần khảo sát đánh giá tác động môi trường chủ đầu tư của dự án thủy điện Sông Lô 2 đã dự liệu hết tác động môi trường của dự án trước và sau khi nâng công suất nhà máy (?).