Thuận Kiều Plaza, một công trình đồ sộ với thiết kế gồm 3 tòa tháp chọc trời, tọa lạc ở vị trí đắc địa của Sài thành. “Tư duy nhạy bén về kinh tế” là điều dư luận vẫn thường bàn tán trước khi tòa nhà này thành hình, bởi nó nằm trên trục đường chính của Q.5 giao thương nhộn nhịp.
Thậm chí, một số nhà phong thủy còn khẳng định nó nằm đúng “long mạch” của thành phố, dễ dàng đạt sự thịnh vượng.
Bây giờ, sau 16 năm, tất cả dự đoán đều không trở thành sự thực. Số hộ dân ở cực kỳ thưa thớt, người sở hữu căn hộ đã thi nhau rao bán nhiều năm qua nhưng càng giảm giá thì càng khan hiếm người mua. Đáng sợ hơn nữa khi hàng loạt tin đồn về bùa ngải, quỷ ám và những câu chuyện về những “bóng ma” xuất hiện trong tòa tháp bỏ hoang này càng khiến nhiều người ghê rợn. Để rộng đường dư luận, PV báo GĐ&XH Cuối tuần đã vào cuộc làm rõ sự thật.
|
Thuận Kiều Plaza trở thành “Tòa tháp ma”. Ảnh TG |
Tiếng động lạ trong tòa tháp
“Ở đó có nhiều oan hồn lắm, tôi khuyên các cô không nên đến đó”, anh Huy Lực (một tài xế taxi ở quận 5) nhắc lại câu cảnh báo đó nhiều lần khi nghe chúng tôi đề cập đến chuyện đi thám hiểm “tòa tháp ma” Thuận Kiều Plaza. Trong cuộc trò chuyện, anh Lực ra vẻ bí ẩn: “Chính tôi từng là nạn nhân của những “oan hồn” này đây. Tôi nhớ rất rõ, đó là vào dịp Tết Trung thu cách đây 2 năm, khi tôi đang nằm trên xe thiu thiu ngủ vì không có khách thì nhận được cuộc điện thoại của một vị khách nữ gọi đến đón ở Thuận Kiều Plaza. Qua giọng nói, tôi đoán chừng cô còn trẻ. Vì vội vàng, tôi cứ nghĩ đó là khách quen nhưng khi đến nơi thì không thấy bóng dáng ai. Lúc này nhìn đồng hồ cũng đã gần 12h đêm, 3 tòa tháp lừng lững mà chỉ còn có vài ánh đèn leo lét, tôi bất chợt thấy cảm giác rờn rợn chạy dọc sống lưng. Trấn an mình, tôi gọi lại số điện thoại kia thì chỉ nghe tiếng thở khò khè. Tôi hoảng hồn đánh rớt luôn điện thoại”.
Sau khi lâm vào tình cảnh khó giải thích trên thì sáng hôm sau, anh Lực bình tĩnh lục lại số điện thoại trong máy với ý định gọi lại lần nữa nhưng một điều khó hiểu là số điện thoại bỗng dưng “bốc hơi”?. “Tôi kể chuyện này lại cho mọi người thì ai cũng bảo đích thị là “oan hồn” cô gái chết trẻ năm xưa. Theo đó năm 2005, một đôi tình nhân vào nhà hàng để ăn uống, không hiểu hận bạn gái chuyện gì mà chàng trai này rút súng bắn chết người yêu mình tại chỗ. Có lẽ, cô ấy chết oan nên “vong hồn” vẫn chưa được siêu thoát mà còn lởn vởn trong tòa nhà này để chọc phá mọi người”, anh Lực tỏ ra sợ hãi.
Mặc dù đã được anh Lực can ngăn và kể lại câu chuyện nhuốm màu sắc liêu trai, chúng tôi cũng quyết định tìm đến địa chỉ 190 Hồng Bàng, P. 12. Q.5 vào một buổi tối trăng tròn. Bên ngoài, phố phường vẫn nhộn nhịp đối lập hẳn với khung cảnh im lìm bên trong Thuận Kiều. Tòa tháp A dường như lâu nay không tồn tại sự sống của con người, không một ánh đèn, bóng tối bắt đầu bủa vây. Chọn tòa tháp B làm nơi thám hiểm đầu tiên, chúng tôi chầm chậm bước vào. Là một khu phức hợp mua sắm, nhưng hầu như chỉ có người bán mà không hề thấy bóng dáng của vị khách nào.
|
Anh Lực- tài xế taxi kể lại câu chuyện mình nghe thấy tiếng “ma nữ”. Ảnh TG |
Thấy khách lạ, một vài nhân viên ngước mắt lên nhìn rồi lại mệt mỏi cúi xuống chăm chú vào chiếc điện thoại để chơi game. Đi dọc hành lang tầng hai tòa tháp B, chúng tôi không khỏi giật mình bởi hàng trăm ki ốt bỏ hoang. Bên trong, hàng hóa chất ngồn ngộn, nhiều mặt hàng được trùm những tấm vải bố, bụi, mạng nhện bám chằng chịt. Những dãy hành lang dài nối tiếp nhau, thang cuốn lâu ngày không hoạt động. Không gian rộng lớn không một bóng người, nghe rõ cả tiếng chân mình vang vọng.
Từ tầng hai, chúng tôi lách qua một chiếc cửa, leo lên một cầu thang hẹp và tối om để tiếp cận với khu căn hộ. Vừa lên đến đỉnh cầu thang, tôi gặp ngay chiếc thang máy bỏ không nhưng cửa mở toác, bên trong ánh điện mờ tỏ, thảm vải rách ra từng miếng. Ở ngay cửa thang máy, những chân nhang đã cháy hết có lẽ đã được cắm lâu ngày. Đang tần ngần nhìn ngắm, chợt một bàn tay “hộ pháp” vỗ mạnh lên vai tôi. Giật mình quay sang, một người thanh niên, vẻ mặt nghiêm túc nói với chúng tôi: “Con gái mà đi đâu lên nơi hoang vắng này không sợ nguy hiểm à? Cái thang máy này có “ma quỷ” đấy, người ta thường nghe tiếng “ma quỷ” khóc than, réo gọi nhau trong đêm nên mới cắm nhang nhiều như vậy, giờ họ chuyển đi hết rồi, không còn ai đâu, các cô xuống đi”. Sau khi cảnh báo chúng tôi, anh thanh niên nhanh chóng bỏ đi.
Thực hư tòa tháp bị “yểm bùa” Lỗ Ban
Theo tài liệu chúng tôi tìm hiểu được, Lỗ Ban được xem là ông Tổ của nghề mộc và nghề xây dựng tại Trung Hoa. Vào năm 40 tuổi, ông từ bỏ phố phường nhộn nhịp để về sống trên núi. Tại nơi này, ông đã gặp được một vị thần, chỉ dạy cho ông những loại bùa huyền bí. Sau này, nhiều học trò đã được ông truyền lại và những giai thoại về loại bùa Lỗ Ban vẫn được truyền lại đến ngày nay.
Về bùa Lỗ Ban và thuật “trấn yểm” nhà ngày xưa, trong dân gian hiện này vẫn lưu truyền rất nhiều về truyền thuyết: “Ngày xưa, trong khi làm nhà, những người thợ và chủ nhà thường phát sinh những mâu thuẫn vì những người thợ lúc đó có địa vị rất thấp. Chủ nhà không chỉ tiếp đãi họ qua loa sơ sài mà còn cắt giảm tiền công , thậm chí còn đánh, chửi họ. Để bảo vệ cho những lợi ích của mình và trừng trị những người chủ nhà bất nhân, một số thợ xây đã học theo phép của Bùa Lỗ Ban và sử dụng để “trấn yểm” căn nhà họ vừa xây dựng , khiến cho chủ nhà suy sụp, thậm chí chết tuyệt nọc cả nhà”.
Có những truyền thuyết nói rằng, những người thợ biết dùng Bùa Lỗ Ban, cứ 10 nhà họ phải “yểm” một nhà để nuôi Tổ nghề. Gặp phải nhà thứ 10 đối xử tốt với họ, những học trò Lỗ Ban đó phải dựng một căn nhà giả để “trấn yểm”, sau đó đốt đi mới khỏi bị Tổ hành. Nhiều truyền thuyết trong dân gian nói về việc các người thợ “trấn yểm” nhà và hậu quả xảy ra vô cùng thảm khốc cho gia chủ.
|
Một loại bùa Lỗ Ban dùng để ếm đất. Ảnh TG |
Quay trở lại “ma trận” tin đồn về Thuận Kiều Plaza, từ khi khởi công xây dựng công trình này, do bất cẩn trong quá trình làm việc nên đã có 3 người gồm thợ điện và thợ hồ mất mạng tại đây. Những cái chết này đã khiến nhiều người đồn đoán rằng: “Vì không được đền bù thỏa đáng, mâu thuẫn nội bộ giữa chủ đầu tư và một nhà thầu phát sinh. Nhà thầu này vì căm tức đã rước một thầy pháp từ Hong Kong sang dùng phép thuật thả quỷ vào bên trong quấy rối”. Nhiều người khác lại tin rằng, chính những người thợ này đã tự bỏ bùa và vị trí họ chôn bùa ở đâu thì không ai biết được. Vì vậy, để Thuận Kiều Plaza làm ăn thịnh vượng trở lại là một điều hoàn toàn không thể?”
Để tìm hiểu rõ hơn về những câu chuyện nhuốm màu sắc huyền bí này, chúng tôi tiếp tục thám hiểm tòa tháp C. Gặp chúng tôi bên ngoài một hành lang, chị Hà (45 tuổi, người sống tại tòa tháp này) cho biết: “Về những lời đồn đoán “ma quỷ” thì chúng tôi cũng đã nghe rất nhiều nhưng thú thật là mình quan niệm “ai làm nấy ăn”, mình không đụng chạm tới họ thì họ sẽ không hại mình nên chúng tôi vẫn chấp nhận ở lại nơi đây. Mà người ta bảo, “ma quỷ” gì đó hay đi lại ở đây nhưng tôi ở đây cũng lâu rồi, hoàn toàn không hề thấy gì cả”.
Tiếp tục theo chân chị Hà, sau khi giới thiệu, chúng tôi được một gia đình khác mời vào thăm nhà với vẻ khá nhiệt tình, trò chuyện cùng chúng tôi tại phòng khách, anh Hoàng Anh (38 tuổi, nhân viên truyền thông) vui vẻ: “Căn hộ của vợ chồng mình thuê là 70m2 gồm 3 phòng ngủ, một phòng khách, một bếp và 2 tolet. Lúc đầu, mình thấy trần nhà quá thấp nên cũng không ưng ý vì có cảm giác luôn ngợp thở nhưng sống lâu thì quen thôi. Phòng ngủ của vợ chồng mình thì diện tích cũng tương đối nhưng phòng con mình thì chật lắm, chỉ có thể kê được một chiếc giường đơn, cái bàn học và chiếc tủ quần áo thì cũng bé xíu thôi. Ngày trước mỗi buổi trưa, cháu ngủ đều bị bóng đè, đêm đến thì cứ khóc quấy không chịu ngủ. Lúc đó, mình cũng nghĩ về những chuyện “ma quỷ” người ta đồn đoán. Nhưng sau khi nghiên cứu kỹ lại phòng ốc, mình mới nhận thấy, vì nó quá chật hẹp nên khi ngủ cháu bị thiếu oxy mà sinh ra những trạng thái mệt mỏi như vậy chứ hoàn toàn không có chuyện gì liên quan đến ma quỷ ở đây cả”.
Trao đổi cùng chúng tôi, đại diện chính quyền P.12 cho biết: “Chúng tôi từng nghe cả một “ma trận” tin đồn về Thuận Kiều Plaza, có người còn bảo rằng trong bản vẽ, 3 tòa tháp dự tính sẽ được xây dựng theo hình chữ Sơn- (Shan, theo tiếng Trung Hoa- PV) nhưng không biết họ xây làm sao mà ra hình giống như 3 cây nhang nên “oan hồn” từ khắp nơi mới bám vào. Rồi có người còn nói Thuận Kiều Plaza giống như một con thuyền với 3 ống khói nhưng do thiết kế phần dưới bị sai lệch nên con tàu chìm dần. Nhưng chúng tôi khẳng định, đó toàn là những câu chuyện thêu dệt, tưởng tưởng của nhiều người và hoàn toàn không có chuyện “ma quỷ” hay “oan hồn” gì ở đây”. |
Theo GĐ&XH