(BVPL) - Người phụ nữ mặc áo phông trắng, quần dài đen đi thẫn thờ quanh hồ, một lúc sau cô lội ra ngụp lặn, chới với trước con mắt hàng trăm người hiếu kỳ, rồi chìm hẳn. Điều khó lý giải là vì sao hàng trăm người chứng kiến không ai cứu nạn nhân?. Dù cho hồ nước nêu trên thực ra chỉ là một… vũng nước, vào mùa khô nước có đoạn chỉ ngập ngang thắt lưng.
Vô cảm?
Sự việc xảy ra vào khoảng 14h30 ngày 4/4 tại hồ Hố Mẻ (phường Khương Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội). Theo các nhân chứng, vào khoảng thời gian trên, khi họ đang ngồi uống nước tại quán trà đá bên hồ, thấy một cô gái đi thẫn thờ xung quanh bờ. Nghĩ là cô gái đang đi dạo, không ai để ý.
Khoảng 30 phút sau, họ thấy cô gái lội xuống nước, tiến thẳng ra giữa hồ, vùng vẫy trong chốc lát rồi chìm dần. Sững sờ, một số người hô hoán chạy đến cứu, nhưng khi chạy đến thì cô gái đã chìm hẳn. Sau hơn 30 phút, thi thể nạn nhân mới được đưa lên bờ.
“Tình cờ nhìn ra giữa hồ, tôi thấy một cánh tay đang vùng vẫy, biết là có người bị đuối nước nhưng không hiểu sao tôi không kêu lên được, cứ như người bị cấm khẩu”, bác Long, một người chạy xe ôm kể lại. Theo nhân chứng này, trước đó khi chở khách từ Gia Lâm sang ngã tư Trường Chinh – Tôn Thất Tùng, đang đợi đón khách để chạy về, bác đã thấy cô gái này đi lang thang bên bờ hồ.
Một nhân chứng khác, tên Hùng, có cách lý giải khác: “Chạy đến nơi, định nhảy xuống thì tôi nghe tiếng ai đó nói: “Hồ này có ma đấy, gọi thợ lặn, không thì tìm cách gì khác, chứ nhảy xuống là chết theo”. Lúc ấy tôi cùng nhiều người có mặt tại đó bỗng dưng đứng phắt lại chùn chân. Nếu lúc đó có ai dũng cảm nhảy xuống, có khi đã cứu được cô gái”.
Hỏi một loạt nhân chứng khác, Pháp luật Việt Nam còn ghi nhận được những cách lý giải khác nhau: Người nói không biết bơi; người sợ hãi cho rằng từ trước tới nay đã nghe lời đồn thổi “cứu được người chết, mình sẽ trở thành người phải “thế mạng” nên không dám nhảy xuống; còn có người quả quyết “như có hồn ma đã chết, ngăn bước chân lại, không cho xuống”.
Những người phụ nữ chứng kiến sự việc thì bất bình, cho rằng những người đàn ông “sức dài vai rộng” quá vô cảm. “Chúng tôi là phụ nữ không biết bơi đã đành. Nhưng nhiều người đàn ông to lớn, đứng trên bờ mà một hồi lâu mới nhảy xuống thì không hiểu nổi. Thú thực cũng nhiều lần nghe chuyện ma quỷ ở hồ Hố Mẻ, nhưng ban ngày ban mặt, hàng trăm người qua lại thì ma quỷ gì”, bà Nguyễn Thị Hạnh (quận Đống Đa) bức xúc.
Khi thi thể nạn nhân được đưa lên bờ, cảnh sát xác định là một cô gái khoảng 27 tuổi, mặc áo phông màu trắng, quần dài màu đen, trên người không có thương tích gì. Tại hiện trường, cảnh sát còn phát hiện một đôi dép tông màu xanh đã cũ để trên bờ.
Cơ quan chức năng cho biết cô gái tự tử, nhưng một người mê tín dị đoan lại cho rằng cô gái bị… “ma bắt”…
Hồ “ma ám”?
Nhiều ngày sau cái chết nhuốm màu ma mị của cô gái xấu số, quay lại hiện trường, vẫn nghe những câu chuyện thêu dệt đậm chất hoang đường về sự việc. “Ma đấy, ma không bắt thì người ta đã cứu được rồi. Ban ngày chứ đâu phải ban đêm mà không có ai thấy. Đằng này thấy, mà lại không cứu được..”, một người dân sống gần hồ thì thào.
Bà nói tiếp: “Thú thực nhiều bữa tôi cũng hết hồn. “Ma” hồ này thiêng lắm, đêm nào nằm ngủ tôi cũng nghe tiếng mấy cô gái kêu than, tỉ tê như đang oán thán điều gì đó. Có đêm đi dạo quanh hồ, tôi suýt chết vì sợ, gió thổi vi vu lạnh buốt sống lưng, tôi thấy ai đó vừa đi vừa hát sau lưng, mà nhìn lại thì không thấy ai cả”.
Người quanh khu vực đưa ra một “dẫn chứng”: “Cuối năm ngoái người ta cũng tìm thấy xác một cụ già khoảng 70 tuổi chết ở đấy rồi, không khéo bà cụ đưa cô gái đi cùng”. Theo đó, khoảng 8h ngày 12/11/2012, người ta phát hiện xác một cụ bà mặc quần áo màu đen, đầu bịt khăn màu tím nổi trên hồ, nạn nhân được cho là đã chết cách đấy hai ngày, và nổi ngay tại điểm cô gái mới chết đầu tháng 4/2013 vừa qua.
Do “vũng nước” này có quá nhiều người chết, nhiều lần người dân quanh khu vực còn thuê thầy cúng về làm lễ cúng bái, “giải thoát cho linh hồn người chết”. Lục lại “cột mốc” đánh dấu “dớp”, người ta bàn tán rôm rả câu chuyện một cụ bà chết tại đây khoảng 30 năm về trước đã “mở màn”, rằng “cụ không chịu lên vì sống ở đây quen rồi, thỉnh thoảng rủ thêm người sống chung cho vui”.
“Thần hồn nát thần tính”, sau vụ chết đuối gần đây nhất, người ta càng được dịp thêu dệt. Chị Nhung, một người nhặt ve chai cho rằng: “Trước đây trưa đi làm mệt, tôi đến nằm tại ghế đá bên hồ ngủ trưa, thường cứ nghe tiếng hát của một nhóm người nào đó rất ồn ào, lâu lại lại có tiếng khóc lóc, lúc lại nghe tiếng cười khanh khách, giật mình tỉnh dậy thì không thấy ai. Có hôm còn thấy một bà cụ đi lom khom kêu đói đến xin cơm, sợ quá cứ ngày 14 hàng tháng tôi thường mua một nải chuối với hộp cơm đến thắp, không bao giờ dám ngủ trưa ở đây nữa”.
Giải thích chuyện có sự trùng lặp trong địa điểm chết, người mê tín cho rằng “nơi cô gái chết đã có “điềm”, người này chết xuống thì linh hồn bị nằm lại dưới lòng hồ, họ phải bắt được một người “thế mạng” ngay tại chỗ đó thì linh hồn mới được siêu thoát về với xác”. “Bà cụ chết năm ngoái vậy là “lên” được rồi đấy, không biết ai lại phải chết nữa đây”, một người dân tỏ vẻ âu lo.
Lý giải câu chuyện dưới góc độ khoa học, một cao niên nhà sát bên hồ cho hay, không có chuyện ma tà quỷ quái gì quanh hồ Hố Mẻ. Theo ông, hồ nước tuy không sâu, nhưng có thể trong quá trình hàng chục năm, một địa điểm do địa chất tác động mà bất thường sâu hơn hẳn, những người trượt chân vào đây sẽ mất mạng.
Về nguyên nhân những người già có, trẻ có cứ tìm đến hồ tự vẫn, cao niên này cho hay: “Như một hội chứng, ai biết chuyện hồ nước là nơi thường xuyên có các vụ chết đuối, sau này khi buồn chán, có ý định tự vẫn thì trong đầu sẽ lóe lên ngay địa chỉ đó”.
Và thông tin mà cơ quan công an và người nhà nạn nhân đưa ra đã giải tỏa chuyện ma quỷ hoang đường như một số người đồn thổi. Theo đó, cô gái sinh năm 1987, đã có gia đình và một con. Từ cách đây hai năm, nạn nhân đã bắt đầu có triệu chứng bệnh trầm cảm, ngày một nặng nề hơn nên đã tự tìm đến cái chết.
Theo Uyên Đình
Pháp Luật Việt Nam