Hễ nông sản nào không rõ nguồn gốc, có sự nghi ngờ thì ngay lập tức bị mang ra dọa “nghi là hàng Trung Quốc” như là ngáo ộp. Một số phương tiện thông tin đang lợi dụng tâm lí "bài Trung" của một bộ phận người dân để “câu view” mà quên rằng, hệ lụy có thể gây thiệt hại ghê gớm cho SX trong nước.

 

Cua biển, vải thiều bị ảnh hưởng nhiều trong thời gian qua vì tin đồn.
Cua biển, vải thiều bị ảnh hưởng nhiều trong thời gian qua vì tin đồn.
 
Trao đổi với  PV, Tiến sĩ - chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong đã phân tích như vậy khi chỉ ra nguyên nhân vì sao gần đây, một số phương tiện truyền thông liên tục thông tin kiểu võ đoán nhiều mặt hàng nông sản trên thị trường “nghi là hàng Trung Quốc”, mà tiêu biểu mới đây là thông tin vải thiều Trung Quốc xuất ngược sang Việt Nam, hay mấy ngày gần đây là thông tin “cua lạ bán vỉa hè, nghi là cua Trung Quốc”.
 
Nông dân chịu trận 
 
Rất nhiều thông tin võ đoán về hàng nông sản “nghi là của Trung Quốc” đã được một số phương tiện truyền thông tung ra, nhưng sự thật lại không phải như vậy.
Về phương diện kinh tế, những thông tin thất thiệt như vậy ảnh hưởng thế nào tới SX, thưa ông?
 
Chúng ta đã có quá nhiều bài học về điều này, trước đây có thông tin sữa nhiễm Melamine, trứng gà tẩy trắng, gạo giả...
 
Rất nhiều mặt hàng Trung Quốc NK, đặc biệt là nhập lậu vào nước ta là hàng kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh ATTP. Vì thế khi tung tin một hàng nông sản nào đó đang bán trên thị trường là hàng Trung Quốc, người tiêu dùng sẽ lập tức nghi ngờ, thậm chí tẩy chay sản phẩm đó.
 
Nếu thực chất mặt hàng ấy lại là do nông dân chúng ta SX ra, sẽ khiến việc tiêu thụ trong nước ảnh hưởng nghiêm trọng, thương lái có thể tận dụng cơ hội ấy ép giá nông dân, và người chịu thiệt cuối cùng không ai khác lại chính là nông dân. 

 

Tiến sĩ - chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong: “Nhiều tờ báo hiện nay có vẻ như tự cho mình quyền được tự nói gì mình muốn, thậm chí không cần phải kiểm chứng thông tin, bởi họ cho rằng nhiệm vụ kiểm chứng thông tin là của cơ quan chức năng chứ không phải của cơ quan báo chí, đây là điều rất tai hại. Cơ quan quản lí báo chí cần phải xử lí thật mạnh tay những trường hợp thông tin thất thiệt, võ đoán ảnh hưởng tới SX, quyền lợi người dân"

 

Những thông tin kiểu như vậy, nếu không được cơ quan chức năng vào cuộc kiểm định để công bố và thanh minh sớm, sẽ còn nguy hại hơn nữa. Ví dụ hàng trăm tấn nấm nông dân SX ra mới đây đã phải bán đổ bán tháo chỉ vì thông tin một số tờ báo võ đoán rằng đa số nấm trên thị trường là nấm Trung Quốc.
 
Ông giải thích thế nào khi nhiều tờ báo, đặc biệt là báo mạng có vẻ ngày càng thích thông tin, giật tít võ đoán cho hàng nông sản nào đó trên thị trường có biểu hiện lạ thì đều “nghi là hàng Trung Quốc”?
 
Có thể nói xã hội đang có xu hướng tâm lí “bài Trung”, ngày càng không ưa thích hàng hóa Trung Quốc, đặc biệt là trong bối cảnh căng thẳng trên Biển Đông gần đây, tâm lí này ngày càng lan rộng.
 
Vì vậy, khi có hàng hóa nào trên thị trường không rõ nguồn gốc, có sự nghi ngờ thì ngay lập tức không chỉ tâm lí chung của người dân mà ngay cả báo chí đều thích lấy mác “nghi hàng Trung Quốc” ra dọa như là ngáo ộp, và những thông tin như vậy trên báo chí thường thu hút rất nhiều sự tò mò quan tâm của độc giả.
 
Về khía cạnh nào đó, tôi cho tâm lí “bài Trung” này là phản ứng yêu nước, phản ứng dân tộc một cách tự nhiên của người dân, trong đó có cả nhà báo. Cũng có thể báo chí muốn làm như vậy để khơi dậy lòng yêu nước.
 
 Nhưng cũng có thể một số tờ báo đã cố tình lợi dụng tâm lí “bài Trung” để “câu view”, phục vụ cho mục đích thương mại. Cũng có thể do nghiệp vụ, hiểu biết của nhà báo có giới hạn, thậm chí đạo đức nhà báo có vấn đề...
 
Tuy nhiên, cho dù là vì mục đích cổ vũ lòng yêu nước đi nữa, thì phải khẳng định cách làm đó là sự khơi dậy lòng yêu nước một cách mù quáng, thiếu tỉnh táo, không giúp được gì cho người SX, thậm chí còn phản tác dụng, đôi khi vô tình phá hỏng chủ trương “người Việt dùng hàng Việt” mà chúng ta đã dày công thực hiện.
 
Ông nói tâm lí “bài Trung” là không nên, nhất là đẩy nó đi quá xa, vậy quan điểm cá nhân, theo ông giữa vấn đề mâu thuẫn về chính trị và giao thương kinh tế, nên hiểu thế nào cho đúng?
 
Thực tế xã hội đang có tâm lí ghét tất cả hàng hóa Trung Quốc, ghét luôn cả DN Trung Quốc, bất kể hàng hóa ấy chất lượng ra sao, DN ấy làm ăn thế nào. Thậm chí, một bộ phận người dân còn có trào lưu tẩy chay hàng Trung Quốc, tẩy chay DN Trung Quốc lẫn giao lưu với Trung Quốc.Khi có sự xung đột về chính trị, rõ ràng sẽ có tác động đến kinh tế, thương mại. Sẽ có tâm lí “yêu thì yêu cả đường đi, ghét thì ghét cả tông ti họ hàng”.
 
Tôi nghĩ việc phát sinh tâm lí này của người dân, của người tiêu dùng là việc thể hiện lòng yêu nước hoàn toàn có lí và tự nhiên, họ có quyền như vậy.
 
Tuy nhiên về quan điểm cá nhân, tôi cho rằng hàng hóa không riêng gì của Trung Quốc, mà là hàng nhập lậu, hàng vi phạm vệ sinh ATTP thì cần phải tẩy chay, lên án. Nhưng quan điểm cực đoan, hễ cái gì liên quan tới Trung Quốc thì đều bài xích là điều không nên, và không đúng với tinh thần hội nhập kinh tế của nước ta.
 
Ở đây liên quan đến một khái niệm đang rất đáng quan tâm hiện nay, đó là quan điểm “thoát Trung”. Tôi cho rằng quan điểm này phải hiểu là cần tiếp tục đa dạng hóa quan hệ thương mại, trên cơ sở giữ hài hòa mối quan hệ các thị trường bên cạnh thị trường Trung Quốc, giảm thiểu các hàng hóa xấu, cạnh tranh không lành mạnh từ DN Trung Quốc..., chứ không phải cái gì liên quan tới Trung Quốc thì đều cắt đứt.
 
Cần xử lý nghiêm thông tin võ đoán
 
Cơ quan quản lí Nhà nước nên làm gì khi có thông tin thiếu kiểm định từ báo chí, kiểu như “cua lạ, nghi là của Trung Quốc”?
 
Trước đây, khi thông tin kiểu như thế cơ quan quản lí nhà nước thường im lặng, hoặc chỉ khi nào có yêu cầu từ cơ quan cấp trên họ mới chủ động vào cuộc điều tra kiểm định.
 
Tuy nhiên gần đây, tôi cho rằng chúng ta đã có nhiều chuyển biến tích cực, ví dụ khi có thông tin nhạy cảm liên quan đến hàng nông sản, ATTP, các cơ quan của Bộ NN-PTNT, Bộ Y tế cũng như đại diện các hiệp hội ngành hàng đã chủ động vào cuộc điều tra tìm hiểu, đồng thời thông tin phát ngôn thanh minh, phản hồi kịp thời cho dân.
 
Tôi cho rằng việc này rất quan trọng, và cần phải đi vào bài bản bằng thể chế cụ thể, quy định đầu mối, đơn vị cá nhân chịu trách nhiệm thẩm tra, phát ngôn thanh minh các vấn đề báo chí phản ánh.
 
Nếu cần thì phải xử lí cơ quan nhà nước nếu không kịp thời xác minh, bởi nếu cơ quan nhà nước không xác minh thì nghĩa là anh đồng ý, tiếp tay cho thông tin sai lệch. Cơ quan quản lí nhà nước cũng cần quyết liệt đề nghị cơ quan quản lí báo chí xử lí nghiêm các trường hợp thông tin thiếu xác thực, võ đoán, ảnh hưởng tới SX.
 
Xin cảm ơn ông!
 
Theo NNVN