Trong khi đi thu mua phế liệu chiến tranh, chị Bé bị kíp đầu đạn 90 ly nổ gây thương tích, còn vựa phế liệu của ông Phúc từng 3 lần cháy nổ do bom đạn.

 


Đề xuất di dời vựa phế liệu chiến tranh ra khỏi khu dân cư

Những năm gần đây, một số dự án rà phá bom mìn nhân đạo đã hỗ trợ các đại lý thu mua phế liệu chiến tranh trong công tác đảm bảo an toàn. Ông Nguyễn Văn Cường, Đội trưởng Đội rà phá bom mìn lưu động Quảng Trị (thuộc Cây hòa bình Việt Nam) cho biết tại huyện miền núi Hướng Hóa do dự án của ông phụ trách có 6 đại lý phế liệu chiến tranh. "Chúng tôi đến từng vựa phế liệu hướng dẫn chủ kinh doanh nhận biết bom mìn, đồng thời thu gom chậm nhất 24 tiếng nếu đại lý phát hiện mua nhầm bom đạn chưa nổ", ông Cường nói.

Ông Cường cảnh báo nguy cơ lớn nhất với các đại lý là thu mua nhầm đạn phốt pho, do rất khó nhận biết ngay cả với chuyên gia. “Loại đạn này để ở nơi dễ cháy hoặc nắng nóng rất dễ cháy nổ. Hoặc kíp nổ rất dễ gây tai nạn nếu có va chạm”, ông Cường nói. Hiện, đội của ông Cường vẫn nhận được điện thoại, thu gom từ các đại lý với số lượng 1-2 quả mỗi tuần.

Còn tại các huyện đồng bằng như Cam Lộ, Triệu Phong, Hải Lăng... từ năm 2008, dự án RENEW đã tặng 26 gia đình kinh doanh phế liệu chiến tranh một thùng bê tông có nắp nặng và khóa, được chôn dưới đất nhằm cách ly bom mìn chờ xử lý. Đến 2014, có gần 4.000 vật liệu nổ được RENEW thu thập và phá hủy an toàn từ các đại lý này.

Về nguy cơ đến từ các cơ sở kinh doanh phế liệu chiến tranh, đại tá Phan Thanh Quảng, Trưởng công an huyện Hướng Hóa nhận định những cơ sở này ở ngay khu đông dân cư, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao nhưng hiện chưa có đơn vị quản lý cụ thể. Công an sẽ kiến nghị huyện Hướng Hóa giao cho một đơn vị quản lý, đồng thời xét thấy nguy hiểm thì di dời ra khỏi khu vực dân cư.
 

Theo VnExpress

.