Chiều 30 Tết (18-2), trong lúc rảnh rỗi, lướt xem báo mạng ngày cuối năm, khi dừng lại trên mục kinh doanh - hàng hóa của trang báo điện tử Vnexpress, đọc bài phản ánh “Phiên chợ hoa, quả tết miền Trung đắt hàng ngày cuối năm” diễn ra trên đường Phạm Văn Đồng của TP.

 


Cũng ở trang báo này, ở mục “Làm giàu từ nông nghiệp”, chúng tôi thật bất ngờ khi đọc bài viết “Kiếm tiền tỷ nhờ trồng thanh long ở U Minh Hạ”. Tác giả Phúc Hưng cho biết, anh Nguyễn Hữu Phước, quê ở huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang (nhưng không rõ ở xã nào) được xem là người khởi xướng cho phong trào trồng thanh long làm giàu ở xã Khánh Thuận, huyện U Minh Hạ, tỉnh Cà Mau.

10 năm về trước, anh Phước đến đây lập nghiệp trên đồng đất được ví là “đất chết” vì nhiễm phèn, mặn quanh năm, sản xuất lúa không hiệu quả.

Mấy năm đầu anh chỉ trồng vài bụi thanh long để ăn và cho đỡ nhớ nhà. Sau đó, thấy thanh long vẫn phát triển tốt tươi ngay trên vùng đất phèn, trái ăn ngọt không kém thanh long trồng ở các nơi khác, năm 2012 anh rủ em trai của mình là Nguyễn Thanh Hùng xuống U Minh Hạ đầu tư hơn 1 tỷ đồng trồng 5 ha thanh long.

Anh Phước và người em đã ra sức khai phá vùng đất trũng, xây dựng hệ thống thoát nước xả phèn, mặn để trồng 3.000 trụ thanh long ruột đỏ, 2.000 trụ thanh long ruột trắng. Và rồi đất cũ đã đãi công người mới đến.

Hiện trang trại thanh long của anh đã bắt đầu cho thu “tiền tỷ”. Do chất lượng trái tốt nên phần lớn thanh long của anh được các thương lái ở TP. Hồ Chí Minh ký hợp đồng bao tiêu. Anh Phước cho biết, thanh long ruột đỏ có giá bán từ 20 - 30 ngàn đồng/kg, thanh long ruột trắng trên 10.000 đồng/kg.

Có thời điểm anh bán thanh long ruột đỏ cho vựa thu mua xuất khẩu với giá 38.000 đồng/kg. Anh ước tính, từ năm thứ 3 (năm 2015) trở đi, mỗi trụ thanh long sẽ cho trái từ 40 - 50 kg.

Khoảng 10 năm trở lại đây, nhà vườn ở huyện Chợ Gạo cũng đã khởi xướng phong trào trồng thanh long ở vùng đất nhiễm phèn của huyện Tân Phước và đất đã không phụ công người. Hiện tại, đã có hơn 100 ha thanh long ruột đỏ và thanh long ruột trắng bén rễ trên vùng đất vốn nổi tiếng “rốn lũ, rốn phèn” của vùng Đồng Tháp Mười, trong đó có nhiều người làm giàu nhờ vào cây trồng này, nếu không nói là có người đã “kiếm được tiền tỷ” như anh Nguyễn Hữu Phước.

Cũng qua câu chuyện kể trên cho thấy, đất miền U Minh Hạ và Đồng Tháp Mười đã thắm tình người Tiền Giang. Hay nói cách khác, miền đất cũ U Minh Hạ, Đồng Tháp Mười ấy đã và đang đãi công xứng đáng cho những người mới đến đây có công khai phá, tạo dựng màu xanh bạt ngàn trên vùng đất khó.

 

Theo Báo Ấp Bắc

.