Người dân huyện Kim Bảng (Hà Nam) đang truyền tai câu chuyện bé Lê Thị Yến Nhi (SN 26/5/2013), con gái của anh Lê Văn Tân (SN 1988) và vợ là chị Lường Thị Thoa (SN 1993, ngụ thôn Thọ Cầu, xã Tượng Lĩnh) biết nói khi mới hơn 2 tháng tuổi.
Sinh ra không khóc, lại cười?
Tại gia đình của cặp vợ chồng trẻ, giữa trưa, người mẹ trẻ đang bế nựng đứa con, nay đã hơn 4 tháng tuổi trên võng. Đứa bé bụ bẫm, đôi mắt đen, to. Người mẹ cho biết: “Hôm đầu tiên bé nói được là chừng 2 tháng 20 ngày. Bố nó tự nhiên bảo nghe thấy con nói mấy hôm trước, nhưng nghĩ mình nghe nhầm.
Một hôm, khi cả nhà đang xem phim vào khoảng 9h tối, bé khóc đòi ăn, bố nó mới ghi âm lúc bé nói. Mới đầu, thật tình tôi không tin, cả nhà ai cũng sửng sốt nhưng đến khi anh nhà tôi ghi âm được thì ai cũng công nhận bé gọi được. Tôi cũng từng nghe trực tiếp cháu nói. Cháu thường gọi khi khóc đòi ăn và cả lúc chơi”.
|
Theo các chuyên gia, hai tháng tuổi mà đã biết nói có thể gọi là trường hợp “ngôn ngữ bên ngoài”. |
Tiếp lời vợ, anh Tân kể: “Ở nhà, tôi là người hay cho bé ăn. Lần đầu tiên bé nói được là câu “mẹ ơi” nhưng tôi không ghi âm được. Tối hôm sau, khi đang nằm chơi thì bè gọi “bà ơi”. Rồi buổi sáng sau đó, bé liên tục gọi mẹ, bà, suốt ngày bắt ngồi chơi nói chuyện, bắt bố bật video cho xem. Giờ gọi được cả “bố ơi” rồi”.
Theo lời người cha, lúc mới sinh, so với các bé cùng độ tuổi thì con mình không có biểu hiện gì khác lạ. Chỉ khác là bé không khóc, lúc sinh xong bế ra là cười, mang đi tiêm cũng không khóc. Lúc để bé đói quá, bé khóc chốc lát nhưng tiếng khóc cứ “ai ái” chứ không gào thét.
Giờ giấc sinh hoạt của bé cũng đảo lộn. Cứ đều đặn 1 – 2h giờ đêm hôm nào bé cũng dậy đòi bố mẹ trò chuyện, không có ai chơi đùa, chuyện trò là bé kêu.
Để chứng minh, anh Tân mở một video trong điện thoại cho chúng tôi xem đoạn ghi hình đứa bé gọi được hai lần từ “bà ơi”. Từ lúc phóng viên đến, bé Nhi nằm ngoan trong vòng tay mẹ, thế nhưng đến khi ra về, phóng viên không được nghe bé cất lời một lần nào.
Kể từ khi đứa con biết nói khi mới hơn hai tháng tuổi, ngày nào hai vợ chồng anh Tân cùng ông bà nội cũng nơm nớp lo sợ “chuyện lạ”. Rồi khi đoạn video ghi hình bé Nhi gọi “bà ơi” được bà nội kể bên nhà ông bác thì dần dần cả làng biết.
Ngay sau đó, cả nhà tá hỏa khi người tứ xứ tìm đến để gặp con gái mình cứ tăng dần. Ngày ít thì 10 người, nhiều thì 30 người ở các nơi tìm đến thăm bé. Những câu chuyện được người ta truyền tai nhau về bé cũng được thêu dệt theo cấp độ tăng dần.
Có người không ngần ngại gọi bé là “thần đồng”, “thiên tài”, “người giời”. Trong lúc hỏi thăm đường vào nhà bé Nhi, một bà cụ cứ nhắc mãi với chúng tôi: “Từ cha sinh mẹ đẻ tới giờ, già này chưa thấy một trường hợp nào lạ kỳ như thế, chắc chắn bé phải có một khả năng thiên bẩm về sau”.
Nói ở nhà, im thin thít khi lên chùa?
Ngày sinh bé đúng ngày mai táng cụ nội nên có người mê tín cho rằng cụ đầu thai vào bé. Những câu chuyện càng được dịp thêu dệt. Người cha đứa bé tỏ ra lo lắng: “Ngày ra đời cháu là ngày mất cụ, người ta cứ bảo là đầu thai nhưng gia đình chúng tôi không biết được. Có người lại bảo là cháu lộn cửa, không phải cụ nội mà người trên lộn vào”.
Ngày nào cũng nghe dân làng bàn tán về cháu mình, bà của cháu lo lắng mất ăn mất ngủ, nghe lời mách cho cháu làm con nuôi nhà chùa, liền mang bé lên làm lễ ở chùa gần đó. Lúc đó, dù đang lúc gặt rộ, cả nhà vẫn bỏ cả gặt để đưa đứa bé đi làm lễ.
Người mẹ cho biết, sau khi gia đình cho cháu lên làm lễ ở chùa, cháu đã ít nói hơn, có khi mấy ngày mới được một câu. Dạo trước bé nói liên tục, có lúc nói câu dài như “mẹ ơi ăn”, “bố ơi bế”, “bà nội”…, nhiều lúc còn kêu “ối giời ơi”… Bây giờ cách vài ngày gia đình lại đưa bé lên chùa chơi, ở nhà bé khá hiếu động nhưng hễ lên chùa là nằm im thin thít.
Câu chuyện về đứa bé biết phát âm sớm thực ra chẳng có gì là lạ lẫm, vì thực tế đã từng gặp nhiều. Nhưng với những người mê tín, “bé xé ra to” thì lại khác.
Người nhà kể lại một câu chuyện bi hài, một hôm, một người trong họ xuống chợ, vui miệng nói chuyện về bé. Trước những lời đồn đại bé gái là “thần đồng”, người trong họ cho rằng “đó là bình thường chứ không phải thần đồng này nọ”.
Ngay lúc đó, một người phụ nữ trung tuổi ở xã bên tát một cú như trời giáng vào người “báng bổ”: “Nó là người giời, không được nói xấu nó”. “Cú tát ấy khiến tôi ù tai đến hàng tuần”, “nạn nhân” nhớ lại.
Cuộc sống gia đình bị đảo lộn, đôi vợ chồng trẻ vừa lo chăm con lại vừa lo tiếp khách. Khách đến thăm nhà anh Tân bất kể giờ giấc, có hôm ngồi chật kín nhà, đứa bé đang ngủ cũng bị đánh thức dậy.
Trước những thắc mắc quanh câu chuyện bé gái biết nói khi mới hơn hai tháng tuổi này, nhà ngoại cảm Nguyễn Cung Hà, Phó Chủ nhiệm bộ môn Cận tâm lý (Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người), cho rằng, bé Nhi cũng là trường hợp đặc biệt. Nhưng việc gọi bà, mẹ, ba… chỉ là bột phát, hoàn toàn không có cơ sở khẳng định là đầu thai hay thần đồng.
Ông Trần Duy Tiên, phó chủ tịch UBND xã Tượng Lĩnh cũng đồng tình với nhận định nêu trên. “Chính tính hiếu kỳ, tò mò của một số người mê tín; rồi sự đồn thổi, thêu dệt của những người này đã làm rối vấn đề. Theo tôi, nên để bé phát triển tự nhiên như những đứa trẻ bình thường khác”, ông Tiên nói.
Theo Xa lộ pháp luật