Trong căn nhà gỗ 5 gian cũ kĩ, trống hoác, mối mọt, gió mùa đông lạnh ngắt cắt vào da thịt, ông Đặng K. Thịnh ngồi co ro trên giường với 2 lớp áo len xanh, đỏ rách vai phải và hở sườn trái, giọng trầm buồn kể về cuộc đời mình.
 
“Thời huy hoàng” của phú ông K.Bản
 
Theo lời tâm sự của “công tử” K. Thịnh, bố ông là thương nhân nổi tiếng Đặng K. Bản –người gốc Sơn Tây (Hà Tây cũ, Hà Nội ngày nay). Đoàn xe ngựa buôn hành của ông K. Bản trải dài từ Thanh Hóa ra tận đất Thăng Long - Hà Nội trong những năm 1930. Bấy giờ, hành xứ Thanh có tiếng chẳng kém gì tỏi trên đảo Lý Sơn nên rất được ưa chuộng, khách hàng chủ yếu của ông K. Bản phần lớn là người Hoa và người Pháp.

 

Ông Đặng K. Thịnh.
Ông Đặng K. Thịnh.

 

 
Không những buôn hành, ông K. Bản còn buôn thuốc bắc và nồi đất. Nhiều cụ già ở làng Thịnh (Xuân Dương, Thường Xuân), Bái Đô, Bái Thượng (Xuân Bái, Thọ Xuân) đến nay vẫn còn nhớ tấm lòng nhân đạo của ông K. Bản bốc thuốc chữa bệnh miễn phí, mở kho thóc cứu đói cho dân nghèo khi có hạn hán hoặc lũ lụt.
 
"Phú ông" K. Bản đối xử rất nhân hậu với gia nô, thậm chí còn làm mai, dựng vợ, gả chồng và cắt đất thưởng cho người làm trung thành, tận tâm với gia đình. Ruộng của “đại gia chân đất” K. Bản trải ngút ngàn không chỉ một góc trời Thanh Hóa mà còn “vươn ra” Hà Nội, “quẹo” về Ninh Bình và nối liền với Nghệ An… tiền ròng, bạc đống chẳng kém gì "công tử Bạc Liêu"…
 
“Đại gia” K. Bản đã gặp đại nạn…
 
Vào cuối những năm 1940 khi liên tục bị bạn hàng và khách hàng gian lừa đảo, khiến gia đình K.Bản phải tán gia, bại sản . Ruộng đất mất sạch, tài sản, nhà cửa bị xiết nợ, để tránh bị “truy sát”, thương gia buôn hành lừng lẫy một thời phải nửa đêm vạch lau sậy, bơi qua dòng sông Chu lạnh ngắt trốn ra Hà Nội lánh nạn.
 
Mếu máo như trẻ lên 3, “công tử” K.Thịnh vịn hai bàn tay già gầy guộc, lấm chấm vết đồi mồi lên vai phóng viên báo Đời sống & Pháp luật nói đứt quãng: “Đêm đó, người ta đốt đuốc, cầm dao, súng kéo đến đông lắm, bố em (ông Thịnh luôn xưng em với người khác) phải chạy ra ngoài Hà Nội để trốn không thôi là bị giết chết, còn mẹ em thì dắt hai anh em chạy ra bãi đá ngoài bờ sông trốn trong bãi lau sậy.”
 
Ông Thịnh cho biết sau khi gia đình tán gia bại sản người anh ruột của ông là K.Phú đang học một trường danh giá dành cho con cái nhà tiểu tư sản có giáo viên người Pháp dạy phải bỏ học giữa chừng. “Công tử” K. Phú rất thông minh, thông thạo tiếng Pháp và vẽ rất giỏi.
 
Anh em K. Phú - K. Thịnh hơn 50 năm gánh nước thuê rau cháo nuôi nhau
 
“Anh Phú nhà em giỏi tiếng Pháp lắm, vẽ đẹp lắm,” ông em K.Thịnh tự hào kể về anh trai.
 
“Thế cụ có biết nói tiếng Pháp và vẽ không ạ?,” phóng viên hỏi- “Em có mà nói ăn, em biết vẽ nhưng không đẹp bằng anh Phú, nhà mất hết đất em đang học lớp 1 thì phải bỏ” ông K. Thịnh cười trả lời.

 

Ông tâm sự về cuộc đời với phóng viên
Ông tâm sự về cuộc đời với phóng viên
 
Sau khi đi bộ đội kháng Pháp trở về từ chiến trường Điện Biên Phủ (ông K. Phú làm thông ngôn cho quân đội ta), ông K. Phú và em út K. Thịnh làm đủ nghề để mưu sinh trong đó có cả đi cày ruộng thuê, nhưng sau đó con bò của hai anh em chết bệnh nên họ không còn công cụ lao động đâm ra thất nghiệp. Bấy giờ, theo lời ông Thịnh kể - khoảng năm 1956, tài sản có giá trị nhất trong nhà là đôi thùng gánh nước mà ngày xưa gia nô thường gánh nước cho gia đình.
 
Ông K. Phú bắt đầu dẫn em trai K. Thịnh đi làm nghề rất cực nhọc để lần từng bữa qua ngày… gánh nước thuê.  Kể từ đó (năm 1956) đến năm 2007, ngày nào người dân hai bên bờ sông Chu cũng đều thấy hai người đàn ông dáng hình nhỏ gầy - con của một phú ông nức tiếng giàu có một thời sóng bước cùng nhau với 2 thùng nước nặng kẽo kẹt trên vai.
 
Không quản ngại nắng, mưa, đông, hè, từ sáng tinh mơ gà gáy cho đến khi gà mặt trời lặn xuống núi Bù Xèo ông Phú, ông Thịnh đều cố hết sức mình để chum, vại đựng nước của những gia đình thuê gánh được đầy ứ.
 
Nếu xét kỉ lục Guiness về người làm nghề gánh nước thuê trên thế giới, rất có thể, cặp anh em Phú - Thịnh xứng đáng được đề cử vì họ liên tục hành nghề trong suốt hơn 50 năm.
 
Dù rất làm rất vất vả, nhưng tiền công trả mà người ta trả cho 2 ông rất rẻ không thể đủ ăn. “ngày trước, hai anh em đi gánh nước, chỉ được mấy ngàn động một ngày, có hôm chỉ ăn được một bữa, có hôm đói vàng mắt vì người ta nợ lại,” ông Thịnh nhớ lại.
 
Ông Phú là người – mà theo người dân địa phương kể - cư xử rất người lớn đối với em trai, luôn tỏ ra nhã nhặn, lịch sự và giao tiếp có văn hóa với mọi người. Khi em trai K.Thịnh mệt, anh Phú đều gánh đỡ cho em, tết đến dù rất nghèo, nhưng ông Phú luôn dành tiền để mua quần áo mới cho em, còn ông thì luôn mặc đồ cũ.
 
Ông Phú không bao giờ nói nặng hay bạo lực với em trai, khi em Thịnh có lỗi, anh trai thường nhẹ nhàng nhắc nhở, phân tích đúng sai để K. Thịnh hiểu. “Anh Phú thương em lắm, không bao giờ ăn cơm trước em, có cái bánh khô (ngoài Bắc gọi là bánh đa) cũng chia cho em, hai anh em thương nhau lắm, ăn, ngủ và đi làm đều cùng nhau.”
 
Không những được người dân yêu quí, hai ông già gánh nước thuê còn được trẻ em xem như bạn thân. Cứ sau mỗi lần đặt thùng nước xuống nghỉ mệt ở một trường học nào đó, lập tức- nếu khi đó đang giờ ra chơi - học sinh sẽ ùa đến “quây kín” 2 ông già nhỏ thó, đưa phấn, bảng, bút và giấy, rồi chúng lao xao như ong vỡ tổ: “ông Phú vẽ cho cháu con ngựa, ông Thịnh vẽ cho cháu con gà, ông vẽ Tôn Ngộ Không không, siêu nhân đi ông ơi”
 
Dù đang rất mệt nhọc nhưng khi trông thấy nụ cười và ánh mắt trẻ thơ hân hoan cầm trên tay tác phẩm hội họa của mình, hai ông đều thấy nhẹ nhõm và yêu đời hơn. 
 
Dân có giếng và máy bơm nước -  hai “công tử” thất nghiệp chuyển “nghề cái bang”
 
Suốt hơn 50 năm hai “công tử” Phú - Thịnh chỉ dùng duy nhất 2 đôi thùng đúc bằng nhôm Pháp, rất bền. Nhưng rồi, đến những năm 2000, kinh tế phát triển, người dân đào, khoan giếng, bắt máy bơm nước, không còn ai thuê gánh nước, hai anh em ông Phú - Thịnh trở thành kẻ thất nghiệp, đến nỗi phải bán đồ nghề để cứu đói khẩn cấp.

 

Ông Đặng K. Thịnh trên con đường heo hút về nhà.
Ông Đặng K. Thịnh trên con đường heo hút về nhà.
 
Sau khi giã biệt đôi thùng gánh nước, hai thân già héo hon phải dắt dìu nhau, khoác túi, đeo bị đi khắp nơi, điểm dừng thường là chợ, cổng chùa để xin ăn. Xin ăn không đủ sống, họ phải tìm đến những bãi rác để moi, móc bì xi măng, túi nhựa, lon nhôm đựng đồ uống và cả đến những lò rèn, cửa hàng sửa xe đạp, xe máy “xin” nhặt sắt vụn để bán kiếm đồng rau, đồng cháo sống qua ngày.
 
“Đói cho sạch, rách cho thơm”, hai anh em họ chưa bao giờ lấy đắt tiền công thuê gánh nước, cũng chưa bao giờ xin thêm khi người khác “bố thí”, họ luôn cử xư đúng khuôn phép con nhà có lễ giáo, lịch sự và văn hóa, thường khiêm nhường xưng “em” với người khác dù cho họ ít tuổi hơn.
 
Ông K. Phú đã mất cách đây 6 năm (thọ 88 tuổi), giờ chỉ còn một mình ông em K.Thịnh (75 tuổi), ngày lại ngày một mình cô đơn xách làn nhựa, lê đôi dép cọc cạch rách tả tơi, như cánh vạc gầy xác xơ khóc khúc bi ai của đoạn cuối cuộc đời….
 
Theo ĐS&PL