Sức “nóng” của xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội không chỉ bởi đây là đầu mối bán buôn lớn nhất miền Bắc về riêng mặt hàng vải, mà còn bởi dấu hiệu của những hoạt động giao dịch hàng lậu mà lực lượng chức năng chưa thể kiểm soát hết.
|
Tuyến đường giáp ranh Ninh Hiệp và Đình Bảng, Bắc Ninh rất thuận tiện cho lưu thông hàng... lậu |
Đắc địa
Hơn chục năm về trước, chợ Ninh Hiệp vốn nổi tiếng bởi 2 mặt hàng chính là thuốc nam và quần áo, vải Trung Quốc giá rẻ. Từ nội thành về Ninh Hiệp quãng gần 20 cây số, đi xe máy về chợ nửa buổi dễ dàng “quơ” được cả bao tải quần áo, vải với giá siêu rẻ. Và tất nhiên, tiền nào của nấy!
Song, Ninh Hiệp hôm nay rất khác. Thậm chí như nhiều dân buôn chuyến biên giới về nội địa quả quyết, chợ Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm bây giờ đã bị chợ Ninh Hiệp bỏ xa về quy mô đổ buôn vải, quần áo Trung Quốc. Ngay cả dân buôn ở Đồng Xuân cũng rục rịch sang Ninh Hiệp thuê ki-ốt làm ăn. Nếu như trước kia, chợ vải Ninh Hiệp chỉ tập trung ở trục đường chính của làng và vài trăm hộ kinh doanh tại nhà, thì hiện nay, theo thống kê, toàn xã có khoảng 1.600 sạp, ki-ốt chuyên doanh vải. Trong đó hơn 1.000 sạp tại chợ Nành; hơn 100 ki-ốt kinh doanh ở 2 trung tâm thương mại Sơn Long và Phú Điền (đều do tư nhân đầu tư), cùng gần 400 hộ kinh doanh trên các trục đường của xã. Cũng trên “lĩnh vực” vải, quần áo, Ninh Hiệp hiện có gần 30 doanh nghiệp xuất nhập khẩu và cung ứng cho thị trường nội địa.
Đâu là yếu tố khiến Ninh Hiệp trở thành thương hiệu lớn trên thị trường vải, quần áo của cả nước? Cái “gốc” truyền thống làng nghề kinh doanh vải là yếu tố đầu tiên. Song quan trọng hơn, địa thế của Ninh Hiệp rất phù hợp trong vai trò trung chuyển hàng từ các tuyến biên giới về Hà Nội rồi đi các tỉnh. Diện tích không quá lớn nhưng Ninh Hiệp lại “cận” tới 2 tuyến quốc lộ huyết mạch 1A và 1B, đi Cao Bằng cũng thuận mà từ Lạng Sơn về lại càng tiện hơn. Riêng hành trình Lạng Sơn, ngoài 2 trục quốc lộ, Ninh Hiệp có gần tuyến đường sắt – ga Yên Viên.
Cùng một cán bộ Đồn công an Bắc Đuống, huyện Gia Lâm đi thị sát địa bàn Ninh Hiệp, bên cạnh sự choáng ngợp về quy mô của chợ Nành và 2 trung tâm thương mại chuyên doanh vải, chúng tôi còn ngạc nhiên bởi địa hình nhiều giáp ranh và quá nhiều đường liên xã, xuyên tỉnh ở Ninh Hiệp. Riêng trục chính mà xe ô tô tải trọng trên 10 tấn có thể… chạy băng băng, Ninh Hiệp có tới 3 tuyến. Bên cạnh đó là không dưới 5 trục đường mà xe tải nhỏ và công nông, xe 3 bánh tự chế (khá thịnh hành ở Ninh Hiệp, được sử dụng để san tải hàng từ xe siêu trường, siêu trọng), có thể hoạt động rất linh hoạt. Cuối xóm 1 của Ninh Hiệp cũng có trục đường hết sức thông thoáng, xuyên lên dốc Ba Za, chạy qua các xã Trung Mầu, Yên Thường… để lên quốc lộ 1A cũ. Trục đường này liền kề đất Đình Bảng, Bắc Ninh; và trên khu đất đối diện xóm 1 ấy, san sát biệt thự, mà như đồng chí cán bộ Đồn công an Bắc Đuống thông tin: “Đa phần của người Ninh Hiệp sang mua đất, làm nhà”.
|
2 trung tâm thương mại chuyên doanh vải ở Ninh Hiệp |
Nỗi buồn ở làng nghề truyền thống
Ninh Hiệp có lẽ là một trong những xã giàu nhất nhì các làng nghề truyền thống ở Hà Nội. Phương tiện cơ giới (ô tô) hoạt động ban ngày ở xã chủ yếu chở 2 loại hàng là vải, quần áo và vật liệu xây dựng. Hầu như đi trên các trục đường của xã đều bắt gặp những công trình tư nhân đang thi công. Vào “thủ phủ” xã, nhất là xung quanh 2 trung tâm thương mại, không ai nghĩ đây là xã ngoại thành. Theo một cán bộ xã, Ninh Hiệp hầu như không có thời gian nghỉ. Ban ngày là hoạt động kinh doanh. Từ đêm cho đến tảng sáng là các xe hàng về làng, trong đó, xe cỡ 3 hay 5 tấn được xếp vào… chủng loại nhỏ.
Phấn khởi vì sự khá giả của Ninh Hiệp, nhưng vẫn có không ít sự buồn. Trong số trên dưới 1.600 hộ kinh doanh vải ấy, đếm được trên đầu ngón tay sản phẩm vải, quần áo “made in Việt Nam”. Mà đúng như vị cán bộ xã quả quyết, “làng nghề truyền thống thật đấy, nhưng khách tìm về Ninh Hiệp không phải để mua sản phẩm trong nước”. Rặt hàng Trung Quốc, từ nguyên liệu đến thành phẩm, từ loại “dùng được” đến… phế phẩm.
Quy mô như thế, sầm uất là thế, nhưng số hộ hoạt động có đăng ký kinh doanh chiếm tỷ lệ không nhiều. Chỉ huy Đội QLTT số 8, Chi cục QLTT Hà Nội – một trong những đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp giám sát, quản lý hoạt động kinh doanh tại xã Ninh Hiệp – cho biết, tháng 7-2012, qua rà soát các hộ kinh doanh, cơ quan QLTT phát hiện thực tế rất khó chấp nhận: trong tổng số trên dưới 1.600 hộ kinh doanh ở Ninh Hiệp chỉ có chưa đầy 500 hộ có đăng ký kinh doanh. Ngay cả ở 2 trung tâm thương mại Phú Điền và Sơn Long, tỷ lệ hộ kinh doanh có đăng ký cũng chưa đến 5%. Nhẫn nại tuyên truyền, hướng dẫn kết hợp xử lý, đến thời điểm này, tỷ lệ số hộ có đăng ký kinh doanh mới lên được trên 72%.
Chính đặc thù chuyên doanh vải, quần áo “ngoại”, cùng với tính chất làng xã, nhận thức pháp luật chưa trọn vẹn, khiến một bộ phận hộ kinh doanh ở Ninh Hiệp đã và đang có biểu hiện kinh doanh vi phạm pháp luật, là “đánh” hàng không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc từ bên kia biên giới về nội địa. Ngoài vải, một số “đầu nậu” đã dần chuyển hướng sang các mặt hàng gia dụng. Từ làng nghề truyền thống đến mưu sinh và làm giàu, ở Ninh Hiệp đã xuất hiện những thủ đoạn, những cá nhân, những đường dây buôn hàng lậu đầy toan tính đối phó, mà rõ ràng cơ quan chức năng cũng như chính quyền cơ sở đang có phần bị động, thiếu kiên quyết về giải pháp đấu tranh, xử lý…
(Còn tiếp)
Theo Hoàng Quân
An Ninh Thủ Đô