Mặc dù đã được các cơ quan chức năng và truyền thông vào cuộc lên tiếng cảnh báo, nhưng những hậu quả đau lòng vẫn diễn ra với nhiều nữ công nhân. Tại khoa hiếm muộn (Bệnh viện Hùng Vương, TP.HCM), nữ công nhân T.N.G. (18 tuổi, quê ở An Giang) tâm sự: "Một năm trước, vì hoàn cảnh khó khăn, tôi lên thành phố lập nghiệp, sau đó đã yêu và "trao thân" cho anh B., người bạn làm chung xí nghiệp tại KCN Vĩnh Lộc (Bình Tân, TP.HCM). Vì không cẩn thận nên không ít lần tôi phải tự mình đi giải quyết hậu quả ở phòng khám tư và không may là không chỉ một lần như thế. Sau khi chia tay, tôi đi lấy chồng được hai năm, nhưng hai vợ chồng vẫn không có con. Cho đến khi đi khám mới sững sờ vì tôi không có khả năng làm mẹ do bị dính vòi trứng, mà nguyên nhân do nạo phá thai nhiều lần. Hối hận, tháng nào tôi cũng đến đây để khám. Nhưng tôi không thể nào khắc phục hậu quả cho những sai lầm nghiêm trọng mà mình đã gây ra".
Tìm đến khu nhà trọ phía sau bệnh viện đa khoa Hoàn Hảo (phường Bình Hòa, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương), PV được lắng nghe những câu chuyện đau lòng xuất phát từ sai lầm sống thử của nhiều nữ công nhân. Bà L.T.N. (chủ một khu nhà trọ) cho biết: "Cách đây mấy tháng, khu phòng trọ của chúng tôi xảy ra một sự việc động trời với nữ công nhân H.T.V. (SN 1993, quê ở Nghệ An). Vì quá cả tin, V. đã hiến dâng điều quý giá nhất của đời mình cho một nam thanh niên cùng tuổi. Sau đó, V. có bầu từ lúc nào cũng không ai biết cho đến một buổi chiều V. đi làm về sớm, lên thẳng phòng tự mình sinh con. Sau khi tự tay cắt rốn, V. đã bỏ đứa con trai của mình vào trong một cái bọc đen rồi ném vào một thùng rác. Khi tôi phát hiện ra thì đứa trẻ gần như tím tái nhưng rất may các bác sĩ bệnh viện đa khoa Hoàn Hảo đã cứu được mạng sống của cháu".
Bà N. cho biết thêm: "Không chỉ riêng mình V., nhiều nữ công nhân vì có bầu ngoài ý muốn. Vì không dũng cảm đối diện với những sai lầm của mình nên họ đã vứt bỏ đứa con của mình dứt ruột đẻ ra ở những nơi hoang vắng như bụi cỏ, cổng nhà chùa... Chúng tôi không khỏi chạnh lòng khi những đứa trẻ sinh ra mà không có bàn tay che chở của người cha. Cuộc sống của các cháu lay lắt và khổ sở trong bàn tay yếu mềm của những bà mẹ, vật vã với nghề công nhân, chỉ nuôi thân thôi đã vất vả, huống chi là thêm một đứa trẻ còn đỏ hỏn, lại không có người thân bên cạnh". Nói đoạn, bà N. thở dài. Tiếng thở dài não nề khiến chính chúng tôi cũng bất giác buông tiếng thở dài. Ngoài trời chợt có cơn mưa, nghe đâu đó có tiếng trẻ thơ khóc oe oe mà thấy nhói lòng...
Có tháng có đến hàng trăm giấy khai sinh nộp cho công ty không có tên cha
Trao đổi với PV, trưởng phòng Nhân sự Công ty F. (một trong những nơi có nhiều công nhân sinh con rồi bỏ ở nhà vệ sinh nhất) cho biết: "Hàng tháng, công ty chúng tôi giải quyết chế độ thai sản cho hàng chục nữ công nhân. Tuy nhiên, trong đó, 50% giấy khai sinh nộp cho công ty đều không có tên cha của đứa bé".
LTS: Nhằm có cái nhìn tổng thể và cung cấp thông tin toàn cảnh đến độc giả, báo ĐS&PL tiếp tục đăng tải nội dung điều tra của phóng viên bản báo tại các KCN trên địa bàn một số tỉnh miền Bắc ở số báo tiếp theo. Trên thực tế, sẽ có những thông tin khiến nhiều người giật mình...
Theo Thơ Trịnh
Nguoiduatin.vn