(BVPL) - Có thể khẳng định, nếu thực sự muốn chăm lo chỗ ăn, chỗ ở cho những người có công với cách mạng ở TP. Hồ Chí Minh thì những việc như: làm đường đi cho mẹ Nguyễn Thị Em, sửa nhà cho thân nhân liệt sỹ Lê Thị Kiều Oanh mới chỉ là những bước đi đầu tiên trong cả một hành trình dài… Những việc làm có ý nghĩa này trên địa bàn thành phố hiện đang được Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng; Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong quan tâm chỉ đạo và được các cơ quan, tổ chức, nhân dân nhiệt tình hưởng ứng.


“Bớt nghị quyết, hội họp đi”


Ngày đầu làm việc sau kỳ nghỉ Tết (15/2), tân Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Đinh La Thăng đã chỉ đạo: "Đã hết Tết, các đơn vị, địa phương phải chấm dứt các hoạt động chúc tụng đầu năm, tập trung ngay vào công việc, không được để người dân, doanh nghiệp chờ đợi”. Gần như ngay lập tức, sau tuyên bố đó, Bí thư Thăng đã bắt tay vào thực hiện những công việc mà ông cho rằng cần thiết, có ích cho người dân.


Ngày 18/2, khi tới thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Em và bà Lê Thị Kiều Oanh (thân nhân liệt sỹ) ở xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, trực tiếp chứng kiến điều kiện sống còn nhiều hạn chế của mẹ Em và bà Oanh, ngay lập tức Bí thư Thăng đã chỉ đạo chính quyền địa phương phải có giải pháp khắc phục. Thực hiện chỉ đạo của Bí thư Thăng, con đường vào nhà mẹ Em và căn nhà của bà Oanh đã được chính quyền địa phương khẩn trương làm mới và sửa chữa.


Việc chăm sóc đời sống cho những gia đình có công, đặc biệt là các Mẹ Việt Nam anh hùng ở TP. HCM không phải là việc bây giờ mới được thực hiện. Từ nhiều năm trước đây, ngoài các chính sách theo quy định chung, thành phố cũng chi từ nguồn ngân sách trợ cấp thêm cho mỗi mẹ 2 triệu đồng/tháng. Phong trào phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng đã thu hút được sự tham gia của nhiều thành phần xã hội. Sự chăm sóc phụng dưỡng được biểu hiện cụ thể bằng các hình thức như: giúp xây dựng, sửa chữa nhà ở, giúp phương tiện sinh hoạt, thường xuyên thăm hỏi, chăm sóc khi ốm đau…


Nét mới của Bí thư Thăng trong việc chăm sóc cuộc sống của các Mẹ Việt Nam Anh hùng nằm ở chỗ ông giữ đúng tinh thần “bớt nghị quyết hội họp đi, hành động ngay cái dân cần …” và vì thế quyết định của ông được đưa ra nhanh chóng đến mức bất ngờ. Tất nhiên, ông cũng luôn duy trì quá trình giám sát chặt chẽ để đảm bảo quyết định của mình phải được thực hiện với quyết tâm cao nhất.

 

 Mẹ Nguyễn Thị Nhuần ở cùng con trong ngôi nhà rất chật hẹp.
Mẹ Nguyễn Thị Nhuần ở cùng con trong ngôi nhà rất chật hẹp.


Còn đó những Mẹ chưa được Bí thư Thăng đến thăm…


Trở lại câu chuyện khi Bí thư Thăng “vi hành” đến thăm đột xuất mẹ Em và thân nhân liệt sỹ Oanh thì cả 02 hoàn cảnh, theo những cách khác nhau đều chưa thể có cuộc sống dễ dàng, thuận tiện. Hàng ngày, mẹ Em và người thân vẫn phải đi lại trên con đường đất gồ ghề, chật hẹp còn căn nhà của bà Oanh (được xây từ năm 1992) thì cũng đã xuống cấp nghiêm trọng. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, ngoài trường hợp mẹ Em và thân nhân liệt sỹ Oanh thì còn rất nhiều mẹ Việt Nam Anh hùng tại TP.HCM đang sống tạm bợ trong những ngôi nhà đã xuống cấp và rất cần có sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền địa phương cũng như các tổ chức xã hội.


Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau đợt tặng và truy tặng danh hiệu cho 141 Mẹ Việt Nam Anh hùngdiễn ra mới đây vào ngày 2/1/2016, TP. HCM hiện có xấp xỉ 5 nghìn Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, trong đó có 322 mẹ còn sống.


Cũng giống như mẹ Em, 92 tuổi và thân nhân liệt sỹ Oanh, 65 tuổi, các Mẹ Việt Nam Anh hùng khác cũng đều đã qua độ tuổi lao động. Cao tuổi nhất là mẹ Lê Thị Gan ở xã Phước Thạnh, huyện Củ Chi và mẹ Nguyễn Thị Khen, xã Nhuận Đức, huyện Củ chi, cả 2 mẹ đều đã 103 tuổi. Ở vào độ tuổi của các mẹ, gần như chắc chắn, cuộc sống phải hoàn toàn phụ thuộc vào chế độ chính sách được hưởng và sự cưu mang, chăm sóc của xã hội. Mặc dù so với những địa phương khác trong cả nước, TP. HCM đang làm khá tốt công tác chăm sóc Mẹ Việt Nam Anh hùng nhưng nếu so với mặt bằng chung, có thể khẳng định, rất nhiều Mẹ Việt Nam Anh hùng ở TP. HCM vẫn đang phải sống trong hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, vất vả …


Để trả lời chính xác cuộc sống của hơn 300 Mẹ Việt Nam Anh hùng hiện tại ra sao, cần phải có một cuộc điều tra xã hội học. Tuy nhiên, qua xác minh của PV cho thấy, trong tổng số hơn 300 Mẹ Việt Nam Anh hùng hiện đang còn sống tại TP. Hồ Chí Minh thì còn rất nhiều các mẹ có hoàn cảnh sống khó khăn không khác gì mẹ Em, thân nhân liệt sỹ Oanh. Đơn cử như trường hợp của mẹ Trần Thị Liên ở phường Tam Bình, quận Thủ Đức là một ví dụ. Mặc dù đã được cấp nhà tình thương, thế nhưng căn nhà đó lại nằm trong diện giải tỏa. Sau khi nhận số tiền đền bù 80 nghìn đồng/m2, số tiền ít ỏi đó không thể đủ để mua một căn nhà tối thiểu để ở nên mẹ Liên lại trở thành người không nhà, không cửa. Hiện mẹ Liên đang thuê nhà ở cùng gia đình người con út tại phường Tam Bình, quận Thủ Đức.


Cũng theo tìm hiểu của PV, quận Thủ Đức có 09 mẹ còn sống nhưng mới chỉ có 02 mẹ được xây nhà tình nghĩa. Ngoài trường hợp mẹ Liên, thì còn có các mẹ khác: mẹ Trần Thị Tư (SN 1930), mẹ Lê Thị Nga (SN 1926), mẹ Nguyễn Thị Nhuần (SN 1920) đều tuổi cao sức yếu nhưng vẫn chưa được xây nhà tình nghĩa nên phải ở cùng con cháu trong những căn nhà tạm tại phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức…. Ngoài ra, quận này còn có 13 thương binh nặng thuộc trường hợp vô cùng khó khăn về chỗ ở và chưa có người đỡ đầu. Riêng huyện Củ Chi có 110 mẹ (chiếm gần 40% toàn thành phố), trong đó đa số các mẹ còn trong hoàn cảnh điều kiện nơi ăn, chốn ở gặp rất nhiều khó khăn.


Ví dụ trên cho thấy, mẹ Em hay thân nhân liệt sỹ Oanh chưa phải là những mẹ có hoàn cảnh khó khăn nhất mà rất nhiều Mẹ Việt Nam Anh hùng khác ở TP. HCM cũng đang cần đến những chỉ đạo tức thì, quyết liệt của Bí thư Thăng để có thể bớt đi phần nào những khó khăn trong cuộc sống. Tất nhiên, với cương vị của Bí thư Thành ủy ở một thành phố lớn nhất cả nước, với trăm công nghìn việc, Bí thư Thăng chẳng thể có đủ thời gian để đến thăm từng mẹ. Vậy nhưng, với cương vị ấy, ông hoàn toàn có thể chỉ đạo những cơ quan chuyên trách như: Sở Lao động Thương binh và Xã hội hay những cơ quan, tổ chức khác thay mặt mình thăm nom và thực hiện những hành động kịp thời để cải thiện đời sống vật chất của các Mẹ Việt Nam Anh hùng.


Có thể khẳng định, nếu thực sự muốn chăm lo cho chỗ ăn, chỗ ở cho các Mẹ Việt Nam Anh hùng ở TP. Hồ Chí Minh thì những việc như: làm đường đi cho mẹ Em, sửa nhà cho thân nhân liệt sỹ Oanh mới chỉ là những bước đi đầu tiên trong cả hành trình dài…


Hữu Bắc - Việt Hoa

.