Trước đó, báo BVPL đã đưa tin, đầu tháng 7/2016, từ tin báo của người dân, lực lượng Công an phát hiện 280 phách gỗ pơ mu được tập kết trong rừng, cách Trạm kiểm soát Biên phòng cửa khẩu Nam Giang khoảng 500m. Công an sau đó phát hiện nhiều cây pơ mu trăm tuổi tại tiểu khu 351 bị chặt hạ. Mở rộng điều tra, Công an phát hiện có hàng trăm phách gỗ nằm sát và trong khuôn viên Trạm kiểm soát Biên phòng, Hải quan.

Điều đáng nói, đây là khu vực được lực lượng Biên phòng kiểm soát nghiêm ngặt nhưng vẫn xảy ra tình trạng phá rừng. Ngay sau khi phát hiện ra vụ phá rừng gây chấn động này, ông Lê Trung Thịnh - Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Nam Giang và 3 sĩ quan gồm: Thượng tá Nguyễn Tấn Lạc, Đồn trưởng Đồn biên phòng, trung tá Đỗ Hoàng Minh, Chính trị viên Đồn biên phòng Cửa khẩu Nam Giang và trung tá Lê Xuân Chính, Đồn phó kiêm Trạm trưởng Trạm kiểm soát biên phòng Cửa khẩu Nam Giang đã bị tạm đình chỉ công tác.

Ngày 14/7, Hạt Kiểm lâm Nam Sông Bung cũng ra quyết định khởi tố vụ án và chuyển cho Cơ quan CSĐT Công an huyện Nam Giang điều tra, xử lý theo thẩm quyền. Tuy nhiên, xét thấy tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ án, đối tượng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật có tổ chức chặt chẽ, có sự cấu kết, móc nối, liên quan đến nhiều đối tượng ở trong và ngoài tỉnh, do vậy, ngày 25/7, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam đã rút vụ án về Cơ quan CSĐT Công an tỉnh xác lập chuyên án đấu tranh. Sau nhiều tháng điều tra và hoàn tất hồ sơ, mới đây, vụ án đã được Tòa án quân sự khu vực 1 (Quân khu 5)  đưa ra xét xử công khai.

Cáo trạng của VKS Quân sự khu vực 2 cho biết, giữa ông Lê Xuân Chính, Nguyễn Văn Quang (SN 1982, trú xã Trà Dương, huyện Bắc Trà My, Quảng Nam) và ông Tiêu Hồng Tư - Giám đốc Công ty Cổ phần Minh Hà (trụ sở tại Đà Nẵng) có mối quan hệ thân thiết. Ông Chính biết ông Tư đang cần người tìm gỗ và biết ông Quang có khả năng đi rừng tìm gỗ nên sắp xếp cho ông Tư và ông Quang gặp nhau nhiều lần để trao đổi việc tìm gỗ.

leftcenterrightdel
Hiện trường vụ phá rừng. 

Khoảng năm 2016, ông Quang vào rừng khảo sát, tìm gỗ pơ mu để khai thác. Sau khi tìm thấy vị trí có gỗ pơ mu ở khu vực khoảnh 3, khoảnh 8, Tiểu khu 351 rừng phòng hộ thuộc xã La Dêê (huyện Nam Giang, Quảng Nam) thì ông Chính, ông Quang thỏa thuận thống nhất với nhau về giá tiền công khai thác vận chuyển là 8 triệu đồng/m3. Sau khi thống nhất giá và quy cách gỗ, ông Quang đã thuê nhiều người từ Quảng Bình vào tiến hành khai thác gỗ pơ mu trái phép. Khai thác được 26 phách gỗ và đưa về cột Mốc 717 (Biên giới Việt Nam – Lào), thì  Quang, Chính, Tư gọi cho nhau để liên hệ gửi gỗ ở Trạm Hải quan, nhưng bị Trạm Hải quan từ chối cho gửi vì gỗ xẻ không đúng quy định. Trong thời gian từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 7/2016, số gỗ pơ mu bị khai thác trái phép là 41 cây gỗ pơ mu, loại gỗ thuộc nhóm IIA (thực vật rừng quý hiếm, nguy cấp), tổng giá trị thiệt hại được xác định là hơn 3,2 tỷ đồng. Sau khi bị cơ quan chức năng phát hiện, Chính đã thông báo cho Quang yêu cầu những người liên quan bỏ trốn. Quang cũng bỏ trốn nhưng bị cơ quan chức năng bắt tại TP. Hồ Chí Minh.

VKS xác định Lê Xuân Chính là chủ mưu và có 20 người khác liên quan đến vụ án, cấu thành tội “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng” quy định tại Điều 175 Bộ luật hình sự năm 1999, bổ sung năm 2009.

Tại phiên xét xử mới đây, Lê Xuân Chính liên tục phủ nhận vai trò chủ mưu vụ phá rừng, đồng thời cho rằng Nguyễn Văn Quang (36 tuổi, ở huyện Bắc Trà My, trưởng nhóm khai thác) mới là người chủ động nói với Chính về khu vực khai thác và Chính chỉ đồng ý với Quang khai thác gỗ trên đất Lào, chứ không phải trên địa phận Việt Nam. Tuy nhiên, Quang lại cung cấp nhiều thông tin mà Quang cho rằng là căn cứ để khẳng định Chính là người chủ mưu vụ phá rừng như cơ quan chức năng xác định.

Cũng tại phiên xét xử, nhân chứng tại tòa xuất trình chứng cứ mới là biên bản kiểm tra hiện trường giữa Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh và lực lượng chức năng của tỉnh Sê Kông (Lào), thể hiện hiện trường vụ phá rừng chỉ có 35 gốc pơ mu bị chặt hạ ở địa phận Việt Nam chứ không phải là 41 cây như trong hồ sơ vụ án. Ngoài ra, lời khai của các bị cáo có một số chi tiết cần làm rõ. Để đảm bảo tính chính xác và nghiêm minh của pháp luật, đại diện VKS Quân sự khu vực 2 đã đề nghị trả hồ sơ để tiếp tục điều tra bổ sung những nội dung như: Vai trò của một số đối tượng liên quan trong vụ án, khu vực có gỗ pơ mu nằm ở đâu, số cây gỗ pơ mu bị chặt hạ trên lãnh thổ Việt Nam là bao nhiêu?

Chấp nhận đề nghị của VKS Quân sự khu vực 2, HĐXX Tòa án quân sự khu vực 1 (Quân khu 5) đã tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án này.

Xuân Nha