Tách vụ án làm 2 giai đoạn để xử lý các hành vi phạm tội độc lập
Trong 2 ngày qua, các bị cáo và Luật sư cho rằng khi tiếp nhận Ngân hàng Đại Tín, các bị cáo phải đối mặt với rất nhiều chi phí như trích lập quỹ dự phòng trên 7.200 tỷ, lãi thị trường 1 và 2 trong 3 năm trên 7.500 tỷ, các chi phí cố định khoảng 800 tỷ, tổng 3 khoản trên 15.000 tỷ, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến thua lỗ không phải do lỗi các bị cáo.
Mặt khác bà Hứa Thị Phấn đã có nhiều sai phạm trong việc cho vay tại Ngân hàng Đại Tín, dẫn đến không có khả năng thu hồi, đây là nguyên nhân cơ bản, có tính chất bản lề, dẫn đến vụ án này. Các bị cáo vì muốn khắc phục hậu quả do bà Phấn gây ra nên đã vi phạm pháp luật. Luật sư Chu Mạnh Cường đề nghị cho các bị cáo hưởng tình tiết giảm nhẹ là phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình gây ra.
Các bị cáo và Luật sư tiếp tục cho rằng việc chia tách vụ án làm 2 giai đoạn làm cho trách nhiệm hình sự của các bị cáo nặng hơn. Bị cáo Mai còn cho rằng nếu tính tổng thể vụ án, sau khi được đối trừ thì hậu quả chỉ có 1.200 tỷ, nếu như vậy thì trách nhiệm đối với các bị cáo sẽ khác. Bị cáo Khương cũng cho rằng chỉ thực hiện 1 hành vi nhưng bị xử lý 2 lần.
|
|
Đại diện VKS đối đáp lại các ý kiến của luật sư, bị cáo, người có quyền lợi liên quan |
Đối lại các ý kiến trên, VKS cho rằng, khi tham gia tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín thì các bị cáo phải nhận thức được các vấn đề sẽ gặp phải như trình bày của bị cáo Mai, đó là chi phí trích lập quỹ dự phòng, tiền lãi thị trường 1 và 2, các chi phí cố định, các khoản vay trước đây trong thời kỳ bà Hứa Thị Phấn điều hành.
Đây là các vấn đề đã được thấy trước vì các bị cáo đã tìm hiểu điều kiện, hoàn cảnh của nhiều ngân hàng cũng như đã có phương án tái cơ cấu rồi mới quyết định chọn Đại Tín. Các bị cáo hoàn toàn có thể tránh được, nhưng các bị cáo vẫn chấp nhận tiếp quản ngân hàng. Do đó không thể đỗ lỗi cho bối cảnh khách quan và tình trạng yếu kém của ngân hàng dẫn đến việc các bị cáo phải thực hiện các hành vi phạm tội như đã thừa nhận.
Chính vì vậy trong phần kết luận VKS đã nhận định bối cảnh dẫn đến vụ án có phần xuất phát tình trạng yếu kém của Ngân hàng Đại Tín khi được Phạm Công Danh tiếp quản, nhưng đây không phải là nguyên nhân cơ bản dẫn đến vụ án là có căn cứ. Và đây cũng không được xem như là tình tiết giảm nhẹ “Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình gây ra” như đề nghị của Luật sư Chu Mạnh Cường. Đối với hành vi vi phạm của bà Hứa Thị Phấn đã bị xử lý trong 1 vụ án khác nên chúng tôi không phân tích chi tiết trong vụ án này.
Việc chia tách vụ án thành giai đoạn 1 và giai đoạn 2 là để xử lý các hành vi hoàn toàn độc lập với nhau, cụ thể là giai đoạn 1 xử lý hành vi cố ý làm trái và vi phạm quy định về cho vay để rút tiền trực tiếp từ VNCB ra sử dụng; vụ án trong giai đoạn 2 này xử lý hành vi cố ý làm trái trong việc dùng tiền gửi của VNCB bảo lãnh trái pháp luật cho 29 công ty vay vốn của 3 ngân hàng lấy tiền sử dụng. Không phải từ 1 tách ra thành 2 vụ án khác nhau nên không gây bất lợi cho các bị cáo như ý kiến của các Luật sư và của các bị cáo.
Để làm rõ hơn quan điểm trên, VKS khẳng định, đây là những vụ án rất phức tạp có nhiều bị cáo tham gia thực hiện nhiều hành vi sai phạm khác nhau, gây ra hậu quả thiệt hại đặc biệt lớn cho VNCB. Vì vậy cần có rất nhiều thời gian, công sức cũng như con người để các Cơ quan tiến hành tố tụng xác minh, thu thập chứng cứ, làm rõ sự thật của vụ án để đi đến kết quả cuối cùng là xử lý đúng người phạm tội và quan trọng hơn cả là thu hồi được tài sản thiệt hại cho Nhà nước như phần tranh luận của các bị cáo đã trình bày và chúng tôi rất thống nhất với quan điểm này của các bị cáo.
Việc xử lý hành vi vi phạm trong từng giai đoạn là rất minh bạch, rõ ràng, chính xác không phải 1 hành vi xử lý 2 lần như bị cáo Khương trình bày. Đơn cử như trong giai đoạn 1 ở hành vi cố ý làm trái trong việc lập hồ sơ khống thực hiện Đề án nâng cấp hệ thống Corebanking, đã rút ra 63,276 tỷ đồng của VNCB thì Mai Hữu Khương với vai trò là thành viên HĐQT, tham gia cuộc họp do Phạm Công Danh tổ chức và Khương chịu trách nhiệm xây dựng các hồ sơ cần thiết để rút được tiền; Mai Hữu Khương đã tạo dựng Hợp đồng số 01/2013/AP-TB ngày 12/6/2013 về việc Công ty An Phát cung cấp gói dịch vụ tư vấn giải pháp nâng cấp hệ thống Corebanking…
Trong giai đoạn 2 ở hành vi Cố ý làm trái trong việc gửi tiền thị trường hai qua ngân hàng Sacombank để bảo lãnh và trả nợ thay cho 6 công ty, gây thiệt hại cho VNCB trên 1.835 đồng Mai Hữu Khương với vai trò là Thành viên HĐQT, Giám đốc khối kinh doanh VNCB, Phụ trách Bộ phận Tài chính của Tập đoàn Thiên Thanh chỉ đạo Phan Minh Tùng lập báo cáo tài chính năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013 khống của 6 công ty (của Phạm Công Danh) để hoàn thành hồ sơ vay khống.
Không thu hồi số tiền 4.500 tỷ đồng từ Ngân hàng CB là có cơ sở
|
|
Bị cáo Phạm Công Danh tự bào chữa cho tội danh của mình |
Các Luật sư và bị cáo đưa ra nhiều lập luận để chứng minh việc án sơ thẩm tuyên thu hồi 4.500 tỷ từ CB là có căn cứ, tập trung vào 4 vấn đề:
Số tiền 4.500 tỷ đồng có nguồn gốc là tiền vay nhưng không có kết luận nào cho rằng là khống hay trái pháp luật. Cho dù các quan hệ vay là trái pháp luật thì số tiền 4.500 tỷ đồng cũng là khoản tiền có thực, thuộc sở hữu của Phạm Công Danh và các cổ đông.
Số tiền 4.500 tỷ được hòa chung vào nguồn tiền của VNCB, chính VNCB sử dụng số tiền này chứ không phải Phạm Công Danh sử dụng. Nếu không hoàn trả cho Phạm Công Danh thì VNCB sẽ được hưởng lợi hai lần số tiền 4.500 tỷ đồng vì trước đây đã sử dụng, tiếp tục yêu cầu các bị cáo bồi thường nữa.
Số tiền 4.500 tỷ đồng đã được VNCB hạch toán, thể hiện trên báo cáo tài chính năm 2014 là vốn điều lệ 7.500 tỷ đồng, nhưng giấy phép đăng ký kinh doanh chỉ cho phép 3.000 tỷ đồng, chính vì vậy Công ty kiểm toán Earn & Young yêu cầu bút toán giảm vốn điều lệ.
VKS cho rằng số tiền 4.500 tỷ không phải là vật chứng, nhưng việc xác định vật chứng là thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng, trong đó có HĐXX sơ thẩm. Bản án sơ thẩm xác định trong 4.500 tỷ có 2.371 tỷ là vật chứng xem như đã thu hồi, chỉ phải thu hồi 2.129 tỷ là có căn cứ.
Với các ý kiến trên, VKS cho rằng, việc tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ lên 7.500 tỷ là cấp thiết theo yêu cầu của NHNN và phù hợp với quy trình tái cơ cấu ngân hàng. Tuy nhiên, theo tờ trình tái đề xuất tái cơ cấu ngân hàng Trust Bank, nhóm nhà đầu tư mới là Phạm Công Danh (Tập đoàn Thiên Thanh) báo cáo tình trạng tài chính là nguồn tiền có ngay 3.090 tỷ, nguồn tiền cam kết bổ sung là chuyển nhượng tài sản 302 Tô Hiến Thành giá khoảng 7.000 tỷ.
Theo đó, nhóm nhà đầu tư mới đã cam kết tái cơ cấu lại ngân hàng trên cơ sở năng lực tài chính của nhóm. NHNN có văn bản chấp thuận nguyên tắc VNCB tăng vốn điều lệ lên 7.500 tỷ theo phương án chào bán cổ phần riêng lẽ đã được đại hội đồng cổ đông thông qua, trong đó chỉ đạo VNCB “thực hiện tăng vốn điều lệ đảm bảo các nhà đầu tư thực hiện đúng cam kết về việc không dùng vốn ủy thác, vốn huy động, vốn vay của các tổ chức, các nhân khác để góp vốn, mua cổ phần phát hành thêm của NH Xây dựng”. Do đó, không thể xem việc NHNN yêu cầu nhóm đầu tư mới (tập đoàn Thiên Thanh) tăng vốn điều lệ theo như cam kết là chấp nhận việc Phạm Công Danh sử dụng tiền vay (có bảo lãnh của chính VNCB) để đưa vào tăng vốn điều lệ như phương án xử lý NHTMCP Xây dựng Việt Nam.
Số tiền 4.000 tỷ/4.500 tỷ có nguồn gốc từ việc nhóm Phạm Công Danh vay của BIDV (qua 12 công ty của Phạm Công Danh) vay bằng cam kết có tài sản đảm bảo là tiền của VNCB 3.070 tỷ và các tài sản khác, việc bảo lãnh của VNCB cho 12 công ty vay vốn tại BIDV đã gây thiệt hại cho VNCB số tiền 2.551 tỷ (chưa kể số tiền mà Phạm Công Danh thông quá các cá nhân để trả cho BIDV cũng có nguồn gốc từ khoản vay 14 công ty của Danh tại VNCB - Giai đoạn 1).
Tương tự, số tiền 200 tỷ có nguồn gốc từ TP Bank cũng nằm trong số tiền mà nhóm Phạm Công Danh vay bằng tài sản đảm bảo là tiền của VNCB tại TPbank, và 300 tỷ còn lại là tiền nhóm Trần Ngọc Bích vay VNCB qua nâng khống giá trị đất…
Như vậy, khẳng định số tiền 4.500 tỷ để nâng vốn điều lệ không phải là tiền cá nhân Phạm Công Danh có năng lực tài chính đưa vào mà chính từ các hợp đồng vay không hợp pháp (Kết luận đối với 12 hợp đồng vay của công ty Phạm Công Danh tại BIDV, hợp đồng vay tại TPBank…tài sản thế chấp là sân vận động Chi Lăng cũng từ việc vay trái pháp luật ở giai đoạn 1) có nguồn gốc là tiền của chính VNCB.
Số tiền này cũng không lập luận là khấu trừ vào 6.126 tỷ thiệt hại do Phạm Công Danh và đồng phạm gây ra vì ngay từ ban đầu xác định giá trị thiệt hại cho VNCB là 13.660 tỷ do Danh và đồng phạm có hành vi cố ý làm trái để rút số tiền này ra khỏi VNCB.
Như vậy có căn cứ kết luận: Số tiền 4.500 tỷ phần lớn có nguồn gốc từ quan hệ tín dụng trái pháp luật, đa phần là dùng tiền gửi của chính VNCB tại ngân hàng khác để bảo lãnh cho các công ty của Danh lập hồ sơ tín dụng trái pháp luật để rút số tiền này chuyển về VNCB dưới tên các cá nhân là người của Danh. Phần 300 tỷ các cá nhân chuyển cũng có nguồn gốc từ việc nâng khống giá trị tài sản đảm bảo để người của Danh vay tiền từ VNCB trong vụ án giai đoạn 1. Án sơ thẩm ghi nhận 4.500 tỷ là tài sản của Danh khi chỉ căn cứ vào việc các nhân góp tiền mà không xem xét nguồn của số tiền là không có cơ sở.
Kết quả xác minh của Cơ quan điều tra tại ngân hàng CB theo yêu cầu Điều tra bổ sung của HĐXX cấp sơ thẩm về Số tiền tăng vốn điều lệ 4.500 tỷ cho thấy: Sau khi chuyển từ tài khoản VNCB tại Liên Việt Postbank về tài khoản của VNCB Sở giao dịch Ngân hàng nhà nước đã hòa chung vào nguồn tiền của VNCB. Trong thời gian từ 21/2/2014 đến 14/3/2014 VNCB đã giải ngân cho các công ty của Phạm Công Danh vay 2.500 tỷ và chuyển 400 tỷ cho công ty Hương Việt đặt cọc thuê trụ sở 816 Sư Vạn Hạnh, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh.
Như vậy có cơ sở để cho rằng Phạm Công Danh là người chỉ đạo sử dụng số tiền 4.500 tỷ, án sơ thẩm thu hồi trả lại cho Phạm Công Danh, nghĩa là Phạm Công Danh đã sử dụng nay lại được tuyên trả lại số tiền này là được hưởng 2 lần và đồng nghĩa nhà nước mất thêm 4.500 tỷ.
Về vấn đề xác định có phải vật chứng không, có thể thấy án sơ thẩm có mâu thuẫn, nhận định không nhất quán, cùng một số tiền 2.371 tỷ (2.171 tỷ từ nguồn BIDV và 200 tỷ từ nguồn TPBank) nhưng án sơ thẩm vừa nhận định là vật chứng của vụ án (do hành vi phạm tội của Danh và đồng phạm) vừa nhận định là số tiền của cá nhân Phạm Công Danh. Đây là nhận định chưa nhất quán, mâu thuẫn trong cùng nội dung bản án sơ thẩm.
Theo quy định của BLTTHS “Vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội; vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm cũng như tiền bạc và vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội”. Số tiền 4.500 tỷ không phải là công cụ, phương tiện phạm tội; không phải là đối tượng của tội phạm nên không phải vật chứng của vụ án nên không có cơ sở thu hồi.
Kháng nghị của VKS về việc không cho 4 bị cáo hưởng án treo là đúng người, đúng tội
Tại phiên tòa phúc thẩm sau khi nghe các bị cáo cùng các vị luật sư trình bày về hoàn cảnh của bản thân và gia đình, các tình tiết giảm nhẹ mà các bị cáo được hưởng VKS rất đồng cảm với các bị cáo này. Tuy nhiên, cũng cần phải nói rõ hơn mặc dù các bị cáo phạm tội với vai trò đồng phạm và không vụ lợi nhưng các bị cáo đều là người thành niên buộc phải hiểu những việc làm của mình và chịu trách nhiệm về hành vi mà mình đã thực hiện.
VKS xác định các bị cáo không đủ điều kiện để được hưởng án treo theo quy định của pháp luật, (các căn cứ pháp luật cụ thể VKS đã viện dẫn trong Kháng nghị nên không nhắc lại) nhưng không có nghĩa là phải tách ly các bị cáo ra khỏi cuộc sống xã hội, ngoài án treo Luật Hình sự còn quy định nhiều hình phạt khác và HĐXX sẽ xem xét áp dụng nếu các bị cáo có đủ điều kiện.
Đối với phần trình bày của các Luật sư và bị cáo xin giảm nhẹ, xin hưởng án treo, xin hưởng hình phạt cải tạo không giam giữ, VKS cho rằng, mặc dù tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo đưa ra một số tình tiết mới mà cấp sơ thẩm chưa xem xét, nhưng hậu quả các bị cáo gây ra là đặc biệt nghiêm trọng, hình phạt cấp sơ thẩm áp dụng đối với các bị cáo là tương xứng với vai trò, tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo, do đó không có căn cứ để chấp nhận.
Hoa Việt