Kết thúc sau 2 tuần tiếp tục xét xử vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm cố ý làm trái quy định của nhà nước gây thất thoát cho Ngân hàng Xây dựng trên 6.126,8 tỷ đồng, sáng nay (6/8), TAND TP.Hồ Chí Minh đã tuyên án.

leftcenterrightdel
Toà tuyên án 

Theo đó, Phạm Công Danh bị tuyên phạt mức án 20 năm tù, tổng hợp với bản án cũ, bị cáo Phạm Công Danh phải chấp hành tổng cộng 30 năm tù. Bị cáo Phan Thành Mai (nguyên TGĐ Ngân hàng Xây dựng) và Mai Hữu Khương (nguyên Thành viên HĐQT, nguyên GĐ VNCB chi nhánh Sài Gòn) mỗi bị cáo chịu hình phạt 10 năm tù, tổng hợp với bản án cũ, mỗi bị cáo phải thi hành 30 năm tù.

leftcenterrightdel
 Bị cáo Phạm Công Danh đang ngước nhìn người thân

Bị cáo Trầm Bê (nguyên Phó Chủ tịch thường trực HĐQT, Chủ tịch HĐTD Sacombank) mức án 4 năm tù. Phan Huy Khang (nguyên TGĐ Sacombank) bị tuyên mức án 3 năm tù.

leftcenterrightdel
 Bị cáo Trầm Bê liên tục xin giảm án

Bị cáo Hoàng Đình Quyết (nguyên PGĐ phụ trách VNCB chi nhánh Sài Gòn, nguyên Giám đốc VNCB chi nhánh Lam Giang) lĩnh án 3 năm tù, tổng hợp với bản án cũ là 22 năm. Bị cáo Nguyễn Quốc Viễn chịu mức án 5 năm tù, tổng hợp với bản án cũ là 14 năm tù. Bị cáo Phan Minh Tùng 4 năm tù, tổng hợp với bản án cũ là 11 năm tù.

Các bị cáo còn lại đều chịu hình phạt từ án treo đến 4 năm tù.

 

Đề nghị mức án đối với 46 bị cáo trong đại án Phạm Công Danh

Phiên tòa xét xử vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm bị VKSNDTC truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” đã được đưa ra xét xử lần đầu từ ngày 08/01/2018 đến ngày 07/02/2018, HĐXX quyết định hoãn phiên toà để trả hồ sơ điều tra bổ sung. Từ này 24/7 đến nay, phiên toà tiếp tục được diễn ra.

Qua phần thẩm vấn hầu hết các bị cáo đều giữ nguyên lời khai, chỉ trình bày bổ sung về nhận thức được vai trò, trách nhiệm, nguyên nhân phạm tội và mong muốn được hưởng sự khoan hồng của pháp luật; đại diện của các nguyên đơn dân sự và người liên quan cũng giữ nguyên lời trình bày tại phiên tòa trước.

Căn cứ vào diễn biến của phiên tòa trước và phiên tòa lần 2, đại diện Viện KSND TP.HCM giữ nguyên quan điểm cáo buộc Phạm Công Danh và 45 đồng phạm khác phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo đó, VKS khẳng định: Vì lợi ích của cá nhân mình, Phạm Công Danh đã lôi kéo nhiều cán bộ, nhân viên các Ngân hàng: VNCB, BIDV, Sacombank, Tpbank; cùng Lãnh đạo, nhân viên của nhiều doanh nghiệp như: Tập đoàn Thiên Thanh, Công ty CP quản lý Quỹ Lộc Việt và 29 pháp nhân cùng tham gia thực hiện những hành vi trái pháp luật với những thủ đoạn tinh vi như đã phân tích ở phần trên, từ đó gây thiệt hại cho VNCB trên 6.126,8 tỷ đồng. Phạm Công Danh thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội và cho rằng, nguyên nhân khách quan dẫn đến sai phạm là do bị cáo tiếp nhận Ngân hàng Đại tín từ nhóm Phú Mỹ của Hứa Thị Phấn trong tình trạng thua lỗ trầm trọng, đang bị NHNN bắt buộc tái cơ cấu, áp lực tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ lên 7.500 tỷ đồng, các khoản nợ phải trả cho các cá nhân, tổ chức rất lớn, lãi suất cao nên đã thực hiện những hành vi trái pháp luật, gây thiệt hại cho VNCB. Tuy nhiên, đó chỉ là một phần nguyên nhân mà nguyên nhân chính là Phạm Công Danh đã bất chấp các quy định của pháp luật để lấy tiền của VNCB sử dụng cho các mục đích khác nhau và với hậu quả trên 6.126,8 tỷ đồng của VNCB bị thất thoát là số tiền đặc biệt lớn, hậu quả này là đặc biệt nghiêm trọng, cho đến thời điểm này vẫn chưa được thu hồi trả lại cho Ngân hàng TNHH MTV Xây dựng VN, doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thì hành vi của Phạm Công Danh và các đồng phạm là hết sức nguy hiểm cho xã hội. Với vai trò chủ mưu, quyết định chủ trương, đường lối và chỉ đạo các bị cáo đồng phạm khác thực hiện hành vi phạm tội, nên cần áp dụng mức hình phạt cao nhất đối với bị cáo Phạm Công Danh. 

Các bị cáo Phan Thành Mai, Mai Hữu Khương, Nguyễn Quốc Viễn, Hoàng Đình Quyết, Phan Minh Tùng là các lãnh đạo giữ vị trí quan trọng trong ngân hàng, tập đoàn Thiên Thanh, đã chấp hành sự chỉ đạo của Phạm Công Danh, giúp sức tích cực trong việc tham mưu chủ trương, cũng như trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội. Mặc dù các bị cáo đều không được hưởng lợi, thừa nhận trách nhiệm, thái độ khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra trong quá trình điều tra vụ án, gia đình các bị cáo có công với cách mạng... Tuy nhiên, số tiền mà VNCB bị thiệt hại là quá lớn, hậu quả trên là đặc biệt nghiêm trọng, cần có mức án nghiêm khắc đối với từng bị cáo nhưng phân hóa theo vai trò, tính chất, mức độ, hậu quả từ hành vi giúp sức cho bị cáo Phạm Công Danh để góp phần răn đe, giáo dục và phòng ngừa tội phạm.

Các  bị cáo Trầm Bê, Phan Huy Khang, Nguyễn Việt Hà, Đinh Việt Cường, Đặng Thị Bích Thủy vì lợi ích của ngân hàng, lợi ích của doanh nghiệp và lợi ích cá nhân đã đồng ý tiếp tay, giúp sức cho Phạm Công Danh và đồng phạm thực hiện các hành vi phạm tội và còn lôi kéo thêm các bị cáo khác là những pháp nhân công ty, nhân viên công ty cùng phạm tội, từ đó giúp sức cho Phạm Công Danh gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho VNCB. Tuy nhiên, quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa các bị cáo Trầm Bê, Phan Huy Khang, Nguyễn Việt Hà, Đinh Việt Cường, Đặng Thị Bích Thủy đều thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, có nhiều tình tiết giảm nhẹ như: Bị cáo Trầm Bê có nhiều thành tích trong công tác xã hội, có nhiều bằng khen về đóng góp từ thiện, chăm lo bà mẹ Việt nam anh hùng... Bị cáo Nguyễn Việt Hà đang mắc bệnh hiểm nghèo. Bị cáo Đặng Thị Bích Thủy hoàn cảnh gia đình khó khăn, có 02 con nhỏ. Các bị cáo Đặng Thị Bích Thủy và Đinh Việt Cường đều có thành tích, đóng góp cho ngân hàng được khen thưởng. Nên cũng xem xét cho các bị cáo hưởng mức án khoan hồng phù hợp.

Các bị cáo: Trần Văn Bình, Vũ Viết Minh Quân, Đỗ Việt Bun, Trần Thanh Tùng, Nguyễn Văn Cường, Phạm Việt Thép, Cao Phước Nhàn, Nguyễn Hữu Duyên, Trần Hiệp, Lê Văn Tuấn, Nguyễn Quốc Phú, Phạm Văn Phúc, Lê Đài, Lê Duy Lương, Nguyễn Hồng Dũng, Nguyễn Ngọc Thái, Nguyễn Quốc Thịnh. Tính chất, mức độ hành vi phạm tội có phần hạn chế, phụ thuộc, chủ quan, chỉ làm theo sự chỉ đạo, không hưởng lợi, có nhân thân tốt, một số bị cáo gia đình có công với cách mạng, tại phiên tòa các bị cáo đã thành khẩn khai báo và ăn năn hối cải. Nên cũng xem xét phân hóa vai trò, mức độ hành vi phạm tội để cho các bị cáo hưởng mức án khoan hồng phù hợp.

Đối với các bị cáo Nguyễn Kim Cẩm Vân, Phạm Hoài Thanh, Hoàng Long Hà, Nguyễn Ngọc Sơn, Nguyễn Vũ Bảo, Đỗ Minh Thủy, Nguyễn Ngọc Tuấn, Lê Duy Thọ, Hà Văn Bình, Đỗ Phương Nam, Ong Khắc Chung, Trần Quang Huy, Nguyễn Thế Linh, Nguyễn Tiến Dũng, Nguyễn Tấn Thành, Nguyễn An Vinh, Nguyễn Thị Kim Vân, Hồ Thị Đi có vai trò, mức độ đồng phạm và nhận thức pháp luật hạn chế, chỉ làm theo sự chỉ đạo, không hưởng lợi, có nhân thân tốt, có nhiều tình tiết giảm nhẹ, quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa luôn thành khân khai báo nên không cần thiết phải cách ly đối với một số bị cáo ra khỏi đời sống xã hội, tạo điều kiện cho các bị cáo có cơ hội sửa chữa, trở thành công dân tốt có ích cho xã hội.

  46 bị cáo trong vụ án đều bị cáo buộc vì tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Mức án VKS đề nghị mức án đối với từng bị cáo là:

1.   Phạm Công Danh mức án 20 năm tù .

Tổng hợp hình phạt đối với bản án phúc thẩm số 30/2017/HSPT ngày 24/01/2017 của Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM và bản án phúc thẩm số 281/2018/HSPT ngày 4/5/2018 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội là 30 năm tù.

2. Phan Thành Mai mức án từ 12 – 14 năm tù.

Tổng hợp hình phạt đối với bản án phúc thẩm số 30/2017/HSPT ngày 24/01/2017 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Tp.HCM là 30 năm tù.

3. Mai Hữu Khương 10-12 năm tù.

Tổng hợp hình phạt đối với bản án phúc thẩm số 30/2017/HSPT ngày 24/01/2017 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Tp.HCM là 30 năm tù.

4. Nguyễn Quốc Viễn mức án từ 05 - 06 năm tù .

Tổng hợp hình phạt đối với bản án phúc thẩm số 30/2017/HSPT ngày 24/01/2017 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Tp.HCM là từ 14 – 15 năm tù.

5. Phan Minh Tùng từ 04- 05 năm tù.

Tổng hợp hình phạt đối với bản án phúc thẩm số 30/2017/HSPT ngày 24/01/2017  của Tòa án nhân dân cấp cao tại Tp.HCM là từ 11 – 12 năm tù.

6. Hoàng Đình Quyết từ 02 - 03 năm tù.

Tổng hợp hình phạt đối với bản án phúc thẩm số 30/2017/HSPT ngày 24/01/2017 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Tp.HCM là từ 21 – 22 năm tù.

 7. Bị cáo Nguyễn Việt Hà từ 6-7 năm tù.

8. Bị cáo Đinh Việt Cường, Đặng Thị Bích Thủy bị đề nghị mức án từ 05-06 năm tù.

9. Bị cáo Trầm Bê từ 04- 05 năm tù.

10. Trần Văn Bình từ 04- 05 năm tù.

Tổng hợp hình phạt với bản án phúc thẩm số 30/2017/HSPT ngày 24/01/2017 của Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM và bản án số   330/2017/HSPT ngày 28/8/2017 của Tòa án nhân dân TP Hà Nội là từ 12 năm – 13 năm tù.

11. Các bị cáo Phan Huy Khang, Nguyễn Ngọc Thái, Lê Đài, Lê Duy Lương, Nguyễn Hồng Dũng, Lê Văn Tuấn, Trần Hiệp, Phạm Văn Phúc, Nguyễn Quốc Phú, Vũ Viết Minh Quân bị đề nghị mức án từ 03 - 04  năm tù.

12. Các bị cáo Phạm Việt Thép, Đỗ Việt Bun từ 02-03 năm tù.

13. Các bị cáo Nguyễn Văn Cường, Trần Thanh Tùng, Nguyễn Hữu Duyên, Nguyễn Quốc Thịnh từ 02 - 03  năm tù .

Tổng hợp hình phạt với bản án phúc thẩm số 30/2017/HSPT ngày 24/01/2017 của Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM  buộc các bị cáo Nguyễn Văn Cường, Trần Thanh Tùng, Nguyễn Hữu Duyên, Nguyễn Quốc Thịnh phải chấp hành hình phạt từ 5 năm - 6 năm tù.

14. Bị cáo Cao Phước Nhàn về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” từ  02 - 03  năm tù.

Tổng hợp hình phạt với Bản án phúc thẩm số 30/2017/HSPT ngày 24/01/2017 của Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM từ 6 năm - 7 năm tù.

15. Các bị cáo Nguyễn Kim Cẩm Vân, Phạm Hoài Thanh, Lê Duy Thọ, Ong Khắc Chung, Hà Văn Bình, Đỗ Phương Nam, Đỗ Minh Thủy, Hoàng Long Hà bị đề nghị 03 năm tù, nhưng cho hưởng án treo và ấn định thời hạn thử thách đối với các bị cáo.

16. Các bị cáo Nguyễn Tiến Dũng, Nguyễn Ngọc Tuấn, Nguyễn Thế Linh, Trần Quang Huy, Nguyễn Ngọc Sơn, Nguyễn Vũ Bảo 02 -03 năm tù nhưng cho hưởng án treo và ấn định thời hạn thử thách đối với các bị cáo.

17. Các bị cáo Nguyễn Tấn Thành, Nguyễn An Vinh, Hồ Thị Đi, Nguyễn Thị Kim Vân bị đề nghị mức án 03 năm cải tạo không giam giữ.

 

Hoa Việt