Kiến nghị không thu hồi 4.500 tỷ đồng từ Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (CB)

leftcenterrightdel
Luật sư và các bị cáo chăm chú lắng nghe ý kiến của VKS 

Liên quan đến kết quả xét xử sơ thẩm, kháng cáo của CB, kiến nghị của VKSND Cấp cao và kết quả hỏi đáp, diễn tiến của toà phúc thẩm, đại diện VKS đề nghị không thu hồi số tiền 4.500 tỷ đồng của CB khi cho rằng là của bị cáo Phạm Công Danh như bản án sơ thẩm nhận định.

Theo đó, VKS cho rằng, mặc dù Phạm Công Danh chuyển số tiền 4.500 tỷ đồng về VNCB đứng tên các tổ chức, cá nhân góp vốn mua cổ phần tăng thêm nhằm tăng vốn điều lệ cho VNCB từ 3.000 tỷ nên 7.500 tỷ nhưng nguồn gốc số tiền này là bất hợp pháp và không phải của Phạm Công Danh, vì đây là tiền vay và quan hệ vay được xác định là bất hợp pháp, bị xử lý trong vụ án này và vụ án giai đoạn 1.

Số tiền này chưa được Ngân hàng nhà nước cho phép hạch toán tăng vốn điều lệ cho VNCB, cũng như chưa được hạch toán là các khoản nợ phải trả, được hòa chung vào các nguồn tiền khác và Phạm Công Danh đã chỉ đạo sử dụng hết, nên không có cơ sở pháp lý buộc VNCB, nay là CB trả lại 4.500 tỷ cho Phạm Công Danh một lần nữa. Hơn nữa số tiền này không phải là đối tượng giải quyết của vụ án và không phải vật chứng của vụ án nên không có cơ sở thu hồi.

Kiến nghị tiếp tục điều tra BIDV về số tiền hơn 1.633 tỷ đồng

leftcenterrightdel
 Đại diện VKS Cấp cao 3 phát biểu quan điểm

Nhằm mục địch thu hồi, khắc phục hậu quả cho CB và dùng phương pháp thu hồi theo dòng tiền Phạm Công Danh đã vay, tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên BIDV Chi nhánh Sở giao dịch 2 và Chi nhánh Hải Vân phải hoàn trả cho CB số tiền hơn 1.633 tỷ đồng.

VKS nhận định, việc thu hồi này dẫn đến BIDV sẽ thiệt hại số tiền trên

Vấn đề đặt ra là tại sao BIDV không thu hồi được tiền vay từ khoản vay của Tập đoàn Thiên Thanh tại Chi nhánh Sở giao dịch 2 và khoản vay của Công ty Bảo Gia tại Chi nhánh Hải Vân như phương án vay vốn đã cam kết, được ngân hàng thẩm định trước giải ngân và kiểm tra sau giải ngân, mà phải dùng tiền vay từ các khoản vay trong vụ án này để trả nợ.

Do đó, VKS cho rằng, cần làm rõ việc BIDV chi nhánh Sở giao dịch 2 cho Tập đoàn Thiên Thanh vay và Chi nhánh Hải Vân cho Công ty Bảo Gia vay năm 2012, trước thời điểm Phạm Công Danh mua lại Ngân hàng Đại Tín, có vi phạm gì không, hậu quả như thế nào, cũng như xem xét trách nhiệm của Ngân hàng và những người liên quan đối với các khoản vay này, đặc biệt là trách nhiệm của những người phê duyệt, quyết định cho vay đối với khoản tiền nêu trên.

VKS cho rằng, trong trường hợp tòa án cấp phúc thẩm giữ nguyên quyết định của án sơ thẩm về việc thu hồi theo dòng tiền Phạm Công Danh đã vay và sử dụng thì đề nghị HĐXX kiến nghị Cơ quan CSĐT Bộ Công an, VKSND tối cao làm rõ hậu quả của việc thu hồi số tiền 1.633 tỷ đồng của BIDV cũng như làm rõ trách nhiệm của những người phê duyệt, quyết định cho vay đối với khoản tiền nêu trên để xử lý theo quy định của pháp luật.

Về khoản tiền bị buộc thu hồi số tiền hơn 1.633 tỷ đồng trả cho CB, BIDV cũng đã kháng cáo với nội dung đề nghị huỷ quyết định này hoặc sửa án sơ thẩm theo hướng không buộc BIDV phải trả số tiền này. Trường hợp vẫn xem xét trách nhiệm hoàn trả thì đề nghị giải quyết luôn phần trách nhiệm dân sự liên quan đến việc hoàn trả giữa các chi nhánh và CB, giữa CB và Phạm Công Danh, giữa Phạm Công Danh và các chi nhánh theo hướng bù trừ nghĩa vụ.

                                                                                                                                                               Hoa Việt