leftcenterrightdel
 Đại diện Viện kiểm sát trình bày cáo trạng truy tố Hứa Thị Phấn và các đồng phạm

Cáo trạng của VKSNDTC đã nhận định, với chức vụ Cố vấn cao cấp Hội đồng quản trị và Cố vấn Hội đồng tín dụng Ngân hàng Đại Tín, bị cáo Hứa Thị Phấn đã chỉ đạo thao túng mọi hoạt động của ngân hàng này. Theo đó, bị cáo Phấn đứng tên mua 26 bất động sản rồi dùng các công ty do bị cáo Phấn thành lập mua đi bán lại để nâng khống giá trị các tài sản. Sau đó, bị cáo Phấn dùng ảnh hưởng của mình, chỉ đạo Ngân hàng Đại Tín định giá các tài sản này cao gấp 2 đến 8 lần giá thị trường, chỉ đạo Hội đồng quản trị và Ban điều hành Ngân hàng Đại Tín mua 26 bất động sản này với tổng giá trị gần 3.581 tỷ đồng trong khi tổng giá trị thực chỉ gần 1.370 tỷ đồng (theo kết quả định giá), gây thiệt hại cho Ngân hàng Đại Tín (nay là Ngân hàng Xây dựng) gần 2.130 tỷ đồng.

Trong số 26 tài sản đó, trên cơ sở điều tra làm rõ bị cáo Phấn đã có hành vi và các thủ đoạn mua bán lòng vòng, nâng khống giá trị căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch, phường 6, quận 3, TP. HCM bán cho Ngân hàng Đại Tín, chiếm đoạt của Ngân hàng Đại Tín 1.105.510.023.962 đồng.

leftcenterrightdel
 Tài sản căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch 

Năm 2008, bị cáo Phấn nhận chuyển nhượng căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch. Sau đó, bị cáo Phấn chuyển nhượng căn nhà cho Công ty CP Địa ốc Lam Giang (công ty của bị cáo Phấn, do Lâm Kim Dũng đứng tên) với tổng giá trị 426,25 tỷ đồng. Năm 2011, Công ty CP Địa ốc Lam Giang sử dụng căn nhà thế chấp để Dương Trung Hiếu vay 187,5 tỷ đồng tại Ngân hàng Đại Tín – Chi nhánh Sài Gòn để góp vốn vào một công ty khác của bị cáo Phấn là công ty TNHH Phúc Nguyện. Lúc này, tài sản này được ngân hàng Đại Tín định giá là 290,993 tỷ đồng.

Khoản vay trên được tất toán, Công ty Lam Giang lại bán căn nhà trên cho Ngân hàng Đại Tín với giá 1.268 tỷ đồng. Tuy nhiên, Ngân hàng Đại Tín mới chuyển trả cho Công ty Lam Giang 990 tỷ đồng. Về khoản tiền này, Lâm Kim Dũng thừa nhận bị cáo Phấn đã sử dụng hết.

Tháng 2/2012, ngân hàng Đại Tín và Công ty Lam Giang huỷ hợp đồng mua bán căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch. Theo đó, công ty Lam Giang chuyển trả cho ngân hàng Đại Tín 990 tỷ đồng đã nhận.

Sau đó, Công ty Lam Giang thống nhất bán căn nhà trên cho bị cáo Hứa Thị Phấn với giá 450 tỷ đồng. Việc mua bán được tiến hành công chứng và trả tiền theo đúng quy định.

Ngay sau đó, Ngân hàng Đại Tín lại mua lại căn nhà trên của bị cáo Phấn với giá 1.260 tỷ đồng. Việc chấp nhận mua bán với giá trị trên, ngân hàng Đại Tín dựa trên giá thẩm định của Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và Khai thác tài sản của chính Ngân hàng Đại Tín. Tuy nhiên, công ty này không có chức năng thẩm định giá và cấp chứng thư.

Mặc dù tính đến thời điểm hiện tại, Cơ quan điều tra vẫn chưa lấy được lời khai của bị cáo Hứa Thị Phấn nhưng tại Cơ quan điều tra các bị cáo Ngô Kim Huệ, Bùi Thị Kim Loan, Lâm Kim Dũng, Hoàng Văn Toàn, Trần Sơn Nam, Nguyễn Vĩnh Mậu và nhiều bị cáo khác đều thừa nhận làm theo sự chỉ đạo của Hứa Thị Phấn. Tất cả biên bản họp Hội đồng quản trị, Hợp đồng mua bán, huỷ giao dịch… đều được soạn sẵn và đưa cho từng người ký.

Với các tài liệu chứng cứ đã thu thập được và lời khai nhận của các bị cáo khác, xác định, bị cáo Hứa Thị Phấn đã chỉ đạo và thực hiện việc mua bán lòng vòng tài sản số 5 Phạm Ngọc Thạch và chỉ đạo ngân hàng Đại Tín mua lại với giá 1.260 tỷ đồng để bị cáo Phấn chiếm đoạt 1.105.510.023.962 đồng để sử dụng cá nhân. Số tiền chiếm đoạt trên là tiền gửi của dân tại ngân hàng Đại Tín. Bởi vì tại thời điểm tháng 2/2012, ngân hàng Đại Tín đã bị lỗ luỹ kế 6.061,738 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu 2.854,833 tỷ đồng. Đến nay không thu hồi được tiền nên đã gây thiệt hại cho ngân hàng này số tiền 1.105.510.023.962 đồng.

Hoa Việt