Theo Cáo trạng của Viện kiểm sát, cuối năm 2020, Quách Thị Huyền đặt mua tiền giả với tỉ lệ 1 triệu tiền thật đổi lấy 10 triệu tiền giả. Sau khi lấy được tiền, Huyền mang về nhà bỏ trong két sắt tại địa chỉ 283 Hoàng Văn Thụ, phường 2, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh.

Khoảng tháng 9/2022, Huyền còn cất giấu khoảng 2 tỉ đồng tiền giả tại nhà mẹ đẻ là Quách Thị Biên xã Yên Trị, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình.

Ngày 5/9/2022, Huyền nói với Lê Quốc Bảo (là chồng của Huyền) chở đến các quán tạp hóa mua các loại hàng hóa có giá trị thấp dùng tiền giả thanh toán nhằm lấy lại tiền thật.

leftcenterrightdel
 Quách Thị Huyền và Lê Quốc Bảo cùng tang vật vụ án.

Khi vợ chồng Huyền đi từ tỉnh Hòa Bình sang Thanh Hóa đến khu vực các xã Cẩm Ngọc, Cẩm Long, huyện Cẩm Thủy, Huyền và Bảo xuống xe đi mua nhiều loại mặt hàng ở nhiều quán khác nhau bằng cả tiền giả và tiền thật và bị người bán hàng phát hiện, tố cáo đến lực lượng Công an.

Đối với Quách Thị Biên có biết tiền Huyền cho Biên là tiền giả nhưng Biên vẫn lấy tiền Huyền cho để đi mua cám và trả tiền điện, Biên còn lấy số tiền Huyền giấu trong két sắt mang ra khu mộ của dòng họ để giấu. Tổng số tiền giả thu được trong vụ án này là hơn 3,3 tỉ đồng.

Đây là một vụ án đặc biệt nghiêm trọng với số lượng tiền giả rất lớn, các bị cáo tham gia là người nhà của nhau. Kiểm sát viên được phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án đã chủ động nghiên cứu hồ sơ, tài liệu chứng cứ, nắm bắt tâm lí của các bị cáo là bao che cho nhau nên tại phiên tòa đã đưa ra những chứng cứ, tài liệu, lập luận một cách chặt chẽ, thuyết phục để đối đáp với các luật sự và chứng minh, đánh giá hành vi phạm tội của bị cáo một cách chính xác, khách quan, khẳng định quan điểm truy tố, buộc tội của Viện kiểm sát có căn cứ và có tính thuyết phục. 

leftcenterrightdel
 Đại diện Viện kiểm sát công cố cáo trạng tại phiên tòa.

Trên cơ sở đề nghị của Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Quách Thị Huyền 20 năm tù, Lê Quốc Bảo 16 năm tù và Quách Thị Biên 11 năm tù cùng về tội “Tàng trữ, lưu hành tiền giả” theo khoản 3 Điều 207 BLHS.

Thông qua việc xét xử vụ án trên, VKSND tỉnh Thanh Hóa nhận thấy cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước về tiền tệ; thường xuyên tuyên truyền, giáo dục về cách thức nhận biết phát hiện tiền giả và kiến thức pháp luật liên quan đến tiền giả nhằm nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành của người dân; tích cực vận động quần chúng nhân dân giao nộp khi phát hiện tiền giả và tố giác đối tượng lưu hành tiền giả với cơ quan có thẩm quyền để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Qua vụ án này, Công an tỉnh Thanh Hóa cũng khuyến cáo người dân cần đề cao cảnh giác trước các thủ đoạn tiêu thụ tiền giả của tội phạm và đề nghị ai là người bị hại sớm trình báo, giao nộp tiền giả cho Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Thanh Hóa.

Phan Hải