Trong đó, bị cáo Nguyễn Thị Chính (SN 1988) bị tuyên phạt mức án 7 năm tù; Nguyễn Thị Hà (SN 1988, cùng trú huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc) nhận mức án 4 năm tù và bị cáo Hoàng Thị Hiền Phương (SN 1984, trú tại khu 2, thôn Nhân Hiền, xã Hiền Giang, huyện Thường Tín, Hà Nội) bị tuyên phạt mức án 5 năm tù cùng về tội “Buôn bán hàng cấm” theo quy định tại Điều 190 BLHS. Nguyễn Văn Sự (SN 1980, trú tại thị trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc) nhận mức án 2 năm tù về tội “Vận chuyển hàng cấm” theo quy định tại Điều 191 BLHS.
|
|
Tang vật thu giữ trong vụ án. (Ảnh: ENV) |
Theo cáo trạng, cuối năm 2020, thông qua mối quan hệ xã hội, Hoàng Thị Hiền Phương quen biết người phụ nữ tên Hà ở Quảng Ninh. Giữa tháng 3/2021, Hà liên lạc với Phương đặt vấn đề nhờ mua vảy tê tê với khối lượng lớn để bán sang Trung Quốc. Phương nhận lời.
Thông qua mối quan hệ làm ăn, buôn bán nên Phương quen biết và đặt vấn đề mua bán vảy tê tê với Nguyễn Thị Chính. Chính đồng ý và yêu cầu Phương đưa khách lên Vĩnh Phúc để giao dịch mua bán vảy tê tê.
Mặc dù biết rõ vảy tê tê là hàng hóa bị Nhà nước cấm buôn bán lưu thông trên thị trường Việt Nam, nhưng Nguyễn Thị Chính, Hoàng Thị Hiền Phương, Nguyễn Thị Hà và Nguyễn Văn Sự đã thực hiện hành vi buôn bán, môi giới, vận chuyển trái phép vảy tê tê nhằm mục đích kiếm lời. Ngày 24/3/2021, Nguyễn Thị Chính đã tìm mối để mua 984kg vảy tê tê bán cho khách của Phương môi giới.
|
|
Phiên tòa xét xử các bị cáo. (Ảnh: ENV) |
Chính nhờ Nguyễn Thị Hà cất giấu số vảy tê tê này. Khi Phương dẫn khách lên mua, Hà là người đưa khách đi xem hàng và trực tiếp cân các bao chứa vảy tê tê. Đến ngày 28/3/2021, Chính thuê Nguyễn Văn Sự vận chuyển số vảy tê tê này đến khu đô thị Hà Phong, xã Tiền Phong (Mê Linh, Hà Nội) để giao hàng thì bị cơ quan Công an phát hiện, bắt giữ.
Kết quả giám định kết luận, 984kg vảy thu giữ nói trên là vảy của loài tê tê cây bụng trắng có tên khoa học Manistricuspis (thuộc Phụ lục I, Danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã thuộc Phụ lục Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp CITES, ban hành kèm theo Thông báo số 296/TB-CTVN-HTQT ngày 27/11/2019 của Cơ quan quản lý CITES Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
Cơ quan chức năng xác định, 984kg vảy của loài tê tê cây bụng trắng có tên khoa học Manistricuspis nói trên trị giá hơn 1,3 trị đồng.
Trong vụ án này, Chính là chủ mưu buôn bán trái phép 984kg vảy tê tê, Phương là đối tượng môi giới tích cực, Sự là đối tượng vận chuyển và Hà là đối tượng giúp sức chính.
Theo ghi nhận của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), vụ án vận chuyển, buôn bán trái phép 984 kg vảy tê tê trên không chỉ là vụ án liên quan đến vảy tê tê bị thu giữ lớn nhất trên địa bàn thành phố Hà Nội mà còn là một trong những vụ vi phạm về động vật hoang dã có quy mô lớn nhất từng được ghi nhận trong nội địa Việt Nam thời gian vừa qua.
Bà Bùi Thị Hà - Phó Giám đốc ENV chia sẻ: “Vụ án với khối lượng vảy tê tê bị thu giữ đặc biệt lớn cũng đã hé mở đường dây buôn bán, vận chuyển vảy tê tê xuyên quốc gia với phương thức hoạt động hết sức tinh vi. Việc bắt giữ thành công, truy cứu trách nhiệm hình sự và xét xử nghiêm minh bốn đối tượng trên là dấu mốc quan trọng, thể hiện thái độ không khoan nhượng với tội phạm về động vật hoang dã của các cơ quan tiến hành tố tụng thành phố Hà Nội. ENV hi vọng, tiếp nối thành công này, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng trên cả nước sẽ tiếp tục nỗ lực đấu tranh mạnh mẽ với tội phạm về động vật hoang dã, đặc biệt tập trung điều tra, làm rõ và xử lý những đối tượng đứng đằng sau các đường dây vận chuyển, buôn bán trái phép hàng chục tấn vảy tê tê, sừng tê giác và ngà voi có nguồn gốc từ châu Phi vào Việt Nam mỗi năm.”