Tham dự hội nghị có đồng chí Tôn Thiện Phương - Viện trưởng VKSND tỉnh Nghệ An, đồng chí Dương Thị Liên - Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Nghệ An cùng các đồng chí đại diện Phòng 3, Phòng 7 VKSND tỉnh Nghệ An, các đồng chí lãnh đạo, Kiểm sát viên của 9 huyện, các cán bộ Kiểm sát viên tại 21 điểm cầu các huyện trên địa bàn tỉnh thường xuyên xử lý các vi phạm về động vật hoang dã.
Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe đại diện Phòng 3 VKSND tỉnh Nghệ An thông tin về tình hình và kết quả xử lý tội phạm về động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh. Về phía đại diện ENV, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật cũng đã cập nhật tình hình tội phạm về động vật hoang dã trong những năm vừa qua, những quy định của pháp luật mới nhất liên quan tới công tác xử lý tội phạm về động vật hoang dã và các lưu ý trong quá trình định dạng loài hỗ trợ việc xử lý loại tội phạm này.
Theo đó, thời gian vừa qua, Nghệ An được coi là một điểm nóng về buôn bán động vật hoang dã trái phép. Theo thống kê từ ENV, từ năm 2010 đến 2020, khoảng 23% trong tổng số gần 800 đối tượng bị kết án liên quan đến tội phạm về động vật hoang dã trên cả nước là đến từ Nghệ An hoặc Hà Tĩnh. Đặc biệt, hoạt động nuôi nhốt hổ trái phép diễn ra trong một thời gian dài trên địa bàn tỉnh Nghệ An, tập trung tại 3 huyện Diễn Châu, Yên Thành và Quỳnh Lưu đã được báo chí trong nước và quốc tế nhiều lần phản ánh.
|
|
Đồng chí Dương Thị Liên - Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Nghệ An phát biểu tại hội nghị. (ảnh: ENV) |
Trong đó, điển hình là vụ án phát hiện hai hộ dân nuôi nhốt trái phép 17 cá thể hổ tại huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Liên quan đến vụ việc này, ngày 3/3/2022, TAND tỉnh Nghệ An đã tuyên phạt đối tượng Nguyễn Văn Hiền (SN 1982, trú tại xã Đô Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) mức án 7 năm tù về hành vi nuôi nhốt trái phép 14 cá thể hổ. Cùng với đó, ngày 30/3/2022, đối tượng Nguyễn Thị Định (SN 1971, trú xã Đô Thành, Yên Thành) cũng đã bị tuyên phạt 30 tháng tù giam về hành vi nuôi nhốt 3 cá thể hổ trong hầm nhà.
Các đại biểu tham dự hội nghị cũng đã chia sẻ sôi nổi về các khó khăn vướng mắc trong công tác xử lý tội phạm về động vật hoang dã cũng như khuyến nghị các giải pháp tăng cường hiệu quả công tác xử lý loại tội phạm này.
|
|
Bà Bùi Thị Hà - Phó Giám đốc ENV chia sẻ tại hội nghị (ảnh: ENV) |
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Dương Thị Liên - Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Nghệ An chia sẻ: “Với vị trí địa lý chiến lược, trong thời gian vừa qua, nhiều đối tượng phạm tội đã lợi dụng địa bàn Nghệ An để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật về ĐVHD. Trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến động vật hoang dã, các cán bộ, Kiểm sát viên VKSND 2 cấp tỉnh Nghệ An luôn kiểm sát chặt chẽ mọi hoạt động tố tụng, giữ vững tinh thần không khoan nhượng với loại tội phạm này. Mặc dù vậy, quá trình xử lý cũng gặp phải những khó khăn vướng mắc nhất định về quy định pháp luật hay công tác giám định. Những buổi trao đổi, tập huấn chuyên sâu như này rất có ý nghĩa, góp phần nâng cao năng lực của các cán bộ kiểm sát trong công tác xử lý tội phạm về động vật hoang dã.”
Bà Bùi Thị Hà - Phó Giám đốc ENV cho biết: “ENV đánh giá cao những nỗ lực trong công tác xử lý các tội phạm liên quan đến động vật hoang dã của tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên, vấn nạn nuôi nhốt và buôn bán động vật hoang dã trái phép vẫn diễn ra phức tạp trên địa bàn các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu và Yên Thành, đòi hỏi những hành động quyết liệt hơn của chính quyền và các cơ quan chức năng, cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Nghệ An để xử lý. ENV hi vọng với quyết tâm của tất cả các ngành chức năng, hoạt động nuôi nhốt, buôn bán hổ và động vật hoang dã trái phép sẽ sớm bị xử lý triệt để, góp phần bảo tồn hổ cũng như bảo vệ hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế.”
|
|
Các đại biểu tham gia hội nghị chụp hình lưu niệm. (Ảnh: ENV) |
Tọa đàm tại tỉnh Nghệ An là một trong chuỗi các tọa đàm chuyên đề được ENV phối hợp với VKSND các địa phương thực hiện với mục tiêu nâng cao hiệu quả xử lý đối với tội phạm về động vật hoang dã, tăng cường tính răn đe với loại tội phạm này cũng như khuyến khích việc tập trung xử lý các đối tượng cầm đầm những đường dây buôn bán động vật hoang dã lớn nhằm làm đứt gãy chuỗi buôn bán trái phép động vật hoang dã mang tính chất xuyên quốc gia.