Sau khi nghe đi, nghe lại băng ghi âm và đọc toàn văn quyết định giám đốc thẩm (Quyết định giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải số 05/2020/HS-GĐT ngày 8/5/2020 của TAND tối cao), tôi thấy còn rất nhiều "điểm mờ" cần được làm sáng tỏ, trong khi phần lớn những nhận định của Hội đồng thẩm phán, do ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án TAND tối cao làm Chủ tọa là theo hướng suy diễn thiếu căn cứ.

leftcenterrightdel
 Bưu điện Cầu Voi, hiện trường xảy ra vụ án mạng cách đây 12 năm.

1- Ngay phần đầu tiên của kết luận về diễn biến của vụ án cho thấy sự băn khoăn. Cấp sơ thẩm, phúc thẩm và giám đốc thẩm đều quy kết rằng: “Vào khoảng 19h ngày 13/1/2008, Hải lấy xe máy hiệu Wave (của bà Len) đi đến tiệm cầm đồ để cầm cố chiếc điện thoại với số tiền 1.500.000 đồng, sau đó Hải chạy về nhà đổi lấy xe Dream (của bà Nguyễn Thị Rưởi) chạy đến quán cà phê trả tiền thua cá độ bóng đá…”. Tại sao Hải không tiếp tục sử dụng xe Wave đi luôn cho tiện mà phải quay về nhà đổi lấy xe Dream?

2- Về sự xuất hiện của chiếc xe Dream trước cửa Bưu điện và mái tóc lãng tử.

Quý Tòa cho rằng lúc hơn 19h, anh Đinh Vũ Thường đến Bưu điện có nhìn thấy có 1 chiếc xe Dream (màu nho), có kính chiếu hậu màu đen bên trái (gọng kính cắt ngắn), chìa khóa vẫn còn cắm trên xe; ông Nguyễn Văn Thu và bà Rưởi thừa nhận gia đình có chiếc xe giống như thế, vậy suy ra, chiếc xe Dream hung thủ dựng ở sân Bưu điện trước thời điểm xảy ra án mạng là xe của bà Rưởi.

Thưa quý Tòa, thời điểm đầu năm 2008, phương tiện cá nhân phổ biến trong xã hội là xe Dream và Wave Trung Quốc, có đến hàng trăm ngàn chiếc xe Dream màu nho đang lưu thông khắp mọi làng quê Việt Nam, và thời điểm đó cũng chưa có quy định về xử phạt những phương tiện xe máy không gắn đầy đủ kính chiếu hậu, nên theo tôi nhớ đa phần các chủ phương tiện không gắn hoặc chỉ gắn một loại kính có gọng bị cắt ngắn để trang trí cho đẹp giống như xe của bà Rưởi. Lúc đó, xe Dream màu nho của tôi cũng y như thế, và tôi tin rằng ở Nam Bộ, xe có đặc điểm tương tự xe của bà Rưởi là rất nhiều. Vì vậy, việc kết luận chiếc Dream dựng trước sân Bưu điện Cầu Voi vào cái đêm định mệnh ấy là xe của bà Rưởi là sự suy diễn mà xác suất đúng (tôi nghĩ) sẽ nhỏ hơn 1/100.

Còn về mái tóc, quý Tòa cho rằng anh Thường khai nhìn thấy có một thanh niên ngồi trong Bưu điện lúc hơn 19h30’ có đặc điểm tóc chẻ mái, bà Rưởi khai Hải để tóc dài chẻ mái 6-4 hay 7-3 gì đó và Hải thừa nhận lúc đó tóc của Y chải 6-4, đuôi tóc dài phủ gáy, vậy người xuất hiện tại hiện trường trước khi 1 nạn nhân bị giết chính là Hải.

Suy luận này thật khôi hài. Lúc trước tôi có chiếc xe Dream giống như chiếc xe anh Thường nhìn thấy trong sân Bưu điện và tôi luôn để tóc như vậy, tôi cũng nhìn thấy có rất nhiều thanh niên đi xe Dream có mái tóc như thế, nên tôi xin quý Tòa đừng loại trừ phán đoán rằng, tôi và nhiều thanh niên khác cũng có thể là hung thủ.

leftcenterrightdel
 Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình tại phiên giám đốc thẩm. Ảnh: TTXVN

3. Về cái áo thun của hung thủ. Anh Thường khai người thanh niên ngồi trong Bưu điện mặc áo ngắn tay màu xanh đậm, có sọc trắng; Hải khai lúc gây án, Hải mặc án thun ngắn tay màu xanh đậm, có hàng chữ màu trắng ở trước ngực, cộng với tàn tro mà Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Long An (CQĐT) thu giữ, cho phép khẳng đây là một căn cứ nữa để xác định người thanh niên ngồi trong ghế tại bưu điện tối hôm ấy là bị cáo. Tòa sử dụng thêm tình tiết này để bổ sung cho kết luận của mình là không chuẩn xác, xin quý Tòa hãy hỏi những người chuyên về dệt may xem có phải áo xanh sọc trắng và áo xanh có hàng chữ trắng là cùng một cái áo hay không?

4. Về sự mô tả của bị cáo đối với các vật dụng có trong Bưu điện Cầu Voi. Tòa cho rằng trong quá trình điều tra, bị cáo Hải khai chính xác được vị trí nhiều vật dụng có trong trụ sở Bưu điện, chỉ có hung thủ mới khai chính xác được như vậy, nên có cơ sở nhận định bị cáo có mặt tại hiện trường. Nhận định này cũng không vững, bởi vì Tòa có kết luận từ khoảng tháng 10/2007, bị cáo có quen chị Vân, sau đó bị cáo tiến hành đặt mua báo thể thao tại bưu điện, nội dung này cho thấy bình thường bị cáo hay đến bưu điện, việc bị cáo nhớ được vị trí của những vật dụng ở nơi này không có gì là lạ, không thể nói do bị cáo có đến bưu điện vào tối 13/1/2008 nên mới nhớ được chi tiết như thế. Với thời gian ngắn, người lần đầu tiên vào phía trong bưu điện mà nhớ chi tiết các đồ vật như mô tả của Hải thì Hải phải là người có trí nhớ siêu phàm? Nên nhớ, sau gần 3 tháng mới có lời khai này của Hải, trong khi các chi tiết tấn công nạn nhân thì Hải lại không mô tả được. Một người có trí nhớ bình thường cũng không thể quên "ấn tượng" tấn công rồi giết người khác như thế nào. 

Chiếc xe Dream màu nho thì mong manh, mái tóc chẻ thì mơ hồ, cái áo thun màu xanh đậm thì không chuẩn, sự mô tả về vị trí các vật dụng thì chưa hợp lý với thực tế của vụ việc mà khẳng định đã có đủ cơ sở kết luận bị cáo có mặt tại hiện trường thì tôi chỉ có thể gọi đây là sự suy diễn. VKSND tối cao cho rằng chưa đủ cơ sở để kết luận bị cáo có mặt tại hiện trường là hoàn toàn phù hợp với các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án.

 
leftcenterrightdel
Hồ Duy Hải. 

5. Về chiếc ghế xếp. Tòa nhận định rằng, sau khi giết chị Hồng, bị cáo đứng nấp một góc trong bưu điện, khi chị Vân về đến để bọc trái cây lên bàn và đi ra phía sau, thấy xác chị Hồng nên chị Vân hốt hoảng chạy ngược ra, lập tức bị cáo cầm ghế đánh vào đầu chị Vân làm chị té xuống, bị cáo ôm ngang nách chị Vân kéo đến và để nằm lên xác chị Hồng, bị cáo tiếp tục dùng dao cắt ngang cổ chị Vân mấy cái, rồi bị cáo lấy chiếc ghế xếp để dưới chân cầu thang gần xác nạn nhân; qua khám nghiệm hiện trường thấy chân chị Vân có gác lên chiếc ghế, do đó lời khai của bị cáo là đúng với diễn biến vụ việc. Lập luận này không thể khôi hài hơn. Bị cáo ôm nách chị Vân để nằm chung chỗ chị Hồng, rồi bị cáo mới lấy cái ghế để gần đấy, như vậy chân của nạn nhân không thể ở trên cái ghế được. Không lẽ nạn nhân chết rồi mà còn biết tự gác chân lên ghế?

Xin thưa, chiếc ghế trên là chiếc ghế được đặt ở phòng giao dịch. Theo khám nghiệm hiện trường, Phòng giao dịch có 5 chiếc ghế quanh một cái bàn và có 1 vị trí bị khuyết 1 ghế. Lý giải thế nào khi bị cáo lấy chiếc ghế ở chân cầu thang? Ai mang ghế đó từ Phòng giao dịch xuống chân cầu thang? Bị cáo không hề khai về chi tiết này.

Chưa hết, nếu bị cáo dùng ghế đập mạnh vào đầu chị Vân, thì những hạt cơm (có dính trên ấy) theo nguyên tắc vật lý phải rơi xuống, nhưng đằng này qua kiểm tra có cơm khô còn dính trên ghế, Tòa lý giải vấn đề này như thế nào? Rồi diễn biến toàn bộ vụ án, Tòa án các cấp không quy kết là nạn nhân hay bị cáo dẫm đạp lên chiếc ghế, vậy dấu dép trên ghế ở đâu ra, của ai?

6. Về cái vòi nước. Từ Kết luận điều tra cho đến Quyết định giám đốc thẩm đều kết luận là, sau khi giết từng người, máu nạn nhân bắn lên tay, lên áo và lên người bị cáo rất nhiều, bị cáo đã đến vòi nước rửa tay và chùi rửa các vết máu, nhưng CQĐT tiến hành kiểm tra vòi nước lúc 8h10’ ngày 14/1/2008 thì không có nước. Chưa kết luận có nước hay không thì lấy nước ở đâu rửa tay? Muốn rửa sạch máu trong trường hợp này chỉ có tắm rửa kỹ càng. Nội dung này là một trong những "điểm mờ" cần làm sáng tỏ.

Việc kiểm tra thấy trong lavabo có tóc chẳng nói lên được điều gì. Hàng ngày chúng ta rửa mặt tại lavabo, tóc chúng ta rơi vào đấy là chuyên bình thường, Tòa cứ nhìn xem trong lavabo nhà mình có tóc rụng ở đó hay không, đâu phải đợi có án mạng mới có tóc? Và một điều tệ hại nữa là, nếu cho rằng hung thủ có đến lavabo rửa tay, mặt, thì phải đưa ra phán đoán có khả năng tóc của hung thủ rơi xuống ở đấy, đáng lẽ phải thu giữ mẫu tóc đó đem giám định xem của ai, nhưng CQĐT lại không làm như vậy.

7. Về tình tiết hung thủ sau khi giết 2 nạn nhân đã trèo qua hàng rào phía sau bưu điện. Nếu hung thủ có trèo qua hàng rào, tuy không có vết máu nhưng sẽ có dấu vết khác để lại trên ấy. CQĐT kiểm tra ghi nhận không có dấu vết gì cả, điều đó cho thấy chưa có cơ sở để kết luận về diễn biến này. Thật lạ là cơ quan tố tụng tham gia điều tra, truy tố và xét xử lại tiếp tục kết luận ngược về nội dung này.

8. Về tài sản của nạn nhân. Bị cáo Hải khai sau khi lấy dây chuyền và điện thoại của nạn nhân, vào ngày 18/1/2008, bị cáo đã mang bán cho hai cửa hàng ở TP Hồ Chí Minh, CQĐT không thu hồi được tài sản; nếu chủ các cửa hàng xác nhận có mua loại tài sản có đặc điểm như vậy và nhận dạng được người bán là Hồ Duy Hải, thì việc kết luận nội dung này còn có cơ sở chấp nhận. Trong hồ sơ vụ án có thể hiện đã làm được vấn đề như tôi nói hay không mà lại kết luận bị cáo có bán tài sản của bị hại ở 2 nơi đó?

9. Về các dấu vân tay. Từ nội dung kết luận về diễn biến của vụ án, theo khoa học hình sự thì sẽ có rất nhiều dấu vân tay ở khắp nơi, dấu vân tay trên con dao và cái thớt (CQĐT không thu giữ 2 vật chứng này nên thôi chúng ta bỏ qua); hung thủ bị quy kết có bóp cổ chị Hồng, theo logic trên cổ chị Hồng sẽ có dấu các ngón tay của hung thủ; khi dùng dao cắt cổ chị Hồng, máu bắn dính đầy tay và người hắn, kế đến, hung thủ cầm ghế xếp đập đầu chị Vân, rồi bế ngang nách chị Vân di chuyển đến chỗ chị Hồng, sau đó hắn mang cái ghế để gần nơi đó, diễn biến vụ việc như vậy cho ta thấy sẽ có dấu vân tay trên ghế và trên áo của chị Vân; hắn lục lọi lấy tài sản của nạn nhân, thì những nơi đó sẽ có dấu vân tay; sau cùng là cái hàng rào, hung thủ trèo qua hàng rào xuất hiện khả năng rất lớn nữa sẽ có dấu vân tay của hắn in trên hàng rào.

CQĐT không thu được hết các dấu vân tay ở những nơi mà tôi liệt kê, và quá trình điều tra cũng như việc tiến hành so sánh những mẫu vân tay có được, không có mẫu nào là của Hồ Duy Hải. Tôi xin hỏi cơ quan tố tụng của tỉnh Long An, cấp cao và Hội đồng thẩm pháp TAND tối cao, các vị hãy cho biết dựa vào điều gì để kết luận bị cáo chính là hung thủ giết người?

10. Về lập rằng bị cáo nhận tội và cũng không có cơ sở nói bị cáo bị mớm cung, bức cung, nên tuyên bị cáo tử hình là đúng người, đúng tội.

Trước đây, vụ án “Dùng nhục hình” tại thành phố Tuy Hòa, Phú Yên. Nửa đêm CQĐT Công an Tùy Hòa  đến nhà bắt anh N.T.K dẫn giải về trụ sở vì nghi ngờ anh có tham gia một vụ trộm cắp tài sản, anh Kiều có lẽ kiên quyết không nhận tội, hậu quả ngày hôm sau anh phải từ giã cõi trần. Kết quả khám nghiệm tử thi, đếm trên thân thể anh K. có 64 vết thương rõ hình dạng, còn những vết thương không rõ thì không biết bao nhiêu mà đếm.

Do có chết người nên bắt buộc phải làm rõ và xử lý cho bằng được cán bộ điều tra tham gia dùng nhục hình tàn bạo đó. Kết quả điều tra chỉ xác định được Nguyễn Thân Thành Thảo có dùng cây ba trắc (dụng cụ chuyên dụng của Cảnh sát) đánh vài cái (có một cái lên đầu gây cho nạn nhân chấn thương sọ não), 4 vị cán bộ còn lại chỉ thừa nhận đánh 1,2 cái vào chỗ không nguy hiểm. Như vậy, tổng hợp lại 5 "công bộc" ấy chỉ đánh trên 10 cái, còn mấy chục vết thương còn lại không biết từ đâu ra, có lẽ anh K. tự đánh mình?

Vụ “Dùng nhục hình” thứ hai là ở Cao Lãnh, Đồng Tháp, anh Nguyễn Tuấn Thanh bị tình nghi tham gia trộm cắp tài sản, nên ngày 16/11/2012, CQĐT Cao Lãnh bắt anh Thanh đem về trụ sở, trưa ngày hôm sau anh Thanh cũng lìa trần. Trên cơ thể nạn nhân cũng đầy vết thương do bị vật cứng tác động với một lực rất mạnh gây ra và nặng nhất là vùng ức và thượng vị. Sau cái chết đau đớn tột cùng của nạn nhân, 2 Điều tra viên là Huỳnh Ngọc Tòng và Phạm Xuân Bình bị xử lý hình sự.

Nhân chứng khai thấy có 4 người tham gia đánh anh Thanh, nhưng vì chỉ chứng minh được 2 vị ấy có làm việc với nạn nhân, nên cơ quan tố tụng chỉ xử lý được 2 vị này, Huỳnh Ngọc Tòng bị  phạt 18 tháng tù, Phạm Xuân Bình bị bị phạt 11 tháng 11 ngày tù. Vụ án đã 3 lần bị Tòa án cấp cao tại TP Hồ Chí Minh hủy án vì có vi phạm tố tụng và chứng cứ mà cấp sơ thẩm sử dụng buộc tội chỉ có lời khai bị cáo Bình, còn diễn biến ai đánh, đánh như thế nào chưa được làm rõ, đến nay vụ việc vẫn chưa giải quyết xong. Vụ án trên thì Tòa án hủy án để điều tra, xét xử lại đến 3 lần, nhưng tại sao vụ Hồ Duy Hải mặc dù chẳng có chứng cứ buộc tội nào ngoài lời nhận tội của bị cáo trong giai đoạn điều tra, thì các vị cứ nhất nhất kết luận là xét xử đúng người, đúng tội?

Trong tố tụng hình sự, Viện kiểm sát là cơ quan thực hiện chức năng buộc tội, Tòa án là cơ quan thực hiện chức năng xét xử, khi cơ quan buộc tội cho rằng có nhiều vi phạm nghiêm trọng tố tụng dẫn đến cơ sở buộc tội bị cáo chưa vững chắc, tôi nghĩ trường hợp này Tòa án cần phải lắng nghe và thực hiện đúng chức năng của mình, nhưng trớ trêu thay tòa lại “nhảy sang” đóng luôn vai cơ quan buộc tội (!?).

 VKSND tối cao đề nghị 6 việc phải làm khi điều tra lại, nhằm tránh oan, sai, bỏ lọt tội phạm

Tham gia phiên tòa giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải, đại diện VKSND tối cao cho biết, căn cứ để Viện trưởng VKSND tối cao quyết định kháng nghị bản án là bởi trong hai bản án còn nhiều mâu thuẫn chưa được làm rõ: Thời gian xuất hiện của Hồ Duy Hải tại bưu điện Cầu Voi; Khám nghiệm tử thi chưa làm rõ thời gian tử vong của nạn nhân; Về những vật chứng, dao, thớt, ghế được mua về để thay thế là không đúng quy định của pháp luật. Đặc biệt, việc tài liệu tố tụng đưa ra ba con dao không nhất quán về mặt kích thước, thì không thể khẳng định con dao nào là công cụ gây án. Nhận định về mẫu than tro của việc đốt quần áo và dây lưng của Hải còn mơ hồ. Bên cạnh đó, quá trình tố tụng cũng chưa làm rõ việc bưu điện Cầu Voi hôm xảy ra án mạng có bị mất nước hay không; cũng như chưa làm rõ được việc bán tài sản mà Hải lấy của nạn nhân, mới chỉ dựa vào lời khai của Hải.

Cũng theo đại diện VKSND tối cao, có nhiều tình tiết phải chứng minh theo quy định của pháp luật nhưng không được làm rõ: Việc lấy dấu vân tay ở hiện trường phải truy nguyên nhưng chưa được làm rõ, chưa lí giải được vì sao lại có nhiều mẫu dấu vân tay của nhiều người ở hiện trường nhưng lại không có dấu vân tay của Hồ Duy Hải. Cơ quan điều tra chưa làm rõ được cơ chế hình thành vết thương ở trên vùng mặt và đầu của nạn nhân, hai vết thương trên cổ của nạn nhân giống nhau cả về độ sâu và chiều dài của vết cắt. Đồng thời, theo lời khai của nhân chứng thì khu vực bếp ăn có 2 con dao nhưng không được thu giữ, không có trong bản ảnh...

Đại diện VKSND tối cao cũng nhấn mạnh, trong phiên giám đốc thẩm, có nhiều vi phạm về tố tụng được nêu ra, như: Vi phạm việc khám nghiệm hiện trường không thu giữ vật chứng; Không truy nguyên dấu vân tay; Không trưng cầu thời điểm chết của nạn nhân; Không đưa lời khai không nhận tội của bị cáo vào hồ sơ vụ án; các lời khai nhân chứng Đinh Vũ Thường, Phùng Phụng Hiếu và đối tượng tình nghi là Nguyễn Văn Nghị, Nguyễn Mi Sol chưa được điều tra làm rõ. Một số biên bản nhận dạng không có người chứng kiến. Một số biên bản lời khai, hỏi cung của bị cáo không có ký xác nhận; Ghi nhận sai mã số ghế.

Theo đó, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị có 6 việc phải làm khi điều tra lại. Đó là thực nghiệm lại điều tra hiện trường; xác định dấu vân tay là của ai và các đối tượng tình nghi; trưng cầu giám định thời điểm nạn nhân chết; làm rõ cơ chế gây thương tích; xác định rõ hơn động cơ, mục đích gây án; bổ sung vào hồ sơ vụ án những tài liệu, chứng cứ đang có trong hồ sơ nghiệp vụ của cơ quan điều tra.

VKSND tối cao khẳng định có đủ căn cứ và thấy cần thiết kháng nghị 2 bản án sơ thẩm, phúc thẩm, để làm rõ mâu thuẫn, thiếu sót trong tố tụng. Những vấn đề trên cần phải khắc phục để bảo đảm việc giải quyết vụ án khách quan, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội và không bỏ lọt tội phạm./.

BVPL


Võ Tòng