Dư luận ngỡ ngàng
Có thể tóm tắt Quyết định giám đốc thẩm gồm ba vấn đề: Tuy vụ án (chính xác là quá trình điều tra) có sai sót và vi phạm tố tụng, nhưng sai sót và vi phạm trên không làm thay đổi bản chất của vụ án; việc cấp sơ thẩm và phúc thẩm tuyên tử hình đối với bị cáo Hồ Duy Hải về tội giết người (giết 2 nữ nhân viên Bưu điện Cầu Voi) là đúng người, đúng tội và đúng pháp luật; Chủ tịch nước đã có quyết định bác đơn xin ân giảm án tử hình của bị cáo và quyết định trên đang có hiệu lực, pháp luật cũng không quy định khác nên Kháng nghị giám đốc thẩm của Viện trưởng VKSND tối cao là không đúng luật.
Quyết định của Hội đồng xét xử cho thấy rất nhiều vấn đề cần làm sáng tỏ. Tuy không được trực tiếp xem hồ sơ, nhưng qua theo dõi vụ án từ 2014 (thời điểm hoãn thi hành án tử hình bị cáo Hải) đến nay, tôi thấy khá rõ ràng sự vi phạm nghiêm trọng của Cơ quan điều tra (CQĐT) ở khâu khám nghiệm hiện trường, khâu thu giữ vật chứng, dấu vết liên quan đến việc chứng minh người phạm tội và ở các hoạt động điều tra khác như sau:
|
|
Đại diện VKSND tối cao bảo lưu quan điểm kháng nghị tại phiên toà. |
Rõ ràng có sự vi phạm của Cơ quan điều tra
- Thứ nhất: Tại hiện trường vụ giết 2 nạn nhân có con dao và cái thớt nhưng không hiểu vì lý do gì mà người chủ trì khám nghiệm lại không thu giữ? Đấy là những vật chứng đặc biệt quan trọng, nó giúp cho CQĐT Công an tỉnh Long An kết luận chính xác là nạn nhân bị giết bởi hung khí gì và giúp cho truy ra hung thủ dễ dàng nếu thu được mẫu vân tay trên hung khí đó.
Sau khi bắt Hồ Duy Hải, CQĐT quay lại hiện trường tìm hai loại hung khí trên thì muộn màn. Để "chữa cháy" cho sai sót "chết người" (vì sai sót đó là không thể khắc phục), Điều tra viên nhờ nhân chứng (tư cách nhân chứng này cũng chưa đúng theo định nghĩa về nhân chứng quy định tại Điều 66 Bộ luật Tố tụng hình sự - BLTTHS) ra chợ mua 1 con dao, 1 cái thớt và yêu cầu bị cáo vẽ lại hình dáng con dao rồi cho bị cáo nhận dạng hung khí mà bị cáo sử dụng giống như đồ mua ngoài chợ về, từ đó cơ quan tố tụng kết luận hung khí mà bị cáo dùng để giết người có hình dạng như thế.
Xin thưa quý Tòa, theo Điều 190 Bộ luật TTHS 2015 (BLTTHS 2003 cũng như vậy) quy định, khi cho người phạm tội tiến hành nhận dạng đồ vật thì các vị phải đưa ra ít nhất là 3 đồ vật, như vậy phải đưa ra ít nhất là 3 con dao và 3 cái thớt khác nhau mới đúng quy định. CQĐT chỉ đưa ra 1 vật duy nhất là không đúng quy định.
Việc tiến hành cho nhận dạng sai quy trình sẽ làm cho Biên bản nhận dạng không có giá trị chứng minh. Vì vậy, đến phiên xét xử giám đốc thẩm, quý Tòa cũng không có cở sở để kết luận nạn nhân bị giết bởi hung khí có hình dáng chính xác như thế nào.
- Thứ hai: Về mẫu máu thu tại hiện trường, nghi máu của hung thủ, nhưng CQĐT không trưng cầu giám định ngay, để mấy tháng sau khi mẫu máu bị hư hoại mới trưng cầu làm cho kết quả giám định không có tác dụng gì cả. Việc sai phạm này dẫn đến hệ lụy là chúng ta không loại trừ được phán đoán nghi ngờ rằng hung thủ giết hai nạn nhân có thể là một người khác?
- Thứ ba: Có nhân chứng khai trước khi hai nạn nhân bị giết, có thấy một thanh niên ngồi trong Bưu điện xem điện thoại, nhân chứng mô tả dáng người thanh niên giống như bị cáo không có nghĩa người thanh niên ấy là bị cáo. Và, CQĐT không cho nhân chứng nhận dạng bị cáo Hải là một sai lầm nghiêm trọng nữa. Nguyên tắc tố tụng hiện đại không chấp nhận kiểu suy luận mang tính chủ quan của người tiến hành tố tụng, là chỉ cần sự mô tả của nhân chứng về tướng mạo hung thủ rồi đi tìm coi ai có đặc điểm tương tự như thế rồi suy ra người đó là hung thủ. Kiểu suy luận này không thể tồn tại ở các quan tòa thời hiện đại.
Rồi quý Tòa cho rằng tuy có sai phạm nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án? Xin thưa quý Tòa, không làm thay đổi bản chất vấn đề ở đây là có vụ án giết người, cướp tài sản xảy ra tại Bưu điện Cầu Voi vào ngày giờ như thế, nạn nhân là 2 nữ nhân viên Bưu điện, còn ai là hung thủ thì cơ quan tố tụng phải chứng minh với tinh thần trách nhiệm cao, thận trọng, toàn diện, khách quan và luôn tuân theo pháp luật.
- Thứ tư: Quý tòa cho rằng bị cáo thừa nhận đã dùng dao và thớt giết nạn nhân, người dọn dẹp Bưu điện cũng thừa nhận có con dao và cái thớt hình dáng như vậy và khám nghiệm tử thi cho thấy nạn nhân có vết thương do vật sắc và vật cứng gây ra; bị cáo khai có nhờ 1 nạn nhân đi mua trái cây, qua xác minh người bán trái cây thời điểm đó thừa nhận có chị V. đến mua trái cây; và bị cáo khai có đi đến địa điểm tiêu thụ tài sản là đúng, vì chỉ bị cáo có khai nên CQĐT mới xác định được địa điểm ấy… Bị cáo khai báo “trùng khớp” với các tình tiết, chứng cứ mà CQĐT thu thập được, vậy hung thủ giết người là bị cáo. Lập luận này tôi thấy quá đơn giản.
Đồng thời, những tình tiết mà quý Tòa tin rằng hung thủ đúng là Hồ Duy Hải hầu hết là những chứng cứ gián tiếp. Phải chi đây chỉ là vụ án ít nghiêm trọng, bị cáo chỉ bị phạt vài tháng tù, đằng này là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, bị cáo bị tuyên tử hình nhưng chỉ với những chứng cứ gián tiếp như vậy thì khó thuyết phục được dư luận?
- Thứ năm: Hội đồng xét xử cho rằng khi Quyết định bác đơn xin ân giảm án tử hình của Chủ tịch nước đối với bị cáo đang có hiệu lực thì Viện trưởng VKSND tối cao không có quyền kháng nghị là chưa có tiền lệ và luật cũng không có quy định rõ về vấn đề này.
Để lý giải vấn đề Viện trưởng (hoặc Chánh án) TAND tối cao có được ban hành kháng nghị giám đốc thẩm trong trường hợp như thế hay không thì phải quay về lý luận cơ bản của tố tụng hình sự.
Theo Hiến pháp, Luật Tổ chức TAND và Bộ luật TTHS, thì Tòa án là cơ quan duy nhất có quyền xét xử đối với tất cả tội phạm trên lãnh thổ Việt Nam, và cấp xét xử cao nhất là Hội đồng thẩm phán TAND tối cao, cấp xét xử này có quyền xét lại tất cả các bản án đã có hiệu lực pháp luật trong cả nước. Khi thực hiện nhiệm vụ, các thẩm phán tham gia Hội đồng xét xử được độc lập, chỉ tuân theo pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật với những quyết định của mình.
Như vậy, cơ quan chịu trách nhiệm xét xử đúng người, đúng tội là Tòa án, không phải Chủ tịch nước. Đối với những bị cáo bị tuyên tử hình và bản án đã có hiệu lực pháp luật, thì thủ tục bắt buộc sau đó là Viện trưởng, Chánh án TAND tối cao phải ra quyết định không kháng nghị vụ án theo trình tự giám đốc thẩm, nhưng Chủ tịch nước thì không bắt buộc trong mọi trường hợp phải có Quyết định bác đơn xin ân giảm của bị cáo, và Luật thi hành án hình sự cũng không bắt buộc phải có quyết định trên của Chủ tịch nước trong hồ sơ thi hành án tử hình.
Rõ ràng thủ tục trên không thể được xem là một thủ tục trong hoạt động tố tụng hình sự, hoạt động xét xử, đối với quyết định không kháng nghị của Chánh án và Viện trưởng VKSND tối cao như là một sự kiểm tra và kết luận rằng đã xét xử đúng người, đúng tội, không oan sai; còn Chủ tịch nước quyết định bác hay chấp nhận đơn xin ân giảm hình phạt tử hình của bị cáo chỉ như là một hoạt động mang tính nhân đạo, quyết định của Chủ tịch nước không phải là sự đảm bảo rằng Tòa án đã xét xử có đúng đắn hay không.
Đồng thời, trong Bộ luật TTHS quy định, khi nhận thấy có sự sai lầm nghiêm trọng trong áp dụng pháp luật hoặc có vi phạm nghiêm trọng tố tụng hình sự và có lợi cho bị cáo, thì Chánh án hoặc Viện trưởng VKSND tối cao phải thực hiện trách nhiệm kháng nghị giám đốc thẩm để xét lại bản án đã có hiệu lực pháp luật; luật tố tụng hình sự cũng không ràng buộc là có Quyết định của Chủ tịch nước thì không được kháng nghị. Vì vậy, theo tôi việc Viện trưởng VKSND tối cao kháng nghị giám đốc thẩm đối với vụ án Hồ Duy Hải trong trường hợp nói trên là không vi phạm thẩm quyền trong tố tụng.
Tôi nghĩ rằng, khi pháp luật chưa quy định rõ ràng, hoạt động điều tra thì vi phạm nghiêm trọng tố tụng, chứng cứ buộc tội thì không vững chắc nhưng quý Tòa suy luận và áp dụng theo hướng bất lợi và giữ nguyên bản án tử hình đối với bị cáo là vi phạm nguyên tắc cơ bản của Luật tố tụng hình sự, đặc biệt là nguyên tắc suy đoán vô tội.
VKSND tối cao đề nghị 6 việc phải làm khi điều tra lại, nhằm tránh oan, sai, bỏ lọt tội phạm
Tham gia phiên tòa giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải, đại diện VKSND tối cao cho biết, căn cứ để Viện trưởng VKSND tối cao quyết định kháng nghị bản án là bởi trong hai bản án còn nhiều mâu thuẫn chưa được làm rõ: Thời gian xuất hiện của Hồ Duy Hải tại bưu điện Cầu Voi; Khám nghiệm tử thi chưa làm rõ thời gian tử vong của nạn nhân; Về những vật chứng, dao, thớt, ghế được mua về để thay thế là không đúng quy định của pháp luật. Đặc biệt, việc tài liệu tố tụng đưa ra ba con dao không nhất quán về mặt kích thước, thì không thể khẳng định con dao nào là công cụ gây án. Nhận định về mẫu than tro của việc đốt quần áo và dây lưng của Hải còn mơ hồ. Bên cạnh đó, quá trình tố tụng cũng chưa làm rõ việc bưu điện Cầu Voi hôm xảy ra án mạng có bị mất nước hay không; cũng như chưa làm rõ được việc bán tài sản mà Hải lấy của nạn nhân, mới chỉ dựa vào lời khai của Hải.
Cũng theo đại diện VKSND tối cao, có nhiều tình tiết phải chứng minh theo quy định của pháp luật nhưng không được làm rõ: Việc lấy dấu vân tay ở hiện trường phải truy nguyên nhưng chưa được làm rõ, chưa lí giải được vì sao lại có nhiều mẫu dấu vân tay của nhiều người ở hiện trường nhưng lại không có dấu vân tay của Hồ Duy Hải. Cơ quan điều tra chưa làm rõ được cơ chế hình thành vết thương ở trên vùng mặt và đầu của nạn nhân, hai vết thương trên cổ của nạn nhân giống nhau cả về độ sâu và chiều dài của vết cắt. Đồng thời, theo lời khai của nhân chứng thì khu vực bếp ăn có 2 con dao nhưng không được thu giữ, không có trong bản ảnh...
Đại diện VKSND tối cao cũng nhấn mạnh, trong phiên giám đốc thẩm, có nhiều vi phạm về tố tụng được nêu ra, như: Vi phạm việc khám nghiệm hiện trường không thu giữ vật chứng; Không truy nguyên dấu vân tay; Không trưng cầu thời điểm chết của nạn nhân; Không đưa lời khai không nhận tội của bị cáo vào hồ sơ vụ án; các lời khai nhân chứng Đinh Vũ Thường, Phùng Phụng Hiếu và đối tượng tình nghi là Nguyễn Văn Nghị, Nguyễn Mi Sol chưa được điều tra làm rõ. Một số biên bản nhận dạng không có người chứng kiến. Một số biên bản lời khai, hỏi cung của bị cáo không có ký xác nhận; Ghi nhận sai mã số ghế.
Đại diện Viện Kiểm sát đề nghị có 6 việc phải làm khi điều tra lại. Đó là thực nghiệm lại điều tra hiện trường; xác định dấu vân tay là của ai và các đối tượng tình nghi; trưng cầu giám định thời điểm nạn nhân chết; làm rõ cơ chế gây thương tích; xác định rõ hơn động cơ, mục đích gây án; bổ sung vào hồ sơ vụ án những tài liệu, chứng cứ đang có trong hồ sơ nghiệp vụ của cơ quan điều tra.
VKSND tối cao khẳng định có đủ căn cứ và thấy cần thiết kháng nghị 2 bản án sơ thẩm, phúc thẩm, để làm rõ mâu thuẫn, thiếu sót trong tố tụng. Những vấn đề trên cần phải khắc phục để bảo đảm việc giải quyết vụ án khách quan, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội và không bỏ lọt tội phạm./.
|