Mâu thuẫn trong việc xác định hung khí gây án

Trong ngày 7/5/2020, HĐXX theo thủ tục giám đốc thẩm đã làm rõ về mâu thuẫn trong kháng nghị về xác định hung khí gây án.

Theo kháng nghị của VKSND tối cao, nội dung hai bản án xác định, dựa trên lời khai của một số người dọn dẹp hiện trường (anh Nguyễn Văn Thu, Võ Văn Hùng, Nguyễn Văn Vàng, Nguyễn Tuấn Ngọc) đã phát hiện một con dao rất mới và sạch, không có dấu vết, được để vào sau tấm bảng treo đối diện cầu  thang nhà bếp vào hồi 15h ngày 14/1/2008; sau đó đã đem đốt cùng những đồ vật khác của bưu điện và không tìm lại được kể cả phần lưỡi dao bằng kim loại (BL 226, 230, 240, 248).

Bản vẽ nhận dạng con dao do Cơ quan điều tra vẽ trước mà không phải do chính những người này vẽ ra. Quá trình điều tra, bị cáo cũng không tự vẽ con dao, con dao do anh Thu mua về và việc nhận dạng con dao là do Điều tra viên vẽ trước rồi đưa cho Hải nhận dạng (B1 147, 149).

leftcenterrightdel
 Đại diện VKS nhấn mạnh  mâu thuẫn nghiêm trọng trong việc xác định hung khí gây án.

Lời khai của Hải về kích thước con dao cũng không thống nhất, có lúc khai lưỡi dao rộng 3cm (B1 87), có  lúc khai lưỡi dao rộng 6cm (B1 93).

Các lời khai đầu của Hải không khai đến việc dùng thớt gây án, những lời khai sau Hải có khai việc dùng thớt đập vào đầu chị Hồng, nhưng việc mô tả không thống nhất.

Có lời khai thớt dày 10cm (B1 93), có lời khai thớt dày 5cm (B1 99). Sau đó, Cơ quan điều tra đã thu giữ một cái thớt mới (có đặc điểm giống chiếc thớt trong Bản ảnh hiện trường) do chị Lê Thị Thu Hiếu (bạn của hai bị hại) mua vào ngày 24/6/2008 (B1 205) về cho Hải nhận dạng (B1 134).

Chiếc thớt có vết máu xuất hiện trong bản ảnh hiện trường là vật chứng nhưng không được thu giữ để truy nguyên mà đã bị tiêu hủy ngay sau khi khám nghiệm hiện trường.

leftcenterrightdel
 Điều tra viên "bao biện" về việc mua dao, thớt để Hồ Duy Hải nhận dạng.

Tài liệu chứng cứ trong hồ sơ vụ án thể hiện chưa đủ cơ sở khẳng định chiếc ghế là vật chứng. Hơn hai tháng sau khi vụ án xảy ra, Cơ quan điều tra thu giữ một chiếc ghế inox Hòa Phát có mã số HPM2-44705 (B1 328), khác với mã số chiếc ghế trong bản ảnh (HPM2-447052) (B1 396) và khác với mã số ghi nhận trong biên bản khám nghiệm hiện trường (HPN2-447052) (B1 44).

Các cơ quan tiến hành tố tụng có nhiều vi phạm nghiêm trọng, khám nghiệm hiện trường nhưng không thu giữ vật chứng của vụ án: cái thớt, chiếc ghế là vật chứng quan trọng và là vật mang dấu vết của tội phạm; khám nghiệm hiện trường đã ghi nhận, chụp ảnh nhưng không thu giữ để truy nguyên là thiếu sót, vi phạm nghiêm trọng tố tụng.

Lời bao biện về việc mua dao, thớt mới về làm vật đối chứng nhận dạng

Về nội dung này, thành viên HĐXX đưa ra câu hỏi: Luật có cho phép mua đồ mới để thế vào hung khí bị tiêu hủy hay không? Cơ quan điều tra xác định dao, thớt có phải là công cụ phạm tội? Còn chiếc ghế ở hiện trường có mã số khác bản ảnh, khác với tang vật thu giữ là sao?

Bất ngờ, Điều tra viên trả lời việc yêu cầu anh Thu, chị Hiếu mua dao, mua thớt ngoài chợ về chỉ để mô phỏng, mục đích cho Hồ Duy Hải nhận dạng chứ không coi những vật dụng mới mua về đó là công cụ gây án.

Tuy nhiên, trước câu trả lời của Điều tra viên, thành viên HĐXX nhấn mạnh: Dao, thớt được mua về để chứng minh lời khai về công cụ gây án của Hồ Duy Hải, như vậy có đúng pháp luật không?

Về quan điểm này, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhận định: Đồng tình với quan điểm của Viện kiểm sát tối cao đưa ra về việc không thu dao, thớt là sai.

Tuy nhiên, Điều tra viên tiếp tục “bao biện”: Không thu là do lúc đầu Điều tra viên không cho thớt, ghế tại hiện trường là công cụ gây án, bởi khi khám nghiệm thấy cơ chế hình thành vết thương ở cổ của các nạn nhân là do vật sắc, nhọn, nên chỉ tập trung đi tìm vật sắc, nhọn, không để ý đến ghế, và thớt tại hiện trường.

Đại diện Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Long An cũng thừa nhận: Đây chính là sai sót của Cơ quan điều tra trong việc khám nghiệm hiện trường.

Vật chứng quan trọng trực tiếp liên quan đến vụ án bị tiêu hủy, thất lạc rồi mới xác định được là công cụ gây án!

Tại phiên xét xử, đại diện VKSND tối cao nhấn mạnh: Khi Điều tra viên đi tìm con dao gây án không được, nhưng đội khám nghiệm và thu dọn hiện trường tìm thấy con dao gây án sao Cơ quan điều tra không thu giữ mà lại để tiêu hủy mất?

Điều tra viên “trần tình”, vụ án do Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Long An thụ lí điều tra, nhưng khi con dao được phát hiện tại hiện trường, thì lại được những người ở hiện trường báo lại cho Công an huyện, Công an huyện hỏi “con dao có máu hay không” thì nhận được câu trả lời con dao không có máu mà còn rất mới, nên mới cho tiêu hủy. Sau đó, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Long An biết thì những công cụ gây án đã bị đốt, hủy.

leftcenterrightdel
 Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình nhận định, không thu giữ hung khí là sai sót nghiêm trọng của Cơ quan điều tra.

Mặc dù, Điều tra viên đã xuống khu vực tiêu hủy để tìm lưỡi dao, nhưng không được, Điều tra viên nhận định “Do khu vực này có nhiều người đi thu nhặt ve chai nên có thể lưỡi dao đã bị lấy đi”.

Tiếp đó, thành viên HĐXX đặt nghi vấn: Tại nơi xảy ra vụ án, cũng chính là nơi sinh hoạt, ăn, ở của hai nữ nạn nhân, vậy tại sao tại hiện trường lại không thu giữ được một con dao nào khác. Đây là chi tiết rất kì lạ. Trong khi đó, lại thu giữ được một vỏ dao một kích thước, nhưng lưỡi dao lại dài một kích thước khác… như vậy, liệu có còn con dao nào khác? Về điều này, Điều tra viên khẳng định, không tìm được con dao khác tại hiện trường.

Về chi tiết, có bản vẽ con dao gây án trong hồ sơ vụ án, Chánh án Nguyễn Hòa Bình hỏi, ai là người vẽ cho Hồ Duy Hải nhận dạng? Là Hải vẽ? hay nhân chứng vẽ? hay Điều tra viên vẽ?

Điều tra viên không trả lời được cho đến khi Chủ tọa nhấn mạnh việc ai vẽ dao để bị cáo, nhân chứng nhận dạng thì Điều tra viên ấp úng trả lời, việc vẽ dao do Điều tra viên thực hiện vẽ lại để tiến hành nhận dạng như Kháng nghị của Viện kiểm sát đã nêu.

leftcenterrightdel
 Thành viên HĐXX đưa ra câu hỏi với Điều tra viên.

Đại diện VKSND tối cao nhấn mạnh: Trong hồ sơ và lời khai của Hải có sự khác nhau về kích thước và rõ ràng, tại bản ảnh đã thấy rõ vết máu trên chiếc thớt nhưng lại không được thu giữ? Mặc dù Điều tra viên lí giải do không nghĩ là hung khí của vụ án nên không thu giữ cũng thấy không thỏa mãn, là sai sót của Cơ quan điều tra.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình đưa ra nhận định: Rõ ràng, trên chiếc thớt và ghế tại hiện trường có vết máu nhưng cơ quan điều tra không thu giữ, đây là sai sót nghiêm trọng của Cơ quan điều tra. Như vậy, Cơ quan điều tra sai, nội dung kháng nghị của VKSND tối cao về việc này là đúng.

Hà Nhân