Tham gia xét hỏi tại phiên tòa, đại diện VKSND TP Hà Nội đặt câu hỏi đối với bị cáo Lê Thành Vinh, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần FLC Faros để làm rõ hơn hành vi gian dối của bị cáo này đã giúp bị cáo Trịnh Văn Quyết và Trịnh Thị Minh Huế nâng khống vốn góp vào Công ty Faros.

leftcenterrightdel
 Đại diện VKSND TP Hà Nội tham gia xét hỏi các bị cáo tại phiên tòa.

Đại diện Viện kiểm sát đặt câu hỏi, theo tài liệu điều tra, với vai trò là Tổng giám đốc của FLC, bị cáo đã ký 16 ủy nhiệm chi, hơn 640 tỉ đồng chuyển đến các công ty Faros, Phương Đông, Funike có đúng không?
Trả lời câu hỏi này, bị cáo Lê Thành Vinh xác nhận trước tòa: “Trước đây, làm việc với Cơ quan điều tra, bị cáo đã xác nhận là có ký 16 ủy nhiệm chi”.

Viện kiểm sát tiếp tục đặt câu hỏi: Bị cáo làm việc tại Công ty Faros thời gian nào?; tại Công ty Faros, bị cáo đã ký những văn bản, nghị quyết, tờ trình nào liên quan đến việc mua cổ phần và chi trả cổ tức?

Bị cáo Vinh trả lời: Tại công ty Faros, bị cáo tham gia ở vai trò Hội đồng quản trị (HĐQT) từ tháng 4/2016 đến tháng 5/2020. Tại Đại hội cổ đông thường niên diễn ra vào tháng 5/2017, bị cáo có ký 1 tờ trình của HĐQT ra đại hội cổ đông và chia cổ tức bằng cổ phiếu; và tại cuộc họp đại hội cổ đông lần này, bị cáo có thay mặt đại hội đồng cổ đông ký Nghị quyết về việc chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Trước câu hỏi, bị cáo khai với HĐXX do bị cáo Trịnh Văn Quyết nhờ nên bị cáo đã ký hợp đồng nhận chuyển nhượng khống của bị cáo Nguyễn Văn Mạnh 945.000 cổ phần, tương đương 9,4 tỉ đồng, để trở thành cổ đông của Công ty Faros?

Trả lời câu hỏi này, bị cáo Lê Thành Vinh xác nhận có ký hợp đồng chuyển nhượng nêu trên, theo lời nhờ của bị cáo Quyết.

leftcenterrightdel
  Bị cáo Lê Thành Vinh trả lời các câu hỏi của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa.

Đại diện Viện kiểm sát tiếp tục hỏi: Sau đó, bị cáo Huế tiếp tục nhờ bị cáo nộp tiền mặt 37,8 tỉ đồng vào tài khoản của bị cáo, đồng thời, ký 2 ủy nhiệm chi chuyển số tiền này vào tài khoản của Công ty Faros để nâng vốn góp bị cáo đứng tên tại Công ty Faros, cũng là nâng số lượng sở hữu cổ phần của bị cáo tại Công ty Faros có đúng ko?

Bị cáo Lê Thành Vinh trả lời: “Đúng ạ”.

Đại diện Viện kiểm sát truy vấn: Sau đó, bị cáo tiếp tục ký các chứng từ chuyển hơn 10 triệu cổ phiếu tương tương hơn 108 tỉ đồng cho bị cáo Quyết, đây là số cổ phiếu bị cáo đứng tên giúp bị cáo Quyết có đúng không?

Bị cáo Lê Thành Vinh trả lời: “Đúng ạ”.

Đại diện Viện kiểm sát tiếp tục truy vấn: Như lời khai của bị cáo, với giá trị và số lượng cổ phần sở hữu ban đầu của bị cáo nhận khống từ bị cáo Mạnh là 9,4 tỉ đồng, tương đương 945.000 cổ phần, sau đó bị cáo lại được sở hữu hơn 10 triệu cổ phiếu, tương đương hơn 108 tỉ đồng là tăng vốn góp của bị cáo tại Công ty Faros, đồng thời cũng là tăng vốn góp của Công ty Faros có đúng không?

Bị cáo Vinh trả lời: “Đúng như vậy! Bởi vì, việc tăng vốn của cổ đông thì cũng đồng nghĩa là tăng vốn của công ty”.

Đại diện Viện kiểm sát hỏi tiếp: Bị cáo khai với HĐXX, toàn bộ số tiền góp vốn vào Công ty Faros không phải là của bị cáo, bị cáo không có tiền góp vốn nhưng lại ký chứng từ thủ tục để mình trở thành cổ đông của Công ty Faros theo sự chỉ đạo của bị cáo Quyết, vậy chứng từ này là thật hay là gian dối?

Trước câu hỏi này, bị cáo Vinh ấp úng: “Bị cáo cũng không biết thật hay là gian dối nữa!”

Đại diện Viện kiểm sát giải thích, do được bị cáo Quyết nhờ nên bị cáo đã ký các chứng từ để mình trở thành cổ đông của Công ty Faros nhưng thực tế tiền góp vốn vào Công ty không phải là tiền của bị cáo, đây chính là hành vi gian dối. Do vậy, từ hành vi gian dối của bị cáo dẫn đến các chứng từ này là gian dối.

Đại diện Viện kiểm sát truy tiếp: Sau đó, bị cáo đưa các chứng từ gian dối này cho bị cáo Huế sử dụng cùng giấy nộp tiền và hợp đồng chuyển nhượng giữa bị cáo và bị cáo Mạnh, hợp đồng chuyển nhượng giữa bị cáo và bị cáo Quyết, tất cả được ghi nhận trên sổ sách kế toán và báo cáo tài chính của Công ty Faros có đúng không?

Trả lời câu hỏi này, bị cáo Vinh cho biết, kết quả các hợp đồng chuyển nhượng được ghi nhận bằng báo cáo tài chính.

Đại diện Viện kiểm sát giải thích: Những chứng từ gian dối này, bị cáo đã từng thừa nhận với HĐXX rằng, đây là những chứng từ gian dối được ghi trong báo cáo tài chính của Công ty Faros. Như vậy, tại thời điểm bị cáo ký các chứng từ kế toán thủ tục nhận chuyển nhượng và chứng từ gian dối là bị cáo đang giúp bị cáo Quyết và bị cáo Huế hợp thức những chứng từ gian dối.

Trước nội dung giải thích của đại diện Viện kiểm sát, bị cáo Vinh ấp úng phân trần: “Bị cáo không nhận thức được việc giúp bị cáo Quyết và Huế làm việc gian dối đó!”.

leftcenterrightdel
 Bị cáo Hương Trần Kiều Dung trả lời câu hỏi của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa.

Đại diện Viện kiểm sát hỏi tiếp: Thực tế là bị cáo đang giúp bị cáo Quyết và Huế để hợp thức các chứng từ gian dối tại sao giờ lại nói rằng không nhận thức được? Nếu như bị cáo không ký xác nhận vốn góp, không xác nhận mình là cổ đông sở hữu 108 tỉ đồng vốn góp, thông qua việc gian dối ký các chứng từ như bị cáo đã khai nhận thì Công ty Faros có thực hiện tăng vốn góp và niêm yết được cổ phiếu tương đương với số vốn góp đó không?

Bị cáo Vinh trả lời: “Nếu bị cáo không ký thì Công ty không tăng được vốn và không niêm yết được cổ phiếu tương đương số vốn đó”.

Theo cáo trạng, bị cáo Lê Thành Vinh giúp Trịnh Văn Quyết đứng tên là cổ đông góp vốn để hợp thức nâng khống vốn góp; ký các thủ tục để che giấu sau khi tăng vốn góp khống, giúp Trịnh Văn Quyết niêm yết cổ phiếu ROS trên sàn HOSE, bán cổ phiếu chiếm đoạt hơn 3.621 tỉ đồng của 30.403 nhà đầu tư trên sàn chứng khoán.  Hành vi của Lê Thành Vinh đã phạm vào Khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự, với vai trò thực hành và đồng phạm giúp sức cho Trịnh Văn Quyết và Trịnh Thị Minh Huế.

Tuy nhiên, tại phiên tòa bị cáo Vinh cho rằng các chứng từ kế toán bản thân đã ký là thật, chuyển tiền góp vốn vào Công ty Faros là thật và không nhận thức được chính hành vi gian dối của bản thân đã giúp bị cáo Quyết và Huế để hợp thức các chứng từ gian dối để tăng khống vốn góp vào Công ty Faros và niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán bao gồm cả số vốn góp được nâng khống.

Trong chiều 23/7, ngoài bị cáo Lê Thành Vinh, đại diện Viện kiểm sát còn hỏi các bị cáo Trịnh Văn Quyết, Lê Văn Tuấn (cựu Kiểm toán viên Công ty TNHH Kiểm toán và Kế toán Hà Nội - CPA Hà Nội), Nguyễn Ngọc Tỉnh (Chủ tịch Hội đồng thành viên, nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH Kiểm toán và kế toán Hà Nội - CPA), Hương Trần Kiều Dung (Phó Chủ tịch Thường trực Công ty CP Tập đoàn FLC, Chủ tịch HĐQT Công ty BOS) để làm rõ thêm hành vi phạm tội của các bị cáo trong vụ án.

Hồng Nguyên - Vũ Phương