Cựu Điều tra viên nhận tội và thay đổi kháng cáo
Trong phần luận tội các bị cáo tại phiên xét xử phúc thẩm, đại diện VKSND cấp cao tại Hà Nội xác định: Hoàng Văn Hưng là Trưởng phòng Phòng Điều tra Cục An ninh điều tra, Bộ Công an; đồng thời là Điều tra viên thụ lý chính vụ án đã nhiều lần trao đổi với Nguyễn Anh Tuấn về việc điều tra Nguyễn Thị Thanh Hằng, Lê Hồng Sơn; đã hướng dẫn Hằng và thông qua Hằng hướng dẫn Sơn cách thức khai báo khi làm việc với Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an. Nguyễn Anh Tuấn khai, đã đưa cho Hoàng Văn Hưng 1.250.000 USD, nhưng kết quả điều tra không đủ cơ sở xác định Hưng nhận số tiền này.
|
|
Đại diện VKSND cấp cao tại Hà Nội luận tội và đề nghị mức án đối với các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: H.Nguyên. |
Giai đoạn sau ngày 16/9/2022, Hoàng Văn Hưng bị điều chuyển công tác, mặc dù không còn thẩm quyền trong việc điều tra vụ án, nhưng Hưng vẫn liên hệ, hứa hẹn, cam kết với Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Thị Thanh Hằng về việc giúp Hằng, Sơn không bị xử lý hình sự. Nguyễn Anh Tuấn khai, đưa cho Hưng 3 lần, tổng số 1.000.000 USD.
Kết quả điều tra, xét xử sơ thẩm xác định, Hoàng Văn Hưng 2 lần nhận tiền từ Nguyễn Anh Tuấn tổng số tiền 800.000 USD (một lần 350.000 USD và một lần 450.000 USD), tương đương hơn 18,8 tỉ đồng. Như vậy, có cơ sở xác định Hoàng Văn Hưng đã lừa đảo chiếm đoạt số tiền 800.000 USD (tương đương hơn 18,8 tỉ đồng) như bản án sơ thẩm đã quy kết, bị cáo không bị oan.
Tại phiên tòa sơ thẩm, VKS đề nghị tuyên phạt bị cáo Hoàng Văn Hưng 19-20 năm tù. Bản án sơ thẩm quyết định tuyên phạt Hoàng Văn Hưng tù chung thân và truy thu số tiền hơn 18,8 tỉ đồng. Sau đó, bị cáo Hoàng Văn Hưng đã kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, lý do kêu oan là vụ án để lọt hành vi phạm tội và vi phạm tố tụng.
|
|
Bị cáo Hoàng Văn Hưng tại phiên xét xử phúc thẩm. Ảnh: H.Nguyên. |
Ngày 28/11/2023, bị cáo Hoàng Văn Hưng đã có đơn đề nghị với nội dung chấp nhận các nội dung mà VKSND tối cao đã truy tố bị cáo, đồng thời đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại mức hình phạt đối với bị cáo; bị cáo đã tác động gia đình nộp toàn bộ số tiền bị truy thu và tiền án phí hình sự sơ thẩm, tổng số tiền hơn 18,8 tỉ đồng, sung công quỹ Nhà nước. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Hưng trình bày đúng như bị cáo đã thay đổi kháng cáo. Xác nhận của chính quyền địa phương thể hiện bị cáo có 2 bác ruột là liệt sỹ.
Tại phiên tòa phúc thẩm, gia đình bị cáo Hoàng Văn Hưng đã nộp tiền, khắc phục toàn bộ số tiền hơn 18,8 tỉ đồng. Bị cáo Hưng cũng đã ăn năn hối cải, có lời xin lỗi Đảng, Chính phủ và khắc phục toàn bộ hậu quả.
Trên cơ sở đó, VKSND cấp cao tại Hà Nội đã đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ tại điểm b, s khoản 1 Điều 51 BLHS, chấp nhận kháng cáo giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Hoàng Văn Hưng, xử phạt bị cáo 20 năm tù.
Cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và thuộc cấp được đề nghị giảm án
Đối với bị cáo Tô Anh Dũng, VKS xác định, Tô Anh Dũng khi đó là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, trong thời gian từ tháng 12/2020 đến 1/2022, đã nhận hối lộ 37 lần của 13 doanh nghiệp, tổng số tiền 21,5 tỉ đồng (gồm 14,1 tỉ đồng và 320.000 USD). Quá trình điều tra vụ án, Tô Anh Dũng và gia đình đã tự nguyện nộp 21,5 tỉ đồng để khắc phục hậu quả.
|
|
Bị cáo Tô Anh Dũng tại phiên xét xử phúc thẩm. Ảnh: H.Nguyên. |
Tại phiên tòa sơ thẩm, VKS đề nghị xử phạt bị cáo Tô Anh Dũng 12-13 năm tù. Bản án sơ thẩm quyết định xử phạt bị cáo Dũng 16 năm tù. Sau phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Dũng kháng cáo xin giảm hình phạt. Bị cáo đã nộp số tiền phạt bổ sung 100 triệu đồng và án phí hình sự sơ thẩm, thực hiện xong các quyết định của bản án sơ thẩm đã tuyên.
Trong quá trình công tác, bị cáo Tô Anh Dũng đã có nhiều thành tích, được tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen, huân chương, huy chương. Bị cáo có bố mẹ đẻ, bác ruột và bố mẹ vợ đều là người có công với cách mạng, được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương... Bị cáo Dũng được Công đoàn và Ban cán sự Đảng Bộ Ngoại giao có công văn xin HĐXX giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo vì đã có nhiều thành tích, đóng góp cho ngành...
Trên cơ sở đó, VKS đề nghị HĐXX áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ tại khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự đối với bị cáo; chấp nhận kháng cáo, giảm hình phạt cho bị cáo Tô Anh Dũng, xử bị cáo từ 3-4 năm tù.
Đối với hành vi nhận hội lộ của bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan (cựu Cục trưởng Cục lãnh sự Bộ Ngoại giao), VKS xác định, từ năm 2016 đến tháng 7/2021, Nguyễn Thị Hương Lan là Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, đến tháng 7/2021, được bổ nhiệm làm Cục trưởng, được giao quản lý, phụ trách toàn bộ công việc của Cục Lãnh sự, xét duyệt danh sách các doanh nghiệp thực hiện chuyến bay; trực tiếp báo cáo Tô Anh Dũng duyệt, ký công văn gửi các bộ, ngành đề xuất cho các doanh nghiệp tổ chức các chuyến bay đưa công dân về nước.
Từ tháng 12/2020 đến 1/2022, Nguyễn Thị Hương Lan đã nhận hối lộ 32 lần của 8 cá nhân đại diện doanh nghiệp với tổng số tiền hơn 25 tỉ đồng. Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo đã nộp được 1,2 tỉ đồng để khắc phục hậu quả. Bị cáo đề nghị phát mại tài sản đã kê biên, phong tỏa để khắc phục hậu quả. VKS đề nghị xử bị cáo 18-19 năm tù. Bản án sơ thẩm quyết định xử phạt bị cáo tù chung thân.
|
|
Các bị cáo đứng nghe VKSND luận tội tại phiên xét xử phúc thẩm. Ảnh: H.Nguyên. |
Tại phiên tòa phúc thẩm, theo đại diện VKS, bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan được Công đoàn Bộ ngoại giao và Ban cán sự Đảng Bộ ngoại giao có công văn gửi HĐXX xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo vì có nhiều thành tích và cống hiến cho ngành. Bị cáo có ông nội là liệt sĩ, bà nội là Mẹ Việt Nam Anh hùng; có bố, me đều tham gia kháng chiến. Bị cáo đã thành khẩn nhận tội, tự nguyện đề nghị phát mại những tài sản đã kê biên, phong tỏa của bị cáo để khắc phục hậu quả. Mặt khác, ngoài những tài sản trên bị cáo không còn tài sản nào khác để khắc phục hậu quả.
Nhận thấy, bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan đã cố gắng tối đa khả năng kinh tế để khắc phục hậu quả, cần ghi nhận tâm nguyện của bị cáo. Đồng thời, khi thực hiện hành vi phạm tội bị cáo không yêu cầu, vòi vĩnh, cản trở các doanh nghiệp, cá nhân xin cấp phép, mà các doanh nghiệp, cá nhân tự đưa cho bị cáo.
Trên cơ sở đó, VKSND cấp cao tại Hà Nội đề nghị HĐXX áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ tại khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự đối với bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan, chấp nhận kháng cáo giảm hình phạt, xử phạt bị cáo 20 năm tù.
Đối những bị cáo phạm tội “Nhận hối lộ” có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, Đỗ Hoàng Tùng (cựu Phó cục trưởng Cục Lãnh sự) được cũng VKSND cấp cao tại Hà Nội đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm xử phạt 9-10 năm tù (Bản án sơ thẩm xử phạt 12 năm tù); Trần Văn Tân (cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam) được VKS đề nghị HĐXX xử phạt 5 năm tù (Bản án sơ thẩm xử phạt 6 năm tù); Vũ Sỹ Cường (cựu cán bộ Cục Xuất nhập cảnh) được VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt từ 8 năm đến 8 năm 6 tháng tù (Bản án sơ thẩm xử phạt 9 năm tù).
|
|
Bị cáo Trần Văn Tân tại phiên xét xử phúc thẩm. Ảnh: H.Nguyên. |
Đối với những bị cáo phạm tội “Đưa hối lộ”, theo VKS, các bị cáo này đã có hành vi đưa tiền cho những cán bộ cấp cao để được cấp phép chuyến bay. Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo đã bổ sung thêm những tình tiết mới và được VKS đề nghị giảm nhẹ hình phạt từ 6 – 18 tháng tù. Riêng bị cáo Hoàng Diệu Mơ, VKS đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm (7 năm tù).
Đối với 2 bị cáo Nguyễn Hoàng Linh và Đặng Minh Phương (đều là cựu cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia) kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin được án treo, VKS nhận thấy, các bị cáo đã nộp tiền phạt bổ sung, gia đình có công với cách mạng, có thành tích trong công tác… nên đã chấp nhận kháng cáo, đồng thời đề nghị HĐXX tuyên phạt 2 bị cáo Linh, Phương cùng 30 tháng treo về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Đề nghị giữ nguyên án chung thân đối với cựu Phó trưởng Cục Xuất nhập cảnh và cựu Thư ký Bộ trưởng Y tế
Đối với kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Phạm Trung Kiên (cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế), VKS xác định, quá trình thực hiện nhiệm vụ, bị cáo Kiên đã yêu cầu doanh nghiệp, cá nhân phải đưa tiền. Bị cáo đã nhận hối lộ 42,6 tỉ đồng. Tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt bị cáo án tù chung thân là phù hợp.
|
|
Bị cáo Phạm Trung Kiên tại phiên xét xử phúc thẩm. Ảnh: H.Nguyên. |
Tại phiên tòa phúc thẩm, gia đình bị cáo Kiên đã khắc phục thêm 400 triệu đồng. Xác định bị cáo đã khắc phục xong hậu quả, gia đình bị cáo có công với cách mạng, bị cáo tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện…, đây là những tình tiết giảm nhẹ mới. Tuy nhiên, theo đại diện VKS, bị cáo Phạm Trung Kiên đã nhận hối lộ với số tiền lớn, phạm tội nhiều lần nên Tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt bị cáo án tù chung thân đã là thể hiện tính khoan hồng của pháp luật.
Trên cơ sở đó, đại diện VKSND cấp cao tại Hà Nội đề nghị HĐXX bác đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Phạm Trung Kiên, giữ nguyên hình phạt tại bản án sơ thẩm đối với bị cáo.
|
|
Bị cáo Vũ Anh Tuấn tại phiên xét xử phúc thẩm. Ảnh: H.Nguyên. |
Đối với bị cáo Vũ Anh Tuấn (cựu Phó trưởng Phòng Tham mưu Cục Xuất nhập cảnh, Bộ Công an) bị cáo buộc nhận hối lộ 49 lần, tổng số tiền hơn 27,3 tỉ đồng, hưởng lợi hơn 22,8 tỉ đồng. Trước khi bị khởi tố, bị cáo Tuấn đã trả cho người đưa hối lộ 3,1 tỉ đồng. Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo đã nộp lại 20 tỉ đồng. Bản án sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Vũ Anh Tuấn án chung thân.
VKS xác định, hành vi của bị cáo Tuấn là rất nghiêm trọng. Bị cáo có hành vi vòi vĩnh, mặc cả, gây khó khăn cho các doanh nghiệp, cá nhân làm thủ tục cấp phép chuyến bay. Bản án sơ thẩm đã đánh giá đúng tính nguy hiểm hành vi của bị cáo, tuyên hình phạt phù hợp. Trên cơ sở đó, VKS đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của Vũ Anh Tuấn, giữ nguyên hình phạt của bản án sơ thẩm.