Ngày 21/7, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tiếp tục phiên xét xử 54 bị cáo trong vụ án chuyến bay “giải cứu” xảy ra tại Bộ Ngoại giao, thành phố Hà Nội và một số tỉnh, thành.
Trong phần tranh luận, đối đáp của Viện kiểm sát đối với quan điểm của các luật sư bào chữa, các bị cáo, đại diện Viện kiểm sát đã đưa ra những lập luận sắc bén, chứng cứ rõ ràng, đối đáp đến cùng khiến nhiều bị cáo tâm phục, khẩu phục.
|
|
Đại diện Viện kiểm sát đề nghị cho một số bị cáo được giảm hình phạt so với mức án đề nghị ban đầu. |
Một lần nữa, Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử xem xét mức hình phạt giảm hơn so với mức đề nghị ban đầu, đã nhận được sự cảm ơn, trân trọng từ phía luật sư bào chữa, bị cáo và những người liên quan tại phiên tòa.
Phần đối đáp, tranh luận công khai, dân chủ tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nghe lời trình bày của các bị cáo về nguyên nhân, điều kiện, hoàn cảnh phạm tội, nhân thân, thái độ khai báo của bị cáo thì thấy rằng, cần điều chỉnh đề nghị mức hình phạt đối với một số bị cáo. Điều này nhằm thể hiện tính khoan hồng và sự phân hóa sâu vai trò, mức độ, hành vi của một số bị cáo trong vụ án.
Cụ thể, đối với nhóm bị truy tố tội Nhận hối lộ, Viện kiểm sát giữ nguyên tội danh, khung hình phạt, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo và đề nghị giảm 1 năm tù (so với mức đề nghị ban đầu) đối với 4 bị cáo.
Các bị cáo gồm: Trần Văn Dự, cựu Phó cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an 8-9 năm tù.
Bị cáo Trần Văn Tân, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam từ 7-8 năm tù.
Bị cáo Chử Xuân Dũng, cựu Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội từ 3-4 năm tù.
Bị cáo Vũ Hồng Nam, cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản từ 3-4 năm tù.
Đối với một số bị cáo Đưa hối lộ, Môi giới hối lộ, Viện kiểm sát giữ nguyên tội danh, khung hình phạt, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo và đề nghị thay đổi việc áp dụng Điều 38, tù có thời hạn bằng Điều 65 về án treo đối với 4 bị cáo.
Cụ thể, bị cáo Vũ Thùy Dương (Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Lữ Hành Việt) từ 2-3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách từ 4-5 năm.
Bị cáo Phạm Bá Sơn (Nhân viên Công ty cổ phần Xây dựng Thái Hòa) từ 18-20 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách từ 36-40 tháng.
Bị cáo Tào Đức Hiệp (Giám đốc Công ty TNHH Du lịch và Dịch vụ Công đoàn Đường sắt) từ 18-20 năm nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách từ 36-40 năm.
Bị cáo Trần Quốc Tuấn (Giám đốc Công ty cổ phần xúc tiến Thương mại và Du lịch Việt Nam) từ 2-3 năm nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách từ 4-5 năm.
Đối với bị cáo Nguyễn Anh Tuấn, cựu Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội về tội Môi giới hối lộ, sau phần luận tội của Viện kiểm sát bị cáo đã tác động để gia đình khắc phục toàn bộ số tiền thuộc trách nhiệm của bị cáo. Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét hình phạt từ 5-6 năm tù đối với bị cáo (giảm 1 năm so với mức đề nghị ban đầu từ 6-7 năm tù).
Về trách nhiệm của bị cáo Nguyễn Anh Tuấn, bị cáo đã tác động gia đình nộp khắc phục toàn bộ hậu quả với số tiền 1,85 triệu USD.
Đối với Nguyễn Anh Tuấn, Viện kiểm sát cũng đề nghị trả lại 210.000 USD, 146 lượng vàng (khi khám xét nơi ở của Nguyễn Anh Tuấn) và hủy lệnh phong tỏa 1 tỉ đồng trong tài khoản ngân hàng cho gia đình bị cáo.
|
|
Bị cáo Nguyễn Anh Tuấn, cựu Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội. |
Đại diện Viện kiểm sát cũng nhận định, trong vụ án này, các bị cáo nhận hối lộ là người có chức vụ, quyền hạn (được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó) đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, trực tiếp hoặc qua trung gian nhận tiền của người đưa hối lộ là đại diện các doanh nghiệp để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được cấp phép các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước trong thời gian dịch COVID-19 theo yêu cầu của người đưa tiền.
Hành vi đưa - nhận tiền của các bị cáo được diễn ra xuyên suốt trong một thời gian dài, giai đoạn từ đầu năm 2020 đến tháng 1/2022, đây là giai đoạn Chính phủ có văn bản tạm thời ngừng cấp phép các chuyến bay thương mại do dịch COVID-19 nên các doanh nghiệp phải làm thủ tục xin cấp phép các chuyến bay để đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước.
Trước đó, phần lớn các bị cáo đưa - nhận hối lộ không quen biết nhau, không có mối quan hệ công việc làm ăn hay góp vốn kinh doanh gì với nhau, không thể có những món quà “Cảm ơn” có giá trị rất lớn và bất thường “tiền tỉ”, nếu như không làm việc gì đó theo yêu cầu của người đưa tiền.
Việc hứa hẹn giữa người đưa hối lộ và người nhận hối lộ là “ngầm định”, mặc định, được xác định là “cơ chế” theo lời khai của các cá nhân đại diện doanh nghiệp và các tài liệu có trong hồ sơ vụ án.
Các bị cáo đưa - nhận hối lộ, đều là những người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, có đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình, biết rõ hành vi đưa - nhận hối lộ là vi phạm pháp luật, bị pháp luật nghiêm cấm nhưng vì mong muốn đạt được mục đích của mình nên đã thực hiện hành vi phạm tội là “Cố ý” chứ không phải “Vô ý”.
Hành vi của các bị cáo nhận hối lộ đã gián tiếp buộc cho doanh nghiệp đưa hối lộ phải nâng cao giá vé máy bay và các chi phí khác để bù đắp vào việc “bôi trơn” của doanh nghiệp, người phải chịu thiệt thòi ở đây là những công dân Việt Nam ở nước ngoài đang gặp rất nhiều khó khăn trong giai đoạn dịch COVID- 19 bùng phát, mong muốn được về nước.
Trong khi Đảng, Nhà nước ta quyết liệt chỉ đạo các cơ quan, tìm mọi cách để đưa công dân về nước tránh dịch với phương châm “không bỏ ai lại phía sau” thì các bị cáo lại có hành động trục lợi chính sách đúng đắn, nhân đạo của Nhà nước, tạo ra cơ chế “xin – cho”, tạo ra “liên minh lợi ích” để kiếm tiền trong sự khó khăn cùng cực của người dân, đây là một hình thức tham nhũng rất nguy hiểm, trực tiếp xâm phạm hoạt động đúng đắn của các cơ quan Nhà nước, làm mất niềm tin của quần chúng nhân dân trong và ngoài nước.
Do đó, hành vi của các bị cáo là phạm tội “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ” như Cáo trạng đã quy kết là có căn cứ, đúng pháp luật.