HĐXX phiên phúc thẩm gồm 5 Thẩm phán. Trong đó, có 3 Thẩm phán dự khuyết.

Thẩm phán Mai Anh Tài, Chánh tòa Tòa Kinh tế, TAND cấp cao tại Hà Nội làm chủ tọa phiên tòa.

Về phía đại diện VKSND cấp cao tại Hà Nội tham gia phiên tòa gồm có ông Vũ Văn Biểu và bà Lê Thị Thu Hà, Kiểm sát viên cao cấp.

Dự kiến, phiên toà sẽ được diễn ra trong 4 ngày (từ 20/12 đến hết ngày 23/12/2023).

Tính đến thời điểm hiện tại có khoảng 30 luật sư đăng ký tham gia bào chữa cho các bị cáo cũng như những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án.

leftcenterrightdel
 Bị cáo Hoàng Văn Hưng tại phiên sơ thẩm.

Trong vụ án này có bị cáo Hoàng Văn Hưng, cựu Trưởng phòng thuộc Cục An ninh điều tra Bộ Công an kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Bị cáo Lê Văn Nghĩa, Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch và Dịch vụ ăn uống Nhật Minh kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm và xin hưởng án treo.

Bị cáo Trần Minh Tuấn, Giám đốc Công ty CP xây dựng Thái Hòa, kháng cáo đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm tuyên bị cáo không phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và không phạm tội “Đưa hối lộ”.

Các bị cáo còn lại đều kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, bày tỏ mong muốn HĐXX cấp phúc thẩm xem xét một số tình tiết giảm nhẹ, bối cảnh thực hiện hành vi phạm tội, mức độ hậu quả của hành vi vi phạm.

Sau bản án sơ thẩm, đã có 23 bị cáo kháng cáo, tuy nhiên, sau đó bị cáo Ngô Quang Tuấn và Nguyễn Anh Tuấn đã rút đơn kháng cáo.

leftcenterrightdel
 Các bị cáo trong vụ "chuyến bay giải cứu"  tại phiên sơ thẩm.

Trước đó, chiều ngày 28/7, Hội đồng xét xử TAND thành phố Hà Nội đã tuyên án đối với 54 bị cáo trong vụ đại án chuyến bay “giải cứu” xảy ra tại Bộ Ngoại giao và một số bộ, ngành, địa phương.

Bản luận tội của Viện kiểm sát cũng nêu rõ, tháng 11/2020, do nhu cầu của công dân về nước rất lớn, trong khi việc cách ly và chi phí gặp khó khăn, Chính phủ đã tổ chức thí điểm 10 chuyến bay công dân tự nguyện trả phí toàn bộ (chuyến bay combo) và giao Tổ công tác của 4 Bộ/5 Bộ cùng phối hợp tổ chức các chuyến bay.

Kết quả, các cơ quan chức năng và các doanh nghiệp đã thực hiện các chuyến bay đưa hơn 200 nghìn người dân từ 62 quốc gia, vùng lãnh thổ về nước. Việc tổ chức các chuyến bay này là thực hiện chủ trương nhân đạo, thể hiện sự quan tâm hàng đầu của Đảng và Chính phủ Việt Nam trong công tác bảo hộ công dân, mục đích cao nhất là bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe cũng như tài sản cho người dân.

Chủ trương đúng đắn, kịp thời này đã nhận được sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế và sự ủng hộ của đồng bào trong và ngoài nước, thể hiện tính nhân đạo của Đảng, Nhà nước.

Trong lúc toàn Đảng, toàn dân nỗ lực thể hiện quyết tâm phòng, chống dịch nhằm đạt mục tiêu kép là vừa đẩy lùi dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế; các cơ quan, cán bộ ngoại giao của Việt Nam trên khắp thế giới tích cực vận động ngoại giao để có vắc xin phòng chống dịch và làm tốt công tác bảo hộ công dân; các nhân viên y tế, các chiến sĩ Công an trên cả nước là những người hăng hái trên tuyến đầu chống dịch bất chấp sự nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của cá nhân mình vì sự an toàn của người dân thì một số bị cáo trong vụ án này đã lợi dụng chủ trương nhân đạo, tốt đẹp của Nhà nước về việc đưa công dân về nước, một số cá nhân có thẩm quyền ở các Bộ, ngành đã lợi dụng trục lợi.

Các đối tượng trục lợi bằng cách gây khó khăn, nhũng nhiễu, làm khó doanh nghiệp tổ chức chuyến bay, tạo cơ chế xin cho buộc doanh nghiệp phải nâng giá vé máy bay và các chi phí phát sinh khác để chi phí, “bôi trơn”, đưa hối lộ...ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của các cơ quan nhà nước, làm mất đi mục đích, bản chất tốt đẹp của chủ trương đúng đắn của Đảng và nhà nước, phản bội lại chính sự cố gắng của đồng đội, đồng chí, đồng nghiệp của mình.

Vũ Phương