Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho tập đoàn Thiên Thanh và ông Phạm Công Danh, luật sư Trần Minh Hải (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết hiện nay Ngân hàng thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (CB) đang có nghĩa vụ trả nợ cho Thiên Thanh tổng số tiền hơn 7.800 tỉ đồng cả gốc và lãi.

Cụ thể, luật sư Hải trình bày, theo bản án phúc thẩm ngày 25/12/2018 của TAND cấp cao tại TP HCM xét xử vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm, ngân hàng CB có trách nhiệm phải hoàn trả cho ông Danh, các cổ đông cá nhân của Tập đoàn Thiên Thanh 4.500 tỉ đồng.

Đây là số tiền ông Danh và các cổ đông Thiên Thanh đã nộp vào ngân hàng để tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỉ đồng lên 7.500 tỉ đồng vào năm 2014. Tuy nhiên, sau đó ngân hàng Nhà nước không thông qua việc tăng vốn nên khoản tiền này vẫn là tài sản của ông Danh và nhóm cổ đông Thiên Thanh.

leftcenterrightdel
Hai đại gia Hứa Thị Phấn và Phạm Công Danh trong vụ đại án nghìn tỉ.

Luật sư Hải cho rằng về nguyên tắc tại thời điểm Ngân hàng Nhà nước không chấp thuận cho ngân hàng VNCB (nay là ngân hàng CB) tăng vốn thì ngân hàng phải hoàn trả ngay lập tức số tiền mà ông Danh cùng các cổ đông của tập đoàn Thiên Thanh đã nộp. Tuy nhiên, từ thời điểm đó đến nay ngân hàng CB vẫn sử dụng khoản tiền 4.500 tỉ đồng cho mục đích hoạt động của ngân hàng mà không trả cho chủ sở hữu.

Việc chậm trả tiền của ngân hàng CB phát sinh trách nhiệm của ngân hàng CB thanh toán một khoản tiền lãi do chậm trả cho ông Phạm Công Danh cùng các cổ đông của tập đoàn Thiên Thanh dựa trên quy định của Bộ luật Dân sự 2015.

Theo cách tính của tập đoàn Thiên Thanh, đến nay số tiền lãi mà ngân hàng CB phải trả cho tập đoàn này là hơn 3.300 tỉ đồng. Cộng với số tiền 4.500 tỉ đồng trước đó mà ngân hàng này chưa trả thì tổng số tiền mà CB đang nợ Thiên Thanh và ông Phạm Công Danh là 7.800 tỉ đồng.

"Theo thống nhất của ông Phạm Công Danh và các cổ đông của tập đoàn Thiên Thanh, số tiền này sẽ được dùng đối trừ cho các nghĩa vụ thanh toán của Tập đoàn Thiên Thanh, ông Phạm Công Danh trước Ngân hàng CB" - luật sư Hải trình bày.

Một trong những nội dung kháng cáo của ông Danh và tập đoàn Thiên Thanh là được nhận lại 6 bất động sản tại phường An Phú, Quận 2, nằm trong thỏa thuận mua bán chuyển giao ngân hàng giữa 2 nhóm cổ đông Phú Mỹ và Thiên Thanh (ông Phạm Công Danh đã trả tiền cho bà Phấn), nhưng những tài sản này vẫn chưa được chuyển giao cho nhóm cổ đông Thiên Thanh.

Liên quan vấn đề này, ông Hoàng Văn Toàn, nguyên Chủ tịch HĐQT ngân hàng Đại Tín, là người đã ký hợp đồng, thoả thuận bán, chuyển nhượng cổ phần, tài sản của ngân hàng Đại Tín cho ông Phạm Công Danh.

Từ trại giam Long Hòa, ông Toàn có buổi làm việc với luật sư và xác nhận lại vấn đề trên. Theo đó, ông Hoàng Văn Toàn xác nhận ông đã ký biên bản thoả thuận ngày 6/6/2012 và các phụ lục đính kèm để bán 84,36% vốn điều lệ ngân hàng và bán 4 nhóm tài sản trong các phụ lục đính kèm với biên bản thoả thuận này. Trong số các bất động sản được bán này có 6 bất động sản đứng tên Lâm Kim Dũng với tổng diện tích là 20.788m2.

Liên quan đến 6 lô đất ở quận 2 (tương đương 2ha) giữa các luật sư của Tập đoàn Thiên Thanh và luật sư của Ngân hàng Xây dựng (viết tắt là CB), Tập đoàn Thiên Thanh đã nộp đơn kiến nghị khẩn cấp đề nghị tòa án ngăn chặn việc bán đấu giá các lô đất này.

Theo đó, bà Quách Kim Chi, đại diện cho Hội đồng thành viên Tập đoàn Thiên Thanh đã ký văn bản kiến nghị khẩn cấp gửi đến HĐXX với nội dung: Tập đoàn Thiên Thanh được biết ngày 10/6/2020, Cục Thi hành án Dân sự TP HCM đã ra thông báo về việc bán đấu giá 6 lô đất nằm trong phần tài sản chuyển giao giữa bà Hứa Thị Phấn và ông Phạm Công Danh.

Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho Tập đoàn Thiên Thanh, bà Quách Kim Chi đã đề nghị cơ quan thi hành án dân sự tạm dừng việc bán đấu giá các lô đất này bởi tập đoàn Thiên Thanh đang có kháng cáo yêu cầu hoàn trả khu đất cho Thiên Thanh để đảm bảo quyền thi hành án liên quan đến ông Phạm Công Danh.

Trước đó, trong phần đối đáp của đại diện VKS tại phiên tòa, cơ quan này khẳng định: "Việc nhận định sai của HĐXX cấp sơ thẩm dẫn đến việc ra quyết định sai khi buộc ông Phạm Công Danh phải hoàn trả 901 tỉ đồng tiền khắc phục hậu quả do hành vi sai phạm của bà Hứa Thị Phấn gây ra".

Theo đó, đại diện VKS phân tích: Bị cáo Hứa Thị Phấn chiếm đoạt tiền nhưng không thực hiện dự án như kế hoạch nên không thể phát sinh nghĩa vụ và quyền chuyển giao đối với nhóm cổ đông Thiên Thanh.

Bà Phấn làm sai thì bị xét xử cho hành vi sai phạm này. Do đó không thể buộc ông Danh chịu trách nhiệm dân sự thay cho bà Phấn khi trách nhiệm khắc phục hậu quả luôn gắn liền với trách nhiệm dân sự.

Liên quan đến 6 lô đất ở phường An Phú, quận 2, luật sư Phạm Ngọc Trung, bào chữa cho bà Phấn khẳng định cần phải tôn trọng sự thật khách quan của vụ án, bởi biên bản thỏa thuận ngày 6-6-2012 giữa 2 nhóm cổ đông và Ngân hàng Đại Tín có bao gồm 2ha đất ở quận 2.

"Về 6 bất động sản quận 2, tôi khẳng định lại, với tư cách luật sư của bà Phấn nhưng tôi bảo vệ sự thật, 6 lô đất này được sắp xếp từ 1 đến 6 trong danh sách phụ lục tài sản đi kèm với các thỏa thuận được ký.

Đây là tài sản này để bảo lãnh cho nhóm Phương Trang vay tiền, giai đoạn 1 của vụ án tòa án cho rằng không có việc vay nên giao cho Ngân hàng Xây dựng để thu hồi tiền khắc phục hậu quả cho bà Phấn.Tôi khẳng định đây là khối tài sản không tách rời mà nhóm Phú Mỹ chuyển giao cho Thiên Thanh".

Một vấn đề được đề cập trong phiên tòa là khoản lãi 756 tỉ đồng mà tòa tuyên ông Danh phải trả cho Ngân hàng Xây dựng mà các luật sư khẳng định phần tuyên này không có căn cứ pháp luật.

Luật sư của ông Danh đã hỏi đại diện Ngân hàng Xây dựng thì đại diện ngân hàng nói luật sư sẽ trả lời về việc yêu cầu đối với khoản lãi này.

Sau đó, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Ngân hàng Xây dựng khẳng định chưa bao giờ đòi tiền lãi của ông Danh, do tòa sơ thẩm tuyên thế chứ việc đòi lãi này không phải là ngân hàng yêu cầu.

 Chiều 29/6, HĐXX sẽ tiến hành tuyên án./.

Tuấn Anh