Ngày 21/2, tin từ TAND TP Hà Nội cho biết, cơ quan này vừa có Thông báo kháng cáo của 12 bị cáo trong vụ án Việt Á. Trong đó, 11/12 bị cáo có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, gồm: Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế; Phan Quốc Việt, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Á; Nguyễn Duy Tuyến, cựu giám đốc CDC Hải Dương; Nguyễn Nam Liên, cựu vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế; Trịnh Thanh Hùng, cựu Vụ phó Vụ Khoa học – Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ…

Chỉ có bị cáo Vũ Đình Hiệp, Phó tổng giám đốc Công ty Việt Á, kháng cáo với nội dung xem xét, đánh giá đúng bản chất vụ án và tội danh đối với bị cáo.

leftcenterrightdel
 Bị cáo Nguyễn Thanh Long khai báo tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: H.Nguyên.

Ngoài ra, Công ty Việt Á cũng có đơn kháng cáo đề nghị không tịch thu sung công quỹ nhà nước số tiền được xác định là hưởng lợi bất chính từ việc bán kit xét nghiệm cho các tổ chức, cá nhân không bị xem xét khởi tố trong vụ án này; Huỷ bỏ các biện pháp phong toả, hạn chế giao dịch đối với các tài khoản ngân hàng của công ty Việt Á.

Cụ thể, bị cáo Phan Quốc Việt (Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Công nghệ Việt Á – viết tắt là Công ty Việt Á) có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế) có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo Vũ Đình Hiệp (Phó tổng giám đốc Công ty Việt Á) có đơn kháng cáo với nội dung đề nghị xem xét, đánh giá lại đúng bản chất của vụ án và tội danh đối với bị cáo.

TAND TP Hà Nội cũng nhận được nhiều đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của các bị cáo trong vụ Việt Á, trong đó có bị cáo Trịnh Thanh Hùng (cựu Vụ phó Vụ KH-CN các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ KH-CN), Phạm Duy Tuyến (cựu Giám đốc CDC Hải Dương), Nguyễn Nam Liên (cựu Vụ trưởng Kế hoạch Tài chính Bộ Y tế)…

Ngoài ra, Công ty Việt Á cũng có đơn kháng cáo với nội dung đề nghị không tịch thu sung công quỹ nhà nước số tiền được xác định là hưởng lợi bất chính từ việc bán kit xét nghiệm cho các tổ chức, cá nhân không bị xem xét khởi tố trong vụ án.

Công ty Việt Á cũng yêu cầu các tổ chức mua test xét nghiệm của doanh nghiệp này mà không qua thủ tục đấu thầu phải thanh toán tiền cho Việt Á theo như Hợp đồng đã ký kết.

Liên quan đến phán quyết của tòa cấp sơ thẩm, một số cá nhân có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cũng kháng cáo đề nghị Tòa cấp phúc thẩm xem xét về phần tài sản liên quan.

leftcenterrightdel
  Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: H.Nguyên.

Trước đó, sau nhiều ngày xét xử, chiều 12/1/2024, TAND TP Hà Nội đã tiến hành tuyên bản án sơ thẩm đối với 38 bị cáo trong vụ “đại án” Việt Á.

Theo đó, các bị cáo Nguyễn Thanh Loang, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế bị tuyên phạt 18 năm tù về tội "Nhận hối lộ"; Chu Ngọc Anh, cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN); Phạm Công Tạc, cựu Thứ trưởng Bộ KH-CN, cùng bị tuyên phạt 3 năm tù về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí"; Phạm Xuân Thăng, cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương bị tuyên phạt 5 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Trong khi đó, bị cáo Phan Quốc Việt, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Á (bị Tòa quân sự tuyên phạt 25 năm tù, án chưa có hiệu lực pháp luật), tổng hợp hình phạt 29 năm tù cùng về 2 tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" và "Đưa hối lộ".

Các bị cáo còn lại bị đưa ra xét xử với nhiều tội danh, gồm: “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi” và bị tuyên phạt từ 24 tháng tù cho hưởng án treo đến 15 năm tù.

Bản án sơ thẩm đánh giá Phan Quốc Việt đã thông đồng với nhiều người tại Học viện Quân y, Bộ KH-CN, Bộ Y tế để chiếm đoạt quyền sở hữu kit test COVID-19. Sau đó, Việt bán kit test với giá cao tại 19 tỉnh, thành và nhiều cơ quan, tổ chức, gây thiệt hại 1.235 tỷ đồng, gồm 402 tỷ đồng của nhà nước.

HĐXX nhận định, vụ án xảy ra trong bối cảnh đất nước đang phải gồng mình chống dịch COVID-19, nhân dân hoang mang, sinh phẩm và vật tư y tế chưa đáp ứng được việc chống dịch. Đây là một trong những nguyên nhân phát sinh hành vi sai phạm của các bị cáo.

Trong vụ án này, hành vi của các bị cáo là rất nghiêm trọng, đã xâm phạm đến trật tự trị an, an toàn quản lý kinh tế, xâm phạm đến uy tín, danh dự của các cơ quan, tổ chức liên quan, gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngân sách Nhà nước, cho việc huy động các nguồn lực xã hội, gây bức xúc xã hội, bất bình trong dư luận nhân dân, làm suy thoái, băng hoại đạo đức, lối sống và cách hành xử của một bộ phận cán bộ, đảng viên, làm mất niềm tin, uy tín của Đảng và các cấp chính quyền.

Việc khởi tố, truy tố, đưa các bị cáo ra xét xử và áp dụng các hình phạt nghiêm minh đối với từng bị cáo, đối với mỗi tội danh tương xứng với tính chất mức độ hậu quả hành vi của từng bị cáo là cần thiết nhằm trừng trị những hành vi đi ngược lại với lợi ích của Nhà nước, của nhân dân và xã hội. Từ đó, đảm bảo công tác đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung, nhưng pháp luật cũng khoan hồng, giảm nhẹ hình phạt cho những bị cáo vì thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch cấp bách mà phạm tội và không hưởng lợi.

H.Nguyên