Trong phần bào chữa cho các bị cáo, nhiều luật sư nhắc đến bối cảnh của vụ án và đề nghị HĐXX lượng hình, xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo, tuyên phạt các bị cáo dưới mức án VKS đề nghị.

Đối đáp lại ý kiến và đề nghị của các luật sư, đại diện VKSND TP Hà Nội thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa cho rằng, mọi người đều hiểu rõ bối cảnh của vụ án, trong tình hình dịch bệnh. Do đó, VKS rất thận trọng vì phạm vi vụ án rất lớn, thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi. VKS đã phân công công tác, ủy thác điều tra cho Công an các tỉnh, thành phố phối hợp điều tra sai phạm ở các tỉnh, thành phố, các cơ sở y tế…

Cả nước, có 19 tỉnh, thành phố xảy ra sai phạm, trong đó, bị cáo ở 4 tỉnh Hải Dương, Bắc Giang, Bình Dương, Nghệ An được xét xử trong phiên tòa này, các tỉnh còn lại trong cáo trạng đã nêu.

leftcenterrightdel
 Đại diện VKS đối đáp với các luật sư tại phiên xét xử. Ảnh: H.Nguyên.

Khi đề nghị mức án đối với các bị cáo, đại diện VKS cho biết, đã rất cân nhắc về mức án. Nhiều luật sư nói mức án mà đại diện VKS đề nghị là nghiêm khắc, nhưng theo đại diện VKS, các bị cáo bị truy tố 5 nhóm tội với khung hình phạt rất cao, cao nhất tới mức tử hình. “Chúng tôi xác định công là công, tội là tội”, đại diện VKS nói.

“Vụ án này gây thiệt hại rất lớn đến ngân sách Nhà nước. Ngân sách Nhà nước chính là tiền thuế của nhân dân nộp vào. Biết rằng các bị cáo có công, nhưng sai phạm thì phải xử lý, nếu không có sai phạm có lẽ các bị cáo đã được tặng bằng khen. Các bị cáo cần thấy rõ hành vi sai phạm của mình”, đại diện VKS nói.

Đối với các tội danh VKS truy tố, các luật sư không có ý kiến gì nên đại diện VKS không đối đáp.

Đối với ý kiến bào chữa cho bị cáo Trịnh Thanh Hùng (cựu Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ KH&CN), đại diện VKS khẳng định, CQĐT đã thu thập được rất nhiều nội dung tin nhắn mà các bị cáo đã nhắn cho nhau. Có nhiều nội dung liên quan đến vụ án. Trong đó, bị cáo Hùng và Phan Quốc Việt khi nhắn tin với nhau thì vẫn gọi là “kit test của ông Hùng đấy”.

leftcenterrightdel
 Các luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: H.Nguyên.

Theo đại diện VKS, bị cáo Hùng đã cấu kết thông đồng với Phan Quốc Việt và các bị cáo khác để thực hiện một chuỗi hành vi sai phạm, để Công ty Việt Á được tham gia phối hợp nghiên cứu Đề tài với mục đích sử dụng kết quả Đề tài để sản xuất, bán thương mại Test xét nghiệm trái phép, thỏa thuận về việc chia % doanh thu của Công ty Việt Á từ việc tiêu thụ Test xét nghiệm trái quy định của pháp luật. Hùng đã nhận của Phan Quốc Việt 2 lần, tổng số tiền 350.000 USD, tương đương hơn 8 tỷ đồng.

Đại diện VKS trích, công bố các bút lục là nội dung một số tin nhắn mà bị cáo Hùng và Phan Quốc Việt nhắn tin cho nhau, trong đó có nội dung: “Đi làm Chứng minh thư đi không là mòn hết vân tay”.

Về nội dung tin nhắn trên, bị cáo Hùng từng giải thích rằng: “Do đếm tiền nhiều mà mòn vân tay”. “38 bị cáo ở đây đã thể hiện rất rõ bức tranh về những sai phạm xảy ra ở thời COVID”, đại diện VKS nhận xét.

Đối đáp với phần bào chữa của luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Công Tạc (cựu Thứ trưởng Bộ KH&CN) về khoản tiền bị cáo khai chỉ nhận của Phan Quốc Việt 100 triệu đồng, chứ không phải 50.000 USD. Đại diện VKS khẳng định, về số tiền mà bị cáo Tạc được Phan Quốc Việt đưa cho, đại diện VKS đã thẩm vấn rất kỹ bị cáo.

leftcenterrightdel
 Bị cáo Phan Quốc Việt tại phiên xét xử. Ảnh: H.Nguyên.

Ban đầu, bị cáo Việt cũng như nhiều bị cáo không thành khẩn khai báo ngay mà phải qua đấu tranh nhiều lần, bằng nhiều biện pháp. Bản thân bị cáo Việt cũng thừa nhận trước đó chỉ khai đưa cho bị cáo Phạm Công Tạc 100 triệu đồng để có lợi.

Luật sư của bị cáo Tạc cho rằng, Phan Quốc Việt không thể mang số tiền lớn từ Đà Nẵng ra Hà Nội để đưa cho bị cáo Tạc. Về ý kiến này, đại diện VKS cho biết, trên thực tế, bị cáo Việt đã mang cả triệu USD từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội để hối lộ.

Theo đại diện VKS, cả bị cáo Phan Quốc Việt và Phạm Công Tạc đều có nhiều lời khai về việc đưa và nhận tiền. Tuy nhiên, CQĐT sử dụng lời khai của bị cáo Việt sau khi Việt được khớp với các dữ liệu điện tử khác.

Tiếp tục đối đáp với các luật sư, bị cáo, đại diện VKS nhấn mạnh, nhóm bị cáo ở bộ, ngành đã thông đồng, cấu kết với các bị cáo khác, liên lạc, hỗ trợ, tác động cơ quan, cá nhân khác giúp Công ty Việt Á có được giấy phép, sản xuất, bán được test xét nghiệm.

“Việt Á, Phan Quốc Việt tham gia phòng chống dịch COVID-19 là để thu lời bất chính nên không thể xem xét có công chống dịch như các luật sư đề nghị”, đại diện VKS phản biện. Đại diện VKS cũng cho biết, đã cân nhắc về tình tiết tăng nặng “lợi dụng dịch bệnh”, cuối cùng VKS đã không đề nghị HĐXX áp dụng tình tiết này, việc này là thể hiện sự nhân văn.

Ngoài ra, các luật sư, bị cáo trình bày một số tình tiết giảm nhẹ khác như: có thành tích trong công tác, được tặng thưởng huân chương, huy chương, bằng khen, giấy khen, hoàn cảnh khó khăn… đại diện VKS đề nghị HĐXX xem xét và áp dụng theo quy định.

Hồng Nguyên - Vũ Phương