Điển hình cho “lợi ích nhóm

Sáng 8/1, sau 5 ngày làm việc, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ “đại án” Việt Á đã bước sang phần tranh luận. Trước khi tranh luận, Kiểm sát viên đại diện VKSND TP Hà Nội thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên toà đã trình bày bản Luận tội, phát biểu kết luận về chứng cứ xác định tội phạm và người phạm tội, về tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và đề nghị mức hình phạt đối với từng bị cáo để HĐXX nghiên cứu trước khi quyết định bản án đúng quy định của pháp luật.

leftcenterrightdel
 Đại diện VKSND trình bày bản luận tội đối với các bị cáo. Ảnh: H.Nguyên.

Bản luận tội nêu rõ: Trong những năm qua, với quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước; sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan tư pháp; sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng doanh nghiệp, báo chí và nhân dân, công tác phòng, chống tham nhũng đã có những bước tiến mạnh mẽ. Việc phát hiện, xử lý các vụ án về tham nhũng, kinh tế được thực hiện đồng bộ, triệt để “không có vùng cấm”, góp phần quan trọng trong việc kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi vi phạm, tội phạm về tham nhũng, kinh tế, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, củng cố niềm tin của nhân dân, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu, với tốc độ lây lan nhanh, nguy hiểm, gây thiệt hại nặng nề đến tính mạng, sức khoẻ của người dân Việt Nam nói riêng và toàn thế giới nói chung. Nhà nước, Chính phủ và toàn dân ta đang phải nỗ lực, gồng mình để chống chọi, hạn chế lây lan và ngăn ngừa dịch bệnh thì một bộ phận Lãnh đạo cấp cao tại các Bộ, Ngành Trung ương và địa phương đã cấu kết thông đồng với doanh nghiệp lợi dụng tình hình dịch bệnh để hưởng lợi ích nhóm, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho tài sản Nhà nước.

leftcenterrightdel
 Các bị cáo đứng nghe đại diện VKS luận tội đối với bản thân. Ảnh: H.Nguyên.

Cụ thể, là các bị can đã giúp Công ty Việt Á được phối hợp tham gia thực hiện Đề tài nghiên cứu cấp Quốc gia về Test xét nghiệm COVID-19  do Bộ KH&CN đại diện chủ sở hữu. Sau đó, bằng nhiều thủ đoạn, các bị can thực hiện chuỗi hành vi sai phạm, biến Test xét nghiệm từ sản phẩm nghiên cứu của Đề tài thuộc sở hữu của Nhà nước thành sản phẩm thuộc sở hữu của Công ty Việt Á, sản xuất, bán thương mại trái phép trên cả nước với giá đã được nâng khống, thu lời bất chính đặc biệt lớn.

“Vụ án này là một điển hình cho “lợi ích nhóm”, “nhóm lợi ích” và "thông đồng cấu kết tham nhũng có hệ thống". Đó là sự cấu kết, thông đồng giữa doanh nghiệp với người có thẩm quyền, vì lợi ích vật chất đã thực hiện trái quy định của pháp luật, tạo điều kiện để doanh nghiệp trục lợi, gây thiệt hại cho nhà nước đặc biệt nghiêm trọng… hơn nữa, hành vi của các bị cáo còn xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức và cá nhân, làm cho một bộ phận cán bộ, công chức bị thoái hoá biến chất, làm suy giảm niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước”, đại diện VKS nêu rõ.

Gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước hơn 431,7 tỷ đồng

Theo bản luận tội, căn cứ kết quả điều tra, các tài liệu thu thập trong hồ sơ vụ án và lời khai nhận của các bị cáo tại phiên tòa, VKSND TP Hà Nội kết luận đối với hành vi phạm tội của các bị cáo như sau:

Lợi dụng chủ trương của Nhà nước về việc giao các đơn vị chủ động nghiên cứu chế tạo sinh phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch, Phan Quốc Việt (Tổng Giám đốc Công ty Việt Á) đã thông đồng, cấu kết với Trịnh Thanh Hùng (cựu Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành Kinh tế - Kỹ thuật, Bộ KH&CN) để Hùng tác động Chu Ngọc Anh (cựu Bộ trưởng Bộ KH&CN), Phạm Công Tạc (cựu Thứ trưởng Bộ KH&CN) quyết định cho Công ty Việt Á được phối hợp thực hiện Đề tài nghiên cứu chế tạo Test xét nghiệm trái pháp luật.

leftcenterrightdel
 Các bị cáo đứng nghe đại diện VKS luận tội và đề nghị mức án. Ảnh: H.Nguyên.

Với mục đích được sản xuất, bán Test xét nghiệm thu lời bất chính, Việt đã tiếp tục cấu kết với Trịnh Thanh Hùng, Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế), Nguyễn Huỳnh (cựu Phó trưởng phòng Quản lý giá thuốc, Cục Quản lý dược, Bộ Y tế, nguyên Thư ký của Nguyễn Thanh Long), Nguyễn Văn Trịnh (trợ lý Phó Thủ tướng Chính phủ) và các bị can khác, thực hiện nhiều hành vi sai phạm, giúp Công ty Việt Á được kiểm định Test xét nghiệm; được nghiệm thu giai đoạn 1 của Đề tài để lập hồ sơ gửi Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành tạm thời, chính thức, biến Test xét nghiệm từ sản phẩm thuộc sở hữu của Nhà nước thành sản phẩm thuộc sở hữu của Công ty Việt Á.

Nhằm thuận lợi cho việc bán sản phẩm Test xét nghiệm trên cả nước, Việt cấu kết với các bị can thuộc Bộ KH&CN để được đề nghị tặng Bằng khen đánh bóng hình ảnh, thương hiệu cho Test xét nghiệm; cấu kết với các bị can thuộc Bộ Y tế để được hiệp thương theo giá đã được nâng khống, chậm kiểm tra giá hiệp thương để tạo mặt bằng giá Test xét nghiệm; giới thiệu với các Lãnh đạo tỉnh, thành phố để bán thương mại Test xét nghiệm thu lời bất chính. Để được các đồng phạm can thiệp, giúp đỡ, Phan Quốc Việt đã thỏa thuận ăn chia, đưa tiền hối lộ, tiền cảm ơn nhiều lần, với tổng số tiền 3,45 triệu USD và 4 tỷ đồng.

Để tiêu thụ Test xét nghiệm tại các địa phương với số lượng lớn và được thanh toán theo giá đã nâng khống, Phan Quốc Việt, Vũ Đình Hiệp (Phó Tổng giám đốc Công ty Việt Á) và các nhân viên Công ty Việt Á đã thông đồng, cấu kết với Lãnh đạo, nhân viên các cơ sở y tế công lập thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật về đấu thầu, ứng hàng sử dụng trước, hợp thức thủ tục, hồ sơ thanh toán sau theo đơn giá do Công ty Việt Á đưa ra, trái quy định của Điều 89 Luật Đấu thầu.

leftcenterrightdel
 Bị cáo Phan Quốc Việt tại phiên xét xử. Ảnh: H.Nguyên.

Quá trình tiêu thụ Test xét nghiệm, Phan Quốc Việt chỉ đạo các nhân viên tính toán và chi tiền phần trăm ngoài hợp đồng; trực tiếp hoặc chỉ đạo Vũ Đình Hiệp, Phan Tôn Noel Thảo, Hồ Thị Thanh Thảo đưa hối lộ tổng cộng hơn 34 tỷ đồng cho các lãnh đạo, nhân viên tại các cơ sở y tế công lập trên phạm vi cả nước. Tổng số tiền Việt đưa hối lộ là hơn 106,6 tỷ đồng; hành vi của Việt gây thiệt hại số tiền 1.235 tỷ đồng, trong đó, thiệt hại cho ngân sách Nhà nước hơn 431,7 tỷ đồng.

“Như vậy, Phan Quốc Việt với vai trò chủ mưu, đã thông đồng, câu kết với các bị cáo khác, tổ chức thực hiện chuỗi hành vi sai phạm; xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức, làm cho một bộ phận cán bộ, công chức bị thoái hoá biến chất; làm suy giảm niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Bị cáo có tình tiết tăng nặng phạm tội có tổ chức và phạm tội từ 2 lần trở lên theo điểm a, g Khoản 1, Điều 52 BLHS”, đại diện VKS nêu rõ.

Cựu Bộ trưởng nhận hối lộ 2,25 triệu USD

Bản luận tội cũng nêu rõ, với cương vị là Bộ trưởng Bộ Y tế, trong khi dịch bệnh đang bùng phát, Chính phủ, nhân dân đang gồng mình chống dịch thì Nguyễn Thanh Long đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp, chỉ đạo tới các cá nhân, cơ quan có thẩm quyền giúp Công ty Việt Á xuyên suốt từ quá trình cấp số đăng ký lưu hành tạm thời, chính thức cho Test xét nghiệm trái quy định của pháp luật, biến Test xét nghiệm từ sản phẩm thuộc sở hữu Nhà nước thành sở hữu của Công ty Việt Á; hiệp thương giá, thanh toán 200.000 Test xét nghiệm theo giá đã được Công ty Việt Á nâng khống, công khai giá để tạo mặt bằng giá Test xét nghiệm, kiểm tra giá hiệp thương và giới thiệu với các lãnh đạo tỉnh, thành phố để bán thương mại Test xét nghiệm COVID-19 giúp Công ty Việt Á thu lời bất chính, gây thiệt hại số tiền hơn 1.235 tỷ đồng, trong đó thiệt hại cho ngân sách Nhà nước hơn 402 tỷ đồng. Quá trình giúp đỡ Công ty Việt Á, Nguyễn Thanh Long gợi ý và được Phan Quốc Việt đưa 4 lần với tổng số tiền 2,25 triệu USD (tương đương hơn 51,1 tỷ đồng).

leftcenterrightdel
 Bị cáo Nguyễn Thanh Long tại phiên xét xử. Ảnh: H.Nguyên.

Hành vi sai phạm của Nguyễn Thanh Long đã xâm phạm vào hoạt động đúng đắn của cơ quan quản lý Nhà nước, gây ảnh hưởng xấu đến dư luận, làm suy giảm niềm tin trong nhân dân, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế; là tiền đề, điều kiện để giúp Phan Quốc Việt thực hiện chuỗi hành vi sai phạm và là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt sai phạm của các cơ quan quản lý cấp dưới, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh đang bùng phát mạnh, nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ của nhân dân, Ngân sách Nhà nước thiếu hụt, phải gồng mình để chi cho ngăn ngừa, giảm bớt tác hại của dịch bệnh.

“Kết quả điều tra, đủ căn cứ xác định hành vi của Nguyễn Thanh Long phạm vào tội “Nhận hối lộ” quy định tại điểm a, b Khoản 4 Điều 354 Bộ luật Hình sự. Bị cáo có tình tiết tăng nặng phạm tội có tổ chức và phạm tội từ 2 lần trở lên theo điểm a, g Khoản 1, Điều 52 Bộ luật Hình sự”, đại diện Viện kiểm sát nêu rõ..

Cũng theo bản luận tội, quá trình điều tra và tại phiên toà, Nguyễn Thanh Long đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; bị cáo đã tác động gia đình nộp 2,25 triệu USD để khắc phục hậu quả; hợp tác tốt với Cơ quan điều tra để làm rõ bản chất vụ án; quá trình công tác, Nguyễn Thanh Long được tặng thưởng nhiều Bằng khen, Giấy khen; Bộ Y tế có văn bản đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho Nguyễn Thanh Long, gia đình có công với cách mạng nên đề nghị HĐXX giảm nhẹ khi lượng hình.

Hồng Nguyên - Vũ Phương