Phó Chủ tịch UBND TP Sơn La nhờ “xem điểm” nhưng con được “nâng điểm”

Ông Lê Trọng Bình, Phó Chủ tịch UBND TP Sơn La, khai năm 2018 ông có con và cháu ruột dự thi nên “nhờ xem giúp điểm thi”, tuy nhiên cả con và cháu của ông Bình đều được nâng điểm.

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, ông Bình có con và cháu ruột dự thi. Ông Bình nhờ Nguyễn Minh Khoa, nguyên Phó Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ (Công an tỉnh Sơn La) và Nguyễn Ngọc Hà, Trưởng phòng giáo dục trung học (Sở GD-ĐT), xem giúp điểm cho con và cháu.

Ông Bình khai mong muốn biết trước kết quả để chọn trường phù hợp cho các cháu, nhưng sau đó cả con và cháu của ông Bình đều được nâng điểm. Tuy nhiên, hai trường hợp này sau đó đều bị các trường công an trả về vì điểm chấm thẩm định không đạt.

leftcenterrightdel
 Ông Lê Trọng Bình, Phó Chủ tịch UBND TP Sơn La có con được "nâng điểm" trong kỳ thi

Khai trước HĐXX, ông Phan Ngọc Sơn, Chánh Thanh tra Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La,  cũng cho biết có con tham gia kỳ thi năm 2018. Có mối quan hệ quen biết với bị cáo Trần Xuân Yến (cựu Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La) nằm trong hội đồng thi nên ông Sơn đã nhờ bị cáo Yến xem điểm giúp cho con mình.

Theo ông Sơn, mục đích nhờ xem điểm trước là để điều chỉnh nguyện vọng cho con vào được trường mong muốn. Tâm lý người làm cha mẹ có con thi đều rất mong muốn biết trước kết quả như vậy, chứ trước khi nhờ tôi cũng không suy nghĩ việc đó có thể vi phạm quy định.  

Ông Sơn cũng cho hay tại kỳ thi năm 2018, con ông đạt 27 điểm, trúng tuyển vào Trường đại học Kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, sau khi chấm thẩm định, số điểm bị giảm 7,45 điểm nên con ông đã chủ động nghỉ học vì “áp lực dư luận xã hội”.

Cũng tại tòa, người làm chứng Đỗ Kim Quang, Giám đốc VNPT Sơn La, khẳng định chỉ nhờ xem giúp điểm thi chứ không nhờ nâng điểm. Trả lời HĐXX, ông Quang cho hay ông là đồng hương với ông Hoàng Tiến Đức, cựu Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La. Năm 2018, con trai ông là Đỗ Minh H. dự thi nên muốn nhờ ông Đức xem trước kết quả thi để kịp thời thay đổi nguyện vọng. Ông khẳng định “không tác động vào bài thi của cháu”.

"Nhờ xem trước điểm thi” cũng là lời khai của ông Lê Văn Thời, chủ nhà hàng Sơn Hồng Phúc (TP Sơn La) và là bạn thân của ông Hoàng Tiến Đức.

Trong số các nhân chứng được triệu tập ra tòa để đối chất lời khai với các bị cáo, chỉ duy nhất  1 người nhận nhờ nâng điểm, những người còn lại điều phủ nhận và quả quyết chỉ nhờ xem điểm.

Trả công nhờ “xem điểm” 300 triệu đồng 

Trước đó, trong phần thẩm vấn chiều 26/10/2019, bà Lò Thị Trường, cháu họ bị cáo Lò Văn Huynh, cho biết bà chỉ nhờ ông Huynh xem giúp điểm thi cho con trai là Lù Mạnh Hùng. Khi HĐXX hỏi: “Quá trình xem giúp điểm, ông Huynh có đặt vấn đề hay hứa hẹn gì không?”. Bà Trường đáp: “Chúng tôi không trao đổi vật chất, hứa hẹn gì cả”.

Mặc dù nhờ xem giúp điểm thi, nhưng bà Trường khai không nhớ con thi được bao nhiêu điểm, chỉ biết sau đó đỗ vào Học viện An ninh. Thẩm phán hỏi tiếp: “Vậy giờ cháu còn học ở trường đó không?”. Bà Trường cho hay: “Cháu đã được trả về do điểm không đạt”.

leftcenterrightdel
 Nhân chứng Lò Thị Trường khai đã chi 300 triệu đồng để xem điểm trước cho con 

Khi được hỏi đã đưa cho bị cáo Huynh bao nhiêu tiền, bà Trường nói: “Sau khi có kết quả điểm thi, tôi có đến nhà cảm ơn 300 triệu. Tôi chỉ nghĩ là cảm ơn thôi, không nghĩ sự việc lại xảy ra thế này”.

Nhân chứng Hoàng Thị Thành, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quỳnh Nhai, bạn của bị cáo Cầm Bun Sọn, cũng chỉ khai nhờ xem điểm giúp cho con trai. Sau đó, bà Thành cảm ơn 2 lần, 1 lần 400 triệu đồng và 1 lần sau khi công bố điểm thi đưa thêm 40 triệu đồng.

Bị cáo Cầm Thị Bun Sọn, nguyên Phó Trưởng phòng Công tác chính trị (Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La), khai: “Chị Thành nhờ giúp chứ tôi không yêu cầu. Chị Thành nói nhờ vả phải có tiền uống nước. Tôi không biết ai có thể giúp nên để nguyên số tiền đó. Sau này chị Thành hỏi có tác động được thêm môn tự luận không và hỏi tôi cần thêm chi phí bao nhiêu, tôi bảo khoảng 40 - 50 triệu gì đó”.

Bị cáo khai “nâng điểm”, nhân chứng nói “xem điểm”

Nhân chứng Trần Văn Điện, cán bộ Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thành phố Sơn La (tỉnh Sơn La), cũng khai trước tòa chỉ nhờ xem điểm cho 4 thí sinh là con của bạn thân và con của anh em cùng cơ quan, với lý do các phụ huynh đều muốn biết trước điểm thi. Khi cơ quan an ninh điều tra triệu tập, mới biết các cháu nằm trong 44 thí sinh được nâng điểm.

Tuy nhiên, ngay sau đó, bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga, nguyên chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng (Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La), lại phản bác: “Anh Điện đề nghị giúp đỡ đạt được số điểm mong muốn và kết quả đã đạt được. Khi đạt được số điểm mong muốn, anh Điện cảm ơn tôi 1,040 tỉ đồng. Việc giao nhận tiền tại nhà bố mẹ bị cáo. Số tiền đó bị cáo đã sử dụng một số vào việc chi tiêu, nhưng sau đó bị báo đã nộp 1 tỉ cho cơ quan điều tra, 40 triệu còn lại bị cáo cho anh Huynh vay, đến nay vẫn chưa trả”.

Còn ông Điện một mực khẳng định: “ Bị cáo Nga nói không đúng. Tôi chỉ nhờ xem điểm chứ không nhờ nâng điểm”.

leftcenterrightdel
 Nhân chứng Trần Văn Điện một mực khẳng định chi hơn 1 tỉ đồng để nhờ "xem điểm" cho ... 4 thí sinh

Nhân chứng Nguyễn Thị Thủy, bạn của ông Trần Văn Điện và Lê Việt Dũng, đồng nghiệp của ông Điện tại Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thành phố Sơn La, đều khai nhờ ông Điện có mối quan hệ trong ngành xem giúp điểm thi cho các thí sinh. Các thí sinh này đều đã đỗ với số điểm cao vào Học viện An ninh, Học viện Cảnh sát nhưng sau đó đều đã bị “trả về địa phương” do không đủ điểm sau khi chấm lại.

Ông Trần Văn Phúc, Hiệu trưởng Trường THPT Cò Nòi (huyện Mai Sơn, Sơn La), cho biết bà Nga là đồng nghiệp cũ cùng cơ quan, chị em vô tình gặp nhau và có nhờ xem điểm cho 2 thí sinh của người quen mà ông Phúc không nhớ tên và cũng không biết kết quả điểm thi thế nào.

Tại tòa, bị cáo Nga khẳng định, lời trình bày của ông Phúc trước tòa không chính xác. “Anh Phúc có nhờ nâng điểm trước ngày thi xem cho 2 trường hợp là thí sinh Phạm Thanh Sơn và Lê Trọng Tấn. Anh Phúc trước làm việc cùng phòng với bị cáo, 2 chị em cũng thân cận với nhau. Bị cáo giúp không nhận lợi ích gì”.

Chỉ duy nhất người làm chứng Đinh Thị Lan, là chị gái của em dâu bị cáo Nga, khai nhận nhờ nâng điểm cho con trai là thí sinh Mai Việt Tùng. Bà Lan kể: “Chị Nga là chị chồng của em gái tôi. Tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, tôi có con trai Mai Việt Tùng thi. Tôi có nhờ chị Nguyễn Thị Hồng Nga xem giúp và nâng điểm cho con tôi. Kết quả, cháu đỗ vào Học viện Kỹ thuật quân sự”.

Khi được hỏi có thỏa thuận, hứa hẹn cảm ơn gì với bị cáo Nga không, bà Lan đáp: "Chị Nga là chị chồng của em gái tôi nên không hứa hẹn, không trao đổi gì hết”.

Nhân chứng Nguyễn Thị Xuyên, giáo viên Trường THCS Mường Bằng (huyện Mai Sơn), cũng phủ nhận nhờ bị cáo Đặng Hữu Thủy nâng điểm. Ông Thủy khai, do thực tế có điều kiện tác động nâng điểm nên đã nâng điểm cho con bà Xuyên mà không có thỏa thuận. Sau đó, bà Xuyên đến cảm ơn gửi một chút quà nhỏ (200 triệu đồng). Sau đó bị cáo đã gọi bà Xuyên đến trả lại tiền.

Cũng như các nhân chứng khác, bà Nguyễn Thị Xuyên khẳng định trước tòa: “Tôi không đưa tiền và tôi cũng không nhận tiền. Đấy là lời khai của bị cáo”.

Hà Nhân