Những cuộc "ngã giá"  tiền tỉ 

 Theo cáo trạng, các bị cáo bị truy tố gồm: Trần Xuân Yến (cựu Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La), Nguyễn Thị Hồng Nga (cựu chuyên viên Phòng khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục), Lò Văn Huynh (cựu Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục), Đặng Hữu Thủy (cựu Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu), Cầm Thị Bun Sọn (cựu Phó Trưởng Phòng Chính trị - Tư tưởng, Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La)…

Những người này đã câu kết với nhau để sửa chữa bài thi, nâng điểm cho 44 thí sinh mà hầu hết là con em giáo viên hoặc lãnh đạo các ban, ngành trong tỉnh.

leftcenterrightdel
 Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa xét xử sơ thẩm

Đặc biệt, trong quá trình điều tra, một số bị cáo khai đã nhận hàng tỉ đồng sau khi thực hiện hành vi phạm tội. Trong đó, Nguyễn Thị Hồng Nga nhận 1,040 tỉ đồng để nâng điểm cho 4 thí sinh; Cầm Thị Bun Sọn nhận 440 triệu đồng để nâng điểm cho 1 thí sinh; Lò Văn Huynh nhận 1,3 tỉ đồng để nâng điểm cho 3 thí sinh; Đặng Hữu Thủy nhận 500 triệu đồng để nâng điểm cho 4 thí sinh.

Tại phần xét hỏi, bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga, cựu chuyên viên phòng khảo thí, Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La khai nhận, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2018 Sơn La, bị cáo đã sửa chữa câu trả lời trong bài thi trắc nghiệm; lấy khóa phách vòng 2, mục đích tìm bài thi môn Ngữ văn để nâng điểm và thực hiện chỉ đạo của ông Trần Xuân Yến, dùng phần mềm để xóa dữ liệu trong máy tính.

Bị cáo cũng khai nhận, đã nâng điểm cho khoảng 39 thí sinh, trong đó: Đinh Thị Lan nhờ giúp đỡ 1 thí sinh; Trần Văn Điện nhờ giúp đỡ 4 thí sinh, trong đó 3 thí sinh nhờ nâng lên 24 điểm và cảm ơn 230 triệu đồng, 1 thí sinh nhờ nâng lên 27 điểm và cảm ơn 350 triệu đồng, số tiền này đã được Điện đưa cho bị cáo sau ngày công bố điểm thi; Trần Văn Phúc nhờ giúp đỡ 2 thí sinh; Nguyễn Ngọc Hà, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, sở Giáo dục và đào tạo Sơn La nhờ giúp đỡ 8 thí sinh, thông tin các thí sinh nằm trong 2 danh sách được viết tay, danh sách này bị cáo đã nộp cho cơ quan điều tra; Lò Văn Huynh nhờ giúp 7 thí sinh; Nguyễn Duy Hoàng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La nhờ giúp 1 thí sinh là con gái ruột.

Đặc biệt, bị cáo Trần Xuân Yến, cựu Phó Giám đốc Sở GD&ĐT đưa 3 tờ danh sách, nhờ giúp 13 thí sinh; Nguyễn Thanh Nhàn, cựu Phó Trưởng phòng khảo thí nhờ giúp 4 thí sinh; Đinh Hải Sơn, cựu Thiếu tá Công an tỉnh Sơn La nhờ giúp 2 thí sinh; Đỗ Khắc Hưng, cựu Trung tá Công an tỉnh Sơn La nhờ giúp 1 thí sinh.

Bị cáo Yến cho rằng mục đích, động cơ là giúp đỡ mọi người, bên cạnh đó là do quan hệ bạn bè, đồng nghiệp; quan hệ lãnh đạo cấp trên, cấp dưới. Bị cáo cũng cho rằng cáo trạng là đúng và không có ý kiến thêm.

Theo lời khai, chỉ duy nhất ông Trần Văn Diện hứa hẹn đưa tiền khi nhờ bà Nga nâng điểm cho 4 trường hợp. Khi Bộ GĐ&ĐT công bố điểm thi, ông Diện đã đưa hơn 1 tỷ đồng cho Nguyễn Thị Hồng Nga tại nhà riêng. Đến nay, bị cáo đã nộp lại một tỷ đồng cho cơ quan điều tra, còn Lò Văn Huynh vay 40 triệu đồng còn lại.

leftcenterrightdel
 Bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga

Tại phiên tòa, bị cáo Cầm Thị Bun Sọn, cựu Phó Trưởng phòng Chính trị, tư tưởng Sở GD&ĐT Sơn La khai nhận: Ngày 29/6, bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga bảo đi cắt phách điểm thi, lúc đó bị cáo bị động về thời gian, địa điểm. Mới đầu bị cáo lưỡng lự không muốn làm nhưng vì cả nể lãnh đạo nên đến ngày 30/6, bị cáo đã về nhà bị cáo Đặng Hữu Thủy sửa bài thi.

Bị cáo cũng khai nhận: Trước kỳ thi, bị cáo nhận được thông tin của thí sinh Dương Hoàng Trung, con ruột của Hoàng Thị Thành, là bạn học của bị cáo, để giúp xem điểm, nếu có cơ hội thì giúp nâng điểm để đủ điểm vào trường Công an, nếu giúp nâng điểm thành công thì sẽ cảm ơn 400 triệu đồng. Bị cáo được đưa trước 360 triệu đồng, sau khi có kết quả thì đưa nốt 40 triệu đồng.

Bị cáo Đỗ Khắc Hưng, cựu cán bộ phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Sơn La nhất trí với cáo trạng của VKSND tỉnh Sơn La. Ngày 27/6/2018 Hưng nhận được điện thoại của Nguyễn Minh Khoa, nguyên Phó Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ PA 83, nay là phòng PA03, gọi đến nhà Khoa trao đổi và đưa thông tin của thí sinh Vũ Hoàng Hiệp, nhờ nâng điểm môn Toán đạt 9,0 điểm. Chiều ngày 29/6/2018, tại khu vực chấm thi, Đỗ Khắc Hưng đã đặt vấn đề và đưa thông tin của thí sinh Vũ Hoàng Hiệp cho Nga đế sửa bài thi nâng điểm

Đồng thuận từ cấp trên đến cấp dưới

Bị cáo Nga khai nhận, có nhiệm vụ tổng hợp các số liệu của kỳ thi để báo cáo, quản lý đề thi trên máy tính, chấm bài thi trắc nghiệm trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018.

Đồng thời, bị cáo này thừa nhận mình sai, theo sự chỉ đạo của bị cáo Trần Xuân Yến dùng phần mềm để xóa dữ liệu trên máy tính, sửa chữa câu trả lời trong các bài thi trắc nghiệm, liên quan đến việc dùng khóa phách bài thi tự luận để nâng điểm.

Theo lời khai của nữ bị cáo, trước kỳ thi khoảng chục ngày, Trần Xuân Yến gọi bị cáo lên phòng làm việc và hỏi làm thế nào để nâng được điểm bài thi trắc nghiệm, vì đang có một số con em trong Sở và của "sếp" (tức ông Hoàng Tiến Đức - nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La).

Lúc đó, bị cáo trả lời rằng chỉ có cách xóa rồi tô lại, phiếu bài thi không được niêm phong và có sự "tạo điều kiện" của bên công an thì mới có thể rút bài thi được. Nga nói "tạo điều kiện" ở đây tức ngầm hiểu với nhau là những người bảo vệ, giám sát tổ trắc nghiệm.

leftcenterrightdel
 Bị cáo Cầm Thị Bun Sọn

Khi chủ tọa chất vấn về động cơ nâng điểm, Nga khẳng định “chỉ giúp đỡ mọi người. Vì quan hệ cấp trên cấp dưới, bạn bè, đồng nghiệp nên hỗ trợ lẫn nhau”.

Đáng chú ý là lời khai của Cầm Thị Bun Sọn. Bị cáo Sọn cho rằng mình hoàn toàn bị động trong việc sửa bài thi. Khi được Nguyễn Thị Hồng Nga đặt vấn đề, bị cáo từng lưỡng lự, khi đó Nga có trấn an rằng “sếp Yến đã cho phép” (tức Trần Xuân Yến, cựu Phó Giám đốc Sở GD&ĐT).

“Bị cáo có cân nhắc nhưng không chiến thắng bản thân, vì cả nể sếp nên đã tham gia sửa điểm”, “Mọi người đều làm, một mình tôi không làm thì cũng khó”… là những câu trả lời của bị cáo Sọn.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh phiên xét xử

Bị cáo này thừa nhận có nâng điểm cho một trường hợp. Cụ thể, bà Hoàng Thị Thành (Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quỳnh Nhai) có nhờ Sọn xem điểm giúp con trai mình, nếu có cơ hội thì nâng điểm để xét tuyển vào Trường Công an nhân dân. Kết quả, con trai bà Thành được nâng 11,9 điểm cho ba môn thi; cá nhân bị cáo Sọn được bà Thành “cám ơn” với số tiền 440 triệu đồng.

Giải thích về việc làm này, Sọn khai khi được đề nghị đi “sửa bài cho sếp”, Nga có nói với Sọn rằng mỗi người sẽ được phép giúp một trường hợp. Vì vậy, Sọn mới nâng điểm cho con trai bà Thành. Quá trình đặt vấn đề, bà Thành có hứa sẽ cám ơn Sọn bằng tiền.

Bị cáo Đặng Hữu Thủy, cựu Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu. Bị cáo Thủy thừa nhận giúp bốn thí sinh “xem điểm”, thế nhưng trên thực tế cả bốn thí sinh này đều được nâng điểm. Chủ tọa hỏi bị cáo nhận thức như thế nào là “xem giúp điểm”, Thủy nói khi có điều kiện thì sửa, nâng điểm giúp luôn.

Hôm nay, Tòa tiếp tục thẩm vấn các bị cáo.

Hà Nhân