Lời khai từ “đầu mối” tiếp nhận danh sách đặt hàng
Bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga, Chuyên viên Phòng Khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục Sở GD&ĐT Sơn La, khai tại tòa cho thấy bị cáo là "đầu mối" tiếp nhận danh sách các thí sinh được nâng điểm. Một mình bị cáo Nga nhận "đặt hàng" đến 39 thí sinh.
Bà Nga cho biết do những năm trước làm trong tổ chấm thi nên hiểu rõ chỉ có thể xóa đáp án sai điền lại hoặc điền toàn bộ vào bài thi để trống thì mới nâng được điểm bài thi trắc nghiệm. Trước khi diễn ra kỳ thi khoảng nửa tháng, bị cáo Trần Xuân Yến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT đã trao đổi ý đồ này với Nga.
"Bị cáo không tự nhiên trao đổi mà được anh Yến hỏi có một số trường hợp con cháu trong sở và trường hợp của sếp, ở đây là ông Hoàng Tiến Đức cần nâng điểm", Nga trình bày.
|
|
Các bị cáo trong đường dây sửa và nâng điểm bài thi |
Bà Nga trao đổi kế hoạch sửa bài thi với bà Cầm Thị Bun Sọn (Phó Trưởng phòng Chính trị tư tưởng), Đỗ Khắc Hưng (nguyên Trung tá), Đặng Hữu Thủy (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu), Lò Văn Huynh (Trưởng phòng Khảo thì và Quản lý chất lượng giáo dục)… Các bị cáo đã thống nhất sẽ cùng nhau rút bài thi các môn trắc nghiệm mang ra ngoài khu vực chấm thi để sửa nâng điểm rồi trả về vị trí cũ, xóa file ảnh đã quét và quét lại file ảnh mới.
Khi chủ tọa hỏi về động cơ để sửa bài thi nâng điểm, bị cáo Nga trả lời do cả nể và quan hệ cấp trên cấp dưới. "Bị cáo không có quyền, mọi người đưa bắt buộc phải cầm danh sách và thực hiện. Quan hệ cấp trên cấp dưới, cấp trên đã đưa thì không thể không làm. Cấp trên ở đây là anh Yến, anh Hưng, chị Nhàn, anh Hà tất cả đều là cấp trên. Nếu mà bị cáo không làm thì cũng…", Nga nói đến đây và bỏ lửng câu trả lời.
Bị cáo Cầm Thị Bun Sọn xác nhận lời khai của bị cáo Nga về việc cùng đến nhà bị cáo Thủy sửa bài thi là đúng. "Không ai ép buộc tôi cả. Tôi thấy chị Nga rất vất vả trong việc đó, tôi thấy thương nên đi làm giúp. Áp lực phải sửa bài thi nâng điểm đè lên chị Nga nên tôi thấy có trách nhiệm phải chia sẻ. Tổ chấm cho phép vào sửa nên tôi vào cùng. Ngày 29/6 tôi đã tham gia sửa nếu hôm sau không đi tiếp thì đồng nghiệp chê trách. Ngày 30/6 là do cả nể sếp và thấy thương chị Nga nên tôi tham gia sửa bài thi", bị cáo Sọn phân trần.
Bị cáo Đặng Hữu Thủy cũng xác nhận lời khai của bị cáo Nga là đúng. Về cá nhân mình, ông Thủy khai đã nhận thông tin của 4 thí sinh "nhờ xem điểm". "Khi có điều kiện bị cáo chủ động sửa bài thi cho các thí sinh đấy. Khi có kết quả được nâng điểm thì các gia đình có đến cám ơn bị cáo bằng tiền nhưng nó là ngoài sự mong muốn của bị cáo".
Cựu Phó Giám đốc Sở quanh co, chối tội
Bị cáo Trần Xuân Yến (được tại ngoại) một mực phủ nhận về hành vi sai phạm trong cáo trạng, cũng như các lời khai của bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga, Cầm Thị Bun Sọn…
Theo cáo trạng và lời khai của bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga (chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La) trước toà, ngày 29/6/2018, bị cáo Yến đưa cho bị cáo Nga một danh sách ghi rõ họ tên, số báo danh, địa điểm thi, các môn thi cần nâng điểm, mã đề thi và tổng số điểm cần đạt được của từng thí sinh để bà Nga để thực hiện việc nâng điểm.
Tuy nhiên, trước toà, bị cáo Yến nhiều lần quả quyết chỉ đưa danh sách 13 thí sinh để nhờ bị cáo Nga “xem điểm”, chứ không hề có ý nói nhờ nâng điểm, cũng không nói trong đó có người này người kia nhờ như bà Nga khai.
|
|
Bị cáo Trần Xuân Yến phủ nhận vai trò, đổ tội cho cấp dưới |
Bị cáo Yến cho biết sở dĩ có danh sách này là vì ngày 28/6, ông Hoàng Tiến Đức (nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La) đưa cho bị cáo 2 tờ danh sách để nhờ xem điểm; ông Nguyễn Ngọc Hà, Trưởng phòng Giáo dục phổ thông, đưa cho Yến danh sách 2 thí sinh; ngoài ra còn có 2 danh sách khác của Đinh Hải Sơn, nguyên Cán bộ phòng PA83 Công an tỉnh Sơn La; và Nguyễn Văn Hải, trú tại tiểu khu 6, thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn, Sơn La; còn trường hợp khác nữa là cháu của bị cáo Yến.
Bị cáo Yến còn cho rằng có chuyển thông tin 13 thí sinh cho bị cáo Nga bằng 3 tờ danh sách.
Về trường 8 trường hợp thí sinh mà ông Hoàng Tiến Đức gửi danh sách “nhờ xem điểm”, theo bị cáo Yến: “Bị cáo biết mục đích thủ trưởng nhờ xem trước điểm thi nhưng không nói mục đích là gì. Mong muốn của gia đình chỉ là biết điểm sớm cho cháu”.
HĐXX hỏi tại sao bị cáo biết Bộ GD-ĐT quy định ngày 11/7 mới công bố điểm thi nhưng lại nhờ xem điểm từ ngày 29/6? Bị cáo Yến khai: “Bị cáo nhận thức được nếu xem được trước cũng là sai theo quy định của Bộ”.
Về việc các bị cáo Nga và Sọn khai bị cáo Yến đã chỉ đạo và yêu cầu sửa biên bản chấm thi sai so với quy chế thi của Bộ, ông Yến chỉ nhận do sơ suất và tin tưởng vào cấp dưới nên không đọc lại biên bản.
Màn kịch xóa dấu vết “vụng về”
Theo cáo trạng và lời khai của Nguyễn Thị Hồng Nga trước toà, khi có thông tin Bộ GD-ĐT sẽ lên kiểm tra tại tỉnh Sơn La, mặc dù kết quả quét bài thi gốc của thí sinh đã xóa trên máy tính nhưng vẫn có thể khôi phục lại được. Sợ việc quét lại bài thi sau khi sửa nâng điểm cho các thí sinh bị lộ, ngày 18/7/2018, bị cáo Yến gọi bị cáo Nga đến nhà trao đổi và bảo bị cáo Nga tìm phần mềm trên mạng xóa toàn bộ thùng rác trong máy tính để không thể khôi phục lại ảnh bài thi gốc.
Bị cáo Nga sợ mất hết dữ liệu trong máy tính (các file ảnh bài thi, phiếu trả lời trắc nghiệm đã quét lại sau khi sửa) nên bị cáo Yến bảo Nga trước khi xóa sao lưu dữ liệu bài thi trong máy tính ra đĩa CD để đề phòng khi xóa bị mất hết dữ liệu thì sẽ sử dụng các đĩa này để đưa dữ liệu trở lại máy tính. Bị cáo Nga đã sao lưu dữ liệu bài thi trong máy tính ra 16 đĩa CD, rồi sử dụng phần mềm lấy trên mạng xóa toàn bộ thùng rác trong máy tính.
|
|
Các bị cáo đã dùng thủ đoạn để đối phó khi bị thanh tra |
Để xác nhận tình tiết lập biên bản hợp thức hôm 4/7/2018, chủ tọa xét hỏi bị cáo Cầm Thị Bun Sọn (Phó Trưởng phòng chính trị - tư tưởng Sở GD&ĐT) và cựu cán bộ công an Đỗ Khắc Hưng. Cả hai người này thừa nhận nội dung biên bản không đúng sự thật. Ông Hưng khẳng định Trần Xuân Yến đã gọi tất cả người liên quan đến lập lại biên bản hợp thức.
Cáo trạng viết: “Sáng 19/7/2018, Nga đến phòng làm việc của Yến đưa 2 hộp đựng 16 đĩa CD chứa dữ liệu sao lưu từ máy tính cho Yến. Sáng 20/7/2018, khi làm việc với tổ công tác của Bộ GD-ĐT, biết được tổ công tác đã phát hiện việc sao lưu dữ liệu trong máy tính tại thời điểm ngày 4/7/2018 (do Nga đặt lại thời gian của máy tính), sợ bị phát hiện, Yến đã mang 2 hộp đựng 16 đĩa CD ra nghĩa trang tỉnh Sơn La đốt, tiêu hủy”.
Tuy nhiên, trước toà sáng nay, bị cáo Yến khai: “Chiều 18/7, bị cáo đi công tác Hà Nội về và có nghe đoàn công tác của Bộ GD-ĐT chuẩn bị lên, nên đã gọi Nga đến nhà và đề nghị Nga rà soát lại các quy trình, in đĩa để bảo quản, tránh vi rút làm mất dữ liệu".
Khi HĐXX hỏi việc in dữ liệu thi THPT quốc gia vào đĩa có được phép làm không?,bị cáo Yến đáp: “Việc chỉ đạo in đĩa sau 7 ngày công bố công khai điểm thi nên không còn là tài liệu mật nữa. Việc in chỉ để bảo vệ dữ liệu chứ không có mục đích gì khác".
Bị cáo Yến khai, trưa 19/7 nhận được túi đĩa CD từ bị cáo Nga nhưng không xem nội dung và không đếm số lượng đĩa là bao nhiêu.Bị cáo nhận thức bộ đĩa bị cáo Nga đưa cho không còn giá trị nữa nên đã tiêu huỷ vì sợ bị mất và nguy hiểm”.
“Nguy hiểm cho bị cáo hay nguy hiểm cho nhà nước?”, HĐXX truy. Bị cáo Yến trả lời: “Bị cáo nghĩ dữ liệu thi mất ra ngoài thì không tốt chút nào, còn dữ liệu này đã giải mật và công khai trên toàn quốc”. HĐXX nhận định lời khai của bị cáo Yến không rạch ròi khi cho rằng in ra đĩa để bảo quản xong, rồi lại tiêu huỷ.
Tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, bị cáo Trần Xuân Yến được phân công nhiệm vụ Phó Trưởng ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia; Phó Chủ tịch hội đồng thi; Phó Trưởng ban thường trực ban chấm thi; Tổ trưởng Tổ xử lý bài thi trắc nghiệm. Với vai trò Tổ trưởng tổ xử lý bài thi trắc nghiệm, bị cáo Yến có trách nhiệm giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của các thành viên trong tổ theo quy chế; chịu trách nhiệm về kết quả chấm thi trắc nghiệm của Tổ xử lý bài thi trắc nghiệm.
|