Ngày 29/7, TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Cần Phú Quý (SN 1986) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 139 BLHS năm 1999; các bị cáo Trương Tấn Hoàng (SN 1963) và Hoàng Xuân Việt (SN 1964, cùng trú tại thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế) bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 360 BLHS năm 2015.
Theo cáo trạng, ông Cu Buộc (SN 1940) và bà Kăn Chi (SN 1949, đều trú tại thị trấn A Lưới) là cha mẹ ruột của bị cáo Cần Phú Quý. Vào khoảng giữa tháng 11/2012, do cần tiền, Quý nảy sinh ý định chiếm đoạt thửa đất của cha mẹ. Lợi dụng lúc cha mẹ đang nằm điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế, Quý lấy cắp GCNQSDĐ số 0512328, diện tích là 4.271,6m. Sau đó, Quý giả chữ viết, chữ ký ông Cu Buộc và bà Kăn Chị rồi đến tại Ủy ban nhân dân thị trấn A Lưới làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất bằng hình thức cho tặng đối với thửa đất trên sang tên của mình.
Quý nộp hồ sơ cho Hoàng Xuân Việt (nguyên cán bộ địa chính). Đáng lý ra, với vai trò là cán bộ địa chính, Việt phải thẩm định, kiểm tra tính hợp pháp của hồ sơ và người cho, tặng quyền sử dụng đất (ông Cu Buộc và bà Kăn Chi vắng mặt). Tuy nhiên do thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao, nên Việt không thực hiện các quy trình thẩm định hồ sơ theo trình tự được quy định mà lập tức xác nhận vào bản Hợp đồng cho, tặng do Quý tự lập, rồi tham mưu, trình cấp trên xem xét, quyết định.
Sau khi nhận hồ sơ, ông Trương Tấn Hoàng (nguyên Chủ tịch UBND thị trấn A Lưới) cũng không kiểm tra lại hồ sơ, không xác minh thực tế tính hợp pháp của người cho, tặng quyền sử dụng đất. Hoàng cũng không tuân thủ việc công chứng, chứng thực đã được pháp luật quy định mà vội vàng kí tên xác nhận, đóng dấu cơ quan vào Hợp đồng để chuyển cho UBND huyện A Lưới, đề nghị cấp GCNQSDĐ số BD 568814 diện tích 4.271,6m2, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nêu trên cho Cần Phú Quý và Đặng Thị Tha. Bằng cách giả chữ kí của cha mẹ, Quý đã chiếm đoạt thửa đất có diện tích nêu trên của ông Cu Buộc và bà Kăn Chi với giá trị là 631.290.400 đồng.
|
|
Các bị cáo Hoàng, Quý, Việt (từ trái qua phải) tại phiên tòa xét xử. (ảnh: NH) |
Ngoài ra, trong quá trình điều tra, Quý khai nhận, từ ngày 7/1/2014 đến ngày 8/1/2015, vợ chồng Quý dùng tài sản là GCNQSDĐ số BD 568814 để thế chấp và bảo lãnh cho công ty TNHH Vĩnh Phước của vợ chồng Lê Minh Tấn (SN 1984) để vay vốn hợp đồng tín dụng với Ngân hàng TMCP Bắc Á-chi nhánh Thừa Thiên - Huế, với tổng số dư nợ gốc là 3 tỉ 770 triệu đồng và dư nợ lãi là hơn 987 triệu đồng (tính đến ngày 15/12/2016).
Đến nay, công ty TNHH Vĩnh Phước không có khả năng chi trả cho Ngân hàng TMCP Bắc Á và Lê Minh Tấn không có mặt tại địa phương. Do vậy, cần tách hành vi trên của Quý, đối tượng Lê Minh Tấn và cán bộ Ngân hàng TMCP Bắc Á-chi nhánh Thừa Thiên-Huế sai phạm trong việc thẩm định giá trị tài sản thế chấp để tiếp tục điều tra xử lý sau.
Tại phiên tòa, các bị cáo thành thật khai báo, ăn năn hối hận, xin được mức án nhẹ nhất. Còn về phía vợ chồng ông Buộc, khi HĐXX hỏi ý kiến ông bà về bản luận tội và các mức án mà VKSND đề nghị, cả 2 vợ chồng ông Cu Buộc đều nghẹn ngào xin giảm nhẹ hình phạt cho cả 3 bị cáo, nhất là bị cáo Cần Phú Quý, bởi anh ta còn 2 đứa con nhỏ đang cần vai trò người cha trong việc nuôi nấng, chăm sóc lúc này. Trước đó, ông bà Cu Buộc, Kăn Chi cũng đã làm đơn xin miễn giảm truy cứu trách nhiệm hình sự cho cả 3 bị cáo. Ông Cu Buộc cũng mong muốm sớm được nhận lại GCNQSDĐ của mình.
Sau quá trình nghị án, HĐXX xét thấy, hành vi của bị cáo Cần Phú Quý là đặc biệt nghiêm trọng, cần phải cách ly khỏi xã hội một thời gian để giáo dục và răn đe nên tuyên phạt bị cáo 7 năm tù giam. Bị cáo Trương Tấn Hoàng bị tuyên phạt 1 năm 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo và bị cáo Hoàng Xuân Việt 1 năm tù nhưng cho hưởng án treo.