Nỗi lòng người bị oan

Một ngày cuối năm, chúng tôi tìm về thôn Vạn Thắng, xã Đồng Thịnh, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc, hỏi thăm nhà ông Trần Ngọc Chinh (SN 1941), người phải chịu oan khuất suốt gần 39 năm, vừa được VKSND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức xin lỗi công khai.
Thấy chúng tôi hỏi thăm, một phụ nữ trung niên nhiệt tình chỉ đường. Chị hỏi chúng tôi: “Thế các chú là nhà báo à? Tôi cười và đáp lại: “Vâng ạ!” Chị nhanh nhảu: “Các chú nhà báo về đây giúp người dân là tốt lắm rồi. Ông Chinh bị đi tù oan, sai, bao nhiêu năm mang tiếng là kẻ giết người, vừa rồi mới được xin lỗi công khai trên xã, nhưng vẫn chưa được bồi thường gì cả…”. 

Theo chỉ dẫn của người phụ nữ ấy, từ tỉnh lộ chúng tôi rẽ vào đường bê tông, vượt qua đoạn sườn đồi thưa nhà cửa và đến trước cổng nhà ông Trần Ngọc Chinh.

Bước vào cổng, chúng tôi bắt gặp ông Chinh đang cắt tỉa, chăm sóc cây quất và khóm hoa hải đường ở góc sân để chuẩn bị đón Tết. Dáng người nhỏ thó, ở cái tuổi 79 nhưng ông Chinh trông vẫn còn khá khỏe mạnh, khuôn mặt tuy hằn nét khắc khổ nhưng rắn rỏi.

leftcenterrightdel
Bà Trần Thị Thắm trao đổi với Phóng viên. 

Khi biết chúng tôi là nhà báo về thăm và tìm hiểu cuộc sống của ông cùng gia đình sau ngày được xin lỗi công khai, ông Chinh vui vẻ cho biết: “Sau gần 40 năm chờ đợi, vừa rồi tôi mới chính thức được phục hồi danh dự; tôi mới hoàn toàn được là một người dân bình thường”...

Chia sẻ với chúng tôi về việc gia đình chuẩn bị đón Tết, ông Chinh nói: “Về vật chất thì Tết năm nay cũng như Tết các năm trước thôi, nhưng về tinh thần thì chắc chắn là vui hơn rất nhiều, đầu óc thảnh thơi, thoải mái hơn trước nhiều”.

Dừng lại giây lát, rồi giọng ông Chinh trầm xuống: “Chuyện đã qua lâu rồi, nhưng trước đây không nghĩ đến việc bị oan khuất thì thôi, chứ mỗi khi nghĩ đến là tôi lại đau lắm. Sống với làng, với xóm, chưa được xin lỗi công khai và bồi thường oan sai, người ta dị nghị khổ lắm. Không chỉ riêng bản thân tôi mà vợ và các con tôi cũng bị ảnh hưởng rất lớn… Bây giờ, tôi chỉ có đề nghị, các cơ quan có thẩm quyền sớm xem xét, giải quyết bồi thường thiệt hại cho tôi", ông Chinh bày tỏ.

Anh Trần Xuân Kỳ - con trai ông Chinh cho biết: “Gia đình em cũng rất mừng vì từ hôm được xin lỗi công khai, tinh thần bố em mới được vui vẻ, thoải mái hơn. Chứ như trước đây, ông cụ suy nghĩ tiêu cực lắm”.

Tạm biệt ông Chinh, chúng tôi sang thăm bà Trần Thị Thắm (SN 1943) - em dâu ông Chinh. Bà Thắm là vợ của ông Trần Trung Thám - em trai ông Chinh cùng bị bắt về Tội Giết người và đã tử vong trong thời gian bị giam giữ.

Chia sẻ với chúng tôi, bà Thắm vẫn nhớ như in ngày ông Thám bị bắt, đó là vào sáng 2/3/1980 (ngày 17 tháng Giêng Âm lịch). “Chiều hôm trước, ông Xã đội trưởng đến nhà đọc quyết định triệu tập chồng tôi tái ngũ, đồng thời yêu cầu sáng hôm sau phải lên đường luôn. Trước đó, chồng tôi đã làm đơn tình nguyện đi bộ đội vào năm 1965 và về phục viên năm 1975. Tôi có hỏi “Tại sao lại lên đường gấp thế”, thì ông Xã đội trưởng bảo, “Cấp trên lệnh gấp, yêu cầu ông ấy đi huấn luyện khung”.

“Sáng ngày 2/3, tôi dậy sớm nấu cơm để ông ấy ăn rồi lên đường. Ông ấy cũng chỉ ăn có lưng bát rồi xách ba lô lên Huyện đội. Sau đó, tôi nghe tin khi lên đến Huyện đội là Công an ập đến bắt ông ấy luôn. Một thời gian sau, tôi nhận được tin chồng tôi đã mất do bị bệnh. Sau đó, bên Công an có dẫn tôi và người nhà đến một nghĩa trang, chỉ vào một ngôi mộ và bảo đó là mộ chồng tôi. Khi chồng tôi bị bắt, tôi ở nhà phải nuôi 3 con nhỏ, đứa lớn mới 6 tuổi, đứa bé mới 5 tháng tuổi”, bà Thắm nghẹn ngào kể lại.

Cũng giống như ông Chinh, bà Thắm đề nghị cơ quan có thẩm quyền sớm giải quyết bồi thường  cho chồng bà: “Gần 40 năm qua, oan thì oan rồi, người cũng đã mất rồi, tôi chỉ mong sao các cơ quan chức năng sớm giải quyết bồi thường cho chồng tôi để ông ấy ở nơi chín suối cũng được thanh thản”, bà Thắm nói.

Rời thôn Vạn Thắng, chúng tôi hỏi đến nhà ông Khổng Văn Đệ (SN 1923) ở thôn Yên Bình. Ông Đệ cùng bị cáo buộc Tội Giết người với ông Chinh, ông Thám và bị bắt ngày 13/3/1980.

Năm nay, ông Đệ đã 97 tuổi nhưng vẫn rất minh mẫn. Ông cho biết, từ hôm được xin lỗi công khai, tư tưởng ông thoải mái hơn, cuộc sống thấy vui vẻ hơn. Tết năm nay sẽ vui hơn, năm mới hi vọng sẽ khỏe hơn.

Anh Khổng Văn Hậu - con trai ông Đệ chia sẻ: “Bố tôi đã được minh oan, được công khai xin lỗi. Giờ đây, gia đình tôi đề nghị các cơ quan chức năng sớm giải quyết bồi thường cho bố tôi theo quy định của pháp luật”.

Gian nan giải quyết hậu quả vụ việc từ 39 năm trước

Trao đổi với chúng tôi về quá trình thụ lý, giải quyết đơn thư của 3 người bị oan, sai kể trên, Trưởng Phòng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm các vụ án hình sự (Phòng 7) - VKSND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Nhâm cho biết: Theo kết quả xác minh, tháng 4/2017, ông Trần Ngọc Chinh có đơn gửi các cơ quan chức năng Trung ương. Sau đó, đơn của ông Chinh được chuyển về VKSND tỉnh Vĩnh Phúc để xem xét giải quyết theo thẩm quyền. Ngay sau khi nhận được phiếu chuyển đơn, lãnh đạo VKSND tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo xem xét, xác minh, giải quyết vụ việc theo quy định.

Trưởng phòng Nguyễn Văn Nhâm cũng cho biết: “Ngoài lá đơn và quyết định đình cứu thì ông Chinh không cung cấp thêm được hồ sơ, tài liệu gì khác liên quan đến vụ án. Để giải quyết đơn của ông Chinh thì công việc đầu tiên là chúng tôi phải tìm cho được hồ sơ gốc của vụ án. Tuy nhiên, vụ việc xảy ra từ năm 1980, thời kỳ đó thuộc tỉnh Vĩnh Phú. Năm 1997, tỉnh Vĩnh Phú được tách thành 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ thì toàn bộ hồ sơ của tỉnh Vĩnh Phú được lưu tại tỉnh Phú Thọ. Để lục tìm hồ sơ gốc, VKSND tỉnh Vĩnh Phúc đã phải làm công văn gửi VKSND tỉnh Phú Thọ, Công an tỉnh Phú Thọ và TAND tỉnh Phú Thọ đề nghị phối hợp xác minh. 

“Trải qua thời gian đã lâu, các cơ quan nêu trên đều đã di chuyển trụ sở nhiều lần, vì vậy, chúng tôi đã phải tốn rất nhiều công sức trong việc tìm lại hồ sơ gốc tại các cơ quan tố tụng tỉnh Phú Thọ. Sau nhiều ngày tháng lật giở hàng trăm nghìn trang hồ sơ, chúng tôi mới tìm thấy hồ sơ gốc về vụ án của 3 công dân trên lưu tại TAND tỉnh Phú Thọ và rất may là hồ sơ vẫn còn khá đầy đủ”, Trưởng phòng Nguyễn Văn Nhâm chia sẻ.

leftcenterrightdel
Ông Trần Ngọc Chinh chăm sóc cây quất trước cửa nhà, chuẩn bị đón Tết. 

Cũng theo Trưởng phòng Nguyễn Văn Nhâm, sau khi tìm được hồ sơ, VKSND tỉnh Vĩnh Phúc xác định 3 ông đúng là bị oan, sai. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là phải giải quyết như thế nào cho đúng quy định của pháp luật khi mà gần 40 năm qua, luật và nghị định cũng đã thay đổi, thời hiệu xử lý cũng thay đổi… Xác định đây là án xâm phạm hoạt động tư pháp nên VKSND tỉnh Vĩnh Phúc đã báo cáo VKSND tối cao, đồng thời chuyển hồ sơ lên Cơ quan điều tra VKSND tối cao thụ lý theo thẩm quyền.

“Sau một thời gian nghiên cứu, xem xét, Cơ quan điều tra VKSND tối cao xác định không còn thời hiệu xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người để xảy ra oan, sai. Sau đó, Cơ quan điều tra đã chuyển hồ sơ sang Vụ 12, rồi Vụ 7 VKSND tối cao để xem xét giải quyết bồi thường cho người bị oan, sai”, Trưởng phòng Nguyễn Văn Nhâm cho biết.

Đến tháng 6/2019, VKSND tối cao có công văn chuyển hồ sơ đến VKSND tỉnh Vĩnh Phúc thụ lý, giải quyết vụ việc theo thẩm quyền.

“Theo quy định, đối với một vụ án oan, sai, việc đầu tiên là phải xem xét, xử lý trách nhiệm của người gây ra oan, sai. Tuy nhiên, trong vụ việc này, thời hiệu xem xét, xử lý trách nhiệm của người gây ra oan, sai đã hết. Việc thứ hai là xem xét giải quyết bồi thường cho người bị oan, sai, trong đó có việc xin lỗi công khai người bị oan. Trong vụ việc này, người bị oan, sai đã được minh oan bằng quyết định đình cứu rồi, chỉ còn chưa được xin lỗi công khai và bồi thường thiệt hại thôi”, Trưởng phòng Nguyễn Văn Nhâm cho biết.

Ngày 9/10/2019, VKSND tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức buổi xin lỗi công khai đối với các ông: Trần Ngọc Chinh, Trần Trung Thám và Khổng Văn Đệ. Tại buổi xin lỗi, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Vĩnh Phúc Ngô Khương Tuyến thừa nhận, trong vụ án này, cơ quan tố tụng đã có những “sai sót dẫn đến hậu quả không ai mong muốn”. VKS mong gia đình 3 người bị bắt oan chấp nhận lời xin lỗi và “thông cảm cho các cơ quan tố tụng thời bấy giờ”. VKS sẽ tiến hành sớm các bước bồi thường cho 3 người bị oan, sai trong thời gian tới theo đúng quy định Luật Trách nhiệm Bồi thường của Nhà nước.

Trưởng phòng Nguyễn Văn Nhâm cũng chia sẻ: “Để chuẩn bị cho buổi xin lỗi công khai, tôi đã trực tiếp về xã 2 lần, mời các gia đình đến họp, bàn công tác chuẩn bị, thành phần đoàn thể, gia đình tham dự… Việc này được chuẩn bị rất cẩn thận, chu đáo và đã nhận được sự ủng hộ của chính quyền địa phương và người dân”.

Tại buổi công khai xin lỗi, các gia đình rất phấn khởi khi phát biểu, ghi nhận VKSND tỉnh Vĩnh Phúc đã vào cuộc tích cực, giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đã đạt được kết quả, tổ chức xin lỗi công khai những người bị oan rất trang trọng.

leftcenterrightdel
Ông Khổng Văn Đệ trao đổi với Phóng viên về vụ việc xảy ra với mình. 

“Cũng trong buổi xin lỗi công khai, các gia đình đều đề nghị được bồi thường oan, sai do bị thiệt hại về vật chất và tinh thần. Về việc này, tôi khẳng định, VKSND tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục tiến hành các thủ tục theo đúng quy định để bồi thường cho các công dân, và buổi xin lỗi công khai chỉ là bước đầu tiên trong việc giải quyết bồi thường cho người bị oan, sai”, Trưởng phòng Nguyễn Văn Nhâm cho biết.

“Sau đó, chúng tôi đã gửi công văn đến các cơ quan tố tụng tỉnh Phú Thọ đề nghị phối hợp, xác định thời điểm ông Chinh gửi đơn đề nghị xin lỗi, bồi thường oan, sai, có phải như ông Chinh nói là đã gửi mấy chục năm nay không?”.

Ông Nhâm cho biết thêm: “Đến thời điểm hiện tại, VKSND tỉnh Vĩnh Phúc đã cơ bản hoàn tất việc xác minh. Dự kiến, trong tháng 1/2020, chúng tôi sẽ có báo cáo gửi VKSND tối cao để xin ý kiến chỉ đạo về việc giải quyết bồi thường oan, sai cho ông Chinh, ông Thám và ông Đệ”.

Liên quan đến vụ việc này, Viện trưởng VKSND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Tất Hiếu cho biết: “Đây là vụ việc do lịch sử để lại, trải qua nhiều chục năm vẫn chưa được giải quyết. Chúng tôi là những người sau này, ngay khi nhận đơn của các ông, chúng tôi đã rất cố gắng, bằng tất cả trách nhiệm, lương tâm người cán bộ Kiểm sát để làm sáng tỏ vấn đề và áp dụng những cái gì có lợi nhất có thể cho người bị oan, sai”.

Những người bị oan, sai đã chịu rất nhiều thiệt thòi và một điều chắc chắn, các cơ quan tố tụng tỉnh Vĩnh Phúc hiện nay cũng không ai mong muốn. Chúng tôi hiểu rằng, cán bộ VKSND tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang cố gắng, bằng tất cả trách nhiệm, lương tâm người cán bộ Kiểm sát để có thể làm được những điều tốt nhất cho những người đã phải chịu oan khuất.

Một mùa Xuân mới lại về, năm nay, gia đình các ông, bà: Trần Ngọc Chinh, Khổng Văn Đệ, Trần Thị Thắm sẽ vơi bớt những u uất, đau buồn, để đón một mùa Xuân mới tốt lành, an vui.

Theo hồ sơ vụ án, ngày 28/1/1980, tại thôn Vạn Thắng xảy ra vụ án mạng, nạn nhân là ông Chu Văn Quản, Bí thư chi bộ thôn Vạn Thắng bị sát hại. Sau hơn 1 tháng điều tra, ngày 3/3/1980, ông Trần Ngọc Chinh cùng em trai là ông Trần Trung Thám bị khởi tố, bắt tạm giam. Ngày 13/3/1980, ông Khổng Văn Đệ cũng bị khởi tố, bắt tạm giam với cáo buộc giết người. Sau đó, Nguyễn Đình Ký cũng bị khởi tố, bắt tạm giam.

Sau 2 tháng bị bắt, ông Thám chết trong trại giam do bị bệnh kiết lị.

Trong quá trình điều tra vụ án, Công an tỉnh Vĩnh Phú (nay là tỉnh Vĩnh Phúc) xác định chỉ có một mình Nguyễn Đình Ký gây án. Ngày 15/6/1983, Nguyễn Đình Ký bị TAND tỉnh Vĩnh Phú tuyên phạt tù chung thân.

Sau 34 tháng bị bắt, ngày 13/8/1982, ông Đệ, ông Trinh được trả tự do. Nhiều năm sau đó, các ông đi gửi đơn kêu oan.


Hồng Nguyên