Nếu đến hạn không trả được, lãi mẹ đẻ lãi con, khiến người vay phải bán tài sản, nhà cửa mới có thể sống yên thân. Thậm chí, có người sau khi đã trả xong nợ nhưng bọn chúng cũng không buông tha.
Cho vay nặng lãi dưới mác công ty tài chính
Công ty tài chính Nam Long do Nguyễn Đức Thành (SN 1988, trú phường Cầu Kho, quận 1) và Nguyễn Cao Thắng (SN 1984, trú phường 15, quận 10, TP Hồ Chí Minh) lập ra với mục đích cho vay lãi nặng, trong đó Thắng làm Chủ tịch HĐQT, Thành làm Tổng Giám đốc.
|
|
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa đấu tranh với đối tượng Nguyễn Đức Thành. |
Thành quê ở huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, từng học Đại học Luật, có thời gian sống ở Hải Phòng nên quen với Nguyễn Cao Thắng (Thắng quê ở Hải Phòng). Thắng vốn là đối tượng có máu mặt ở đất Cảng. Năm 2016, Thành vào TP Hồ Chí Minh sinh sống, mở một tiệm cầm đồ nhỏ và lập ra Công ty CP Tư vấn đầu tư và kỹ thuật xây dựng Thành Nam với ngành nghề đăng ký kinh doanh là xây dựng và bất động sản. Mặc dù Công ty Thành Nam hoạt động không hiệu quả nhưng đã cho Thành sự trải nghiệm và những bài học lớn trong việc làm ăn của “thế giới ngầm”. Chính vì vậy, sau khi gặp lại Thắng, tháng 9-2017, Thành đã bàn với Thắng cùng góp vốn để cho vay lãi nặng dưới tên gọi là Công ty tài chính Nam Long núp dưới bóng Công ty Đức Thành.
Thành nói với Thắng là đang cho khách vay 2 gói là gói 41 ngày và 50 ngày. Theo đó, gói 51 ngày thì mỗi ngày thu 3% tiền cả gốc cả lãi; gói 50 ngày mỗi ngày thu 2,5% cả gốc cả lãi. Do hoạt động trên địa bàn đang hẹp nên chưa có lãi, muốn có lãi phải đầu tư, mở rộng địa bàn hoạt động, tuyển thêm nhân viên. Thấy gói cho vay lãi suất quá cao nên Thắng nói với Thành là có thể gặp nguy hiểm nhưng Thành vẫn khẳng định có thể làm được, không bị phát hiện.
Sau đó, để an toàn cho bản thân, Thắng cho Thành vay tiền để Thành trực tiếp điều hành hoạt động cho vay. Với 1 tỷ đồng góp vốn trước đó, Thắng “bơm” thêm cho Thành 2 tỷ và cử anh vợ là Trần Hồng Phong quản lý toàn bộ hoạt động kinh doanh của công ty. Theo đó, Thắng chỉ đạo Phong lập nhiều tài khoản khác nhau ở các ngân hàng và cung cấp cho Thành để Thành in vào card của Công ty Nam Long cấp cho các chi nhánh. Từ đây, Thắng trở thành người cung cấp tiền cho Thành để Thành cho vay lãi nặng.
Chỉ trong 5 tháng, từ tháng 1 đến 5-2018, Thắng đã cung cấp cho Thành 8,5 tỷ đồng để Thành cho vay lãi nặng. Mẹ ruột Thắng là Phạm Thị Tường Hạnh cũng 2 lần “bơm” tiền vào tài khoản của Công ty Nam Long gần 14,5 tỷ đồng. Để quản lý số tiền cho vay, Thắng yêu cầu mọi hoạt động của công ty đều phải thông qua Phong; sau đó Phong đưa cho Thắng kiểm soát và Thắng mới đưa cho Thành. Như vậy, mặc dù danh nghĩa là cho Thành vay tiền nhưng việc điều phối nguồn tiền vẫn do Thắng chủ động kiểm soát và sẵn sàng cung cấp thêm tiền cho Thành để Thành cho vay. Theo thoả thuận, toàn bộ số lãi sẽ chia đôi, 50% tái đầu tư; 50% Thành và Thắng mỗi bên một nửa.
Về phía Nguyễn Đức Thành, vốn là người hiểu biết pháp luật lại có kinh nghiệm trong việc cầm đồ, cho vay lãi nên Thành đã lập ra một “đế chế” trong Công ty Nam Long với những kiểu quản lý không giống ai từ việc tuyển dụng, quản lý nhân viên đến cách thức cho vay lãi nặng.
Đối với nhân viên, Thành soạn ra một bộ quy định thưởng phạt cực kỳ khắc nghiệt. Nếu ai vi phạm thì phạt hành chính từ 500 đến 10 triệu đồng; bị đánh đòn sa thải ngay lập tức; bị phạt cải tạo trong công ty và cho đi tù; tiêu diệt bản thân và gia đình; tự chặt ngón tay và nhận tất cả các điều trên. Không chỉ thế, để tránh việc nhân viên nghỉ việc, làm “lộ” việc kinh doanh, Thành yêu cầu mỗi người vào làm việc phải đặt cọc từ 50 - 100 triệu đồng.
Tiêu chí chọn nhân viên của Thành cũng không giống với các băng nhóm cho vay lãi nặng, cầm đồ khác. Hắn “nhắm” vào nhóm đối tượng có trình độ cao, ưu tiên tốt nghiệp đại học, cao đẳng, chưa tiền án, tiền sự. Theo đó, Thành đăng thông tin tuyển dụng trên các báo mạng với mức lương cao (từ 8 triệu đồng trở lên) để thu hút nhân viên.
Sau khi được tuyển, Thành sẽ đào tạo nhân viên các kỹ năng làm việc từ cách tiếp cận khách hàng, thẩm định tài sản, hồ sơ cho đến việc giải ngân, thu nợ. Thậm chí, Thành còn dạy nhân viên cách thức biến thành nạn nhân hoặc người làm chứng nếu việc đi đòi nợ bị Công an phát hiện hoặc bị hại đập phá tài sản. Thành tìm kiếm khách hàng bằng cách đăng thông tin trên mạng, trực tiếp tìm hiểu những trường hợp cần vốn nhưng không vay được ngân hàng để tiếp cận, giới thiệu gói vay.
Với cách thức hoạt động như trên, chỉ trong một thời gian ngắn, Công ty tài chính Nam Long đã “vươn vòi bạch tuộc” ra khắp 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Phá án
Thế nhưng, Nguyễn Đức Thành không ngờ có ngày mình bị “sờ gáy”. Chỉ vì một “lỗi" là dạy cho nhân viên “cách làm người”, Thành đã để lộ ra chân tướng của mình.
Đó là vào tháng 7-2018, Nguyễn Văn Minh (ở Bố Hạ, Yên Thế, Bắc Giang) - nhân viên thu nợ của Công ty Nam Long, dùng tiền thu nợ và xe máy của công ty đi tiếp bạn gái sau đó sợ hãi bỏ trốn. Lập tức, Thành bay từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội, triệu tập các chi nhánh phía Bắc truy tìm Minh. Biết không thể thoát, sau khi cầm cố xe máy, Minh đã xoay xở tiền để chuộc lại.
|
|
Các đối tượng trong đường dây "tín dụng đen". |
Ngày 9-7, Minh liên hệ đề nghị trả lại tiền nên được các đối tượng hẹn đến bãi đất trống thuộc huyện Sóc Sơn. Tại đây, Thành và đồng bọn đánh hội đồng Minh sau đó đưa về chi nhánh ở xã Tiên Dược, Sóc Sơn họp kỷ luật, yêu cầu Minh xin lỗi từng người, sau đó đưa ra một bát cơm, 1 bát phân yêu cầu Minh chọn 10 lần. Nếu bò đến bát cơm sẽ bị “dạy dỗ cách làm người”, nếu bò đến bát phân thì phải ăn hết mới được tha. Cả 10 lần, Minh đều bò đến bát cơm nên bị các đối tượng đá, đạp để “dạy dỗ”.
Đến khoảng 4h sáng ngày 10-7, do bị thương nặng, Minh ngất xỉu nên Thành đã chỉ đạo Ngô Văn Chương (Giám đốc chi nhánh 18 quản lý địa bàn Thanh Hoá, Ninh Bình, Hoà Bình) đưa Minh về chi nhánh Thanh Hoá để tiếp tục “quản lý, cải tạo, dạy dỗ lại cách làm người”. Tại đây, Chương nhốt Minh, cử người canh giữ.
Đến ngày 19-7, thấy sức khỏe của Minh yếu đi Chương gọi taxi đưa Minh đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hoá cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ xác định Minh đã chết lâm sàng, lập tức Chương bỏ đi. Minh tử vong sau đó.
Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố vụ án và nhanh chóng tìm ra những đối tượng đã gây ra cái chết của Nguyễn Văn Minh. Tiến hành khám xét Chi nhánh 18 ở phố Bà Triệu, Công an phát hiện có nhiều tài liệu liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.
Đại tá Khương Duy Oanh, Phó Giám đốc - Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hoá cho biết sau khi nghiên cứu những tài liệu thu được, phát hiện tổ chức tín dụng đen quy mô lớn không chỉ ở Thanh Hoá nên Công an Thanh Hóa đã báo cáo Cục Cảnh sát Hình sự đề nghị phối hợp đấu tranh; đồng thời sử dụng lực lượng am hiểu tài chính, kế toán, công nghệ cao để lần tìm trên hệ thống tài khoản, danh sách khách hàng, số tiền để tìm ra bị hại.
Theo Đại tá Oanh, mô hình cấu trúc công ty cho vay này rất bài bản, từ chủ tịch HĐQT đến giám đốc, hệ thống quản lý nhân sự, khách hàng. Đối tượng cầm đầu đều có bằng đại học và học đúng chuyên ngành nên phương thức thủ đoạn, tần xuất quản trị hệ thống tín dụng đen trên cả nước rất bài bản. Điều đó khiến nhiều người nhầm tưởng đây là tổ chức tín dụng đàng hoàng nên đăng ký vay. Bước đầu, cơ quan điều tra xác định Công ty Nam Long có 70 tài khoản tại các ngân hàng khác nhau. Qua sao kê 30 tài khoản, Cơ quan CSĐT Công an Thanh Hoá làm rõ có hơn 200 bị hại chuyển tiền với tổng số tiền lên đến hơn 500 tỷ đồng…
Sau 4 tháng điều tra, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do đối tượng đã tiêu huỷ tài liệu (ngay sau khi Nguyễn Văn Minh chết), che giấu hành vi nhưng Công an Thanh Hoá cùng Cục Cảnh sát Hình sự và các đơn vị chức năng đã làm rõ hành vi, bắt giữ 7 đối tượng gồm:
Nguyễn Đức Thành; Ngô Văn Chương; Trần Văn Phiên (trú thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu, Nam Định); Đoàn Minh Cương (trú xã Hải Lý, Hải Hậu, Nam Định; Vũ Văn Thanh và Nguyễn Thành Long (trú TP Uông Bí, Quảng Ninh); Bùi Văn Chung (trú xã Đông Hải 2, quận Hải An, Hải Phòng); truy nã 2 đối tượng Nguyễn Cao Thắng và Trần Hồng Phong (ở phường 11, quận 10, TP Hồ Chí Minh).
Trong đó, có Nguyễn Đức Thành và Ngô Văn Chương bị khởi tố 2 tội là “cố ý gây thương tích” và “cho vay lãi nặng”. 5 đối tượng liên quan đến cái chết của nạn nhân Minh gồm Phiên, Cương, Thanh, Chung, Long. Hai đối tượng Thắng và Phong bị khởi tố tội cho vay lãi nặng. Hiện Cơ quan điều tra vẫn đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.
Theo Cảnh sát toàn cầu