Tại cuộc tọa đàm “Bảo vệ doanh nghiệp trước tin giả”  ngày 15/11 do Công thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Quang Tự Do cho biết, Trung tâm xử lý tin giả của Cục được thành lập vào tháng 4/2021, lúc ấy là cao điểm về chống dịch COVID-19 ở nước ta, đặc biệt là các tỉnh phía Nam.

leftcenterrightdel
 Các ý kiến cho rằng, để giải quyết được tin giả, cần nâng cao tinh thần thượng tôn pháp luật.

Đây chỉ là một kênh xử lý của Cục, Cục cũng có những đường dây nóng để tiếp nhận những phản ánh, tổng đài điện thoại phối hợp với Viettel để tiếp nhận email  người dân gửi đến…Hiện nay, Cục cũng có tài khoản, fanpage trên facebook để tiếp nhận, Cục cũng có mạng lưới với các tỉnh, thành, các bộ, ngành để mà tiếp nhận và xử lý tin giả. Mọi người có thể gửi về Cục, cũng có thể gửi về các đầu mối ở sở hay Văn phòng ủy ban, Cục cũng thường xuyên nhận phản ánh tin giả từ doanh nghiệp, tổ chức, rồi trực tiếp từ các cá nhân, các cơ quan báo chí, chứ không phải chỉ nhận qua Trung tâm xử lý tin giả này...

Các doanh nghiệp khi gặp những tin giả, tin đồn,  họ cũng có những cách liên hệ trực tiếp luôn với cơ quan chức năng để được hướng dẫn chứ không chờ qua một quy trình gửi về Trung tâm tin giả, đây là quy trình thông thường, còn khi có những vấn đề khẩn cấp sẽ xử lý theo hướng ưu tiên.

Theo ông Lê Quang Tự Do, đến nay, Trung tâm xử lý tin giả đã tiếp nhận gần 5.000 tin gửi đến và phân loại xử lý, đóng dấu tin giả được 50 tin. Vì có những tin không phải tin giả, nó là những tin xúc phạm nhân phẩm, danh dự, những tin cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, chúng tôi đã chuyển đến những nơi khác để xử lý.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI): Những năm gần đây, đặc biệt với sự phát triển mạng xã hội ở Việt Nam thì tin giả ảnh hưởng đến doanh nghiệp rất lớn. Chúng ta có thể hình dung khi mà những tin đồn về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, người đứng đầu doanh nghiệp hay là những thông tin sai lệch xuất hiện lan tràn trên không gian mạng, lập tức doanh nghiệp lĩnh hậu quả ngay.

Theo đó, cổ phiếu của doanh nghiệp xuống giá, ngân hàng mà doanh nghiệp đang vay lập tức phải tìm hiểu ngay về "sức khỏe" của doanh nghiệp, thậm chí có thể đình trệ hợp đồng tín dụng, gây nên rất nhiều đối tác có thể cũng bị ảnh hưởng đến hoạt động, tức là tin giả nhưng hậu quả rất thật.

Tác động của tin giả đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp rất khủng khiếp, nó có thể làm cho một doanh nghiệp có thể sụp đổ và đằng sau đấy là rất nhiều việc làm thương hiệu đã được tạo lập rất nhiều năm.

Chúng tôi thấy rằng, đây là vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn. Đã đến lúc chính quyền và các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc một cách tích cực.

“Nhưng có điều rất đáng tiếc ở Việt Nam là một số cơ quan, kể cả doanh nghiệp chưa thực sự có chiến lược truyền thông tốt, chưa thực sự cởi mở với báo chí, với truyền thông, chưa thực sự chủ động cung cấp thông tin về mình.”- ông  Tuấn chia sẻ.

Theo nhà báo, chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh, tương tác chính là mấu chốt của truyền thông hiện đại và phải chủ động tiếp cận người dân thì mới có thể xử lý tốt khủng hoảng truyền thông. Nguyên lý truyền thông trong thời đại số là tính minh bạch. Về mặt công nghệ, có thể đo lường được để biết sắp tới công chúng sẽ quan tâm tới gì, lo lắng vì tin đồn gì để từ đó chủ động thông tin trước.

Ông Vinh cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp không nên để công chúng tự đi tìm kiếm thông tin về vấn đề họ thắc mắc. Thay vào đó, cần chủ động đưa ra thông tin ngay khi đo lường được sức nóng vấn đề, như vậy mới tạo ra niềm tin ở công chúng.

Dưới góc nhìn của một luật sư, ông Nguyễn Danh Huế cho rằng, để giải quyết được tin giả cần nâng cao tinh thần thượng tôn pháp luật và đặc biệt là các cơ quan nhà nước, công chức, viên chức phải đi đầu làm gương, xây dựng xã hội thượng tôn pháp luật. Trong bối cảnh chung của đất nước ta là ý thức thượng tôn pháp luật của các tổ chức, cá nhân chưa cao, nếu không xây dựng được ý thức thượng tôn pháp luật từ cấp tiểu học, trung học thì không giải quyết được.

Cần khẳng định, tạo ra và lan truyền tin giả, tin sai sự thật là những hành vi vi phạm pháp luật. Đồng ý là mức chế tài phải nghiêm khắc hơn, nhưng luật sư Huế lưu ý, chế tài cần đặt trong bối cảnh cụ thể của nước ta và cần xử lý triệt để. Thêm vào đó, để ngăn chặn việc này, báo chí không thể đứng ngoài cuộc.

Đồng thời, từ phía doanh nghiệp, cần có sự chuẩn bị, chủ động về truyền thông, tránh khỏi tình thế “đi chữa bệnh hơn là phòng bệnh".

Luật sư Huế cũng đề nghị cần  sửa luật về bồi thường thiệt hại. Để doanh nghiệp chứng minh thiệt hại do tin giả, tin đồn gây ra là rất khó, đôi khi cần cả hóa đơn, chứng từ. Về quy trình tố tụng, đôi khi có những vụ rõ ràng nhưng quy trình kiện dân sự, xử sơ thẩm mất 1 năm, sau đó đương sự kháng cáo mất thêm 1 năm nữa, bản án không biết bao giờ mới thi hành được. Đây cũng là bất cập khiến nhiều doanh nghiệp bị thiệt hại về quyền lợi nhưng không dùng các công cụ pháp luật bảo vệ, bởi mất thời gian, tốn kém vật chất, hiệu quả không biết đến đâu.

Đồng tình rằng, thực trạng hiện nay những vụ kiện dân sự quá mất thời gian để theo đuổi, Trưởng Ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn đề xuất, có thể phải thay đổi, cải cách tư pháp, làm sao có những phiên xử rút gọn, nhanh, đúng với tinh thần giao dịch trên mạng hiện nay, bởi hiện nay một giao dịch trên mạng xã hội mất có vài giây trong khi chúng ta xét xử tranh chấp đến hàng năm...

 

Nguyễn Anh