Sau rằm tháng giêng, xoài xung quanh các triền núi Cô Tô, núi Dài lớn, núi Cấm… bắt đầu cho trái liên tục. Khác với lối canh tác truyền thống, nhà vườn Bảy Núi áp dụng phương pháp xử lý ra hoa trái vụ, nhất là đối với các loại giống mới.


Cây bản địa lạc hậu

Nhiều nhà vườn cho biết, trái xoài thanh ca vỏ dày, màu xanh lá cây đậm, ăn sống có vị chua và khi chín trở nên ngọt thanh. Đặc biệt, vận chuyển đường xa ít bị bầm giập, không xuống màu và bảo quản được dài ngày. “Xoài thanh ca Bảy Núi nổi tiếng xuất khẩu một thời, xe miền ngoài đổ vô tấp nập và mở điểm thu gom tại chỗ. Nhờ xoài thanh ca lên ngôi, nhà vườn kiếm ăn bộn” – ông Nguyễn Văn Sơn (xã Tân Lợi, Tịnh Biên) nhớ lại.

Xuất khẩu đi đâu thì không ai biết, nhưng người ta chỉ thấy xe tải biến số 77K, 78K… dạo quanh vùng Bảy Núi, không khí ngày mùa thu hoạch trở nên nhộn nhịp, nhất là dịp Tết âm lịch và tiết Thanh Minh hàng năm. Ông Nguyễn Văn Thanh (ấp Ô Tà Sóc, xã Lương Phi, Tri Tôn) cho hay, sau chiến dịch… xuất khẩu, xoài thanh ca miền núi lại gặp trở ngại lớn, là phải tiếp tục kích thích ra hoa và xử lý liều lượng ngày càng tăng, nếu không năng suất sẽ thấp và gặp thời tiết bất lợi cũng bị rắc rối. Cư dân gọi “thuốc lờn mặt thầy”, khiến sâu bệnh tấn công dữ dội hơn.

Khi người tiêu dùng ít ưa chuộng và thị trường cũng bị dội hàng, người lập vườn xoài lâu năm ở ven đồi Tà Pạ, núi Cô Tô, Ô Vàng – núi Dài… không còn hứng thú với chuyện kích thích ra hoa, vì thu nhập mất cân đối so với công sức đầu tư. Hiện tại, giá xoài thanh ca loại 1 dao động ở mức 7.000 đồng/kg, còn phổ biến là 3kg chỉ 10.00 đồng. “Giá sụt giảm một phần do rộ mùa, vả lại hương vị xoài thanh ca miền núi hổng còn như xưa. Có lẽ, người ta xử lý quá nhiều, xoài bản địa mất đi hương vị gốc, giống lại già cỗi” – ông Chau Đươne (thị trấn Tri Tôn) tỏ ra am hiểu.

Xoài giống mới lấn át

Bảy Núi có khoảng 2.500 héc-ta đất đồi, núi trồng xoài ghép bưởi, tạo ra nhiều tầng tán rừng phòng hộ, vừa đem lại thu nhập cho các chủ rừng. Từ phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, ông Lê Văn Đổng (vồ Đá Bạc – núi Dài lớn) trồng trên 30 công xoài, kết quả thu được rất khả quan, hơn hẳn xoài thanh ca bản địa. Đặc biệt, ông Đổng không xử lý kích thích, mà để cây ra hoa và kết trái tự nhiên mỗi năm một vụ. Không riêng gì ông Đổng, ngay cả những chủ vườn rừng cũng thừa nhận ưu thế nổi trội qua đặc tính sinh trưởng, năng suất và giá cả loại xoài giống mới này.

Những năm gần đây, xoài cát Hòa Lộc đổ bộ về Bảy Núi, với xu thế ngày càng phát triển. Khu vực Ô Tà Bang, núi Két… luôn chiếm vị thế đầu bảng về diện tích và sản lượng xoài. Còn vạt đất từ hồ Ô Tứk Sa đến Ba Xoài, Sóc Tức, Tà Lọt, bến Bà Chi… bạt ngàn xoài cát Hòa Lộc. Theo ước tính của cư dân Tà Lọt, mỗi mùa xoài ở bến Bà Chi (núi Dài lớn) cho khoảng 2.000 tấn trái, thời vụ không đồng nhất, cứ hết đợt này đến đợt khác nối tiếp quanh năm. Ông Lê Văn Tâm (Hương lộ 17B) cho rằng, năng suất còn “hên – xui” theo thời tiết và tay nghề xử lý của từng chủ vườn.

Sau mỗi đợt thu hoạch, nhà vườn tỉa cành, bón phân, rồi tiếp tục xử lý ra trái nghịch mùa nên lúc nào du khách vãn cảnh Bảy Núi cũng thấy xoài cát Hòa Lộc bán ven đường. Nhận được lợi ích, nhiều chủ vườn rừng còn đem xoài cát Hòa Lộc lên trồng trên vồ Đá Bạc, Ô Hồng Hoàng, Ô Tà Sóc, Thổ Phi (núi Dài lớn)… thay thế dần xoài thanh ca bản địa và xoài ghép bưởi. Ngành chuyên môn cũng hướng dẫn khâu chăm sóc, giữ tuổi thọ cây trồng và chất lượng hương vị trái, để mùa xoài vùng Bảy Núi thật sự phát huy lợi thế.


 “Mùa xoài Bảy Núi không chỉ có các bến: Ô Tà Sóc, Thổ Phi, Tà Lọt (núi Dài lớn), Ô Tứk Sa (núi Cấm), núi Két… trở nên nhộn nhịp kẻ mua người bán, mà hai bên đường Tỉnh lộ 948 (Nhà Bàng – An Hảo) và Quốc lộ 91 (An Phú) cũng có nhiều điểm phục vụ khách tham quan” .

 

Theo Báo An Giang